Vatican phong Giám mục Trung Quốc đầu tiên sau thỏa thuận gây tranh cãi với Bắc Kinh
Lần đầu tiên, một giám mục Công giáo Trung Quốc được tấn phong, với sự chấp thuận chung của Giáo hoàng Francis, đương kim giáo hoàng của Giáo hội Công giáo La Mã và Bắc Kinh.
Sự kiện này diễn ra sau khi Vatican và Trung Quốc ký một thỏa thuận bước ngoặt về việc phong giám mục vào ngày 22/9/2018.
Theo AP, hôm thứ Ba, người phát ngôn của Vatican, ông Matteo Bruni xác nhận rằng Giám mục Antonio Yao Shun đã nhận được ủy thác của giáo hoàng. Ông Antonio Yao Shun được phong làm Giám mục thánh hiến hợp pháp của giáo phận Jining, Nội Mông, Trung Quốc.
Thỏa thuận mà Vatican ký kết với Bắc Kinh là một chủ đề gây tranh cãi trong thời gian dài. Vatican tìm cách mở rộng tự do tôn giáo của các tín đồ thông qua việc thỏa hiệp với một chính quyền theo chủ nghĩa vô thần – Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tại quốc gia đông dân nhất thế giới, Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ tín ngưỡng của người dân và chỉ định những người đứng đầu các giáo hội.
“Nếu tìm hiểu điều gì đang diễn ra với các nhà thờ Công giáo ở Trung Quốc, bạn sẽ thấy ĐCSTQ bổ nhiệm giám mục; với Phật giáo, đảng chọn ra Ban Thiền Lạt Ma; với Hồi giáo, đảng cử cả lãnh tụ Hồi giáo”, luật sư nhân quyền quốc tế David Matas, Ứng viên giải Nobel Hòa bình 2010, đã chỉ ra thực tế này trong buổi tọa đàm The Coalition Roundtable năm 2017.
Thỏa thuận gây tranh cãi được ký kết trong khi nhiều báo cáo chỉ ra tình trạng chính quyền Trung Quốc đập phá các nhà thờ Công giáo và đàn áp các tín đồ không chấp nhận đi theo các giáo hội do Đảng chỉ định.
Vatican hy vọng thỏa thuận với Bắc Kinh cho phép các giám mục do chính quyền Trung Quốc chỉ định được công nhận ở Tòa Thánh. Giám mục Yao Shun là người đầu tiên được tấn phong sau khi thỏa thuận được ký kết.
Nhiều tín đồ Công giáo tại nhiều quốc gia cho biết họ sẽ công khai chỉ trích chính sách thỏa hiệp này của Giáo hoàng, bất chấp điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Theo ĐKN