Tân Hoa Xã công khai chối bỏ mô hình “một quốc gia, hai chế độ” tại Hồng Kông
Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của ĐCSTQ vào ngày 28/5 đã thông qua nghị quyết thành lập “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”. Cùng ngày, truyền thông ĐCSTQ đã đăng một bài bình luận, nhấn mạnh rằng “bảo vệ an ninh quốc gia” là trách nhiệm của “chỉ một quốc gia”, không có sự phân biệt giữa “hai chế độ”.
Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc đã tổ chức lễ bế mạc lúc 3 giờ chiều ngày 28/5, thông báo rằng Đại hội đồng đã thông qua “Quyết định của Đại hội nhân dân toàn quốc về thiết lập và hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế thực thi của Đặc khu hành chính Hồng Kông để duy trì an ninh quốc gia” (thường được gọi là “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”), và ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân toàn quốc của ĐCSTQ xây dựng các luật và cơ chế thực thi cụ thể có liên quan.
Cùng ngày, Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã đăng một bài bình luận, khẳng định rằng cả chính phủ Hồng Kông và người dân Hồng Kông đều có nghĩa vụ và trách nhiệm “duy trì an ninh quốc gia”, đây là con đường “hồi đáp bắt buộc” chứ không phải là “vấn đề để lựa chọn”. Bài báo nhấn mạnh rằng “Bảo vệ an ninh quốc gia” là trách nhiệm của “chỉ một quốc gia”, không có sự phân biệt giữa “hai chế độ”.
Cuối cùng bài báo còn đe dọa “thế lực Hồng Kông đấu tranh chống Trung Quốc” cùng “thế lực bên ngoài” phải dừng lại hành động phản kháng, tuyên bố đừng đánh giá thấp “ý chí”, “quyết tâm” cùng “năng lực”… của chính phủ ĐCSTQ trong việc thực thi Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông.
Dư luận nước ngoài cho rằng, những nhận xét trên của ĐCSTQ rõ ràng là đã vi phạm nhiều quy định trong “Luật cơ bản” của Hồng Kông, là động thái nhằm phá hủy đi mô hình “một quốc gia, hai chế độ” tại Hồng Kông.
Tại điều thứ 2 được liệt kê trong “Chương 1: Quy định chung” của “Luật cơ bản” quy định, Đặc khu hành chính Hồng Kông sẽ “thực thi quyền tự chủ cao” theo các quy định của “Luật cơ bản”, hơn nữa được hưởng “quyền lực hành chính, quyền lập pháp, quyền tư pháp độc lập và quyền xét xử cuối cùng”.
Điều 5 của chương này cũng quy định rõ ràng rằng “Đặc khu hành chính Hồng Kông không thực hiện các chế độ và chính sách xã hội chủ nghĩa”, Hồng Kông có thể “giữ lại hệ thống tư bản gốc và lối sống không thay đổi trong 50 năm”.
Ngoài ra, tại “Chương 4: Thể chế chính trị” của “Luật cơ bản” có liên quan đến tư pháp Hồng Kông cũng nêu rõ: “Các tòa án Đặc khu hành chính Hồng Kông các cấp là cơ quan tư pháp của Đặc khu hành chính Hồng Kông, thực thi quyền xét xử của Đặc khu hành chính Hồng Kông”.
Điều 82 được liệt kê trong phần này nêu: “Quyền xét xử cuối cùng của Đặc khu hành chính Hồng Kông thuộc về Tòa phúc thẩm cuối cùng của Đặc khu hành chính Hồng Kông. Tòa án phúc thẩm cuối cùng có thể mời các thẩm phán từ các khu vực khác, nơi luật chung được áp dụng để tham gia vào các phiên tòa khi cần thiết”.
Điều 85 tuyên bố: “Tòa án của Đặc khu hành chính Hồng Kông tiến hành thẩm lý và phán quyết độc lập, không có bất cứ sự can thiệp nào, việc thực thi nhiệm vụ tư pháp của nhân viên tư pháp sẽ không bị pháp luật truy cứu”.
Có phân tích chỉ ra, hiện tại, các quy định pháp lý cụ thể của “Luật An ninh Quốc gia” phiên bản Hồng Kông chưa được đưa ra chính thức, nhưng các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã tranh nhau đưa ra “luận điệu”, tuyên bố rằng chỉ cần liên quan đến cái gọi là vấn đề “An ninh quốc gia“, thì không có sự phân biệt giữa “hai chế độ”.
Điều này có nghĩa là trong tương lai gần, ĐCSTQ chỉ cần vận dụng danh nghĩa “An ninh Quốc gia”, liền có thể công khai đem nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ” đá qua một bên. Không chỉ cái gọi là “mức độ tự chủ cao” ở Hồng Kông và lời hứa “50 năm không thể thay đổi” bị hủy bỏ, mà bất cứ lúc nào cũng có thể dùng danh nghĩa “An ninh Quốc gia” để chà đạp lên nguyên tắc “Tư pháp độc lập” của Hồng Kông.
Bước tiếp theo, ĐCSTQ có thể danh chính ngôn thuận cho cảnh sát ĐCSTQ đến Hồng Kông để bắt người, thậm chí còn can thiệp trực tiếp vào bản án tư pháp của các tù nhân chính trị ở Hồng Kông.
Gia Hưng (Theo NTDTV)