Trước thềm “Lưỡng hội”, quân đội bỗng nhiên lên tiếng bảo vệ Tập Cận Bình
Trước ngày diễn ra Lưỡng hội (2 cuộc họp thường niên của ĐCSTQ), đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) càng trở nên gay gắt hơn, nhiều quan lớn đã bị ‘ngã ngựa’, mà quân đội – vốn do Tập Cận Bình nắm quyền kiểm soát thì gần đây cũng xuất hiện những động thái khác thường.
Trước thềm Lưỡng hội, quân đội bỗng nhiên lên tiếng bảo vệ Tập Cận Bình
Vào ngày 15/5, tờ báo quân sự của ĐCSTQ đã đăng bài viết với tiêu đề “hun đúc lòng trung thành tuyệt đối, quyết tâm duy hộ giá trị nòng cốt”, trong đó nói rằng, các ủy viên Đại biểu quân đội trước ngày diễn ra Lưỡng hội đã thảo luận sôi nổi về việc thực hiện hệ thống trách nhiệm của Chủ tịch Quân ủy, tỏ thái độ “kiên quyết duy hộ hạch tâm, làm gương noi theo Tập Cận Bình” v.v.
Một tháng trước, vào ngày 12/4, Văn phòng Quân ủy Trung ương ĐCSTQ đã ban hành “ý kiến của đội công tác tuần tra quân đội”, trong đó cũng nhấn mạnh rằng, mục đích của việc tuần tra là để đạt được “hai duy hộ” và “thực hiện hệ thống trách nhiệm của Chủ tịch Quân ủy”.
Cho dù đó là “duy hộ hạch tâm” hay là “thực hiện hệ thống trách nhiệm của Chủ tịch Quân ủy” thì trên hết vẫn là duy hộ địa vị của Chủ tịch Quân ủy Tập Cận Bình.
Trong quá khứ, quân đội ĐCSTQ vẫn luôn bị kiểm soát bởi phe Giang Trạch Dân – phe đối lập với Tập Cận Bình. Giang Trạch Dân đã kiểm soát quân đội trong gần 20 năm. Dưới sự bao che và dung túng của ông ta, tham ô hủ bại thoải mái lộng hành trong quân đội ĐCSTQ.
Ngoài ra, để có thể kiểm soát quân đội lâu dài, việc thăng cấp các tướng lĩnh đã trở thành thủ đoạn để Giang Trạch Dân kéo bè kết phái trong quân đội. Thân tín của ông ta là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu đã mua chức bán quyền trong quân đội và đề bạt một lượng lớn sĩ quan cấp cao và một nhóm sĩ quan cấp sư đoàn.
5 năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tập Cận Bình, các hoạt động chống tham nhũng và ‘đả hổ diệt ruồi’ vẫn tiếp tục không ngừng, gây ra các cuộc phản công của kẻ thù chính trị, kèm theo các cuộc đảo chính và ám sát.
“Kẻ có dã tâm và âm mưu” đã trở thành một từ quen thuộc trong chốn quan trường, liên quan đến việc này chắc hẳn là gồm những người trong quân đội như Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, cùng với hai người thân tín là Phòng Phong Huy, Trương Dương và những người khác.
Kể từ đợt duyệt binh ở Bắc Kinh vào tháng 9/2015, cải cách quân đội cũng từng bước được thúc đẩy. Sau lần cải cách quân đội và tái tổ chức Quân ủy và phân chia chiến khu, Tập Cận Bình cũng trực tiếp sáp nhập Bộ đội cảnh sát vũ trang vào Quân ủy Trung ương ĐCSTQ dưới sự lãnh đạo của Quốc vụ viện, mà cảnh sát vũ trang đã từng tham gia vào một cuộc đảo chính khi Chu Vĩnh Khang vẫn còn nắm quyền.
Vào tháng 11/2017, Quân ủy Trung ương dưới sự kiểm soát của Tập Cận Bình lần đầu tiên ban hành một công văn yêu cầu toàn bộ quân đội thực hiện đầy đủ hệ thống trách nhiệm của Chủ tịch Quân ủy.
Tờ báo quân đội của ĐCSTQ đã từng đặc biệt đề cập rằng, sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ, quân đội đã bắt được “hổ lớn”, nguyên phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu đã bị buộc tội là phá hoại nghiêm trọng hệ thống trách nhiệm của Chủ tịch Quân ủy.
Mặc dù đang nắm trong tay quyền lực quân đội nhưng Tập Cận Bình vẫn luôn lo lắng về vấn đề lòng trung thành của quân đội.
Trong hội nghị quân đội lần đầu tiên sau Đại hội toàn quốc lần thứ 19 được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 26/10/2017, Tập Cận Bình đã đề xuất 6 “phải” cho quân đội, trong đó phải “trung thành và nghe theo chỉ huy” được đặt lên hàng đầu. Quân đội cũng đã nhiều lần hồi đáp lại để “Chủ tịch Tập Cận Bình yên tâm”.
