Chuyên gia phân tích: Giang Trạch Dân hiện đang bị giam lỏng ở Tam Á, Hải Nam
Gần đây, một người trong nội bộ ĐCSTQ tiết lộ, Giang Trạch Dân hiện đang bị quản thúc tại Tam Á, Hải Nam. Tin tức khá quan trọng, nhưng không có thêm thông tin chi tiết nào được tiết lộ. Phân tích tình hình hiện tại ở Trung Quốc trong giai đoạn gần đây, tin tức này đáng để suy ngẫm. Trên mạng từng lan truyền tin đồn rằng Giang có một biệt thự ở Hải Nam, vì vậy có khả năng Gang bị quản thúc tại gia.
Chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ vừa qua được cho là liên tục chĩa mũi nhọn vào Giang Trạch Dân. Nhưng ngay cả khi các quan chức lớn nhỏ của phe Giang, do Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng cầm đầu lần lượt bị ngã ngựa, nhưng Giang Trạch Dân vẫn không bị “mất một sợi lông chân nào”. Nguyên nhân rốt cuộc là vì Giang có “lực cản” lớn, hay là Tập vốn dĩ không có ý định “động chạm” đến Giang?
Vào thời điểm này, một số người có thể nói: “Với một ông lão gần 94 tuổi như Giang Trạch Dân, Tập vẫn phải quản thúc ông ta sao?”. Thế nhưng, điều đó cũng không hoàn toàn đúng. Mặc dù sau khi Tập xưng vị thế “độc tôn”, bề ngoài tỏ ra không coi Giang Trạch Dân ra gì, năm mới đều chỉ qua “hỏi thăm” một lần, nhưng mỗi lần Tập đối mặt với nguy cơ đấu đá quyền lực trong nội bộ Đảng, hoặc xảy ra những sự kiện như đảo chính, thì Giang cùng “quân sư quạt mo” Tăng Khánh Hồng lại được “xướng tên”.
Điều này là vì Giang, Tăng một khi chưa bị trừ “tận gốc” thì vẫn mãi sẽ là “lá cờ đầu” phản lại Tập. Gần đây có người tự xưng là gia tộc Đặng Tiểu Bình để nhắm vào Tập Cận Bình, nhưng chúng ta không biết chắc rằng rốt cuộc có thế lực của Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng nhúng tay vào hay không. Người của phái Giang như Hàn Chính, bây giờ như đang ngấm ngầm mai phục, là cái “gai” canh cánh trong lòng Tập Cận Bình.
Dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát từ Trung Quốc vào cuối năm ngoái không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế và cuộc sống của người dân Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến chính trị Trung Quốc. Vì vấn đề che giấu dịch bệnh, nên Tập Cận Bình không chỉ phải đối diện với sự chỉ trích, đòi truy cứu trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, mà còn phải đối mắt với sự bất mãn ở trong nước (mặc dù đã ra sức đàn áp cưỡng chế để duy trì sự ổn định, nhưng có những người không sợ chết, chẳng hạn như gần đây học giả Trương Tuyết Trung đã yêu cầu một hiến pháp dân chủ). Thách thức của kẻ thù chính trị trong nội Đảng thậm chí còn nguy hiểm gấp bội. Bây giờ sáu thành viên ủy ban thường trực còn lại có vẻ “im lặng”, điều đó không có nghĩa là giới chức sắc cao cấp không có tranh đấu, sự tranh đấu này chắc chắn có liên quan đến giới chức sắc cấp cao tiền nhiệm.
Một mặt, trong khoảng thời gian ngắn trở lại đây, thông qua các hình thức bóng gió, “lăng xê” trên mạng internet, một cuộc chiến âm ỉ đang ra lan ra bên ngoài phạm vi Trung Nam Hải. Từ việc “Hồng nhị đại” Nhậm Chí Cường bị điều tra vì đăng bài viết chỉ trích Tập, cho đến “Hồng nhị đại” Trần Bình chia sẻ bức thư đả đảo Tập ẩn danh, rồi đến bức thư được ký tên Tập Viễn Bình (em trai Tập Cận Bình), bức thư phản Tập của Đặng Phác Phương gửi cho đại biểu “Lưỡng hội”, tất cả đều thật giả lẫn lộn, và có liên quan đến sự từ chức của Tập Cận Bình. Những lực lượng nào tham gia vào “mớ bòng bong” này? Liệu có ai ngồi trên núi ngắm hổ đánh nhau không?
Mặt khác, trước khi “Lưỡng hội” được tổ chức vào nửa cuối tháng này, dường như Tập Cận Bình đang trong một tư thế sẵn sàng để thanh tẩy hệ thống chính trị và pháp luật. Vào ngày 19/4, Tôn Lực Quân, người đứng đầu Cục An ninh Quốc gia của ĐCSTQ, kiêm thứ trưởng Bộ Công an, đã bị “ngã ngựa”; thân tín của Tập là Vương Tiểu Hồng đang quản lý Cục Mật vụ, rất có khả năng được bổ nhiệm thêm chức Bộ trưởng Bộ Công An.
