Chuyện đời của cựu quan chức phòng 610: “Vì sao tôi trốn khỏi Trung Quốc?”

Hác Phượng Quân, 48 tuổi, là cựu nhân viên cảnh sát của phòng 610, một tổ chức cảnh sát ngầm nằm ngoài vòng pháp luật tại Trung Quốc tương tự như Gestapo của Đức Quốc Xã. Hác Phượng Quân đã trốn thoát khỏi Trung Quốc và xin tị nạn tại Úc vào tháng 2/2005 ở tuổi 32. Phần tự sự dưới đây là chuyện đời của Hác Phượng Quân, được công bố vào cuối năm 2005, sau khi anh dũng cảm đứng ra nói rõ sự thật về những thảm cảnh và dối trá mà bản thân đã chứng kiến khi là một nhân viên cảnh sát của phòng 610. Chính những trải nghiệm này đã thôi thúc Hác Phượng Quân tìm đường trốn thoát khỏi Trung Quốc.

Hác Phượng Quân, cựu đặc vụ, cựu nhân viên phòng 610. (© Swoop Films)

1. Bối cảnh gia đình

Tôi sinh ra cuối thời Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc. Cha tôi là một công nhân xây dựng và mẹ tôi là nội trợ. Tôi có một người anh trai. Cha tôi là người đi làm duy nhất trong gia đình. Ký ức tuổi thơ của tôi đầy rẫy những cuộc thanh trừng chính trị và những trận động đất. Khoảng thời gian vui vẻ duy nhất còn đọng lại là khi tôi lội bùn và đánh nhau dưới nước với những đứa trẻ khác. May mắn thay, cha mẹ yêu thương đã luôn dạy tôi lạc quan về tương lai, cho tôi những chỉ dẫn đạo đức và cho tôi biết điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống. Họ cũng nói với tôi rằng tôi nên can đảm đối mặt với bất kỳ khó khăn nào và tích cực trong bất cứ điều gì tôi làm. Cha mẹ đã chú ý rất nhiều đến việc hình thành nhân cách, dạy chúng tôi phải trung thực, chính trực, khiêm tốn, tốt bụng và dũng cảm. Tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cha mẹ trong những năm tháng trưởng thành và tôi đã học rất tốt ở trường.

Tôi đã yêu thích nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng nổi bật nhất là nghề cảnh sát. Tôi muốn đóng góp cho xã hội bằng cách chống lại kẻ xấu và tội phạm, và bảo vệ mọi người. Tôi đã nỗ lực để đạt được mục tiêu đó! Năm 1985, tôi đậu vào trường trung học Nam Khai, một trong năm trường trung học ưu tú của thành phố Thiên Tân, sau một kỳ thi đầu vào, và tôi theo học khoa văn.

Sự kiện [thảm sát Thiên An Môn] ngày 4 tháng 6 gây rúng động thế giới nổ ra giữa mùa xuân và mùa hè năm 1989 khi tôi còn là một học sinh trung học cơ sở. Tin tức về phong trào sinh viên ở Bắc Kinh lan đến trường tôi, chúng tôi bắt đầu quan tâm đến tình hình ở Bắc Kinh và các sinh viên ở đó. Một ngày nọ, được giáo viên chủ nhiệm dẫn đầu, chúng tôi xuống đường ủng hộ các sinh viên đại học ở Bắc Kinh. Những tờ thông tin tôi cầm và đọc khi đi bộ trong cuộc diễu hành đã khiến tôi bị sốc. Các tờ thông tin đó đã cho tôi biết về những hành vi tham nhũng khét tiếng của các nhà lãnh đạo đất nước ở các cấp khác nhau.

Ví dụ, con trai của Đặng Tiểu Bình là Đặng Phác Phương giữ chức chủ tịch Liên đoàn người khuyết tật Trung Quốc; một con trai khác của Đặng, Đặng Chất Phương, là chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Bắc Phương (một công ty vũ khí), v.v.. Xem cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là Lý Bằng và các sinh viên đại học trên truyền hình, tôi cảm thấy những câu hỏi mà các sinh viên đưa ra thực sự rất thực tế. Mặc dù vẫn còn trong những năm trưởng thành, tôi đã thấy rất nhiều tệ nạn xã hội bao gồm đút lót, chênh lệch giàu nghèo và chủ nghĩa thiên vị. Điều mà những sinh viên đại học đó đại diện phản ánh chính xác cảm giác của tôi và truyền cảm hứng cho tôi, tôi đồng cảm với những hành động chính nghĩa của sinh viên và mong muốn đấu tranh cho dân chủ và chống tham nhũng. Sau đó, chính quyền trung ương đã bịt miệng toàn bộ vụ việc bằng nòng súng.

Tôi được biết rằng hồ sơ của sinh viên đại học sẽ bao gồm hồ sơ về việc họ có tham gia vào các cuộc biểu tình ngày 4 tháng 6 hay không. Và những sinh viên có tham gia, sau khi tốt nghiệp, sẽ phải tự tìm việc làm. Vì không ai dám nhận họ nên họ phải sống bằng những công việc lặt vặt.