Hoàng Đông, một nhà nghiên cứu quân sự thâm niên ở Macao, đã từng đăng một bình luận trên tờ “Apple Daily” của Hồng Kông nói rằng, mặc dù Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng và những “con hổ” khác uy hiếp sự kiểm soát trong quân đội đã bị loại bỏ, nhưng Tập Cận Bình vẫn không thực sự tin tưởng vào sự trung thành của quân đội, vì vậy đã dùng tham nhũng làm cái cớ để cải cách quân đội.
Vào ngày 15/5 năm nay, Diêu Thành, cựu trung tá Bộ Tư lệnh Hải quân ĐCSTQ nói với VOA rằng, sau khi các lãnh đạo mới của ĐCSTQ lên nhậm chức, họ sẽ lập tức thanh trừng các tay chân của người tiền nhiệm trong quân đội.
Sau khi Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2012, ông bắt đầu thanh trừng những thuộc hạ trong quân đội của Giang Trạch Dân và bắt được hàng trăm tướng lĩnh, bao gồm hai cựu phó chủ tịch Quân ủy là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, các Ủy viên Quân ủy như Phòng Phong Huy và Trương Dương, cựu Tư lệnh Không quân Điền Tu Tư, cựu tư lệnh Bộ đội Cảnh sát vũ trang Vương Kiến Bình, và cựu hiệu trưởng của Đại học quốc phòng Vương Hỉ Bân và bảy thượng tướng khác. Nhưng bây giờ các sĩ quan cao cấp trong quân đội của ĐCSTQ không còn đứng yên nữa mà tất cả bọn họ đều đang quan sát tình thế.
Diêu Thành nói, quân đội ĐCSTQ và Tập Cận Bình cũng không thực sự thân thiết với nhau. Trước đây các sĩ quan cấp cao bất mãn với việc Ủy ban kỷ luật trung ương bắt người, liền kêu gọi các cựu chiến binh bao vây Ủy ban kỷ luật trung ương. Các cựu chiến binh đều là do quân đội đưa vào và trong 1 đêm đã có 20.000 người tiến vào Bắc Kinh.
Từ ngày 22 tới ngày 24/2/2017, hàng chục ngàn cựu chiến binh từ khắp nơi trong cả nước bất chấp sự ngăn cản của các quan chức địa phương đã tập trung tại Bắc Kinh một lần nữa, tụ tập trước Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương để thỉnh nguyện và yêu cầu chính quyền giải quyết vấn đề cuộc sống cho họ.
Hàng loạt nhân vật then chốt đã bị ngã ngựa
Virus Vũ Hán vẫn đang tiếp tục lan rộng. Lưỡng hội năm nay cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vì vậy chính quyền ĐCSTQ bất đắc dĩ phải hoãn lại đến ngày 21/5. Cũng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh mà nền kinh tế Trung Quốc gần đây chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự chia rẽ của các quan chức cấp cao của ĐCSTQ càng tăng nhanh và cuộc đấu đá tranh giành quyền lực càng trở nên khốc liệt hơn. Ngoài những thông tin phản Tập được tung ra trên mạng, việc thanh tẩy quan trường thực chất vẫn luôn không ngừng diễn ra.
Vào ngày 19/4, Tôn Lực Quân, thứ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ đã ngã ngựa. Tôn Lực Quân đã từng là thư ký của Mạnh Kiến Trụ – cựu Bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật, là người thuộc phe Giang. Sau đó, Phó Chính Hoa, Bộ trưởng Tư pháp, cũng là người có mối liên hệ thâm sâu với phe Giang đã bị hạ bệ. Có tin tức trên mạng nói rằng, Mạnh Kiến Trụ đã bị bắt, còn Phó Chính Hoa bị giam lỏng, nhưng thông tin này vẫn chưa thể xác thực.
Vào ngày 12/5, Hồ Vấn Minh, Nguyên Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc, một doanh nghiệp công nghiệp quân sự cỡ lớn của ĐCSTQ đã bị ngã ngựa. Ông là đồng hương Dương Châu cùng với Giang Trạch Dân nên đã được Giang ưu ái cùng hưởng thụ giàu sang phú quý trong thời gian Giang nắm quyền. Trong thời gian Quách Bá Hùng đảm nhiệm chức phó chủ tịch Quân ủy ĐCSTQ và phụ trách Bộ Trang bị, Hồ Vấn Minh liên tiếp phụ trách bốn doanh nghiệp công nghiệp quân sự lớn của ĐCSTQ.
Vào ngày 10/5, Vương Xuân Ninh, Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh, vừa mới nhậm chức vẻn vẹn 4 tháng đã bị miễn nhiệm chức Thường ủy Thành ủy Bắc Kinh. Chức vụ của ông được thay thế bởi Trương Phàm Địch, nguyên là ủy viên chính trị của Quân đồn trú Bắc Kinh.