Tiếp theo, Phó Chính Hoa, cựu lãnh đạo Bộ Công An, sau đó là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cũng bị cách chức, còn người được thăng chức lại là Đường Nhất Quân – một thân tín khác của Tập, còn chức Phó Viện trưởng Tòa án thường trực tối cao nghe nói là do nữ tướng Hạ Vinh – người được Tập rất coi trọng đảm nhiệm, vì thế viện trưởng Chu Cường cũng đang trong tình trạng nguy hiểm.
Đã có nhiều tin đồn rằng Mạnh Kiến Trụ, cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật đã bị bắt và Phó Chính Hoa bị quản thúc tại gia. Dù điều đó có đúng hay không thì vẫn phải chờ quan sát thêm. Ít nhất, cả hai người này đến nay đều không xuất hiện để “bác bỏ tin đồn”. Cho dù Tôn Lực Quân, Phó Chính Hoa hay Mạnh Kiến Trụ, tất cả đều được coi là người của Giang Trạch Dân.
Có tin đồn rằng, các thành viên gia đình các quan chức cấp cao của ĐCSTQ và các cựu thành viên của Bộ Chính trị, những lực lượng chủ yếu chống lại Tập, đều được “bảo vệ đặc biệt”. Trong một bức thư ngỏ mà Đặng Phác Phương gửi cho đại diện của “Lưỡng hội”, ông cũng chất vấn: “Để ngăn các lão đồng chí đề xuất triển khai phong trào tập thể để triệu tập một cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị, chính quyền trung ương thực sự đã sử dụng quân đội và cảnh sát để tăng cường ‘bảo vệ đặc biệt’ với các lão đồng chí và các quan chức chính phủ và quân đội đương nhiệm. Cái gọi là ‘bảo vệ đặc biệt’, trên thực tế là hạn chế giao tiếp, hạn chế tự do đi lại, hạn chế khách đến thăm, đây là hành vi gì vậy? Ai cho ông ta quyền lực này?”.
Cho dù bức thư này vẫn chưa xác nhận được có phải do Đặng Phác Phương viết hay không, nhưng nhiều nhà quan sát ngoại giới cho rằng, “15 câu hỏi” được đề cập trong bức thư, câu nào câu nấy đều “nói trúng tim đen”, phù hợp với sự thực chính trị.
Trong hoàn cảnh chính sách “ngoại giao chiến lang” của ĐCSTQ thất bại và áp lực quốc tế về trách nhiệm giải trình đối với dịch bệnh lớn nhất từ trước đến nay, nội bộ Đảng lại có người “bức cung”, rõ ràng Tập Cận Bình đang rất lo lắng.
Khi đã làm chủ được sức mạnh quân sự và nắm quyền kiểm soát của cảnh sát vũ trang, Tập đang thanh tẩy hệ thống chính trị và pháp luật “cộm cán”, đồng thời sẽ tăng thêm sức mạnh cho “thuộc hạ”, thắt chặt kiểm soát đối với các “lão đại” của Đảng, để ổn định tình hình chính trị, nước cờ này là khó tránh.
Do đó, tác giả tin rằng rất có khả năng Tập sẽ tiếp tục áp đặt việc quản thúc tại gia đối với “bô lão” Giang Trạch Dân. Thử nghĩ, năm đó Triệu Tử Dương ủng hộ phong trào “Lục Tứ” và rất được lòng dân, nhưng lại bị Giang Trạch Dân quản thúc tại gia đến chết. Nếu Tập cũng đối xử với Giang như vậy, chẳng phải là quả báo sao? Nhưng Giang Trạch Dân có thể phải đối mặt với một sự thanh trừng khủng khiếp hơn, bởi vì thời cục vẫn đang tiến triển.
Tra cứu trên mạng cho thấy, lần xuất hiện cuối cùng của Giang, là trong nghi thức duyệt binh được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 1/10/2019 để kỷ niệm 70 năm thành lập ĐCSTQ, lúc đó Giang Trạch Dân 93 tuổi xuất hiện trên Tháp Thiên An Môn. Các phương tiện truyền thông Đài Loan đưa tin rằng Giang Trạch Dân đã kiệt sức, và ngay cả khi hình ảnh của ông được đưa lên phía trước, ông chỉ có thể co quắp ngồi trên xe lăn, mặt mày nhăn nhó.
Trong những năm gần đây, thỉnh thoảng lại có tin đồn Giang Trạch Dân mắc bệnh hiểm nghèo và thậm chí có tin “đã chết”, nhưng cuối cùng lại “chết đi sống lại”. Liệu Giang Trạch Dân có bỏ mạng trong thời gian bị quản thúc tại gia này?
Tuy nhiên, cái chết của Giang quả thực không bì được với việc Tập Cận Bình chiến thắng Giang Trạch Dân. Tác động chính trị giống như sóng thần của nó thậm chí có thể mang đến một cơ hội để mở ra một sự chuyển đổi chính trị hòa bình ở Trung Quốc. Tất nhiên, với một Tập diện mạo như hôm nay, quả thực cũng không phải ôm mộng tưởng, sự biến động ở Trung Quốc là số trời đã định.
Tác giả: Trịnh Trung Nguyên
Gia Hưng (Theo Secretchina)
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của BBT TinhHoa.Net)