Quan chức cao cấp TQ bị nhiễm bệnh? Bắc Kinh chủ động “bác bỏ tin đồn”
Liệu “Bệnh viện 301” ở Bắc Kinh chuyên điều trị cho các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã xuất hiện dịch bệnh? Vào sáng sớm ngày 24/6 chính quyền quận Hải Điến – Bắc Kinh đã cho đăng tải “Thông báo bác bỏ những tin đồn” trên Weibo chính thức của mình.
Thông báo nêu rõ: “Gần đây, có thông tin liên quan tới việc xuất hiện dịch bệnh tại bệnh viện 301 và tin tức về danh sách hơn 100 tiểu khu bị đóng cửa ở quận Hải Điến đang lan truyền trên Internet, thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Sau khi kiểm tra xác minh với các cơ quan có liên quan, cho thấy những điều trên là tin đồn và hy vọng quảng đại cư dân mạng sẽ không lắng nghe, tin tưởng hoặc lan truyền những thông tin này”.
Nhưng thông báo này lại gây ra những câu hỏi mới từ ngoại giới và được coi là “giấu đầu lòi đuôi”, muốn giấu kín nhưng lại bị bại lộ.
Bệnh viện 301 ở quận Hải Điến – Bắc Kinh thực ra là Bệnh viện đa khoa của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (trong lịch sử, nó được sử dụng làm bệnh viện Số 301 của Quân đội giải phóng nhân dân). Hiện tại đây là một đơn vị cấp quân đội trực thuộc lực lượng hỗ trợ hậu cần của Quân ủy Trung ương.
Bệnh viện 301 là bệnh viện toàn diện có quy mô lớn nhất của ĐCSTQ, chịu trách nhiệm chăm sóc y tế cho ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ, Quân ủy Trung ương và các cơ quan khác, trên thực tế đây là bệnh viện phụ trách điều trị cho Trung Nam Hải và các lãnh đạo quân đội.
Kể từ khi dịch bệnh bất ngờ tái bùng phát ở Bắc Kinh vào ngày 11/6, virus đã lây lan nhanh chóng, khiến số ca mắc bệnh được xác nhận đã tăng lên 256 chỉ sau 10 ngày.
Tuy nhiên, do thông tin chính thức của Trung Quốc không rõ ràng, mặc dù chính phủ đã xác nhận rằng có 256 trường hợp nhiễm bệnh được chẩn đoán, nhưng ngoại giới vẫn rất khó biết được số người thực sự bị nhiễm bệnh ở Bắc Kinh là bao nhiêu.
Khi dịch bệnh không ngừng lan rộng, sau khi theo dõi tung tích của 7 vị thường ủy của Ủy ban trung ương ĐCSTQ, người ta thấy rằng, kể từ khi Bắc Kinh tuyên bố bùng phát dịch vào ngày 11/6, nơi ở của 7 thường ủy cũng bắt đầu thay đổi.
Theo thông tin từ CCTV và Tân Hoa Xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 8-10/6 đã đến Ninh Hạ để khảo sát, tối thiểu là đã rời Bắc Kinh từ ngày 7/6. Sau khi công bố bùng phát dịch bệnh vào ngày 11, ông Tập chỉ tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Trung Quốc-châu Phi và Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Trung Quốc-châu Âu vào ngày 17 và 22/6, nhưng cả hai hội nghị trực tuyến đều không phải là sự xuất hiện công khai.
Đến nỗi các thông tin chỉ đạo khác của ông Tập đều được thực hiện qua điện thoại; thư chúc mừng, ký ban hành mệnh lệnh, phát biểu bằng văn bản,v.v… cũng đều không xuất hiện.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đến khảo sát tại Yên Đài và Thanh Đảo – Sơn Đông vào đầu tháng 6. Sau khi Bắc Kinh tuyên bố dịch bệnh, Lý Khắc Cường chỉ một lần xuất hiện công khai vào ngày 15/6. Các hội nghị trực tuyến còn lại ông đều không xuất hiện trước công chúng.