Trần Phá Không, một nhà bình luận nổi tiếng đã nói trong một chương trình truyền thông vào ngày 13/5 rằng, dường như đã xảy ra một việc lớn trong Quân đồn trú ở Bắc Kinh. Quân đồn trú Bắc Kinh do Vương Xuân Ninh kiểm soát là cấm quân bảo vệ thủ đô, Có 30.000 người trong Quân đồn trú bao gồm một sư đoàn và hai trung đoàn, lực lượng còn mạnh hơn cả Cục An ninh Trung ương, do đó việc Vương Xuân Ninh bất ngờ bị miễn nhiệm chức Thường vụ trước thềm Lưỡng hội, rõ ràng là Tập Cận Bình đã có sự nghi ngờ đối Vương.
Ngoài ra, phóng viên của tờ “Vision Times” nhận thấy rằng, Trung tướng Vương Thành Nam, cựu Bí thư Ủy ban Kỷ luật Thanh tra Không quân kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát, vào ngày 15/5 đã xác nhận rằng, ông đã từng đảm nhiệm chức phó Chính ủy chiến khu Trung Bộ và ủy viên chính trị Không quân chiến khu Trung Bộ. Chiến khu Trung Bộ cũng kiểm soát cả việc phòng ngự cho Bắc Kinh.
Sự thay đổi này cũng gây ra sự chú ý của ngoại giới vì quân đội ĐCSTQ gần đây đã phát động một cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài hai tháng rưỡi tại cảng Đường Sơn, Hà Bắc, có sự tham gia của chiến khu Trung Bộ.
Vào tháng 7/2019, Hoàng Hội Luân, nhân vật then chốt phụ trách phòng không của Trung Nam Hải và là Lữ trưởng của Lữ đoàn Không quân 81 đã chết một cách bí ẩn, tuy nhiên phía chính quyền không hề công bố tin tức gì, không rõ liệu cái chết của Hoàng Hội Luân có liên quan đến sự nguy hiểm của phòng không ở Trung Nam Hải hay không.
Người ta cũng suy đoán rằng Vương Thành Nam, nằm trong hàng ngũ kiểm tra kỷ luật, giữ chức phó Chính ủy của chiến khu Trung Bộ và là ủy viên chính trị Không quân chiến khu Trung Bộ, phải chăng là có nguyên nhân đặc biệt gì đó nên mới bị nghi ngờ.
Từ ngày 14/5, chính quyền ĐCSTQ đã bắt đầu tổ chức một cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật trên không, trên biển và đất liền với quy mô lớn ở Vịnh Bột Hải, dự kiến sẽ kéo dài hai tháng rưỡi, kết thúc vào cuối tháng 7. Dịch bệnh đã làm cho nền kinh tế Trung Quốc gặp phải thiệt hại chưa từng có, tuy nhiên, chính quyền Tập Cận Bình lại hao phí nhân lực, vật lực, tài lực khổng lồ trong cuộc tập trận quân sự, đó là vì điều gì?
Nhà bình luận Trần Phá Không cho rằng, Tập Cận Bình đã huy động cuộc tập trận quân sự với 4 mục đích: Đe dọa Đài Loan, khiêu chiến Hoa Kỳ, đề phòng Nga và Triều Tiên, răn đe các đối thủ chính trị trong nội bộ Đảng. Nhưng chấn nhiếp và đối phó với kẻ thù chính trị trong nội bộ Đảng mới là mục tiêu chính của cuộc tập trận quân sự này.
Trần Phá Không nói rằng, trong thời gian này, từ Bộ Công an đến Bộ Tư pháp, từ Quân đồn trú Bắc Kinh đến Bộ công nghiệp quân sự, liên tục có những thông tin như tiết lộ bí mật quân sự, tạo phản và đảo chính được truyền ra, Tập Cận Bình cũng thường xuyên rời Bắc Kinh để ra bên ngoài, điều đó bộc lộ rõ ràng sự lo lắng và bất an của ông.
Tập Cận Bình tổ chức một cuộc tập trận quân sự lớn như vậy là để muốn nói rằng ông đang kiểm soát sức mạnh quân sự, dù bất đồng lớn trong nội bộ Đảng, nhưng ông có thể mượn sức mạnh quân sự mà ông kiểm soát để áp chế những thế lực đối địch.
Tập Cận Bình đã chọn Vịnh Bột Hải để kiểm soát Bắc Kinh, Thiên Tân, Đường Sơn và khu vực Bắc Đới Hà. Dù ở Bắc Kinh hay Bắc Đới Hà, nếu trong nội bộ Đảng có biến, xảy ra tranh chấp chính trị hoặc đảo chính thì Tập Cận Bình có thể sử dụng các biện pháp quân sự, nó thực ra cũng chính là thủ đoạn đảo chính, cưỡng chế giải quyết các vấn đề chính trị hoặc tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng.
Minh Huy (Theo Secretchina)