TQ vội vã tiêu hủy hồ sơ mật ở nước ngoài khi bị Mỹ triệt phá hệ thống gián điệp
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chỉ đạo một số chi bộ ở nước ngoài tiêu hủy các tài liệu nhạy cảm và bảo vệ bí mật của Đảng, để đối phó với sự giám sát chặt chẽ của Mỹ và phương Tây, về các hoạt động gián điệp của nó ở nước ngoài, một tài liệu nội bộ do Epoch Time thu thập được tiết lộ.
Một thông báo hồi tháng 8 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) – thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc tiết lộ, các văn phòng nước ngoài tại hơn 10 quốc gia của công ty, bao gồm cả Úc và Canada, phải “khẩn cấp tiêu hủy hoặc chuyển giao các tài liệu nhạy cảm, liên quan đến “các hoạt động xây dựng Đảng ở nước ngoài.”
Theo nhà bình luận Tần Bằng (Qin Peng), có văn phòng tại New York, các hoạt động xây dựng Đảng ở nước ngoài đề cập đến những nỗ lực mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của ĐCSTQ. Theo chương trình này, các lãnh sự quán Trung Quốc sẽ hướng dẫn các công ty đa quốc gia của Bắc Kinh thực hiện các nhiệm vụ cho Đảng, ngoài hoạt động kinh doanh của họ, chẳng hạn như thu thập thông tin tình báo, đánh cắp thông tin nhạy cảm và gây ảnh hưởng lên các quan chức địa phương, ông nói.
CNPC là công ty dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới và có hoạt động tại 75 quốc gia. Giống như hầu hết các công ty Trung Quốc, gã đại gia dầu mỏ này cũng có một cho bộ ĐCSTQ tham gia vào tổ chức của mình – để đảm bảo công ty luôn có các hoạt động kinh doanh tuân theo đường lối của Đảng. Công ty này có hơn 1,3 triệu nhân viên trên toàn thế giới, với gần 700.000 Đảng viên tính đến năm 2018, theo trang web của công ty.
Thông báo cho biết các tài liệu quan trọng không thể dễ bị tiêu hủy có thể được giao cho đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia để bảo quản.
Nó cũng chỉ đạo các Đảng viên của công ty không tiết lộ thông tin nhạy cảm cho cơ quan thực thi pháp luật địa phương ở các nước sở tại.
Khi bị nước ngoài điều tra, Đảng viên và cán bộ phải tuân thủ [nguyên tắc] “bảo vệ nghiêm ngặt bí mật của Đảng. Đây là quy tắc và kỷ luật sắt,” tài liệu cho biết.
Chỉ thị này là phản ứng đối với các động thái gần đây của Mỹ và các chính phủ phương Tây khác, trích dẫn một sự cố ở Úc, nơi các quan chức nước này khám xét và thu giữ điện thoại di động và máy tính của các nhân viên ngoại giao Trung Quốc, vì chúng chứa tài liệu liên quan đến ĐCSTQ. Nó không cung cấp thêm chi tiết cho vụ việc này.
Trong những tháng gần đây, Mỹ đã tăng cường nỗ lực chống lại các hoạt động gián điệp và gây ảnh hưởng xấu của Bắc Kinh. Vào tháng 7/2020, chính quyền Trump đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, cáo buộc tiền đồn ngoại giao này là một trung tâm gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Các đặc vụ liên bang cũng thực hiện hàng loạt vụ bắt giữ các sĩ quan quân đội Trung Quốc hoạt động ngầm, đang theo học tại nước này. Các công tố viên cho rằng những người này là một phần của mạng lưới gián điệp rộng lớn hơn, bao phủ 50 thành phố của Hoa Kỳ.
Các hoạt động bí mật ở nước ngoài của ĐCSTQ cũng được nhiều nền dân chủ chú ý, đặc biệt là ở Úc. Chính phủ nước này đã tăng cường các hành động nhằm vào sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong chính trị và giáo dục đại học.
Nicholas Eftimiades – Cựu quan chức cấp cao tình báo Mỹ và là tác giả của cuốn sách: “Hoạt động tình báo Trung Quốc”, nói với Epoch Times rằng sự cố ở Úc về một vụ bắt giữ không được báo cáo của các quan chức biên giới tại các cảng nhập cảnh của nước này, hoặc cuộc đột kích vào tư dinh của người Úc gốc Hoa gần đây, là một phần của cuộc điều tra về sự can thiệp nước ngoài của Trung Quốc.
Cụ thể hồi tháng 6, cảnh sát Úc đã đột kích vào nhà của John Zhang, một công dân Úc nhập tịch và là phụ tá của một chính trị gia cấp bang, thu giữ các tài liệu và các bằng chứng khác như máy tính. Theo tài liệu của tòa án, Zhang đang bị điều tra với cáo buộc ông che giấu việc đại diện hoặc phối hợp với các cơ quan chủ chốt của ĐCSTQ, bao gồm Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc, – cơ quan tình báo hàng đầu của chính quyền và Cục Công tác Mặt trận Thống nhất – cơ qua giám sát các hoạt động ảnh hưởng nước ngoài của ĐCSTQ.
