Tiết lộ bí kíp Kungfu chấn động giới võ thuật thế giới
Võ thuật truyền thống Á Đông có lịch sử mấy nghìn năm, các môn phái đều có các bí kíp luyện công bí mật không tiết lộ ra ngoài. Cao thủ chân chính có thể chạy trên mái nhà, trên tường, bắn trúng lá liễu ngoài trăm bước, có năng lực địch cả nghìn người, có thể bảo vệ gia đình, quốc gia, chế ngự kẻ địch từ ngàn dặm.
Một đại sư võ thuật sinh vào thời kỳ Dân Quốc đã tiết lộ một số bí sử võ lâm và bí quyết luyện công trước khi từ trần, sự kiện này đã gây chấn động giới võ thuật toàn thế giới.
Tháng 12 năm 2000, tạp chí Võ Hồn căn cứ theo lời thuật của đại sư Hình ý quyền Lý Trọng Hiên đã đăng tải một loạt bài viết có tựa đề: Võ lâm đã mất: Lịch sử qua lời thuật của đại sư Hình ý quyền. Loạt bài đã gây chấn động giới võ thuật thế giới, và được ca ngợi là Người chứng kiến cuối cùng của thời kỳ đỉnh cao cuối cùng trong võ thuật Trung Hoa.
Lý Trọng Hiên (1915-2004) xuất thân ở gia đình có truyền thống học hành, nhưng lại thích luyện võ. Thời trẻ, ông đã từng bái sư 3 vị danh gia quyền thuật là Đường Duy Lộc, Thượng Vân Tường, Tiết Điên. Nhờ thế mà ông đã thâu nạp được những sở trường của các gia phái, đắc được ý nghĩa thâm sâu của Hình ý quyền.
Năm Lý Trọng Hiên 34 tuổi thì rút lui khỏi võ lâm về quy ẩn. Thân mang tuyệt kỹ, ẩn cư chốn phố xa mấy chục năm, không hiển lộ danh tiếng. Những năm cuối đời, ông làm bảo vệ cho một cửa hàng ở Tây Đơn trong Kinh thành để mưu sinh.
Theo lời thuật của Lý Trọng Hiên: Người luyện võ từ cổ đại đã có thuyết “Đông luyện Tam cửu Hạ luyện Tam phục”. “Hình ý quyền có thể luyện đến trình độ nào? Thầy Đường (Đường Duy Lộc) đã lấy ví dụ hình ảnh nói với tôi rằng: ‘Từ trên vách núi dựng đứng nhảy xuống, khi sắp chạm đất thì dùng tay đập vào vách đá, tung người bay ra, bình an vô sự’ “.
Thối công (công phu đòn chân) thần kỳ
Người thầy đầu tiên của Lý Trọng Hiên là Đường Duy Lộc, lực chân của ông vô cùng thần kỳ. Nhiều người kể rằng một buổi tối ông có thể đi được ba, bốn trăm dặm. Ông cùng với Tôn Lộc Đường đương thời được xưng hiệu là Nhị Hầu (hai con khỉ). “Thầy Đường biệt hiệu Đường Tiểu Hầu, Tôn Lộc Đường biệt hiệu Tôn Hầu Tử, là nói hai người đều có khả năng vượt tường vượt mái nhà. Hai người được gọi chung là Nhị Lộc, cùng âm với Nhị Lộc (hai con hươu), là nói rằng hai người có sức mạnh đôi chân một đêm đi được 300, 400 dặm”.
“Thầy Đường đến Kinh thành, vì để tránh thi triển thối công gây kinh động đến người đi đường, nên ông thường đến bên con sông yên tĩnh ngủ tới canh một rồi mới lên đường, trời sáng là đã đến Bắc Kinh rồi, trên đường còn phải lén vượt qua mấy quan ải”. Có lúc tốc độ của Đường Duy Lộc còn bắt kịp tàu hỏa: “Những chuyện lạ của môn Hình ý thì không dám nói. Khi còn trẻ, một lần tôi trú ở nhà Đinh Chí Đào. Khi đó thầy Đường đã biểu diễn cho tôi xem thầy đuổi tàu hỏa. Chính là để chúng tôi ngồi tàu hỏa, thầy Đường nói: ‘Thầy sẽ đuổi theo các trò’. Đến khi chúng tôi đến nhà ga, thấy thầy Đường đã đứng ở sân ga đợi chúng tôi rồi, tay đang phe phẩy quạt, trên người không có mồ hôi. Dù tìm đường ngắn cũng không thể nhanh thế này được. Tôi và Đinh Chí Đào không dám nói chuyện nữa”.
