Tào Tháo viết cho Gia Cát Lượng bức thư 11 chữ ẩn chứa huyền cơ
Tào Tháo và Gia Cát Lượng là hai nhân vật chủ chốt thuộc hai trận địa đối lập trong thời đại Tam Quốc. Một người là quân vương khai quốc của nước Ngụy, còn người kia là Thừa tướng của nước Thục. Trong sách sử có ghi chép, Tào Tháo đã từng viết một bức thư cho Gia Cát Lượng, trong đó chỉ có vỏn vẹn 11 chữ nhưng lại chứa hàm ý thâm sâu.
Sau khi Lưu Bị đánh chiếm Ích Châu và Hán Trung, Tào Tháo đã viết cho Gia Cát Lượng một phong thư. Trong “Ngụy Vũ Đế tập. Dữ Gia Cát Lượng thư” có chép, bức thư mà Tào Tháo gửi chỉ có 11 chữ, trong đó viết: “Kim phụng kê thiệt hương ngũ cân, dĩ biểu vi ý”.
Được biết, “Kê thiệt hương” hay còn gọi là đinh hương, là một loại hương liệu rất có giá trị. Đinh hương có tác dụng chống mưng mủ, sát trùng, rất hữu hiệu trong điều trị vết bỏng và các bệnh về răng miệng.
Trong lịch sử, nơi duy nhất trồng được đinh hương chỉ có ở Indonesia. Đinh hương mà Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu và các khu vực Trung Đông sử dụng đều đến từ Indonesia. Do đó, ở Trung Quốc cổ đại, Đinh hương là bảo vật còn đắt hơn cả vàng.
Có một phân tích cho rằng, Tào Tháo tặng “Kê thiệt hương” cho Gia Cát Lượng là để bày tỏ thành ý, muốn mời Gia Cát Lượng về phục dưới trướng của mình. Vì “Kê thiệt hương” có liên quan đến chế độ quan lại của thời nhà Hán.
Trong “Hán Quan Nghi” có viết: “Thượng thư lang hàm kê thiệt hương, phục kỳ hạ tấu sự.” Ý nói rằng khi Thượng thư cần có việc tấu lên Hoàng đế, thì trong miệng phải ngậm “Kê thiệt hương”.
Vào thời điểm đó, Tào Tháo được cho là người nắm quyền thiên tử sai khiến chư hầu, với danh nghĩa là người đại diện cho triều đại Đông Hán. Vì vậy, mục đích của Tào Tháo là muốn “mời chào” Gia Cát Lượng về làm việc cho mình.
Trong thời Tam Quốc cũng có những chuyện tương tự như vậy. Tào Tháo đã nghe về danh tiếng của Thái Sử Từ và gửi cho Thái Sử Từ một ít Đương quy, hy vọng rằng Thái Sử Từ sẽ quy hàng mình.
Lại có một phân tích cho rằng, Tào Tháo cả đời kính trọng nhân tài, và có tình cảm trân quý đối với một bậc kỳ tài có một không hai như Gia Cát Lượng. Ông cố ý tặng Gia Cát Lượng “Kê thiệt hương” là để bày tỏ sự kính phục.
Một chữ “Nghĩa” trong “Tam quốc diễn nghĩa” xuyên suốt thiên cổ
“Tam quốc diễn nghĩa” là một trong “Tứ đại danh tác”, chỉ bốn tác phẩm văn học cổ điển được cho là danh tiếng nhất trong thời Trung Quốc cổ đại. Thông qua việc miêu tả một triều đại với ba thế lực giao tranh với nhau, đã thể hiện đầy đủ nội hàm và tầng văn hóa sâu sắc của “Nghĩa” trong văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Trên thực tế, tựa đề cuốn sách là “Tam quốc diễn nghĩa” cũng đã tiết lộ được điều đó. “Diễn nghĩa” chính là “diễn” ra cái “nghĩa”.
Mặc dù “Tam quốc diễn nghĩa” được người đời ca tụng là một tác phẩm với đầy những mưu kế chiến lược hấp dẫn. Như Gia Cát Lượng, Tào Tháo, Chu Du, Tư Mã Ý, Lục Tốn, Khương Du, v.v đều là những nhà “thần cơ diệu toán”, quỷ không biết thần không hay.
Nhưng những gì cuốn sách muốn bày tỏ không chỉ dừng lại ở đó, đọc thật kỹ tác phẩm sẽ thấy rằng những hỉ nộ ái ố, trung hiếu, phản nghịch của các nhân vật trong sách đều xoay quanh nội hàm của chữ “nghĩa”.
Cuốn sách miêu tả rất cặn kẽ về chữ “nghĩa”, ví dụ như Từ Thứ, người tại Tào doanh không mở miệng nói một lời, mà chỉ gửi một bức thư đã cứu được Triệu Vân, cũng thể hiện ân nghĩa với Lưu Bị.
Còn việc Tào Tháo khóc tang Viên Thiệu, cũng cho thấy kẻ “Gian hùng” đối với chữ “nghĩa” cũng rất có hiểu biết. Mạnh Hoạch vì cảm động trước ân tình “bảy lần bắt bảy lần tha” mà quy thuận, một phần cũng là do phục cái “nghĩa” này của Gia Cát Lượng.
Còn Quan Vũ với khí phách hiên ngang, đã “diễn” được chữ “nghĩa” một cách trọn vẹn nhất. Tào Tháo cứ ba ngày một tiệc nhỏ, 5 ngày một tiệc lớn, tặng cho ông ngựa Xích thố, phong chức Đình hầu, cũng không làm thay đổi ý định đi tìm lại huynh đệ của Quan Vũ.
Đối với ân huệ của Tào Tháo, Quan Vũ cho rằng chưa báo được ân huệ nên chưa rời đi đã thể hiện được bản sắc của kẻ “nghĩa” như ông. Vì tìm huynh đệ mà “qua năm ải, chém sáu tướng”, “một mình cưỡi ngựa vượt nghìn dặm”. “Nghĩa” đến như vậy, khiến trời đất chấn động, quỷ thần khiếp sợ.
Tào Tháo bại trên “con đường Hoa Dung”, Quan Vũ đại “nghĩa” tha mạng cho Tào Tháo, khiến cho chữ “nghĩa” của Vũ thêm hoàn mỹ và tròn đầy. Dưới ngòi bút của La Quán Trung, ta mới thấm nhuần được ý nghĩa sâu xa và huyền diệu của chữ “nghĩa”.
Thảo Nguyên (Theo NTDTV)