Thiền sư thời Tống tiên đoán chính xác kết cục 7 người con của Dương gia tướng
Vào những năm đầu triều đại Bắc Tống, nhà Tống và nhà Liêu đối đầu nhau, vua nước Liêu mượn cớ bày tiệc mời Tống Thái Tông đến dự “Song Long hội”, âm mưu diệt quân thần nhà Tống. Danh tướng Dương Kế Nghiệp đã thay mặt vua Tống, dẫn theo 7 người con của mình đi dự tiệc. Trước khi đi, một vị thiền sư đã tiên đoán chính xác kết cục của chuyến đi này.
Vào triều đại Tống Thái Tông, quân lính của Dương gia được xem là quân chủ lực tiên phong Bắc phạt, đánh đâu thắng đó. Tiêu Thái hậu của nước Liêu thấy quân lính Dương gia tác chiến dũng mãnh, quân Liêu nhiều lần tấn công đều bị đánh bại, liền bày ra kế “Lấy lùi làm tiến”, mời Tống Thái Tông đến U Châu đàm phán, muốn mượn cơ hội này một mẻ bắt trọn Tống Thái Tông cùng quân lính Dương gia.
Nhưng Dương Kế Nghiệp đoán được âm mưu của Tiêu Thái hậu, vừa hay con trai cả của ông là Dương Đại Lang có tướng mạo rất giống với vua Tống nên ông dẫn theo con trai để thay Tống Thái Tông đi dự tiệc.
Trước khi đi, Dương Kế Nghiệp dẫn theo 7 con trai đến Ngũ Đài Sơn bái Phật. Phương trượng thiền sư Trí Thông thấy Dương Kế Nghiệp lấy thiên hạ làm trọng nên cảm động sâu sắc, ông biết rằng Dương gia chuyến này lành ít dữ nhiều, nhưng lại không dám tiết lộ thiên cơ, nên khuyên Dương Kế Nghiệp từ chức, giải giáp về quê.
Dương Kế Nghiệp thở dài nói: “Ta cũng không phải là người tham công hiếu chiến, chỉ vì quân Liêu lấn chiếm biên cương, không những con dân đại Tống ta mà cả bách tính nước Liêu cũng lầm than.
Ta chỉ có thể lấy chiến tranh để chấm dứt chiến tranh, ép quân lính nước Liêu lui binh, vì thiên hạ trăm họ mà mưu cầu hạnh phúc. Nếu Tống-Liêu hai nước chiến tranh dừng lại, ban giao hảo hữu, ta sẽ giải giáp quy ẩn, không hỏi công danh lợi lộc”.
Thiền sư Trí Thông thấy vậy, thở dài nói: “Ta có một lời để lại cho tướng quân ‘Song Long hội trên bãi Kim Sa, thất tử đi lục tử trở về'”.
Dương Kế Nghiệp cho rằng có một đứa con trai sẽ không trở về được, liền nhờ thiền sư Trí Thông cho phương pháp phá giải, nhưng thiền sư lại lắc đầu không đáp. Dương Kế Nghiệp cũng không miễn cưỡng, liền dẫn theo bảy con trai xuống núi.
Sau bữa tiệc “Song Long hội”, Thiên Khánh Vương, người thay mặt Tiêu Thái hậu dự tiệc đã nhìn ra Tống Thái Tông là giả, liền hạ lệnh khai chiến. Dương Đại Lang dùng ám tiễn (tên giấu trong tay áo) bắn chết Thiên Khánh Vương, binh lính nước Liêu ngay lập tức bao vây toàn bộ đoàn dự tiệc của nhà Tống.
Dương Kế Nghiệp ngay sau đó lệnh cho quân lính Dương gia phân thành ba đường phá vòng vây. Ông dẫn theo Lục lang để giữ chân quân Liêu, Thất Lang từ bên trong phá vòng vây, bên trái do Đại Lang, Nhị Lang và Tam lang dẫn đầu, bên phải do Tứ lang, Ngũ Lang dẫn đầu.
Quân lính Dương gia gắng sức nghênh chiến, nhưng binh sĩ nước Liêu đông như kiến cỏ, ba tốp quân của Dương gia bị tách ra. Tại trận chiến trên bãi Kim Sa, Đại Lang, Nhị Lang và Tam lang đã tử trận một cách oanh liệt, Tứ lang bị trọng thương không biết tung tích, sau bị quân Liêu bắt làm tù binh.
Ngũ lang đơn thân độc mã phá vòng vây xông ra, đối mặt với truy binh phía sau, Ngũ lang chợt nghĩ đến cái hộp mà thiền sư Trí Thông ở Ngũ Đài Sơn đã đưa cho mình, dặn lúc nguy cấp có thể mở ra. Sau khi mở hộp ra, Ngũ lang thấy một dao cạo tóc, còn có giấy chứng nhận tu sĩ, Ngũ lang hiểu ý liền cởi bỏ chiến giáp, xuống tóc rồi xoay người đi Ngũ Đài Sơn.
Thất lang phụng lệnh cha đến Nhạn Môn Quan gọi quân cứu viện, nhưng Phan Nhân Mỹ vì thống hận Dương gia nên không chịu xuất binh. Còn dùng việc công để báo thù riêng, viện lý do Thất lang lâm trận chạy trốn, liền trói Thất lang vào góc cây tùng, lệnh quân sĩ bắn tên tới chết.
Dương Kế Nghiệp dẫn quân sĩ vừa đánh vừa lui, khi thối lui đến Trần Gia Cốc, lúc này bên cạnh còn lại không tới 100 người, lại không có quân cứu viện đến, mặc dù ông chiến đấu anh dũng nhưng quân ít không địch lại nhiều, ông bị trọng thương, té ngựa và bị bắt, cuối cùng bất khuất tuyệt thực, vì giang sơn nhà Tống mà chảy đến giọt máu cuối cùng.
Chiến dịch bãi Kim Sa, Dương gia 7 người con trai đi nhưng cuối cùng trở lại Thiên Ba Phủ chỉ có một mình Lục lang. Cho nên câu “thất tử đi lục tử trở về” không phải nói bảy con trai cùng đi, sáu con trai trở lại, mà là nói chỉ có Lục lang có thể trở lại, ứng nghiệm với cảnh báo của thiền sư Trí Thông.
Sau đó, Dương Diên Chiêu (Lục lang) nén chịu nỗi đau mất người thân, tiếp tục đảm đương trọng trách bảo vệ dân chúng nhà Tống. Theo ‘Tống sử’ ghi lại: Dương Diên Chiêu khi còn bé trầm mặc ít nói, lúc đó thường chơi trò bày trận hành quân, cha của ông là Dương Kế Nghiệp nói rằng “đứa trẻ này rất giống ta”. Mỗi lần xuất chinh đều nhất định để cho Diên Chiêu theo cùng.
Tuệ Tâm (Theo NTDTV)