Thi sĩ Mạnh Hạo Nhiên khí chất bất phàm, một đời sống với mây trời sông núi
“Hồng nhan khí hiên miện, bạch thủ ngọa tùng vân” (Tuổi xanh vứt mũ miện, đầu bạc ngủ mây cồn), đây là câu thơ của Lý Bạch miêu tả và bày tỏ sự ngưỡng mộ của ông đối với Mạnh Hạo Nhiên. Mạnh Hạo Nhiên từ lúc còn trẻ đã bắt đầu sống ở ẩn, đến khi đầu tóc bạc trắng vẫn thong dong nhàn nhã nằm trong rừng thông mây trắng.
Mạnh Hạo Nhiên là một ẩn sĩ, ông coi hồng trần như rác rưởi! Ấn tượng của thế nhân đối với ông cũng đến từ hình ảnh đạm bạc, không màng danh lợi, vui thú trong cảnh điền viên. Tuy nhiên, khi còn trẻ, Mạnh Hạo Nhiên không thực sự được an nhàn như vậy.
Trong những năm đầu đời, Mạnh Hạo Nhiên ở nhà để phụng dưỡng cha mẹ và chưa từng ra ngoài làm quan, sau này lại sống ẩn cư một thời gian dài ở núi Lộc Môn. Tuy nhiên, thời gian dài đầy nhiệt huyết, thỏa mãn cõi lòng ở nơi núi rừng này đối với ông mà nói cũng chỉ là “mười năm mài kiếm”. Vì để mài một “thanh kiếm sắc bén” mà bỏ thời gian chờ đợi mà thôi.
Mùa thu năm Khai Nguyên thứ 14 thời vua Đường Huyền Tông, Mạnh Hạo Nhiên lúc đó tuổi đã ngoài 40, cuối cùng đã quyết định chứng minh năng lực của mình với người đời, đưa ra các đạo lý trị quốc đã được học trong sách Thánh hiền.
Trong tác phẩm “Trọng hạ quy nam viên ký kinh ba cựu du”, Mạnh Hạo Nhiên đã viết “Trung niên phế khâu hác, thượng quốc lữ phong trần” (40 tuổi rời bỏ đồi núi, làm khách phong trần nơi thượng quốc), ông từ giã quê nhà để đến thành Trường An, chờ đến năm sau tham gia kỳ thi Tiến sĩ.
Tại thành Trường An nơi tụ hợp các nhân tài, Mạnh Hạo Nhiên đã quen biết Vương Duy và Vương Xương Linh. Cả ba vừa mới gặp nhau đã tâm đầu ý hợp, tiếc là không thể gặp nhau sớm hơn, lúc đó Mạnh Hạo Nhiên tràn đầy niềm vui sướng và ý chí mạnh mẽ.
Một ngày nọ, Mạnh Hạo Nhiên đến tỉnh Bí Thư ngao du và vô tình bắt gặp một cuộc thi làm thơ. Những người tham dự hầu hết là các thi nhân đương đại nổi tiếng, từng chiếc bút hí hoáy viết mong được phân tài cao thấp.
Lúc này, mưa thu ngoài cửa sổ đột nhiên ngưng lại, bầu trời trong veo, một dải mây trắng vắt qua bầu trời đêm, khung cảnh hết sức thanh nhã, vậy là Mạnh Hạo Nhiên thuận miệng ngâm nga:
“Vi vân đạm hà hán, sơ vũ tích ngô đồng”.
Tạm dịch: Mây thưa nhàn nhạt ngân hà, mưa bay lất phất trên cây ngô đồng.
Những câu thơ tuyệt mỹ này đã thuyết phục được bốn vị giám khảo, mọi người bất giác hạ bút… thắng bại đã rõ không cần phải thi nữa! Mạnh Hạo Nhiên trong phút chốc đã nổi tiếng khắp kinh thành.
