ĐCSTQ mưu đồ gì sau những đồn đoán về sức khỏe của Kim Jong-un?
Những ngày gần đây, giới tình báo thế giới đang có những đồn đoán khác nhau về tình hình sức khỏe của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, bất chấp những tin đồn đang bủa vây, Kim Jong-un vẫn bặt vô âm tín. Rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra? Đằng sau nó liệu có âm mưu gì mà chúng ta chưa biết?
Báo chí thế giới có nhiều chiều hướng đưa tin khác nhau về tình hình sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ví dụ, CNN của Mỹ thì đưa tin ông Kim đã hoàn toàn là người thực vật sau ca phẫu thuật. Báo chí Hàn Quốc thì thông báo rằng không có gì bất thường về ông Kim. Báo Nhật đưa tin rằng, ông Kim thực ra đang bí mật cách ly dịch bệnh.
Mới đây nhất thì một số báo Trung Quốc cũng đưa tin tương tự như CNN của Mỹ, rằng Kim Jong-un đã là người thực vật. Trong bối cảnh đó, ông Trump có vẻ điềm tĩnh hơn, ông ấy cho rằng ông không tin các thông tin tình báo trên, tin rằng ông Kim Jong-un vẫn ổn và ông Trump chúc ông Kim bình an.
Tại sao lại có những đồn đoán về tình hình sức khỏe của lãnh đạo độc tài khét tiếng Kim Jong-un trong bối cảnh thế giới đang hoảng loạn vì dịch bệnh và chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang trong tình trạng chịu sức ép vô cùng lớn vì các vụ kiện tụng của thế giới?
Theo quan điểm của tác giả, hẳn là có những âm mưu đằng sau sự kiện này. Tình hình thực sự sẽ như thế nào, nước nào được lợi nhiều nếu Kim Jong-un thực sự gặp vấn đề, chúng ta khó phần đoán trước được. Trên bình diện về chính trị, ĐCSTQ lâu nay vẫn được thế giới xem là người anh cả của Triều Tiên, là nước bảo bọc lẫn điều khiển Triều Tiên từ nhiều phương diện. Bài viết này xin được điểm qua một vài ý đồ có thể có của ĐCSTQ qua sự kiện này.
Triều Tiên là thể chế tập trung quyền lực vào người lãnh đạo tối cao và trao truyền quyền lực theo kiểu cha truyền con nối đã qua 3 thế hệ nhà họ Kim. Trong lịch sử, Liên Xô đã có công sức thành lập chính phủ Triều Tiên và đưa ông nội của Kim Jong-un là Kim Il-sung lên làm lãnh đạo tối cao. Trong nội chiến Nam – Bắc Hàn, Liên Xô lẫn ĐCSTQ là 2 trợ thủ đắc lực cho Bắc Hàn (Triều Tiên ngày nay). Hiện tại Liên Xô trên danh nghĩa đã không còn, nên người ta nói ĐCSTQ là anh cả, có công với Triều Tiên cũng không sai.
Kể từ sau Thế chiến thứ 2, vì Liên Xô bị mắc kẹt trong chiến tranh lạnh với Mỹ, ĐCSTQ đã lợi dụng thời cơ để tiến xa mối quan hệ với Triều Tiên, tài trợ rất nhiều cho Triều Tiên nhằm thâm nhập vào nhiều tầng diện khác nhau ở đất nước này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia am hiểu về chính trị, các đời lãnh đạo của Triều Tiên tuy bằng mặt nhưng không bằng lòng với ĐCSTQ vì họ biết được sự thâm độc của ĐCSTQ. Vì sự cô lập với thế giới, Triều Tiên đành phải đứng giữa Liên Xô và ĐCSTQ để có thể tồn tại được. Cùng với sự phát triển vũ khí hạt nhân, một mặt là đề phòng với thế giới, và cũng là đề phòng với chính 2 “người anh” của mình.
Đặc biệt vào cuối những năm 80 của thế kỷ 20, khi ĐCSTQ thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc, lãnh đạo Triều Tiên lúc đó là Kim Jong-il (cha của Kim Jong-un) đã có ý định kết giao với Đài Loan, tuy nhiên chỗ dựa tinh thần là Liên Xô lúc này đã quá yếu đuối vì chiến tranh lạnh nên ông ta đành ngậm ngùi tiếp tục chính sách ban giao với ĐCSTQ và kiên trì với chiến lược hạt nhân. Cuối đời, Kim Jong-il cũng căn dặn Kim Jong-un rằng, vấn đề lớn nhất của Triều Tiên không phải là Hàn Quốc hay Hoa Kỳ mà chính là ĐCSTQ.
ĐCSTQ và hậu Liên Xô (Nga) sử dụng Triều Tiên như một lá bài để mặc cả với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, chỉ đơn giản Triều Tiên có vũ khí hạt nhân nguy hiểm và ĐCSTQ kiểm soát khá tốt Triều Tiên. Ngược lại như là tương kế tựu kế, Mỹ và các đồng minh cũng lợi dụng vấn đề của Triều Tiên là sự biện minh hợp lý cho sự hiện diện quân sự ở Hàn Quốc và Nhật.
Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 đồng minh chiến lược của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á này. Triều Tiên vì vậy đã trở thành vùng đệm để các siêu cường mặc cả với nhau. Nói đến đây, cũng cho thấy phần nào sự khó khăn của các đời lãnh đạo Triều Tiên, đáng thương nhất chính là người dân ở xứ này.
