Bộ Ngoại giao Mỹ báo cáo về những thách thức từ Trung Quốc: Chính quyền ĐCS đang rất mong manh
Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đưa ra một báo cáo nêu rõ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một chế độ chuyên chế theo chủ nghĩa Mác – Lê, đồng thời tổng kết các hành vi của ĐCSTQ cũng như phương cách mà Mỹ đối phó với những thách thức nghiêm trọng mà chính quyền này đã gây ra cho Mỹ và cộng đồng quốc tế.
Vào ngày 17/11, Văn phòng Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Các yếu tố thách thức của Trung Quốc” (The Elements of the China Challenge). Báo cáo bao gồm: Những thách thức do ĐCSTQ đặt ra, các hành vi của ĐCSTQ, nguồn gốc tư tưởng dẫn đến hành động của ĐCSTQ, sự yếu kém của ĐCSTQ và cách để Mỹ đảm bảo tự do.
1. Những thách thức do ĐCSTQ đặt ra
Báo cáo nói rằng Trung Quốc có một nền văn hóa phi thường với hàng nghìn năm truyền thống đạo đức và chính trị, nhưng Trung Quốc ngày nay lại là một chế độ độc tài do chủ nghĩa Mác – Lê cai trị.
Mỹ và tất cả các quốc gia trên thế giới ngày càng nhận thức được rằng ĐCSTQ đang gây ra một kỷ nguyên đua tranh mới giữa các cường quốc. Nhưng rất ít người có thể nhìn ra được mô hình xâm lược của ĐCSTQ ở mỗi một khu vực trên thế giới, chứ chưa nói đến việc nhận thức ra được hình thức thống trị cụ thể mà ĐCSTQ đang theo đuổi.
ĐCSTQ không chỉ tập trung vào địa vị nổi bật của nó trong trật tự thế giới đã được thiết lập dựa trên các nguyên tắc kiến quốc của Mỹ, mà nó còn thiết lập một “trật tự thế giới mới” lấy chính nó – ĐCSTQ làm trung tâm để phục vụ các mục tiêu độc tài và tham vọng bá chủ của nó.
ĐCSTQ hiện đang sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để uy hiếp các quốc gia trên thế giới, khiến cho xã hội và chính trị của các nước trở nên phù hợp hơn với các chuẩn mực của nó; định hình lại các tổ chức quốc tế để chúng phù hợp với hình thức xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc. Đồng thời, ĐCSTQ đang phát triển một lực lượng quân sự tầm cỡ thế giới để chống lại, và cuối cùng là vượt mặt quân đội Mỹ.
Báo cáo cũng nói rằng, ĐCSTQ đang thực hiện chính sách cai trị độc tài đối với người dân Trung Quốc và gây ra mối đe dọa đối với nền tự do trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ĐCSTQ cũng tồn tại rất nhiều yếu điểm. Ví dụ như, chế độ độc tài chuyên quyền hạn chế sự đổi mới; việc đàn áp, kiểm duyệt và lôi kéo 1,4 tỷ người đòi hỏi chi phí cao; mất cân bằng dân số; tình hình bất ổn kinh tế; quan chức tham nhũng; sự tách biệt nhân dân khỏi quân đội do đảng kiểm soát; suy thoái môi trường; đại dịch viêm phổi ở Vũ Hán (Covid-19) đã dẫn đến bệnh tật và chết chóc, khiến người Trung Quốc và cộng đồng quốc tế hiểu rằng ĐCSTQ rất coi thường sinh mạng và coi thường các chuẩn mực và nghĩa vụ đối với quốc tế.
2. Hành vi của ĐCSTQ
Báo cáo đã trình bày chi tiết về sự đàn áp nội bộ của ĐCSTQ đối với 1,4 tỷ người dân Trung Quốc. Ví dụ, ĐCSTQ dùng bạo lực để đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989; trong những thập kỷ tiếp theo, ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ tin tức, đồng thời tuyên truyền thông tin sai lệch và truyền bá tư tưởng của ĐCSTQ; sử dụng công nghệ cao để giám sát công dân Trung Quốc và cưỡng chế bắt cóc họ; đàn áp người dân tộc thiểu số ở Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông; đàn áp các nhân sĩ tôn giáo, bỏ tù các linh mục, và đóng cửa các nhà thờ.
ĐCSTQ đã phá hoại quyền tự trị của Hồng Kông và tước đoạt các quyền tự do cơ bản của người dân Hồng Kông. Hiện tại, ĐCSTQ đang đe dọa nền tự do và thịnh vượng của Đài Loan, và đang âm mưu thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.
Chủ nghĩa cộng sản do ĐCSTQ tuyên bố không chỉ là một kiểu thống trị trong nước của chủ nghĩa độc tài mà mục tiêu cuối cùng của nó là thiết lập một trật tự quốc tế theo xã hội chủ nghĩa.