Nhờ vào tài văn chương tuyệt đỉnh của mình, Mạnh Hạo Nhiên tràn đầy tự tin và chỉ chờ “một bước lên mây”. Nhưng thật bất ngờ, khi kết quả của kỳ thi tiến sĩ được công bố, ông lại không đậu bảng! Điều này khiến ông như từ trên mây rơi xuống đất vậy. Tất cả những khổ công của Mạnh Hạo Nhiên lúc này đây đều hóa thành nước chảy, điều này đã để lại một cú sốc thật lớn cho ông.
Lúc đó Mạnh Hạo Nhiên vẫn chưa lập tức rời kinh thành, Rốt cuộc ông không thể tin được rằng tài năng của mình lại không có ai thưởng thức. Sau đó ông tiếp tục lưu lại Trường An sầm uất và tiếp tục tìm kiếm cơ hội khác để được tiến cử, tuy nhiên, sau nhiều phen nỗ lực và chờ đợi ông vẫn không thể có một chức quan.
Cảnh ngộ thay đổi nhanh chóng này cuối cùng đã khiến Mạnh Hạo Nhiên phải hoàn toàn đoạn tuyệt với ảo mộng của mình và trở về quê nhà. Khi sắp rời đi, ông đã để lại một bài thơ cho người bạn thân của ông là Vương Duy như sau:
Tịch tịch cánh hà đãi, triêu triêu không tự quy.
Dục tầm phương thảo khứ, tích dữ cố nhân vi.
Đương lộ thùy tương giả, tri âm thế sở hy.
Chích ứng thủ tịch mịch, hoàn yểm cố viên phi.
(Lưu biệt Vương Duy)
Bản dịch thơ của Trần Trọng Kim:
Quạnh hiu thôi có đợi gì, những là sớm sớm đi về luống công
Muốn đi tìm cỏ thơm nồng, tiếc vì bạn cũ lại không đồng lòng
Những người đương lộ ai dung, tri âm mấy kẻ ở trong đời này
Chỉ nên im lặng qua ngày, trở về vườn cũ cửa cài ở yên
Chốn kinh thành vốn phức tạp, đối với người bản chất thuần phác không biết giả tạo mà nói, suy cho cùng để lấy lòng người là việc quá khó khăn. Nỗi chua xót có tài mà không gặp thời khiến Mạnh Hạo Nhiên ủy khuất trong lòng, và cảm giác cô tịch khi không thấy trời cao.. vì vậy ông thất vọng trở về quê nhà. cứ thế mà trải qua thời gian dài đằng đẵng.
Ban đầu, trong cuộc sống bình lặng ông vẫn còn lưu lại một chút không cam lòng. Dần dần, ngày qua tháng lại, sớm chiều ngắm nhìn cuộc sống của cây cối hoa màu sinh sôi nảy nở, lớn lên, thu hoạch, mọc lên rồi chết đi, … Mạnh Hạo Nhiên như đã ngộ được điều gì.
Ông vốn cũng không phải là người phù phiếm nên khi còn trẻ mới có thể ở trong một ngôi nhà cô đơn, một mình đọc sách và chăm sóc người thân, chỉ vì quá tài năng, không thể giữ được mình mới muốn ra ngoài để chứng thực bản thân. Trong đời sống thuần túy chốn điền viên, ông đã từng sáng tác ra những bài thơ tuyệt mỹ không ai sánh được.
Mạnh Hạo Nhiên cuối cùng đã gột rửa hết niệm thế tục và trở thành một ẩn sĩ, một nhà thơ vĩ đại. Có lẽ, một số người được sinh ra là để tìm tới niềm vui nơi núi rừng, không màng danh lợi, hoặc có thể một số người sau khi đã trải qua những trắc trở mới quay lại với chính mình. Mặc dù con đường làm quan không suôn sẻ, nhưng lại là cơ hội để Mạnh Hạo Nhiên đề cao cảnh giới sinh mệnh của mình.
Chân Chân (Theo Secretchina)