2. Xung đột giữa giấc mơ và thực tế

Tôi trúng tuyển vào Đại học Nam Khai Thiên Tân và trở thành sinh viên khoa luật năm 1991. Khi tốt nghiệp năm 1994, tôi được bổ nhiệm làm việc tại cục Công an Thiên Tân. Một năm giáo dục tư tưởng và pháp luật bên cạnh huấn luyện quân sự và phục tùng đã in vào tâm trí của những sinh viên rằng “các cơ quan công an là cỗ máy bạo lực của nhà nước dân chủ chuyên chính, và là công cụ phục vụ Đảng”. Sau khi bị tẩy não, chúng tôi học cách tuân theo mệnh lệnh mà không cần hỏi tại sao. Tôi hoàn thành khóa đào tạo cảnh sát cơ bản vào cuối năm 1994 và được chỉ định vào đội chống bạo động thuộc phân bộ Hòa Bình của cục Công an Thiên Tân. Tôi làm việc 2 năm tại đây.

Khi bắt đầu, tôi muốn xóa sổ lũ côn đồ và bảo vệ mọi người, và bắt một số nghi phạm giết người, cướp của và buôn bán ma túy. Trong khi đó, nhiều điều bất hợp lý xảy ra trong quá trình làm việc khiến tôi bị tổn thương sâu sắc. Lấy ví dụ một trường hợp xảy ra vào năm 1996. Tôi nhận được báo cáo rằng một người nào đó đã bị đâm tại Trung tâm giải trí Phú Lệ Hoa. Khi đến đó, chúng tôi thấy người đàn ông bị thương, bị đâm 4 nhát và đẫm máu, đang nằm trên sàn sảnh của trung tâm, và được bao quanh bởi 6 nhân viên bảo vệ mặc đồ đen.

Trước khi tôi có cơ hội hỏi về chuyện gì đã xảy ra, nhân viên bảo vệ đã yêu cầu tôi đưa nạn nhân về đồn cảnh sát để tạm giam. Tôi cảm thấy nhục nhã và hoang mang. Sau đó đội trưởng Triệu Thiệu Trung đến và cũng ra lệnh cho tôi đưa nạn nhân đi, đầu tiên là điều trị trong bệnh viện và sau đó là tạm giam. Tôi cảm thấy xấu hổ muốn chui vào lòng đất! Tôi có còn là cảnh sát được giao trách nhiệm bảo vệ người dân không?

Sau này tôi mới biết được sự thật. Trung tâm giải trí Phú Lệ Hoa được điều hành bởi Lưu Lị, em gái của Lưu Anh, người từng là ủy viên thường vụ thành ủy Thiên Tân và bí thư khu ủy Hòa Bình. Ai cũng biết rằng Trung Quốc, một quốc gia xã hội chủ nghĩa, tuyên bố không cho phép tồn tại các nhà thổ. Nhưng có một bí mật công khai là Trung tâm giải trí Phú Lệ Hoa là một nhà thổ với những khách quen như Cao Đức Chiêm, người sau này là bí thư Thiên Tân (sau đó bị cách chức vì tội mua dâm), và một số quan chức cấp cao từ Bắc Kinh và con cái của các lãnh đạo trung ương.

Tôi không thể nhẫn tâm bắt nạn nhân và yêu cầu đội trưởng Triệu Thiệu Trung để cho người khác tiếp quản. Nạn nhân đã thực sự bị cảnh sát tạm giữ 15 ngày vì tội gây rối trật tự công cộng. Thực tế, nạn nhân đã đến Trung tâm giải trí Phú Lệ Hoa để tìm con gái của mình, một sinh viên đại học. Cô bé đã về nhà hàng tuần cho đến gần nửa năm trước. Bạn cùng lớp của con gái ông ta nói rằng cô ấy làm gái bán hoa ở quán bar và thậm chí là gái mại dâm tại Trung tâm giải trí Phú Lệ Hoa sau giờ học hàng ngày và ông ta có thể tìm thấy con gái ở đó. Vụ án này là một đòn giáng mạnh vào tôi và tôi cảm thấy hoang mang về tương lai của mình. Tôi không biết làm thế nào để cùng lúc trở thành một người tốt và một cảnh sát tốt.

3. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công

Năm 1999, sự kiện [thỉnh nguyện của người tập Pháp Luân Công tại Trung Nam Hải] nổi tiếng ngày 25 tháng 4 diễn ra. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự kiện này xảy ra ở thành phố Thiên Tân. Là một công an phục vụ nhân dân, tôi đã chứng kiến toàn bộ sự việc.

Vào đầu tháng 4, chúng tôi nhận được thông báo từ các cơ quan cấp cao hơn: “Hãy bí mật thận trọng với âm mưu của Pháp Luân Công.”

Vào ngày 11 tháng 4 năm 1999, một tạp chí dành cho thanh thiếu niên do Trường Đại học Sư phạm Thiên Tân xuất bản đã đăng một bài báo công kích Pháp Luân Công và người sáng lập. Tác giả của bài báo này là Hà Tộ Hưu, thành viên của một viện liên kết với Viện Khoa học Trung Quốc. Ông là một trong số ít những người cấp tiến ở Trung Quốc phản đối Pháp Luân Công và khí công. Những người cấp tiến đó coi tất cả các hiện tượng siêu nhiên của các môn khí công là phản khoa học, mê tín và lừa dối. Ông cho rằng Pháp Luân Công gây ra bệnh tâm thần, và nói rằng Pháp Luân Công cũng giống như Nghĩa Hòa Đoàn, những kẻ từng cố gắng lật đổ triều Thanh vào cuối những năm 1800.