Thối công và tốc độ của danh gia Bát quái quyền Tôn Lộc Đường đương thời còn có một giai thoại. “Thối công của Tôn Lộc Đường là một sự kiện tin nóng. Ông và Đoàn Kỳ Thụy ngồi trên xe mui trần, chạy ngược chiều gió, xe chạy tốc độ cao. Đoàn Kỳ Thụy đội chiếc mũ lá Panama, bị gió cuốn đi. Tôn Lộc Đường nhảy xuống xe đuổi theo chiếc mũ rồi quay lại đuổi theo xe. Tài xế còn chưa kịp biết có người nhảy xuống xe, thì Tôn Lộc Đường đã trở về ngồi trên xe rồi”.
Sư phụ thứ hai của Lý Trọng Hiên là Thượng Vân Tường, kungfu rất phi thường, có biệt hiệu là Thiết Cước Phật. Ngày thường ông tùy ý luyện một bài quyền, những viên đá bên dưới chân đều bị nứt. Đó chỉ là là mới hơi thi triển chút thân thủ cỏn con thôi.
Cảm ứng mẫn tiệp mọi lúc của Thượng Vân Tường mới là tuyệt chiêu xuất quỷ nhập Thần. “Một mùa hè, một đồ đệ từ ngoài cửa sổ nhìn vào thấy Thượng Vân Tường đang ngủ, có khí độ ninh tĩnh của Phật ngủ trong chùa. Đồ đệ sinh lòng cung kính, trong lòng cảm khái rằng: ‘Theo học thầy Thượng thì có thể học được thứ chân chính’. Khi đó Thượng Vân Tường liền tỉnh dậy và nói: Khi ta ngủ thì không được để người khác nhìn, người khác hễ nhìn là tỉnh giấc“.
“Khi thầy Thượng ngủ, ở bên ông nói chuyện, chạy nhảy cũng không vấn đề gì, nhưng chỉ tập trung chú ý nhìn vào thân ông thì thầy Thượng sẽ tỉnh dậy. Nghe rất thần kỳ, nhưng luyện Hình ý quyền lâu ngày rồi, nhất định sẽ xuất hiện hiệu quả này”.
Loại cảm ứng mẫn tiệp không thể tượng tượng nổi này chính là “Tùy theo cảm giác mà xuất thủ, có tiếp xúc ắt có phản ứng” được nói đến trong quyền phổ. Có loại cảm ứng này, không sợ khi ngủ bị hại bởi người đánh lén.
Cao thủ quá chiêu
Sư phụ thứ ba của Lý Trọng Hiên là Tiết Điên. “Tiết Điên và sư huynh Phó Xương Vinh tỉ võ ở một quán rượu 2 tầng. Tiết Điên nói: ‘Đây không phải là nơi tỉ võ’. Phó Xương Vinh nói: ‘ Đánh đệ không cần đến nơi rộng rãi’ – Đây là phép khích tướng. Tiết Điên vội vàng xuất thủ, Phó Xương Vinh dùng một đòn Hồi Thân Chưởng đánh Tiết Điên văng xuống dưới lầu. Ông từ lan can tầng 2 rơi xuống, ngã rất mạnh. Mọi người xem xung quanh đều cho rằng ngã rất đau, không ngờ ông liền đứng phắt dậy nói với Phó Xương Vinh ở trên lầu rằng: ‘Sau này đệ sẽ tìm huynh’. Nói rồi bước đi”.
Lý Trọng Hiên nói, sự kiện này còn có một phiên bản khác: “Thầy Đường (Duy Lộc) nói, Tiết Điên vốn hữu hảo với Phó Xương Vinh, hai người tá túc ở một cửa hàng lương thực ở Doanh Khẩu, Sơn Đông. Trước khi đi ngủ thi nhau một chút thân thủ. Phó Xương bỗng nhiên dùng sức đánh ngã Tiết Điên, khung cửa sổ cũng bị va đập nứt vỡ. Tiết Điên xấu hổ lắm liền bỏ đi”. Một chưởng là có thể đánh ngã đối thủ va vào khung cửa sổ làm vỡ khung cửa. Đó chính là võ công truyền thống nguyên chất nguyên vị, khác hoàn toàn với những đòn múa may chân tay hoa mỹ hiện nay.
