Tỷ phú lưu vong: Trung Quốc chi tiền để Vatican “im lặng” trước tội ác đàn áp tín đồ
Tỷ phú lưu vong Quách Văn Quý (Guo Wengui) mới đây tiết lộ rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chi tới 2 tỷ USD một năm để Vatican ‘im lặng’ trước các cuộc đàn áp liên tục đối với Công giáo ở Trung Quốc và các vi phạm nhân quyền khác.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 20/6 tại chương trình Phòng trực chiến của Cố vấn an ninh Nhà Trắng Steve Bannon, ông Quách Văn Quý nói: “2014, nội bộ ĐCSTQ đã đưa ra quyết định: Mỗi năm, Trung Quốc sẽ chi 2 tỷ USD cho Vatican, để tác động đến chính sách của Vatican về Trung Quốc – liên quan đến Kitô giáo, đàn áp Công giáo, họ muốn Vatican im lặng, đồng thuận với ĐCSTQ về vấn đề tôn giáo tại nước này, bạn biết đấy – chính sách tôn giáo của nước này là thảm họa”.
Những khoản chi này, theo các tuyên bố trước đây của ông Quách, là một phần trong chiến lược lớn hơn nhằm đạt được quyền bá chủ toàn cầu theo cụm từ viết tắt ‘BGY’. ‘BGY’ là viết tắt của Blue (kiểm soát Internet), Gold (mua ảnh hưởng bằng tiền), và Yellow (mua chuộc những người có quyền ra quyết định bằng tình dục).
Ông Quách đưa ra cáo buộc nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào. Tuyên bố gây sốc được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang bị cáo buộc về việc chi những khoản tiền khổng lồ để mua chuộc các chính trị gia, truyền thông và tăng ảnh hưởng của họ tại các quốc gia như Úc và Ý.
Tuy ông Quách không đưa ra những những bằng chứng cụ thể nhưng sự thật là Vatican đã từng thừa nhận rằng Tòa Thánh đã chấp nhận những khoản quyên góp từ ĐCSTQ, ít nhất là về mặt vật tư y tế.
Vào ngày 17/4, Lifesitenews cho biết, mặc dù cả ĐCSTQ và Đài Loan đã quyên góp các vật tư y tế thiết yếu cho Vatican khi đại dịch đã tràn ngập bán đảo Italia, Tòa Thánh vẫn công khai cảm ơn Trung Quốc vì sự hào phóng của họ nhưng lại ‘không dành bất kỳ lời cảm ơn’ nào tới Đài Loan.
“Trong những ngày gần đây, sự đóng góp các vật tư y tế đã được gửi từ Trung Quốc tới Nhà thuốc Vatican”, Giám đốc Văn phòng Báo chí của Vatican là Matteo Bruni cho biết, và thêm rằng những món quà này là “biểu lộ của sự đoàn kết của người dân Trung Quốc… những người cam kết hỗ trợ những nạn nhân của COVID-19 (virus Vũ Hán) và trong công tác phòng chống dịch coronavirus đang diễn ra”.
“Tòa Thánh đánh giá cao cử chỉ hào phóng này và bày tỏ lòng biết ơn đối với các giám mục, tín hữu Công giáo, các tổ chức và tất cả các công dân Trung Quốc khác cho ‘sáng kiến nhân đạo’ này, đảm bảo cho họ về lòng tự trọng và những lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha”, ông Bruni nói trong tuyên bố ngày 9/4.
Nhiều người đã ngạc nhiên về độ nhiệt tình mà Vatican sẵn sàng trao cho ĐCSTQ. Hai năm trước, hiệu trưởng của Học viện Khoa học Xã hội Giáo hoàng, Giám mục người Argentina Marcelo Sanchez Sorondo, đã làm kinh ngạc giới Công giáo khi cho rằng chính quyền Trung Quốc là mẫu mực tốt nhất của học thuyết xã hội Công giáo trong thế giới ngày nay.
Và trong tháng 5 này, La Civiltà Cattolica, một ấn phẩm định kỳ được xuất bản liên tục từ năm 1850 và là một trong những tạp chí cổ nhất của Công giáo Ý, ấn phẩm là tiếng nói bán chính thức của Vatican, đã tung ra ấn phẩm tiếng Hoa. Các biên tập viên của tạp chí Jesuit giải thích rằng phiên bản mới này là “một cử chỉ của tình bạn theo tinh thần của Matteo Ricci, do vai trò ngày càng quan trọng của ngôn ngữ Trung Quốc trong thế giới đương đại và bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay”.
Về phần Giáo hoàng, ông tiếp tục tuyên bố hùng hồn về Trung Quốc. “Tôi muốn đến Bắc Kinh”, Giáo hoàng Francis phát biểu vào tháng 11/2019 khi ở châu Á. “Tôi yêu Trung Quốc”. Ông thậm chí còn khẳng định rằng chính phủ cộng sản của Trung Quốc bảo vệ tự do tôn giáo và “các nhà thờ đã chật cứng con chiên”. (Người Công giáo Trung Quốc buộc phải lưu vong, chứng kiến cảnh nhà thờ bị đập phá, đóng cửa, hoặc thậm chí bị san bằng có thể ngạc nhiên khi biết điều này).
Trên hết, có một thỏa thuận bí mật mà Vatican đã ký với Bắc Kinh vào tháng 9/2018, được cho là liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục Công giáo ở Trung Quốc và đưa ra một con đường cho việc bình thường hóa quan hệ. Theo đó, các giám mục mới tại Trung Quốc trước tiên sẽ do chính quyền ĐCSTQ và các thành viên của cộng đồng Công giáo địa phương đề cử.
Viễn cảnh của thỏa thuận Vatican – Trung Quốc tiếp tục khiến cộng đồng Công giáo Trung Quốc chia rẽ. Một số tín đồ Công giáo Trung Quốc lo lắng rằng, họ sẽ bị đàn áp mạnh hơn nếu Vatican trao cho chính quyền ĐCSTQ nhiều quyền kiểm soát giáo hội hơn.
Đối mặt với nhiều chỉ trích về việc ‘bán đứng’ tín đồ cho chính quyền ĐCSTQ, Vatican vẫn khẳng định thỏa thuận mà họ vừa đạt được với Bắc Kinh là bước đột phá sau nhiều năm đàm phán và đó “không phải là chính trị mà chỉ là mục vụ”. Tòa Thánh nói rằng, Giáo Hoàng hy vọng “tiến trình mới này có thể bắt đầu cho phép hàn gắn những rạn nứt trong quá khứ, dẫn tới hiệp thông đầy đủ tất cả tín đồ Công giáo Trung Quốc”.
Trả lời phỏng vấn Reuters hôm 20/9, Đức Hồng Y Joseph Zen (76 tuổi) cựu tổng giám mục Hồng Kông cho biết: “Họ [Vatican] đang đưa những con chiên vào miệng sói. Đó là một sự phản bội đáng kinh ngạc. Hậu quả sẽ là những bi kịch kéo dài, không chỉ đối với Giáo hội Trung Quốc mà còn với toàn Giáo hội Công giáo [thế giới] vì [thỏa thuận đó] hủy hoại niềm tin”.
Lương Phong(t/h)