Vế sau của câu “Trên đầu ba thước có thần linh” ẩn chứa hàm nghĩa thâm sâu ít người biết
Người xưa có câu “Cử đầu tam xích hữu thần minh” nghĩa là “Trên đầu ba thước có thần linh.” Ngụ ý rằng con người dù làm gì cũng có Thần Phật bên trên đang quan sát. Ngoài ra còn có một vế sau nữa, đó là “Bất uý nhân tri uý kỷ tri”, tuy nhiên câu nói này lại không được nhiều người biết đến.
Thực ra trong câu “Cử đầu tam xích hữu thần minh”, chữ “Cử” có nghĩa là “hướng lên trên”, bởi vì nơi thờ phụng thần linh luôn được đặt ở trên bàn thờ nên người ta thường “hướng lên trên” để khấu bái và cảm tạ Thần linh.
Nguyên lai ý nghĩa của câu nói trên là chỗ thờ phụng Thần linh được đặt trên bàn thờ cách mặt đất ba thước và các vị Thần đang dõi theo cuộc sống của con người tại nhân thế. Đối với những người có tâm thành kính cầu nguyện và thờ phụng, Thần linh sẽ triển hiện để giúp đỡ và chỉ đường cho họ.
Về sau câu nói đó cũng được mở rộng ra với hàm nghĩa là: Bất luận là con người đang ở đâu và làm gì, Thần linh ở trên đầu ba thước đều thấy rất rõ ràng. Do đó con người không nên nghĩ rằng mình làm điều xấu mà không ai nhìn thấy. Câu nói này có hàm ý muốn khuyên răn con người tránh làm điều gian ác, và phải cố gắng tích đức hành thiện thì Thần Phật mới bảo hộ họ tai qua nạn khỏi.
Sau này lại có câu “Đài đầu tam xích hữu thần linh”, nghĩa là “Ngẩng đầu ba thước có thần linh”, cũng mang hàm nghĩa tương tự. Câu nói này còn có ý nghĩa rằng Thần linh có rất nhiều, không nơi nào là không tồn tại.
Nhiều người chỉ biết đến câu “Cử đầu tam xích hữu thần minh”, nhưng lại không biết rằng sau đó còn có một vế sau cũng rất ý nghĩa, đó là: “Bất uý nhân tri uý kỷ tri”, nghĩa là “không sợ người biết chỉ sợ bản thân ta biết.” Câu nói này bắt nguồn từ một bài thơ, và cũng có một điển cố đi kèm.
Trong những năm Ung Chính, triều đại nhà Thanh, có một người tên là Diệp Tồn Nhân, ông đã làm quan hơn 30 năm và là người thanh liêm chính trực. Khi từ quan, các quan chức cấp dưới muốn cắt cử một chiếc thuyền đến để đưa tiễn ông, nhưng thuyền lại chậm trễ mãi không tới.
Mãi đến khi mặt trăng treo trên cao, mới thấy xuất hiện một chiếc thuyền nhỏ. Thì ra các quan chức đã chuẩn bị một món quà chia tay, và cố tình chờ đến đêm mới tặng nhằm tránh né tai mắt của mọi người.
Tình cảm chia tay khó lòng từ chối, nhưng quà cáp thì không thể nhận, Diệp Tồn Nhân mới làm thơ viết:
“Nguyệt bạch phong thanh dạ bán thì,
Biển chu tương tống cố trì trì.
Cảm quân tình trùng hoàn quân tặng,
Bất uý nhân tri uý kỷ tri.”
Tạm dịch nghĩa:
“Trăng thanh, gió mát lúc nửa đêm,
Thuyền nhỏ tiễn đưa cố đến chậm,
Mang theo tình nặng và quà biếu,
Không sợ người biết, sợ mình biết.”
Câu “Bất uý nhân tri uý kỷ tri” mang hàm nghĩa rất sâu sắc. Một chiếc thuyền cô quạnh đang trôi trên sông, dưới ánh trăng đêm tịch mịch, có thể tránh được tai mắt của mọi người, có thể che đậy cái ác ẩn giấu, nhưng không thể né tránh hoặc che đậy lương tâm của chính mình.
