Cảnh vệ Trung Nam Hải: Tình hình chính trị căng thẳng, lãnh đạo hiếm khi dám bước ra ngoài
Trong thời kỳ đại dịch virus Vũ Hán hoành hành, tình hình chính trị ở Bắc Kinh ngày càng trở nên kỳ quái. Một cựu vệ sĩ của Trung Nam Hải gần đây đã tiết lộ câu “chuyện bên trong” của giới quan chức cấp cao Trung Nam Hải. Ông nói rằng bầu không khí hiện tại ở Trung Nam Hải rất căng thẳng, chỉ một vài người cũng có thể “lật ngược” thế cờ, vì vậy các nhà lãnh đạo hiếm khi ra ngoài chạy bộ.
Cựu cảnh vệ Trung Nam Hải với “nickname” là “@henglixiaoge” gần đây đã tiết lộ với hãng truyền thông tư nhân “Luther News Agency” rằng, Cục Cảnh vệ trung ương có vài đơn vị, nhiệm vụ chính là bảo vệ sự an toàn cho lãnh đạo. “Chúng tôi đều phải ký các thỏa thuận bảo mật, vì những gì chúng tôi tiếp xúc đều là các tài liệu tuyệt mật, không cho phép người ngoài tham gia”.
Người ngoài thường thấy có lính gác làm nhiệm vụ ở phạm vi bên ngoài, chủ yếu là bảo vệ các văn phòng thường trú, văn phòng làm việc và các địa điểm nghỉ dưỡng của các Uỷ viên thường vụ đẳng cấp VIP. Súng giắt trên quân phục của họ đều không có đạn, và đạn đều được đặt trong doanh trại để đề phòng bất trắc, còn những việc như là bảo vệ sự an toàn của Ủy viên ban chấp hành trung ương, là thuộc về cảnh sát vũ trang.
Nhạy cảm nhất là “Sở Cảnh vệ” tức là “vệ sĩ của Trung Nam Hải” mà ngoại giới thường nhắc đến. Ông nói rằng các vệ sĩ của Sở Cảnh vệ sống trực tiếp tại nhà của lãnh đạo, luôn theo sát như “hình với bóng”, các nhà lãnh đạo ra nước ngoài thì vệ sĩ cũng phải ra nước ngoài.
““@henglixiaoge” nói, trước đó khi “Tứ nhân bang” bị bắt, đầu tiên giám đốc Cục Cảnh vệ Vương Đông Hưng đã viện lý do để mời họ đến dự cuộc họp. Cục Cảnh vệ đã dùng Đội Cảm tử, chia làm 4 nhóm, mỗi nhóm 3 người tiến vào, lần lượt bắt hết người của Tứ nhân bang, tình hình hiện tại rất dễ sẽ tái diễn.
Mặc dù lãnh đạo trung ương ngày ngày ở cùng với Cục Cảnh vệ, mức độ bảo mật cũng tương đối cao, nhưng “những người bên cạnh lãnh đạo là những người gần gũi nhất, cũng là người gặp nguy hiểm nhất”.
Ông nói rằng bầu không khí ở Trung Nam hiện đang rất căng thẳng. Trước kia lãnh đạo còn ra ngoài chạy bộ, người của Sở Cảnh vệ phải luôn bám sát bên cạnh. Nhưng bây giờ điều đó rất nguy hiểm, chỉ một vài người là có thể “lật ngược” toàn bộ chế độ, vì vậy các lãnh đạo giờ cũng hiếm khi ra ngoài chạy bộ.
Tin tức tiết lộ không giải thích lý do khiến Trung Nam Hải căng thẳng. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, chính quyền ĐCSTQ đang lâm vào thời khắc khốn đốn cả trong và ngoài nước.
Về mặt đối ngoại, chính sách “Ngoại giao chiến lang” của ĐCSTQ thất bại thảm hại, phong trào yêu cầu đòi ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về dịch bệnh của cộng đồng cuộc tế ngày càng dâng cao; về mặt đối nội, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh dồn dập nổi lên khắp các địa phương, áp lực kinh tế là chưa từng có, cuộc đấu đá giữa các phe cánh của ĐCSTQ ngày càng khốc liệt.