Nghe nói Tiết Điên sau lần tỉ võ thất bại này vô cùng xấu hổ, liền ẩn cư ở núi Ngũ Đài một mình luyện công, được một lão hòa thượng trên trăm tuổi có tên gọi là Hư Vô Thượng Nhân Linh Không Trưởng Lão chỉ bảo, võ nghệ tăng tiến như vũ bão. Mấy năm sau, Tiết Điên quay lại Thiên Tân tìm Phó Xương Vinh tỉ võ, võ công của Tiết Điên đã đạt đến trình độ biến hóa như Thần.
Bên này, Phó Xương Vinh cũng luôn tăng trưởng kungfu, ông đi vòng quanh chậu rửa mặt một vòng, nước trong chậu liền xoay tròn, người thường không thể nào hiểu nổi. Thực ra, khi ông bước chân trông cực kỳ nhẹ nhàng nhưng lại rất nặng, chân vừa chạm đất liền gây ra hiệu ứng khiến nước trong chậu chấn động. Thối công này đã đạt đến cảnh giới “cử trọng nhược khinh” (nhấc nặng như nhẹ), một bước chân là có thể đả thương người. Cuộc tỉ võ của Tiết – Phó thực sự là ắt có người bị thương.
Sau này do đại sư huynh Thượng Vân Tường đứng ra hòa giải, nói huynh đệ đồng môn không được “đấu mệnh” (thi đấu sống chết), đồng thời để Tiết Điên kế thừa sư phụ Lý Tồn Nghĩa làm trưởng võ quán Thiên Tân Quốc Thuật Quán, nhờ thế mới kết thúc mối ân oán này.
Chuyện ly kỳ trong võ lâm rất nhiều. Lý Trọng Hiên nói: “Người luyện võ xưa thường bái phỏng người, luyện thành rồi liền đi khắp nơi, ai nổi tiếng liền tìm đến người đó… Có một võ sư rất khỏe đến bái phỏng một cụ già. Cụ già nói: ‘Ta tuổi tác cao rồi, không tỉ võ được nữa’.
Võ sư kia cứ nhất quyết muốn tỉ võ, lúc đó có một người gánh 2 thùng nước đến, cụ già nói: ‘Vậy thì tỉ võ thôi. Nhưng cậu để ta uống hớp nước đã’. Cụ chặn người gánh nước lại, không ngờ cụ uống liền một hơi hết thùng nước. Võ sư kia trông thấy ngây người nhìn. Cụ già bỗng há miệng, một vòi nước phun ra khiến võ sư nọ ngã lăn xuống đất”.
“Tôi chưa thấy người luyện Hình ý luyện thứ này, vốn trước kia cho là truyền thuyết, nhưng một lần xem kịch, phát hiện diễn viên Bình kịch nổi tiếng Cao Nguyệt Lâu đã biểu diễn thứ này trên sân khấu. Ở ngoài sân khấu ông cũng biểu diễn, một ngụm nước có thể phun ra rất xa, ở cách ông ấy cự ly một bước chân, bị dòng nước phun đó thì giống như bị một quyền vậy” – Lý Trọng Hiên kể lại.
Kỳ lạ nhất còn có chuyện thế này: “Thầy Đường có một đồ đệ là Đinh Chí Đào, được mọi người gọi là Tân Đông Đại Hiệp. Hai thôn phía Đông Thiên Tân tranh nhau nước, diễn biến căng thẳng, sắp xảy ra đánh nhau. Đinh Chí Đào đến đó, một người hùng hổ lao đến, Chí Đào đánh một đòn, người kia đứng sừng sững như trời trồng, mấy giây vẫn không nhấc chân lên được. Đây là đòn Phách quyền kình của Hình ý, một chưởng đánh ra có thể khiến đối phương như bị đóng đinh trên mặt đất. Đinh Chí Đào “đóng đinh” mười mấy người, đã ngăn chặn được trận đánh nhau của 2 thôn, cũng vì thế mà ông đã thành danh”.
