Trú mưa biết được thiên cơ: Đại nạn đã định sẵn, chỉ người thiện lương mới thoát được tai ương
Chiến tranh, dịch bệnh và các thảm họa khác nhau của loài người đều đã được định sẵn. Tuy nhiên, một người nếu biết tích đức hành thiện, chuyên làm điều tốt thì có thể thoát được kiếp nạn.
Năm đầu Thiên Hữu thời vua Đường Chiêu Tông vào cuối triều đại nhà Đường, có một người sống ở Thường Sơn tên là Lý Giáp. Vì năm đó đói kém, nên cả nhà ông đã chuyển đến sống trong sơn cốc ở phía Tây Nam Hình Đài, hàng ngày đốn củi kiếm sống.
Một lần trong đêm ông đi đến chân núi Đại Minh, thì gặp một trận mưa to gió lớn, liền chui vào trong miếu Sơn thần trú mưa. Cho đến nửa đêm, sấm chớp đì đùng mới dứt. Lý Giáp đành phải ngủ dưới cây tùng bách trong miếu.
Một lát sau, ông đột nhiên nghe thấy tiếng hô hào dồn dập, gióng trống mở đường cho quan viên xuất hành, âm thanh vang vọng từ xa đến gần. Liền sau đó lại nhìn thấy cờ quạt bay phấp phới, có tiếng xe ngựa tiến vào.
Một nhóm người đi vào, có người mặc áo giáp võ tướng, có người cầm mâu, có người thì đội mũ cao, đi giày to và rộng, còn có người thì mặc quan phục, tay cầm thẻ tre, họ nhường nhịn nhau đi lên cầu thang, tuần tự ngồi trên lễ đường, có khoảng hơn 10 người.
Sau khi ổn định chỗ ngồi, liền bày tiệc rượu, cùng nhau cười nói vui vẻ. Người đầu tiên ngồi ở phía Đông là Sơn thần Đại Minh, thân hình cao lớn khôi ngô, phong thái hiên ngang. Người đầu tiên ngồi ở phía Tây là Thủy thần Hoàng Trạch, thân hình gầy gò nhăn nheo, nhưng khi nói chuyện thì giọng nói rõ ràng vang dội, ngồi cạnh ông là Hà bá Chương Hà, những người còn lại thì Lý Giáp không biết là ai.
Họ bàn luận ngâm cứu những chuyện nhân gian và thế sự. Trong đó có một người nói: “Ta ở thiên cung phụng mệnh Ngọc Hoàng, cai quản một vùng đất rộng lớn hàng trăm dặm từ Thái Hành Sơn đến Thanh Hà và Chương Hà, mặc dù mang tiếng là người đứng đầu, nhưng lúc nào cũng chăm chỉ cần mẫn, không dám làm biếng, không dám ăn hối lộ làm điều phạm pháp, không vì tình riêng mà làm điều trái đạo lý, không dám ỷ quyền thế ức hiếp thuộc hạ và bách tính;
Tận tụy dốc sức, cai quản mọi thứ trên mảnh đất này, để báo đáp Thiên đế. Thế nên năm nào cũng có tin vui mùa màng bội thu, bách tính an cư lạc nghiệp, không có bệnh dịch hoành hành, vùng đất mà ta cai trị, giờ là nơi yên vui ấm no.”
Một người khác nói: “Vùng đất mà ta cai quản dân cư thưa thớt, đất đai bạt ngàn, phía Tây tựa núi, phía Đông giáp biển, sông hồ đầm lầy kéo dài hàng ngàn dặm. Ta phụng ý chỉ của Thượng đế, cai quản dân cư một vùng rộng lớn, sấm sét nắng mưa do ta làm chủ, phong ba bão táp do ta chỉ huy, loài người không thể can thiệp vào hành động của ta.
Nhưng nếu như không phải vì mệnh lệnh của Thiên đế, thì ta cũng không bao giờ dám tự ý làm càn. Nếu không phải vì đến lúc chuyển mùa cần phải thay đổi, thì ta cũng không dám tùy tiện sắp xếp trái với quy tắc thông thường, làm tròn chức trách cai quản bảo vệ mảnh đất này, khiến cỏ cây nơi đây xanh um tươi tốt, cá bơi từng đàn, đất đai phì nhiêu màu mỡ, lau sậy mọc bạt ngàn. Càng may mắn là quan viên mà Thiên đế phái đi tuần tra, cũng không tùy tiện can thiệp hay làm loạn mọi thứ nơi đây.”