Dân chúng thuộc mọi tầng lớp thi nhau “bóng gió”, thổi phồng cường điệu sự việc thông qua Internet. Một trận chiến âm thầm đã được phát động ở bên ngoài Trung Nam Hải. Từ “Hồng nhị đại” Nhậm Chí Cường đăng bài chỉ trích Tập bị điều tra, cho đến “Hồng nhị đại” Trần Bình chuyển tiếp thư ngỏ kêu gọi Tập từ chức. Sau đó lại xuất hiện bức thư ngỏ phản Tập được ký tên “Đặng Phác Phương”, thật giả lẫn lộn, tất cả đều liên quan đến việc Tập từ chức hay không từ chức.
Đồng thời, cũng có tin tức cho hay, gia quyến của các quan chức cao cấp – cựu ủy viên Bộ Chính trị và của các lực lượng “Hồng nhị đại” chủ chốt phản Tập, đều bị “bảo hộ đặc biệt”.
Một bức thư ngỏ được ký tên “Đặng Phác Phương” cũng tiết lộ rằng, để ngăn chặn các cựu lãnh đạo dấy lên phong trào tập thể nhằm đề xuất triệu tập một cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị, trung ương đã cử quân đội và cảnh sát tăng cường “bảo hộ đặc biệt” các cựu lãnh đạo và các quan chức của Đảng, chính phủ và quân đội đương nhiệm, họ bị hạn chế thông tin, hạn chế hành động tự do, hạn chế khách đến thăm.
Một số nhà phân tích tin rằng, dưới tình thế tiến thoái lưỡng nan chưa từng thấy của áp lực quốc tế về trách nhiệm đối với dịch bệnh, nội bộ ĐCSTQ lại có người “bức vua thoái vị”, Tập Cận Bình ắt hẳn sẽ ra tay trước để chiếm ưu thế, thắt chặt kiểm soát đối với các phe phái trong nội bộ Đảng, nhằm duy trì sự ổn định chính trị.
Trước thềm “Lưỡng hội”, hệ thống chính trị và pháp luật của ĐCSTQ đã trải qua một cuộc “đại thanh tẩy”, và những thay đổi liên tục ở cấp cao nhất của quân đội quốc phòng Bắc Kinh cũng đã thu hút sự chú ý của công chúng.
Tôn Lực Quân, người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia ĐCSTQ “ngã ngựa” vào ngày 19/4; ngày hôm sau, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phó Chính Hoa cũng bị cách chức; cùng lúc đó, Vương Xuân Ninh, chỉ huy quân đồn trú Bắc Kinh, bất ngờ bị khai trừ khỏi Ủy ban thành phố Bắc Kinh. Một loạt các biến cố nhân sự ở trên đã làm nổi bật không khí căng thẳng ở Trung Nam Hải.
Một số phương tiện truyền thông Mỹ tiết lộ rằng, chính quyền đã điều động nhân lực của cục Cảnh vệ trung ương ĐCSTQ, bắt giữ Tôn Lực Quân và những người khác vào lúc nửa đêm. Người trong nội bộ ĐCSTQ tiết lộ với Epoch Times rằng, Tôn là người của phái Giang, cũng chính là thế lực “phản Tập”. Tôn bị “ngã ngựa” là vì Tập muốn trừ khử mối hiểm họa tiềm ẩn bên cạnh mình.
Trong lúc “Lưỡng hội” được triển khai, một đoạn video cho thấy, trên chuyến tàu từ Thừa Đức, Hà Bắc đến Bắc Kinh có chở một số lượng lớn xe tăng, pháo binh và xe quân sự tiến vào Bắc Kinh, khiến nhiều người suy đoán rằng Bắc Kinh lại xảy ra chuyện? Phải chăng là có một cuộc “đảo chính quân sự”?
Ngoài ra, một cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật trên không, trên đất liền và biển quy mô lớn kéo dài hai tháng rưỡi do chính quyền Bắc Kinh huy động vào giữa tháng 5, đã được tiến hành ở Vịnh Bột Hải. Về vấn đề này, nhà bình luận Trần Phá Không cho rằng, mục tiêu chính của cuộc tập trận quy mô lớn của Tập Cận Bình là để răn đe và đối phó với những kẻ thù chính trị nội bộ trong Đảng.
Gia Hưng (Theo NTDTV)