Bài báo của Hà Tộ Hưu đã làm tổn thương các học viên Pháp Luân Công. Vì vậy, một số học viên đã đến trường Đại học Sư phạm Thiên Tân và các cơ quan chính phủ liên quan khác để nói sự thật.

Vào thời điểm đó, tất cả chúng tôi đã được cục Công an Thiên Tân thông báo để kịp thời đến hiện trường và kiểm soát giao thông, chặn mọi bản tin và bao vây các học viên Pháp Luân Công ngay tại chỗ. Vào ngày 23 tháng 4, hơn 300 cảnh sát chống bạo động đã được tái triển khai đến khu vực này; họ đánh đập và bắt giữ 45 học viên Pháp Luân Công. Một số học viên đã trực tiếp đến chính quyền thành phố Thiên Tân. Các quan chức thành phố cho biết họ không thể giải quyết vấn đề này. Và còn nói để giải quyết, các học viên nên đến Bắc Kinh. Các học viên Pháp Luân Công đã phải đến Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 4 và khiếu nại lên chính quyền trung ương để giải quyết vấn đề.

Vào thời điểm đó, khi tôi đến địa điểm được giao, cảnh tượng trước mắt khiến tôi cảm thấy hụt hẫng. Tất nhiên tôi không cho rằng các học viên Pháp Luân Công sẽ tụ tập lại để tấn công trường Đại học Sư phạm Thiên Tân bằng vũ khí sát thương. Nhưng tôi cũng không ngờ được rằng họ đều là những người dân bình thường, hoặc những người đã nghỉ hưu và không có tiền trả cho thuốc men, hoặc những người già. Bản thân tôi sẽ không suy nghĩ đến việc làm tổn thương họ. Tuy nhiên, cảnh tượng này không tồn tại được lâu.

Sau 2 hoặc 3 ngày đối diện với các học viên Pháp Luân Công, cảnh sát bắt đầu hành động. Bất kể các học viên bao nhiêu tuổi hay ốm yếu như thế nào, tất cả họ đều bị cưỡng bức đưa đi. Một số người quan trọng đã được đưa đến đồn cảnh sát để kiểm tra và đăng ký. Sau đó, tôi thấy rằng đối với tất cả những học viên Pháp Luân Công đã đăng ký đó, hành vi của họ sẽ được ghi vào hồ sơ cá nhân của họ vĩnh viễn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến họ và các thành viên trong gia đình họ trong tương lai, khi sử dụng tất cả các dịch vụ xã hội.

Tôi cũng biết rằng vào ngày hôm đó, họ đã bí mật lắp đặt máy quay video trên các tòa nhà cao tầng xung quanh Đại học Sư phạm Thiên Tân, và ghi âm hơn 5.000 học viên Pháp Luân Công tại chỗ.

Sau ngày 25 tháng 4 năm 1999, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường công việc thu thập dữ kiện và thông tin về Pháp Luân Công và chuẩn bị đầy đủ cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Khi đó, các bộ phận chức năng trong cục Công an và ban Tôn giáo của cục An ninh Quốc gia đều lập tức vào cuộc. Vào tháng 7, các nhà chức trách cấp cao đã thông báo một tin tức về việc Pháp Luân Công sẽ bị cấm vào ngày 18 tháng 7. Họ cũng thông báo với chúng tôi rằng tin tức này sẽ được CCTV phát sóng.

Sau đó, người ta nói rằng do sự bất đồng giữa các lãnh đạo cấp trên, tin tức đã không được công bố rộng rãi. Trước ngày 20 tháng 7, cơ quan tôi đã tổ chức cho mọi người từ các cấp và cấp bậc khác nhau các cuộc họp, nhấn mạnh vào hệ tư tưởng. Trong các cuộc họp đó, một vài mệnh lệnh bằng miệng của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân đã được chuyển cho chúng tôi, tuyên bố rằng chúng ta không nên chờ đợi để cấm Pháp Luân Công và chúng ta cũng không cần tập trung tìm ra bằng chứng chắc chắn [để buộc tội Pháp Luân Công]. Nếu không, Pháp Luân Công sẽ hủy hoại Đảng và dân tộc, v.v.. Vào ngày 20 tháng 7, tin tức về cuộc đàn áp Pháp Luân Công cuối cùng đã được CCTV phát đi, và nơi làm việc của tôi đã tổ chức cho mọi người xem. Kể từ đó, tôi tiếp xúc với Pháp Luân Công.

Vào khoảng 11 giờ tối ngày 20 tháng 7, tôi đang ở nhà thì máy nhắn tin của tôi đổ chuông và tôi được gọi đến tham dự một cuộc họp tại đồn cảnh sát. Chúng tôi được thông báo rằng sẽ có nhiều học viên Pháp Luân Công kháng cáo vào ngày hôm sau. Chính quyền yêu cầu chúng tôi phải ở lại đồn cảnh sát qua đêm. Trước 5 giờ sáng ngày hôm sau, chúng tôi đến địa điểm được phân công làm nhiệm vụ: cổng trước của Thành ủy Thiên Tân.

