Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông là hồi chuông báo tử cho ai?
Vào ngày 22/5, Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cưỡng ép đưa ra dự thảo “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, khiến cả thế giới phải kinh ngạc. Truyền thông nước ngoài phân tích rằng, thế hệ thanh niên ở Hồng Kông cũng không có gì phải sợ, ĐCSTQ làm như vậy sẽ chỉ là gõ tiếng chuông báo tử cho chính mình mà thôi.
Ngày 24/5, tờ RFI đưa tin, Tập Cận Bình biết rõ rằng, gần một năm sau khi hàng triệu người ở Hồng Kông phản đối dự luật dẫn độ, sau khi phe Dân chủ giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tại địa phương, người Hồng Kông ghét nhất là việc áp đặt luật an ninh quốc gia cho họ, tại sao Bắc Kinh vẫn muốn áp đặt?
Tờ Le Monde phân tích rằng, tín hiệu của Bắc Kinh rất đơn giản, “Hồng Kông là Trung Quốc, một quốc gia hai chế độ gì chứ, Bắc Kinh nói gì thì là cái đó”.
Kiểm soát Hồng Kông trong lòng bàn tay là để thể hiện sức mạnh của nhà lãnh đạo ĐCSTQ? Le Monde phân tích, Bắc Kinh sở dĩ muốn làm như vậy cho thấy Tập Cận Bình đã rơi vào ngõ cụt. Trong một năm qua, về vấn đề Hồng Kông, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần mắc sai lầm, chỉ đơn giản chuyển đổi phong trào phản kháng ban đầu thành một cuộc nổi dậy chống lại chính quyền ĐCSTQ.
Tờ “Le Figaro” của Pháp lại cho rằng, sau gần một năm sửa đổi luật thất bại, Bắc Kinh đã mất kiên nhẫn, phớt lờ thất bại của phe thân Bắc Kinh trong cuộc bầu cử địa phương, bất chấp lời cảnh báo của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế, chính quyền ĐCSTQ đã chọn lựa vượt qua “lằn ranh đỏ”. Sau khi vượt qua đường lằn ranh đỏ này, Bắc Kinh đã chà đạp lên hệ thống pháp lý của Hồng Kông.
Le Figaro mô tả, cứ như vậy chính quyền Bắc Kinh đã một đao chém chết “Tự trị mức độ cao” của Hồng Kông, Theo tuyên bố chung Trung-Anh, tự trị mức độ cao này sẽ tiếp tục cho đến năm 2047.
Bắc Kinh từng hứa sẽ để cho Hồng Kông giữ chế độ Tư bản chủ nghĩa trong 50 năm không thay đổi, việc Bắc Kinh qua mặt Hồng Kông cưỡng ép thông qua Luật An ninh Quốc gia đã phản bội lời hứa một quốc gia hai chế độ. Chris Patten – Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông cho rằng Bắc Kinh đã phản bội người dân Hồng Kông.
Cách làm của Bắc Kinh đã kích động sự phản kháng của người Hồng Kông. Hàng ngàn thanh niên Hồng Kông bị bắt giữ, một trong số đó đã bị đi tù. Tờ Le Monde cho rằng, thế hệ thanh niên ở Hồng Kông không có gì để mất nữa rồi, sự phản kháng của họ không phải vì một ngày mai tốt đẹp hơn, họ phản kháng là để tránh một tương lai đen tối chắc chắn sẽ đến với họ. Hiển nhiên, việc Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia sẽ không đem lại chút yên bình nào cho Hồng Kông.
Tờ Le Monde biểu thị, vì chính quyền này đều coi tất cả sự phản kháng là “chia rẽ”, đều coi bất cứ cuộc đối thoại nào là mềm yếu, chính quyền này sẽ càng trở nên cứng rắn hơn nữa.
Khi Hồng Kông được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào ngày 1/7/1997, thế giới đã từng khá lạc quan, tin rằng Trung Quốc và phương Tây sẽ gần gũi hơn, có lẽ Hồng Kông là cầu nối giữa Trung Quốc và phương Tây. Một phần tư thế kỷ qua đi, những gì xảy ra hoàn toàn ngược lại, Hồng Kông đã trở thành biểu tượng cho sự thất bại của “một quốc gia, hai chế độ”.
Ngoại giới cho rằng, nếu Luật An ninh Quốc gia của ĐCSTQ được thực thi tại Hồng Kông, hồi chuông báo tử cho quyền thống trị của ĐCSTQ sẽ vang lên.
Theo báo cáo, Đại hội đại biểu Nhân dân ĐCSTQ đã đưa ra dự thảo “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” vào ngày 22/5, khiến toàn thế giới chấn động. Không ít người Hồng Kông kêu gọi biểu tình “hòa lý phi” (hòa bình, lý tính, không bạo lực), yêu cầu Chính phủ Hồng Kông và ĐCSTQ rút lại đạo luật tà ác của họ để bảo vệ tự do của người dân Hồng Kông.
Trần Hoằng Nghị (Albert Chen Hung-yee), Giáo sư Học viện luật Trường Đại học Hồng Kông và là Ủy viên Ủy ban Luật cơ bản, đã chia sẻ thẳng thắn trong một cuộc phỏng vấn với “i-CABLE News Channel” và “Now News” rằng, thuật ngữ “lật đổ chính quyền quốc gia” được đề xuất trong dự thảo “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” có thể bao quát phạm vi rộng hơn “lật đổ chính phủ nhân dân Trung ương” được đề cập khi Chính phủ Hồng Kông soạn thảo Điều 23 của Luật Cơ bản năm 2003, cân nhắc mức hình phạt của nó cũng sẽ tham khảo kiến nghị lập pháp của điều 23, nghĩa là hình phạt tối đa là tù chung thân.
Lương Gia Kiệt (Alan Leong) – một luật sư thâm niên của Hồng Kông, chủ tịch Đảng Công dân biểu thị rằng, định nghĩa của từ “lật đổ” từ chính quyền trung ương đến chính phủ đặc khu “cũng không kỳ lạ”. “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” chắc chắn là “cay hơn” Điều 23 của Luật Cơ bản, yêu cầu “Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) từ chức” trở thành một ‘lằn ranh đỏ’ chính trị. “Lần này là một chiếc hòm đen hoàn toàn, được ban hành trực tiếp bởi Đại hội Nhân dân, họ có thể muốn làm gì thì làm”.
ĐCSTQ thúc đẩy “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” đã khiến người dân Hồng Kông rất tức giận. Vào lúc 1 giờ chiều ngày 24/5, một lượng lớn người Hồng Kông đã tập trung tại cửa hàng bách hóa SOGO ở Vịnh Causeway đến Sân vận động Southon ở Wan Chai để thực hiện một cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm “Phản đối đạo luật tà ác” và “phản đối Luật An ninh Quốc gia”, cuộc biểu tình đã gặp phải sự trấn áp của chính phủ Hồng Kông.
Minh Huy (Theo NTDTV)