ĐCSTQ lợi dụng sự giàu có của chính mình để khiến các nước khác phụ thuộc vào kinh tế và quan hệ chính trị với nó, đồng thời định hướng lại hướng đi và vị trí của mình trong các tổ chức quốc tế dựa trên các tiêu chuẩn và mục tiêu của ĐCSTQ. ĐCSTQ phát triển sức mạnh quân sự nhằm vượt qua quân đội Mỹ.
Báo cáo cũng giới thiệu rộng rãi về hành vi đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ trên quy mô lớn của ĐCSTQ nhằm phát triển khoa học và công nghệ. Ví dụ, ĐCSTQ đánh cắp công nghệ và bí mật thương mại từ các công ty, trường đại học và bộ quốc phòng ở Mỹ và các quốc gia khác; cưỡng bức chuyển giao công nghệ; ĐCSTQ còn đánh cắp công nghệ cao thông qua các cuộc tấn công mạng và gián điệp.
3. Nguồn gốc tư tưởng của hành vi của ĐCSTQ
Báo cáo chỉ ra rằng, rất nhiều người đã hiểu sai về hình thức và ý nghĩa hành vi của ĐCSTQ, đó là bởi vì họ không nhận thức rõ về thế giới quan của ĐCSTQ.
Báo cáo nêu rõ: “Để hiểu rõ các hình thức độc tài của chủ nghĩa chuyên chế ở Trung Quốc (ĐCSTQ) và mục tiêu bá chủ của nó, thì nhất định phải nắm bắt được nguồn gốc tư tưởng gây ra hành vi đó của ĐCSTQ: niềm tin của ĐCSTQ vào chủ nghĩa Mác – Lê và cách diễn giải cực đoan của Đảng Cộng sản về chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc.”
Báo cáo nói rằng, truyền thống Nho giáo đã ăn sâu vào người dân Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và những người Hàn Quốc ủng hộ tự do và dân chủ. Tuy nhiên, vì ĐCSTQ cai trị Trung Quốc cho nên nhất định phải hiểu cặn kẽ tư tưởng của nó về chủ nghĩa cộng sản.
4. Sự yếu kém của chế độ Cộng sản Trung Quốc
Trong phần nói về sự yếu kém của chế độ ĐCSTQ, báo cáo nói rằng sau khi cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông phát động Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa đẫm máu, ĐCSTQ đã bắt đầu phát triển công nghiệp cùng năng lực kỹ thuật của Trung Quốc. Với sự thịnh vượng kinh tế và sức mạnh quân sự gia tăng đáng kể, sức ảnh hưởng đối với toàn cầu và quốc tế của ĐCSTQ cũng theo đó mà mở rộng.
Mặc dù Trung Quốc đã đạt được một số tiến bộ, nhưng dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, quốc gia này lại càng ngày càng trở nên yếu đuối.
Theo báo cáo, “một số điểm yếu nhất định của Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt nguồn từ bản chất của chủ nghĩa độc tài. Bởi vì thiếu tự do, cho nên các nước chuyên chế thường khó duy trì một nền kinh tế có thể thích ứng với sự đổi mới và tăng trưởng trong một thời gian dài. Các nhà độc tài chuyên quyền, vì tham vọng bá quyền và coi thường các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đã kết bạn với người nghèo và dễ bị các đồng minh và đối tác (của mình) xa lánh”.
Thứ nhất, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn lớn. Vào tháng 5/2020, Thủ tướng Lý Khắc Cường của ĐCSTQ thừa nhận rằng: “Vẫn còn khoảng 600 triệu người có thu nhập thấp hoặc trung bình, thậm chí là thấp hơn. Thu nhập hàng tháng của họ chỉ là 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,5 triệu đồng), thậm chí không đủ để thuê một ngôi nhà cỡ tầm trung ở các thành phố ở Trung Quốc.”
Đại dịch Vũ Hán bùng nổ đã khiến số người thất nghiệp ở Trung Quốc gia tăng và vấn đề này càng trở nên phức tạp hơn. Ngoài ra, trước cuộc khủng hoảng dịch bệnh, khi xã hội trải qua tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 30 năm qua, thì bất ổn xã hội ở Trung Quốc cũng vì thế mà không ngừng lan rộng.
Thứ hai, tình trạng dân số ở Trung Quốc đã trở nên xấu đi. Dân số Trung Quốc dự kiến sẽ đạt đỉnh trong 10 năm tới và sau đó sẽ giảm dần. Tệ hơn nữa, ĐCSTQ đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số nghiêm trọng. Dân số trên 65 tuổi sẽ tăng mạnh, trong khi dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm mạnh.