Cảnh sát từ đồn của chúng tôi được chia thành hai đội, đến Thành ủy và đến các tòa nhà chính quyền. Một đội mặc đồng phục cảnh sát để cho thấy họ đang làm nhiệm vụ. Nhóm còn lại mặc thường phục, vì vậy họ có thể hòa vào đám đông, và khi đến thời điểm thích hợp, họ sẽ tạo ra những hiệu ứng tiêu cực.

Đồng thời, các cơ quan chức năng yêu cầu chúng tôi phải giữ kỷ luật nghiêm, giữ bí mật. Chúng tôi được lệnh phải hoàn toàn xa cách với các học viên Pháp Luân Công. Lúc tám giờ tối, nhiều học viên đã đến Thành ủy và Chính quyền thành phố. Họ xếp thành hai hàng và chờ kháng cáo. Họ hỏi tại sao chính quyền thành phố lại cấm Pháp Luân Công. Một lãnh đạo từ văn phòng kháng cáo của Thành ủy đi ra và nói với cảnh sát phụ trách, ông Chu Lam Sơn, rằng họ sẽ không tiếp các học viên. Người đó nói với ông Chu rằng, trước tiên, hãy cố gắng thuyết phục các học viên rời đi. Nếu họ vẫn không chịu rời đi, thì hãy dùng vũ lực.

Tôi đã không thực hiện mệnh lệnh. Thay vào đó, tôi đã nói chuyện với một vài học viên đến thỉnh nguyện nhưng đã bị cưỡng chế đưa đến sân sau của Thành ủy. Chúng tôi đã nói chuyện một lúc. Các chủ đề trò chuyện của chúng tôi trải dài từ cuộc sống con người, thực tế và xã hội đến các vấn đề sức khỏe. Đó là ấn tượng đầu tiên tôi có về Pháp Luân Công. Vào ngày hôm đó, hàng chục chiếc xe tải đã chở các học viên Pháp Luân Công đi và giải tán họ. Cánh sát đã trừng phạt cái gọi là những “người đứng đầu” vì tội gây rối an ninh xã hội.

Khoảng thời gian sau ngày 20 tháng 7 liên quan đến việc đăng ký và điều tra công khai lẫn ngầm trong thành phố. Chính quyền yêu cầu mọi đồn cảnh sát phải đăng ký và báo cáo về các học viên Pháp Luân Công (nhấn mạnh vào việc thu thập dữ liệu về những người tham gia các sự kiện vào ngày 25 tháng 4, 20 tháng 7 và 22 tháng 7). Các nhà chức trách cũng yêu cầu các học viên Pháp Luân Công viết một “thư bảo đảm” nói rằng họ sẽ không bao giờ tập Pháp Luân Công nữa. Bất cứ ai từ chối viết lá thư sẽ bị đưa đến các lớp giáo dục do chính quyền địa phương thành lập, hoặc bị trừng phạt vì làm xáo trộn sự ổn định xã hội.

Các học viên Pháp Luân Công đã bị ghi chép lại hoặc thành viên gia đình của các học viên đó sẽ bị tước nhiều quyền lợi, bao gồm cả việc vào đại học, xin việc, các nhiệm vụ trong quân đội và lương hưu, v.v.. Họ đã phải chịu rất nhiều khó khăn. Một số đơn vị làm việc thậm chí sẽ sa thải bất kỳ ai đã được phân loại là học viên Pháp Luân Công.

Sau ngày 20 tháng 7, để đảm bảo lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa diễn ra an toàn và ổn định, thành phố Thiên Tân đã phát động một cuộc bắt giữ hàng loạt các học viên Pháp Luân Công. Hành động này do bộ phận thứ nhất của Sở Công an Thiên Tân (bộ phận chính trị và an ninh) lên kế hoạch. Vài ngày trước Quốc khánh, nhiều học viên Pháp Luân Công trên cả nước đã tự nguyện đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện, nhưng họ đã bị đưa trở về trên quy mô lớn. Vào thời điểm đó, vì các học viên Pháp Luân Công bị bắt từ chối tiết lộ tên và nơi họ đến, Phòng 610 Trung ương đã rất tức giận.

Phòng 610 Trung ương đã ra lệnh cho Phòng 610 địa phương phân bổ các học viên Pháp Luân Công đến từng quận theo quy mô dân số. Hàng trăm học viên đã được phân bổ đến Sở Công an Thiên Tân. Cơ quan Công an sau đó đã phân bổ các học viên đến từng đồn huyện. Mỗi đồn huyện sau đó phân bổ các học viên đến từng đồn cảnh sát địa phương để điều tra. Mỗi đồn cảnh sát địa phương cử người đến đưa các học viên đi như thể đưa gia súc. Cho dù các học viên được phân bổ đến đồn cảnh sát nào, các nhân viên đồn cảnh sát sẽ dùng dây gai quấn cổ các học viên và buộc họ quỳ xuống.