Trước thời ông Trump làm tổng thống, Triều Tiên đối với thế giới như là một đất nước thật bí hiểm và cũng cực kỳ nguy hiểm vì chính sách vũ khí hạt nhân. Dưới sự thổi phồng của truyền thông, người dân chỉ biết oán thán với các đời lãnh đạo Triều Tiên, nhưng không nhiều người nhận ra rằng đó là lá bài tố lẫn nhau giữa các cường quốc, bản thân lãnh đạo và người dân Triều Tiên cũng là nạn nhân mà thôi.
Triều Tiên lẽ ra không phải trở nên quá nguy hiểm đối với thế giới nếu không bị rơi vào kìm kẹp ít lối thoát này. Tuy nhiên, đến thời ông Trump làm tổng thống, đã có rất nhiều khả quan cho Triều Tiên để thoát ra vũng lầy này và trở mình lột xác một phần nào đó.
Sau những lần khẩu chiến giữa Trump – Kim, thì chính 2 vị này đã có 2 cuộc họp thượng đỉnh với nhau, lần đầu là ở Singapore năm 2018, lần thứ hai ở Việt Nam năm 2019 và sau đó là màn gặp nhau lịch sử Trump – Kim tại Bàn Môn Điếm (biên giới Nam – Bắc Hàn). Tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã trở nên hạ nhiệt rất nhiều sau những lần gặp này.
Vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã được Trump – Kim hóa giải, êm đềm hơn trước kia rất nhiều. Từ năm 2018-2019, thế giới chỉ xôn xao vấn đề thương chiến Mỹ – Trung, chứ không còn là vấn đề hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên nữa. Mỹ và ĐCSTQ trở nên đối đầu trực diện nhau, trong khi đó Trump đã có bước đi khôn khéo là dần hóa giải lá bài Triều Tiên, nhằm cắt đi các yếu tố trợ lực cho ĐCSTQ và hiển nhiên ĐCSTQ không thích điều này.
Giờ đây, khi đại dịch đang hoành hành khắp thế giới, Mỹ và châu Âu lại là bị nặng nhất. ĐCSTQ lại một lần nữa đối đầu với Mỹ, nhưng lần này không chỉ là Mỹ mà là đang đối đầu với toàn thế giới. ĐCSTQ đang đối mặt với sự cô lập và làn sóng kiện tụng của thế giới vì sự che dấu thông tin dịch bệnh, chưa kể đến việc virus này có phải từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán thoát ra hay không và là chủ động thoát ra hay là do sơ hở?
ĐCSTQ đang đứng trước nguy cơ toàn cầu, giữa thời điểm này thì lại có tin đồn về vấn đề sức khỏe của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nhiều nguồn tin cho rằng ĐCSTQ đã đưa nhiều đặc vụ và chuyên gia y tế vào Triều Tiên. Tại sao lại có sự kiện này, liệu chỉ là sự việc ngẫu nhiên hay là đều có chủ đích?
Theo quan điểm của tác giả, dẫu tình hình sức khỏe của ông Kim có như thế nào, thì ĐCSTQ cũng sẽ nhân cơ hội này cố gắng thao túng Triều Tiên, một lần nữa, dùng hạt nhân Triều Tiên để thị uy với thế giới. Đặc biệt, gần đây truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng Kim đã trở thành người thực vật, liệu rằng ĐCSTQ đang rất muốn Kim trở thành người thực vật?
Có lẽ ĐCSTQ đã thấy rõ được Trump đang hóa giải Kim về vấn đề hạt nhân rất hiệu quả, giờ đang cùng đường khi đối mặt với thế giới, ĐCSTQ đã muốn hạ bệ Kim, thao túng hậu trường Triều Tiên nhằm thao túng kho hạt nhân của Triều Tiên để thị uy với thế giới tại thời điểm này.
Hơn nữa, Mỹ đang dẫn đầu thế giới điều tra về nguồn gốc virus, ĐCSTQ cũng muốn nhân sự kiện này phân tán dư luận của thế giới, qua đó cũng trắc nghiệm xem trình độ tình báo của các nước trong sự kiện sức khỏe của Kim Jong-un như thế nào, để có thêm sự chuẩn bị cho sự điều tra về nguồn gốc virus từ Mỹ và thế giới.
Dù phán đoán này có đúng hay không, có lẽ nó sẽ không là một phản đoán tồi trong bối cảnh hiện tại, khi mà ĐCSTQ phải đối mặt với toàn cầu về nguyên nhân dịch bệnh. Nếu phán đoán này là đúng, sự hóa giải vấn đề Triều Tiên của Mỹ và thế giới sẽ ra sao, đoạn đường phía trước sẽ dần dần triển hiện.
Hiện tại Mỹ và Nhật cũng đang tập trận khu vực gần bán đảo Triều Tiên, máy bay ném bom B-52 của Mỹ cũng đã hiện diện ở khu vực này. Sự khác biệt trong thông tin tình báo của các nước về vấn đề sức khỏe của ông Kim, một mặt thể hiện trình độ tình báo của các nước, nó cho thấy ít ra họ vẫn có được nguồn liên lạc từ đất nước bí hiểm này, mặc khác việc kéo dài thêm thông tin tình báo nhằm cung cấp thêm thời gian cho các nước để có thêm thời gian cho kế hoạch chuẩn bị nếu thực sự như Kim Jong-un có vấn đề.
Sự lưu manh, mưu mẹo của ĐCSTQ là thượng thừa, nó sẽ không từ một thủ đoạn nào để bảo vệ quyền lực và lợi ích của mình, kể cả phải ra tay với đồng minh.
Hải Triều