“Bất uý nhân tri uý kỷ tri” đã thể hiện được cảnh giới và phẩm hạnh trong việc làm người của Diệp Tồn Nhân, đồng thời cũng cho thấy cách đối nhân xử thế, hành sự và thái độ làm quan của các sĩ đại phu thời Trung Quốc cổ đại.
Diệp Tồn Nhân không từ chối một cách nghiêm khắc, tuy nhiên ông đã khéo léo dùng một bài thơ để khuyên răn mọi người, làm người phải có lương tâm, không làm việc hổ thẹn với lòng mình, phải luôn giữ vững thái độ thanh liêm và không nhận hối lộ. Tấm lòng ngay chính của ông đã khiến người tặng quà ngại ngùng không còn muốn cưỡng ép nữa.
Tương ứng với câu “Cử đầu tam xích hữu thần minh, Bất uý nhân tri uý kỷ tri”, còn có một câu chuyện liên quan đến câu “Thiên tri, địa tri, ngã tri, nhĩ tri, hà vị vô tri.” (Trời biết, đất biết, ngươi biết, ta biết, sao lại bảo là không ai biết?)
Chuyện kể rằng, Dương Chấn triều Đông Hán, là một người gốc huyện Hoa Âm, quận Hoằng Nông. Khi còn trẻ ông rất hiếu học lại đọc nhiều sách vở thánh hiền nên được mọi người tôn là “Quan tây Khổng Tử”.
Sau đó đại tướng quân Đặng Chất nghe nói đến sự hiền tài của ông, đã gắng sức tiến cử ông làm tú tài, trong những năm đầu của triều Đông Hán ông giữ chức Thứ sử, Thái thú, câu chuyện này xảy ra khi ông đang đảm nhiệm chức Đông lai Thái thú.
Một lần Dương Chấn đi qua Xương Ấp, viên quan Vương Mật – Huyện lệnh của Xương Ấp vốn là môn đệ của ông. Vương Mật vì muốn cảm tạ ân tình Dương Chấn đã đề bạt mình năm xưa, buổi tối bèn mang theo “5 cân vàng” đến để báo đáp.
Dương Chấn nói: “Tôi rất hiểu ông, sao ông lại chẳng hiểu tôi chút nào vậy?”
Vương Mật nói: “Chuyện tôi tặng vàng cho ông, đêm hôm khuya khoắt không ai biết cả.
Dương Chấn đáp: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao ông nói là không ai biết?”
Vương Mật vô cùng xấu hổ, đành mang vàng rời đi.
Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, mọi người nhấn mạnh “thận độc”, nghĩa là phải thận trọng dù cho đang ở một mình; và “bất khi ám thất” nghĩa là giữ mình nghiêm cẩn ngay cả khi trời tối vắng.
Mặc dù ở nơi không ai biết, nhưng vẫn phải giữ vững phẩm hạnh, giữ vững tiết tháo, tuân thủ các quy phạm đạo đức mà ông trời đã ban cho con người, bởi vì luôn có Thần linh cùng ông trời đều đang theo dõi những việc chúng ta làm.
“Trên đầu ba thước có thần linh” chính là lời nhắc nhở con người khi sống phải biết kính sợ Thần linh, phải luôn biết rằng Thần Phật và trời cao đang theo dõi nhất tư nhất niệm, từng hành động và cử chỉ của bản thân mỗi người.
“Không sợ người biết chỉ sợ bản thân ta biết” chính là tinh thần tự giữ mình, có thể dùng “tâm pháp” để tiết chế và câu thúc bản thân, giữ bản thân luôn luôn trong sạch.
Từ cổ chí kim, một khi lễ giáo và đạo đức trong xã hội loài người tụt dốc và càng lúc càng bại hoại, thì dịch bệnh và tai ương sẽ đều lũ lượt kéo đến.
Câu châm ngôn, tục ngữ “Trên đầu ba thước có thần linh”, “Không sợ người biết chỉ sợ bản thân ta biết” chính là trí tuệ, là kho tàng quý báu mà người xưa để lại cho thế hệ sau, răn dạy mọi người phải biết tuân theo các chuẩn tắc làm người. Những người luôn giữ vững chuẩn tắc sẽ có thể kiên trì vượt qua mọi khổ nạn, bước tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Thảo Nguyên (Theo NTDTV)