Có ba học viên nữ được đưa trở lại đồn cảnh sát của tôi. Họ ở độ tuổi bốn mươi và năm mươi. Cả ba đều bị đội điều tra tội phạm của chúng tôi thẩm vấn. Trong vài ngày thẩm vấn tiếp theo, tôi có thể nghe thấy tiếng khóc và tiếng la hét thảm thiết mỗi khi đi làm. Sau đó, tôi nghe được từ một đồng nghiệp rằng họ nhận được lệnh dùng mọi cách để buộc các học viên Pháp Luân Công tiết lộ tên và địa chỉ gia đình của họ.

Trong Tết Nguyên đán năm 2000, để tăng cường kiểm soát các học viên Pháp Luân Công và ngăn họ đến Bắc Kinh, các đơn vị công tác, khu dân cư và đồn cảnh sát đã được lệnh tổ chức các buổi tẩy não và mở “các lớp học giáo dục”. Các học viên Pháp Luân Công bị buộc phải nghe các tài liệu tẩy não cùng nhau tại một nơi. Họ cũng phải trả “phí học tập”. Tôi đã bày tỏ sự không hài lòng của mình với một số quan chức chính phủ. Tôi nói việc đặt Pháp Luân Công ngoài vòng pháp luật là một sự lãng phí nhân lực, vật lực và tài chính. Họ chỉ muốn trở thành những người khỏe mạnh và tốt. Tại sao không cho phép họ?

4.Thụ động trở thành nhân viên Cục An ninh Nhà nước

Vào tháng 10 năm 2000, để củng cố sự ổn định chính trị, Trung ương Đảng đã quyết định nâng cao quyền lực hành chính của bộ phận Chính trị và An ninh ở mỗi Cục Công an trên cả nước và kết hợp nó với Phòng 610 địa phương để thành lập Cục An ninh Nhà nước hiện nay.

Điều trớ trêu là mặc dù cục mới thành lập có quyền hành chính của một cục cấp thành phố, nhưng rất ít người muốn tham gia. Khi đó, một điều đáng buồn đã xảy ra. Cục mới yêu cầu mỗi chi nhánh trong cục Công an sử dụng một chương trình máy tính để rút tên ngẫu nhiên từ danh sách. Ai được chọn phải báo cáo cho cục mới thành lập, nếu không sẽ bị tính là bỏ việc. Thật không may, tôi đã bị buộc phải tham gia vào cơ quan mà không ai muốn làm việc.

Để có thu nhập nuôi gia đình, tôi bắt đầu làm việc cho Cục An ninh Nhà nước Thiên Tân mới thành lập cho đến tháng 2 năm 2005 khi tôi trốn thoát khỏi Trung Quốc. Tôi phụ trách vấn đề Pháp Luân Công, và đối phó với các môn phái Khí công khác bị chính phủ Trung Quốc gán nhãn “tà giáo”.

Sau đó, vào ngày 3 tháng 10 năm 2001, Đội giám sát mạng của cục Công an Thiên Tân phát hiện ra rằng một số học viên Pháp Luân Công đã truy cập trang Clearwisdom.net ở nước ngoài bằng cách vượt tường lửa. Họ đã chuyển thông tin này cho cảnh sát tại Phòng 610 của Cục An ninh Nhà nước. Đội Điều tra Pháp Luân Công tại Phòng 610 đã phụ trách trường hợp này. Họ yêu cầu bộ phận số 1 (bộ phận điều tra) của cục Công an Thiên Tân hỗ trợ theo dõi, bí mật tìm kiếm và bắt giữ các học viên Pháp Luân Công. Vào cuối năm đó, vụ án 103 đã được Bộ Công an Trung Quốc liệt vào danh sách các vụ án đặc biệt.

5. Thắt lòng khi chứng kiến ​​trải nghiệm khốn khổ của một người mẹ và đứa con gái vô tội

Đầu năm 2002, chính quyền bắt đầu truy bắt những người liên quan đến vụ án “103”. Trong một ngày, 79 học viên Pháp Luân Công bị bắt và hai người khác trốn thoát. Một trong những học viên bỏ trốn là một cô bé 13 tuổi tên Từ Tử Ngạo. Mẹ của cô bé, Tôn Đề, đã bị bắt và cô bé trở thành người vô gia cư ở tuổi 13. Một đêm vào tháng 2 năm 2002, tôi nhận được một cuộc gọi yêu cầu tôi trở lại làm việc và đưa một học viên Pháp Luân Công đi khám bệnh. Tôi vội vàng đến nơi làm việc và lái xe cùng một nữ sĩ quan đến nhà giam của Chi nhánh Nam Khai thuộc cục Công an Thiên Tân. Khi chúng tôi đến nơi, tôi thấy Tôn Đề đang ngồi trên bàn trong phòng thẩm vấn. Đôi mắt của cô sưng lên vì bị đánh. Cảnh sát thẩm vấn Tôn là ông Mặc Thụy Lợi, đội trưởng đội 2 của Phòng 610, Cục An ninh Nhà nước. Ông Mặc đang cầm một thanh thép có đinh ốc dính đầy máu. Có một dùi cui điện cao áp trên bàn. Khi chúng tôi bước vào phòng, chúng tôi yêu cầu ông Mặc rời đi. Cô Tôn bật khóc và định cho chúng tôi xem vết thương. Tôi tình nguyện rời khỏi phòng vì cô ấy là phụ nữ. Tôn ngăn tôi lại và cho tôi xem lưng. Tôi bị sốc kinh khủng. Hầu như toàn bộ lưng của cô ấy chuyển sang màu đen và có hai vết cắt dài khoảng 20 cm đang chảy máu.