Thứ ba, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc đã hủy hoại nghiêm trọng môi trường. Hơn 1 thập kỷ qua và cho đến hiện tại Trung Quốc vẫn là nguồn phát thải carbon lớn nhất thế giới. Rất nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc đã bị ô nhiễm, điều này đã làm giảm diện tích đất canh tác và nước sạch của Trung Quốc. Tuổi thọ của người Trung Quốc cũng ngày càng giảm.
Thứ tư, sự tham nhũng ở cấp địa phương và trong quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã mang lại rủi ro cho ĐCSTQ. Nhiều giới tinh hoa trong xã hội đã tự làm giàu bằng thủ đoạn hy sinh nhân dân. Việc ĐCSTQ đàn áp người dân và cưỡng đoạt đất đai đã làm trầm trọng thêm sự bất mãn trong lòng nhân dân, gây ra hơn 130.000 các cuộc biểu tình khác nhau mỗi năm. Những cuộc biểu tình như vậy có thể sẽ làm lay động chế độ ĐCSTQ trong vài năm tới.
Thứ năm, ĐCSTQ đã sử dụng rất nhiều nguồn lực để đàn áp các dân tộc thiểu số và tôn giáo.
Thứ sáu, số tiền ĐCSTQ chi cho an ninh nội bộ, vượt xa cả các khoản chi cho quốc phòng. Một phân tích cho thấy việc đầu tư của ĐCSTQ vào an ninh nội bộ cao hơn khoảng 18% so với đầu tư vào quốc phòng.
Thứ bảy, quân đội ĐCSTQ thiếu tính hợp pháp. Mục đích của quân đội ĐCSTQ là chiến đấu vì ĐCSTQ, chứ không phải là vì nhân dân. Mao Trạch Đông từng nói rằng “chính quyền đến từ nòng súng”, nhưng với việc hiện đại hóa quân đội, niềm tin ý thức hệ trong nội bộ đã dần suy giảm, trong khi đó nạn tham nhũng lại gia tăng.
Thứ tám, ĐCSTQ phải đối mặt với vấn đề kế vị người lãnh đạo.
Thứ chín, chính sách đối ngoại của ĐCSTQ đã khiến cộng đồng quốc tế không còn tin tưởng vào ĐCSTQ.
5. Mỹ đối phó với thách thức từ ĐCSTQ
Báo cáo cho rằng để đối phó với thách thức từ ĐCSTQ, Mỹ phải quay trở lại cội nguồn của chính mình. Mỹ phải bảo đảm tự do bằng cách cải tổ chính sách đối ngoại của mình theo 10 nhiệm vụ sau đây:
- Bảo vệ tự do trong nước bằng cách duy trì chủ nghĩa hợp hiến, thúc đẩy thịnh vượng và thúc đẩy một xã hội dân sự lành mạnh;
- Duy trì quân đội mạnh mẽ, linh hoạt với kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới, đồng thời, tăng cường hợp tác an ninh với các đồng minh và đối tác dựa trên lợi ích chung và trách nhiệm chung;
- Tăng cường một trật tự quốc tế tự do, cởi mở và lấy quy tắc làm trụ cột;
- Đánh giá lại hệ thống liên minh của mình cùng với các tổ chức quốc tế khác nhau;
- Tăng cường hệ thống liên minh và thành lập các tổ chức quốc tế mới để thúc đẩy dân chủ và nhân quyền;
- Bằng cách tìm kiếm cơ hội hợp tác với Bắc Kinh theo nguyên tắc công bằng và có đi có lại để thúc đẩy lợi ích của Mỹ, hạn chế và răn đe ĐCSTQ khi tình huống yêu cầu, hỗ trợ những người tìm kiếm tự do ở Trung Quốc;
- Để người Mỹ hiểu quy mô của thách thức do ĐCSTQ gây ra và tác động của nó;
- Đào tạo một thế hệ công chức mới về ngoại giao, quân sự, tài chính, kinh tế, công nghệ và các lĩnh vực khác, cùng các chuyên gia chính sách công cộng am hiểu ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử của ĐCSTQ cũng như của các đối thủ cạnh tranh chiến lược khác, gồm các nước bạn bè và các quốc gia bạn bè tiềm năng của Mỹ;
- Cải cách hệ thống giáo dục Mỹ để giúp học sinh hiểu được trách nhiệm của công dân trong thời đại thông tin phức tạp;
- Bảo vệ nguyên tắc tự do thông qua ví dụ ngôn luận, ngoại giao công chúng, viện trợ và đầu tư nước ngoài, thậm chí bằng cả các biện pháp trừng phạt và cả sức mạnh quân sự.
Lương Phong
Theo epochtimes.com