Võ công truyền thống một chưởng “đóng đinh” đối phương không nhúc nhích, vừa có sức chấn nhiếp đối phương mà lại không sát thương, quả là vẹn cả đôi đường, viên dung hài hòa, là một diệu pháp hóa giải những sự kiện có tính quần thể.
Cao thủ võ lâm bán quẩy, bán than, mổ lợn
Cao thủ võ lâm xưa tuy có tuyệt kỹ kinh người nhưng trong cuộc sống bình thường thì họ lại không xuất đầu lộ diện, thường luôn ẩn mình ở trong những người buôn bán nhỏ ở phố chợ, sống qua ngày một cách rất bình dị.
Ví như: Thượng Vân Tường kinh doanh nhỏ – bán mũ, “Thầy Thượng ban đầu làm mũ, một phần nguồn thu những năm cuối đời của thầy là tiền ủng hộ của đồ đệ Đơn Quảng Khâm. Đơn Quảng Khâm buôn bán trái cây và bánh ngọt”.
Đường Duy Lộc có sư huynh tên là Trương Cảnh Phú, biệt hiệu Quả Tử Trương, “sống bằng nghề bán quẩy, từng làm đệ tử của Thân Vạn Lâm – thầy dạy võ trong cung đình nhà Thanh”.
Danh gia Bát quái quyền Trình Đình Hoa sống bằng nghề làm mắt kính, mở hiệu kính ở bên ngoài Sùng Văn Môn, Bắc Kinh. Trên giang hồ gọi ông là Nhãn Kính Trình.
Sự đệ của Lý Trọng Hiên là Đinh Chí Đào làm đồ tể mổ lợn. “Một hôm thầy Đường dẫn tôi đi tìm Đinh Chí Đào. Sư đệ đang làm việc, đạp một cái, xương sống lợn trên phản mềm ra ngay, các đốt xương rời ra. Thầy Đường vỗ vỗ vào người tôi và nói: Cầm nã của chúng ta chính là cái này”.
Ngoài ra, trong môn Bát quái còn có cao thủ điểm huyệt, đó là “người có võ công tương đương với Trình Đình Hoa, biệt hiệu là Môi Tử Mã, làm nghề bán than”.
Những cao thủ võ lâm bán quẩy, bán than, làm mắt kính, mổ lợn này đã minh chứng cho một câu nói cổ xưa: “Anh hùng không hỏi xuất thân”.
Người trong võ lâm bảo vệ gia đình, bảo vệ quốc gia
Những điều như nói trên chỉ là một phương diện, còn ở phương diện khác, trong võ lâm cũng có những nhân vật xuất hiện với diện mạo hiên ngang như Đại sư Hình ý quyền Lý Tồn Nghĩa đã từng làm võ quan dưới trướng của Tổng đốc Lưỡng gian Lưu Khôn Nhất. Ông huấn luyện binh sĩ, nhiều lần lập chiến công. Say này ông lui về Bảo Định mở Tiêu cục Vạn Thông, bảo vệ các thương gia Bắc Nam qua lại.
Khi biến cố Canh Tý xảy ra (Liên quân 8 nước đánh vào Bắc Kinh – ND), Lý Tồn Nghĩa dẫn đệ tử kháng chiến chống liên quân 8 nước. Những năm cuối đời, ông sáng lập ra Trung Hoa Võ Sĩ Hội, đến Bắc Kinh tham gia “Đại hội thi đấu võ thuật vạn quốc”, đánh bại đại lực sĩ người Nga là Cantel – người được mệnh danh là Hercules Hoàn Cầu.
Người tổng hợp cả 3 gia phái Hình ý, Bát quái, Thái cực lại sáng lập ra Tôn thị Thái cực quyền chính là Tôn Lộc Đường. Thời Dân Quốc, ông đã từng được Từ Thế Xương tuyển chọn vào Phủ Tổng thống, làm chức quan Võ tuyên quan, được ca ngợi là “Hổ đầu Thiếu Bảo, thiên hạ đệ nhất thủ”.
Lý Trọng Hiên những năm cuối đời đã thuật lại rất nhiều giai thoại võ lâm, nhưng những phần có giá trị lại là tiết lộ rất nhiều kinh nghiệm luyện võ mấy chục năm và những quyết khiếu võ công bí mật không thể tiết lộ trước đây. Những tinh hoa này rất phi phàm, chỉ có người có duyên mới có thể đắc được mà thôi.
Theo NTD Tiếng Việt