Một lúc sau, Triệu Nguyệt Tăng, phó cục trưởng cục An ninh Nhà nước kiêm chủ nhiệm Phòng 610, đến. Trước sự ngạc nhiên của tôi, ông Triệu ra lệnh cho tôi không được kể chuyện này với bất kỳ ai và yêu cầu tôi và nữ sĩ quan đưa cô Tôn đến bệnh xá của nhà tù. Trong 30 ngày tiếp theo, chúng tôi phải bôi thuốc cho cô. Hầu như hàng ngày tôi đều nghe Tôn hỏi về nơi ở của con gái cô và nói với chúng tôi rằng các học viên Pháp Luân Công là người tốt như thế nào. Trái tim tôi đã tan thành từng mảnh. Tôi biết các học viên Pháp Luân Công là những người tốt và tôi còn quan tâm đến con gái của cô ấy hơn nữa. Một cô bé 13 tuổi mồ côi cha mẹ, thậm chí không được đến bên người thân (tất cả người thân đều bị theo dõi), làm sao tìm được chỗ ăn, chỗ ngủ? Tôi rất tiếc vì đã không ngăn cản được điều này xảy ra. Trái tim tôi trở nên lo lắng và nặng trĩu và tôi đã khóc.

Tôi thường mơ về những gì đã xảy ra với cô Tôn và bé Từ và cảnh đau khổ mà tôi chứng kiến, và tôi mất ngủ. Tôi hoàn toàn tuyệt vọng về tương lai của Trung Quốc và tương lai của tôi với tư cách là một cảnh sát.

Sau đó, tôi nghe nói rằng Tôn Đề bị kết án từ 7 đến 10 năm và tôi không chắc liệu cô ấy còn sống hay không.

6. Sự cảm thông dành cho một nhà khoa học già

Đầu năm 2004, tại Cục An ninh Quốc gia Thiên Tân nơi tôi phục vụ nhận được một nhiệm vụ đặc biệt. 4 hoặc 5 cảnh sát, do đội trưởng phòng 610, Thạch Hà, dẫn đầu, đã đến thành phố Thạch Gia Trang ở tỉnh Hà Bắc để xử lý một trường hợp “đặc biệt”. Sau khi họ quay lại, tôi thấy một người đàn ông lớn tuổi, tóc bạc trắng bị còng và treo lên trong phòng thẩm vấn. Sau đó, tôi biết rằng ông ta là Cảnh Chiêm Nghĩa, một quan chức cấp cao ở tỉnh Hà Bắc. Sau cuộc thẩm vấn, một phóng viên của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã đến phỏng vấn Cảnh Chiêm Nghĩa. Điều này là để cho mọi người thấy rằng vị quan chức đã hối hận đến mức nào vì dính líu đến Pháp Luân Công.

Tôi đã ở ngoài cửa vào ngày hôm đó trong khi cuộc phỏng vấn đang được tiến hành cẩn thận. Tôi nghe Phó Cục trưởng Cục An ninh Nhà nước, Triệu Nguyệt Tăng, nói với Cảnh Chiêm Nghĩa rằng họ sẽ giảm án cho ông ta nếu ông ta sẵn sàng đọc lại một số dòng mà họ đã chuẩn bị. Nếu không ông ta sẽ bị buộc tội phản quốc và phải đối mặt với án chung thân hoặc tử hình. Ông lão tội nghiệp đã tuân theo yêu cầu của họ và lên TV để chỉ trích Pháp Luân Công bằng những lời lẽ mà họ viết sẵn. Sau đó, ông ta bị kết án 7 năm tù.

Phóng viên nhìn thấy tôi khi cô ấy rời khỏi cuộc phỏng vấn và hỏi tôi cảm thấy thế nào, có lẽ cô ta muốn nhận được lời khen. Nhưng trước sự thất vọng của cô ấy, tôi đã nói, “Đây chẳng phải là những lời dối trá sao?” Tôi bước đi để lại cô ấy đứng đó, bàng hoàng.

Nhận xét của tôi với phóng viên đó đã mang đến rắc rối rất lớn. Hai ngày sau khi vụ việc xảy ra, Triệu Nguyệt Tăng đến gặp tôi và hỏi tôi “dối trá” nghĩa là gì. Không nghĩ ngợi, tôi hỏi lại, “Tại sao ông lại đe dọa Cảnh Chiêm Nghĩa?” Ông ta đập bàn và tuyên bố rằng tôi đang nổi loạn. Trong thâm tâm tôi biết rằng đấu với ông ta chẳng khác nào chọi trứng vào đá, nên tôi im lặng. Ông ta nói rằng tôi nên suy nghĩ kỹ vấn đề và viết bản tự kiểm điểm trước khi quay lại làm việc.