Hoạt động bí mật
Thông báo cho biết: Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand là những quốc gia rất nhạy cảm và đã chỉ đạo nhân viên đang hoạt động ở các quốc gia đó xóa tất cả các tài liệu xây dựng Đảng khỏi các thiết bị điện tử và hủy các tệp vật lý. Tài liệu hướng dẫn: ở những nơi không thể tiêu hủy tài liệu, chúng nên được niêm phong và cất giữ ở một vị trí an toàn hoặc chuyển giao cho đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia.
Tại Úc và Canada, nhân viên CNPC phải báo cáo với lãnh sự quán Trung Quốc sở tại về tình trạng xử lý thông tin khẩn cấp nhạy cảm như thế nào, thông báo cho biết.
Tài liệu cũng yêu cầu tất cả các tổ chức đảng của công ty ở nước ngoài, đặc biệt là ở Malaysia, Singapore và Ả Rập Xê-út, nên chủ động “chấp hành vai trò lãnh đạo của Đảng ủy tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Campuchia.”
CNPC và đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia đã không trả lời các câu hỏi của Epoch Times.
Hướng dẫn cũng nhấn mạnh việc hạn chế công khai các hoạt động của Đảng ở nước ngoài. Nó cấm quảng bá các sự kiện trên các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc như Weibo và WeChat, hay đưa ra các báo cáo công khai về các hoạt động đó. Thông tin liên lạc về Đảng viên hoặc tổ chức, báo cáo về công tác xây dựng Đảng, phải được gửi qua các kênh mã hóa. Các đảng viên cũng bị cấm dựng cờ Trung Quốc, đeo huy hiệu Đảng và hiển thị nội dung sinh hoạt Đảng trên bảng thông báo.
Ngoài ra, khi tổ chức các hoạt động xây dựng Đảng, cán bộ không được tiết lộ danh tính của Đảng viên và chức vụ trong Đảng của họ, thông báo cho biết.
Mất kiểm soát
Eftimiades cho hay rất có thể chỉ thị này đã được ban hành cho các doanh nghiệp nhà nước khác. Thông báo còn tiết lộ một hoạt động toàn cầu bất thường nhằm bảo vệ thông tin, hạn chế các hoạt động để chúng không lọt vào tầm ngắm của các chính phủ nước ngoài.
Eftimiades khẳng định, chính quyền Trung Quốc chắc chắn đang kiểm soát thiệt hại sau khi gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các chính phủ phương Tây, về hàng loạt các hành vi, từ động thái gây hấn quân sự ở Biển Đông đến tranh chấp biên giới với Ấn Độ.
Theo Eftimiades, việc kiểm soát thiệt hại đòi hỏi phải phá hủy và bảo mật bằng chứng, đồng thời giảm bớt các hoạt động để những người quan sát bên ngoài không coi ĐCSTQ là một mối đe dọa, theo Eftimiades.
James Carafano – Phó chủ tịch của Viện Di sản về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại, cho biết động thái này sẽ không có gì đáng ngạc nhiên vì chính quyne62 Trung Quốc có khả năng sẽ bị các nước phương Tây giám sát nhiều hơn.
Carafano nói với Epoch Times: “Nếu có một điều họ [ĐCSTQ] thực sự giỏi, thì đó chính là việc che đậy dấu vết.”
Thông báo cũng tiết lộ sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và các công ty nhà nước, Eftimiades cho biết.
“Một khía cạnh vô cùng lớn của vấn đề này là vai trò của các cơ quan lãnh sự trong việc chỉ đạo và điều phối hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước ở nước ngoài,” ông nói.
Chính quyền Trung Quốc cũng ‘công khai’ cách các lãnh sự quán Trung Quốc chủ trì các công ty Hoa kiều.
Một tài liệu về “hướng dẫn phòng ngừa rủi ro” cho các công ty Trung Quốc ở nước ngoài, được tìm thấy trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ ra rằng, các công ty phải đăng ký với lãnh sự quán địa phương và chấp nhận “hướng dẫn và sự quản lý của họ.”
Trong trường hợp xảy ra các sự cố bất ngờ, liên quan đến an toàn, các công ty Trung Quốc phải thực hiện công tác quan hệ công chúng dưới sự hướng dẫn của lãnh sự quán sở tại và các cơ quan liên quan của Trung Quốc, để “định hướng dư luận một cách tích cực.”
Vào tháng 3/2019, Tề Ngọc (Qi Yu), Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã tổ chức một cuộc họp, trong đó ủy ban cho biết các lãnh sự quán Trung Quốc phải “nâng cao ý thức chính trị của họ… để phục vụ Đảng tốt hơn.”
“Mặc dù tài liệu cho thấy ĐCSTQ đã trở nên thận trọng hơn, các quốc gia càng không được mất cảnh giác,” ông Qin cảnh báo và nói thêm rằng khi các hoạt động này đang âm thầm diễn ra, chính quyền Trung Quốc có khả năng sẽ tham gia vào nhiều hành động bí mật hơn và đó là một mối đe dọa lâu dài, các quốc gia không nên lơ là.
Thiện Thành (Theo Epoch Times)