Có người lại nói: “Nơi núi cao trùng điệp, khe rãnh ngang dọc, nhấp nhô cao thấp, có vô vàn chim muông dã thú trú ngụ, không để chúng làm hại bách tính là chức trách của ta, ta không cần phải rành mạch kể lại chi tiết từng thứ để ứng phó với sự thẩm tra của Thiên đế nữa.” Mọi người gật đầu tán thành.
Lúc này Sơn thần Đại Minh đột nhiên ngước mắt giương mày, thở dài nói với mọi người: “Mọi người ai cũng trấn thủ một phương, cai quản vạn vật, nếu không ở sông hồ thì cũng ở lục địa, ai cũng có chức trách của riêng mình, nhưng quy luật vận hành thiên địa đã quyết định, vận hạn của loài người sắp đến, lúc đó trộm cướp thổ phỉ nổi lên làm loạn, đại nạn sẽ giáng xuống. Mặc dù mọi người cai quản rất tốt, nhưng âu đây cũng là vạn bất đắc dĩ.”
Mọi người nhao nhao hỏi: “Ông dựa vào đâu mà nói vậy?”
Sơn thần Đại Minh nói: “Hôm qua ta lên thiên đình bái kiến Ngọc Hoàng Thượng Đế, thì nghe lén được các vị thượng tiên đang bàn luận chuyện tương lai. Họ nói trong 30 năm sau, chiến loạn liên miên, hơn 60 vạn bách tính bị thương vong. Đến lúc đó, nếu như không phải quân tử chân thành, nhân nghĩa hành thiện, trung với nước hiếu với phụ mẫu, thì đều không thể thoát nạn. Ngoài ra hai nước ở phía Tây Bắc là Hoa Tư và Già Bì sẽ nhân cơ hội xâm chiếm lãnh thổ Trung Nguyên. Lẽ nào không có cách gì bảo vệ bách tính, cứ thế mà bị tàn sát sao?”
Mọi người nghe xong, ai nấy đều chau mày nhìn nhau nói: “Việc này chúng ta không thể đoán trước được.”
Sau khi mọi người ăn uống xong, trời cũng gần sáng, tất cả đều lần lượt lên xe rời đi. Sơn thần Đại Minh cũng không biết đã đi đâu.
Sau khi trời sáng, Lý Giáp tinh thần hoảng loạn, cứ ngỡ vừa nằm mơ, sau khi trở về nhà, ông tỉ mỉ ghi chép lại sự việc mình đã gặp phải, đồng thời kể lại cho những người có tri thức, có danh tiếng ở xung quanh nghe.
Quả nhiên, hơn 30 năm sau, chiến loạn không ngừng, triều Đường diệt vong, thiên hạ rơi vào thời kỳ loạn thế Ngũ đại Thập quốc, các nước ngoại bang phía Tây xâm chiếm Trung Nguyên, binh đao nổi lên khắp nơi, hơn 60 vạn bách tính bỏ mạng trong chiến tranh.
Thế mới biết, mọi thứ trên thế gian đều đã được sắp đặt. Nhân vật Lý Giáp trong câu chuyện trên vì tránh mưa trong miếu Sơn thần mà vô ý nghe được thiên cơ, đây có lẽ cũng là sự sắp xếp của ông trời. Muốn thông qua ghi chép của Lý Giáp để nói với thế nhân rằng: Vận mệnh của một vùng đất, một dân tộc hay của một quốc gia đều nằm dưới sự kiểm soát của ông trời. Hung cát thuận nghịch, thịnh suy của một triều đại, đều không thể tách rời ý chí của ông trời.
Đồng thời cũng muốn nhắc nhở người đời: chỉ có người tu tâm hướng thiện, hành thiện tích đức, mới có thể vượt qua mọi kiếp nạn.
(Nguồn: “Thái bình quảng ký”)
Thảo Nguyên (Theo Secretchina)