Vì vậy, tôi bị biệt giam trong một xà lim ở Phòng 7 cục Công an Thiên Tân, nơi có những xà lim biệt giam dành riêng cho cảnh sát. Khoảnh khắc tôi bước vào phòng giam, tôi đã hoàn toàn tuyệt vọng. Đó là lần đầu tiên và duy nhất tôi bị nhốt trong xà lim. Phòng giam rộng mười mét vuông không có cửa sổ. Đèn treo trên trần nhà bằng một sợi dây và sáng suốt 24 giờ một ngày. Nhà vệ sinh trong góc tỏa ra mùi hôi thối triền miên. Tháng 2 cực kỳ lạnh ở Thiên Tân, nhưng phòng giam không có hệ thống sưởi. Tôi đã sống gần một tháng trong những điều kiện này. Khi tôi bước ra khỏi phòng giam, tai và tay của tôi đã bị tổn thương do nhiệt độ quá lạnh và tay tôi sưng lên như bánh bao hấp, trong khi tai tôi liên tục chảy mủ. Trong 30 ngày đó, tôi thậm chí không một lần được phép gọi điện cho gia đình. Tôi bị những người đó dày vò tinh thần và thể xác đến bờ vực suy sụp. Ngay cả khi đó, tôi đã không nói hay viết một lời ăn năn nào. Cuối cùng tôi được thả ra mà không biết lý do. Sau đó, tôi biết rằng họ đang cố gắng giấu nhẹm sự việc, vì sợ rằng tôi có thể vạch trần việc họ tra tấn các học viên Pháp Luân Công và các vụ bê bối khác.

Sau khi được trả tự do, tôi được chuyển đến phòng thư tín, chuyển báo và thư từ và làm nhiều công việc vặt khác nhau, cho đến khi tôi trốn ra nước ngoài. Vợ sắp cưới của tôi đã rất đau khổ trong khi tôi bị biệt giam. Cô ấy cảm thấy có điều gì đó không ổn, nhưng khi cô ấy, mẹ tôi và anh trai tôi gọi điện đến văn phòng tìm tôi thì họ nói với cô ấy rằng tôi đang đi công tác. Tôi đã đau đớn khi nghe điều này. Họ dối trá đến mức họ thậm chí còn nói dối cả gia đình của các sĩ quan của chính họ! Họ có gì mà không dám làm? Công lý ở đâu?

7. Đường đến tự do và dân chủ

Ở Trung Quốc, các sĩ quan cảnh sát thường không được phép ra nước ngoài. Nếu họ ra nước ngoài, họ phải làm như vậy sau một thời gian giữ bí mật. Đối với một sĩ quan Cục An ninh Nhà nước, thời gian đó kéo dài ít nhất là năm năm sau khi từ chức. Nếu không sẽ bị coi là phạm tội phản quốc. Vậy nên việc lấy hộ chiếu đối với tôi trở thành một vấn đề lớn vì tôi không muốn khiến đơn vị nghi ngờ. Tôi tiếp cận một người bạn, người đã giúp thay đổi đơn vị làm việc của tôi trên giấy đăng ký hộ khẩu, và nhờ đó tôi có được hộ chiếu một cách suôn sẻ.

Vào tháng 2 năm 2005, tôi cuối cùng đã xin được thị thực du lịch Úc. Tôi bắt đầu chuẩn bị mọi thứ. Tôi đến sân bay Bắc Kinh lúc 9 giờ sáng ngày 14 tháng 2 và đáp chuyến bay cùng ngày đến Thâm Quyến, dự định làm thủ tục hải quan và đến Hồng Kông lúc 6 giờ 30 phút tối.

Trong khi chờ qua cửa kiểm soát biên giới tại Thâm Quyến, tôi sợ bị lục soát, vì tôi đã mang theo một lượng lớn các tệp được lưu trong máy nghe nhạc MP3 của tôi, chứa thông tin về cuộc đàn áp có tổ chức của chính phủ Trung Quốc. Tôi gọi điện cho gia đình nói rằng nếu đến 7 giờ 30 tối mà tôi không gọi điện thoại thì có nghĩa là tôi đã không vượt qua được vòng kiểm soát của biên giới và đang gặp nguy hiểm.

Tôi và vợ chưa cưới đã lên một chuyến bay từ Hồng Kông đến Úc trong lo lắng. Chúng tôi hạ cánh vào ngày 15 tháng 2 và cảm thấy nhẹ nhõm không thể tả trên một vùng đất tươi đẹp, tự do và dân chủ.

Đơn vị làm việc đã nhận ra rằng tôi mất tích và họ bắt đầu gây áp lực với gia đình tôi để thuyết phục tôi quay trở lại. Họ hứa rằng “mọi thứ sẽ được lo liệu” nếu tôi quay trở lại Trung Quốc. Điều ác độc nhất là họ còn lừa dối và đe dọa gia đình vợ sắp cưới của tôi. Tôi biết chúng tôi sẽ không trở lại. Họ sẽ sử dụng những phương pháp đê hèn nhất để đối phó với chúng tôi. Tôi đã gửi đơn xin nghỉ việc cho đơn vị công tác, nhưng họ từ chối chấp nhận và thay vào đó chọn cách sa thải tôi. Họ cũng đe dọa vợ chưa cưới của tôi và bản thân tôi, thông qua gia đình của chúng tôi, “không được nói những điều vô nghĩa”, nếu không sẽ có những điều có thể xảy ra với gia đình chúng tôi ở Trung Quốc.