Về phần Lật Chiến Thư, Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông đã xuất hiện trong 4 ngày liên tiếp từ ngày 19 đến 21/6, chủ trì Đại hội nhân dân toàn quốc; Uông Dương, Thường ủy Bộ Chính trị đã có 4 lần xuất hiện sau khi dịch bệnh bùng phát ở Bắc Kinh, khảo sát và nghiên cứu tại Tân Cương và tham gia hội nghị Chính hiệp. Lần xuất hiện cuối cùng là tại hội nghị Ủy ban thường vụ Chính hiệp toàn quốc tại Bắc Kinh vào ngày 23/6.
Vương Hỗ Ninh, Thường ủy Bộ Chính trị, chỉ tham dự một cuộc họp trực tuyến vào ngày 17/6, cũng không phải là một sự xuất hiện công khai. Hàn Chính, Thường ủy Bộ Chính trị, chỉ chủ trì cuộc họp làm việc của Thế vận hội mùa đông vào ngày 12/6, kể từ đó không có thông tin nào thêm.
Ngoài ra, Triệu Lạc Tế, Thường ủy Bộ Chính trị, trong suốt tháng 6 đã không có thông tin gì về các hoạt động của ông. Sau khi Phó Thủ tướng ĐCSTQ Hàn Chính công khai tình hình dịch bệnh ở Bắc Kinh, ông Triệu chỉ xuất hiện một lần vào ngày 12/6. Triệu Lạc Tế và Hàn Chính là hai thành viên thường ủy xuất hiện ít nhất gần đây.
Thật trùng hợp là cả Triệu Lạc Tế và Hàn Chính từ tháng 2 đến tháng 3 năm nay, đều cùng “ẩn thân” trong gần một tháng, khiến ngoại giới đặt câu hỏi liệu hai người này có bị nhiễm virus Vũ Hán (còn gọi là coronavirus mới, COVID-19) hay không?
Tuy nhiên, hiện tại các vấn đề liên quan đến sức khỏe của cả Triệu Lạc Tế và Hàn Chính vẫn chưa thể nhận được câu trả lời từ các quan chức Trung Quốc.
Nhưng, để làm rõ hành tung kỳ lạ của 7 vị thường ủy của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, Đường Hạo người dẫn chương trình của “Ngã tư thế giới” đã phân tích với “Vision Times” và chỉ ra rằng, điều này cho thấy dịch bệnh Bắc Kinh có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với những tuyên bố chính thức.
Các thành viên cấp cao của ĐCSTQ nhiều khả năng đã rời Bắc Kinh và di tản đến các khu vực xung quanh để tránh dịch bệnh. Chỉ khi có một hội nghị trọng đại mà họ không thể không tham dự, họ mới trở về Bắc Kinh.
Đường Hạo đề cập tới những trận mưa lớn gần đây ở miền nam Trung Quốc đã gây ra thảm họa, nhưng ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường hoặc các quan chức cấp cao khác đã không đến khu
vực xảy ra thảm họa để khảo sát.
“Điều này có phải là các quan chức cấp cao của ĐCSTQ thờ ơ với những đau khổ của người dân? Hay các quan chức cấp cao của ĐCSTQ thực sự không an tâm với tình hình dịch bệnh trên thế giới, vì vậy mà họ thà chọn tránh né ở trong nhà ‘đóng cửa tự bảo vệ bản thân’?
Cũng có thể là ai đó trong nội bộ quan chức cấp cao ĐCSTQ đã ngã xuống vì virus? Hay là trong nội bộ ĐCSTQ đã có một cuộc đấu tranh quyền lực khốc liệt, vì vậy một số người đã bị khống chế và bịt miệng bởi những người nắm quyền lực?”.
Đường Hạo tin rằng, một loạt các điểm nghi vấn ảnh hưởng đến cục diện tương lai của chế độ ĐCSTQ rất đáng để ngoại giới theo dõi chặt chẽ.
Gia Hưng (Theo Secretchina)