Cả vợ chưa cưới và tôi đều không thể gọi điện cho gia đình chúng tôi, vì điện thoại đều bị nghe lén. Cách duy nhất để tôi có thể liên lạc với gia đình là gọi cho anh trai tôi tại văn phòng của anh ấy. Trên điện thoại, anh trai tôi không bao giờ nói về hoàn cảnh gia đình và chỉ cố gắng an ủi tôi bằng cách nói rằng mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, tôi biết rằng họ đang phải đối mặt với khó khăn và nguy hiểm. Điều đó khiến tôi e ngại vì tôi đã mang lại khó khăn cho gia đình hai chúng tôi. Tôi không biết liệu chúng tôi có bao giờ gặp lại nhau nữa hay không.

8. Được truyền cảm hứng từ cuốn sách “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc” và Trần Dụng Lâm

Tôi biết chắc chắn rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không bao giờ để gia đình và bản thân tôi yên. Kể từ khi đến Úc, tôi đã đọc “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc” (Cửu Bình) và vô cùng xúc động. Trong số các bài báo và sự kiện được đề cập trong Cửu Bình, một số bài tôi đã xem và một số bài khác thì tôi chưa từng biết. Nhưng những công dân Trung Quốc bình thường sẽ không thể xem những bài báo như vậy. Cửu Bình phơi bày những khía cạnh đen tối của Trung Quốc mà tất cả đều là sự thật. Sau khi đọc Cửu Bình, tôi có cảm giác muốn bước ra để nói sự thật.

Vài ngày trước, tại một cuộc mít-tinh tưởng niệm vụ thảm sát ngày 4 tháng 6, tôi biết rằng Trần Dụng Lâm, cựu Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Úc, đã công khai vạch trần sự xâm nhập của chính phủ Trung Quốc ra nước ngoài. Tôi đã được truyền cảm hứng sâu sắc. Tôi nghĩ rằng Trần Dụng Lâm với tư cách là một nhà ngoại giao của chế độ Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra một lựa chọn dũng cảm như vậy. Tôi cảm thấy tự hào cho anh ấy và tôi quyết định bước ra để hỗ trợ Trần Dụng Lâm bằng hành động của mình.

Tôi rất vui vì tôi đã tìm lại được hướng đi cho cuộc sống của mình. Tôi tin chắc rằng theo đuổi công lý là mục tiêu vĩnh viễn của cuộc đời tôi.

Tôi cảm ơn gia đình tôi và gia đình vị hôn thê của tôi đã cho chúng tôi dũng khí và sức mạnh. Tôi cũng cảm ơn tất cả những người tốt bụng đã giúp đỡ chúng tôi.

Tự sự của Hác Phượng Quân được đăng tải trên The Epoch Times vào cuối năm 2005

Theo Tri Thức VN

Ad will display in 09 seconds

3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

Ad will display in 09 seconds

12 năm lưu lạc hồng trần của chiếc thiền trượng

Ad will display in 09 seconds

Người xưa muốn xuất gia cần phải đạt được 10 điều này

Ad will display in 09 seconds

Tên lửa sát hạm của Trung Quốc có sức mạnh đáng sợ như thế nào?

Ad will display in 09 seconds

Tiết lộ bất ngờ của người Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung

Ad will display in 09 seconds

Tào Tháo: gian hùng, anh hùng hay gian thần?

Ad will display in 09 seconds

289 thành tựu của Donald Trump sau gần 2 năm làm Tổng thống

Ad will display in 09 seconds

Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?

Ad will display in 09 seconds

Donor - Một câu chuyện có thật

Ad will display in 09 seconds

Trong lòng bạn như thế nào thì cuộc sống chính là như thế đó

  • 3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

    3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

  • 12 năm lưu lạc hồng trần của chiếc thiền trượng

    12 năm lưu lạc hồng trần của chiếc thiền trượng

  • Người xưa muốn xuất gia cần phải đạt được 10 điều này

    Người xưa muốn xuất gia cần phải đạt được 10 điều này

  • Tên lửa sát hạm của Trung Quốc có sức mạnh đáng sợ như thế nào?

    Tên lửa sát hạm của Trung Quốc có sức mạnh đáng sợ như thế nào?

  • Tiết lộ bất ngờ của người Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung

    Tiết lộ bất ngờ của người Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung

  • Tào Tháo: gian hùng, anh hùng hay gian thần?

    Tào Tháo: gian hùng, anh hùng hay gian thần?

  • 289 thành tựu của Donald Trump sau gần 2 năm làm Tổng thống

    289 thành tựu của Donald Trump sau gần 2 năm làm Tổng thống

  • Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?

    Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?

  • Donor - Một câu chuyện có thật

    Donor - Một câu chuyện có thật

  • Trong lòng bạn như thế nào thì cuộc sống chính là như thế đó

    Trong lòng bạn như thế nào thì cuộc sống chính là như thế đó

x