Thẩm Dương: Chính quyền nói “không có ca nhiễm mới” trong khi phong tỏa bệnh viện và đóng cửa trường học
Sau Hắc Long Giang và Cát Lâm, tỉnh Liêu Ninh cũng báo cáo rằng, dịch bệnh Vũ Hán đã bùng phát trở lại. Mặc dù gần đây, các quan chức chỉ công bố 3 trường hợp nhiễm virus được xác nhận tại Thẩm Dương, nhưng cư dân địa phương tiết lộ rằng, các nhân viên phòng chống dịch bệnh mặc quần áo bảo hộ đã xuất hiện gần bệnh viện, trung tâm mua sắm và các khu vực khác ở Thẩm Dương.
Ngày 19/5, trên Twitter cư dân mạng đã đăng tải tình hình Bệnh viện của Đại học Y Thẩm Dương. Đoạn video cho thấy, các bệnh nhân chờ khám bệnh đang xếp hàng dài bên ngoài khu vực bệnh viện.
Một người đàn ông nói: “Hãy nhìn vào bệnh viện của Đại học Y, nhìn những người này, họ đang xếp hàng dài và tất cả đều đã được hẹn trước”.
Ngày 18/5, video được tải lên cho thấy, rất nhiều người mặc quần áo bảo hộ bên ngoài Văn phòng công chứng Liêu Ninh.
Người dân nói: “Văn phòng Công chứng tỉnh Liêu Ninh, cái gì đây? (anh ta ngạc nhiên khi thấy những người mặc đồ bảo hộ), tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi lái xe đi ngang qua. Thấy không? Có một chiếc xe buýt”.
Buổi tối cùng ngày, hai chiếc xe buýt bất ngờ tới bên lề Wanda Plaza, đường Bắc Nhất, thành phố Thẩm Dương và nhiều nhân viên phòng chống dịch bệnh mặc quần áo bảo hộ xuống xe.
Một người phụ nữ nói: “Tới Wanda Plaza đường Bắc Nhất rồi, thật đáng sợ ? Đáng sợ! Đây là Wanda Plaza đường Bắc Nhất, đây là Wanda Plaza đường Bắc Nhất, thành phố Thẩm Dương, ai da, ai đã đi đến đó?”, cô có vẻ đang lo lắng và biết chuyện gì đang xảy ra.
Cư dân mạng đã tiết lộ rằng, hiện nay có hơn 10.000 người bị cách ly ở Thẩm Dương. Video được đăng tải bởi cư dân mạng nói rằng, khu dân cư của Poly Garden (giai đoạn 6) nên được cách ly.
Người đàn ông nói: “Poly Garden (giai đoạn 6), Poly Garden (giai đoạn 6), tất cả những người này sẽ phải được cách ly hết”.
Ngày 18/5, Ông Dân Chu – một cư dân của Thẩm Dương đã tiết lộ rằng, theo ông được biết đã có 60 hoặc 70 người đã được chẩn đoán là nhiễm virus ở Thẩm Dương vào ngày 17/5.
Ông Chu nói thêm: “Hôm qua, nó đã lên tới 60 hoặc 70 ca nhiễm. Liêu Ninh chúng tôi xuất hiện 2 đến 3 chiếc xe buýt đón người đi rồi. Thẩm Dương đã cách ly hơn 7.000 người. Trên đường cái không có người, xe buýt ở Thẩm Dương cũng không còn hoạt động nữa”.
Trái ngược với bầu không khí căng thẳng do cư dân mạng phơi bày, báo cáo dịch bệnh chính thức của Ủy ban Y tế tỉnh Liêu Ninh tuyên bố rằng, kể từ ngày 17/4, các trường hợp viêm phổi Vũ Hán ở Liêu Ninh cơ bản mỗi ngày là “không có thêm”.
Ngày 13/5, thành phố Thẩm Dương thông báo chỉ có 2 trường hợp tại địa phương bị nhiễm.
Ngày 10/5, quận Tô Gia Đồn thông báo một trường hợp bị nhiễm và đây là trường hợp có liên quan đến dịch bệnh ở thành phố Thư Lan, thuộc Cát Lâm.
Ông Biện, một cư dân Thẩm Dương nói: “Nơi đó gọi là Tô Gia Đồn, nó thuộc vùng ngoại ô và cách Thẩm Dương một đoạn. Khu vực đó có một người bị nhiễm virus, nhưng đường lây truyền của nó rất khác, nó không có tính cố định. Nó đã được lây truyền trong xe taxi, nhưng bao nhiêu người đã tiếp xúc là không rõ ràng, không kiểm soát được”.
Hiện tại, khu vực Tô Gia Đồn được chỉ định là khu vực duy nhất, có nguy cơ lây nhiễm trong phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ở tỉnh Liêu Ninh.
Ông Thẩm, một cư dân khác ở Thẩm Dương nói: “Bây giờ chỉ có Tô Gia Đồn chỉ thuộc dạng ‘nguy cơ lây nhiễm trung cấp’ hay là cái gì đó tương tự. Có lẽ cần phải phong tỏa cả thành phố thì mới lên cao cấp hơn”.
Một số cư dân mạng tiết lộ rằng sáng 13/5, bệnh viện 463 của Quân đội Giải phóng Nhân dân Thẩm Dương đã đóng cửa, và có thể là có phát sinh lây nhiễm theo nhóm.
Một người đàn ông nói: “Bệnh viện Thẩm Dương 463 đã phong tỏa. Bây giờ mọi người bên trong không thể ra ngoài, những người bên ngoài cũng không thể vào trong. Các bác sĩ đều không thể ra ngoài. Quá nghiêm trọng”.
Ông Biện nói: “Có một y tá bị lây nhiễm bệnh. Cô này là người Thẩm Dương, nhưng đã đến Cát Lâm công tác vài ngày, sau khi quay lại thì đã bị nhiễm bệnh. Nhưng cô ấy không hề biết mình đã bị nhiễm virus, và sau đó cô có thể đã lây nhiễm cho người khác trong bệnh viện”.
Ông cũng nói rằng dịch bệnh ở Thẩm Dương đã lan rộng khắp các tỉnh khác.
Ông Chu tiếp: “Có một chàng trai 23 tuổi đến từ Thư Lan. Cửa hàng, quán Internet đều lưu tên anh ta, nên bây giờ bất cứ nơi nào có tên (những nơi anh ta đã từng ghé qua), thì tất cả những ấy đều bị cách ly! Bệnh viện, quán Internet, siêu thị, bất cứ nơi nào anh chàng đó đi, là toàn bộ cách ly!”.
Ngoài bệnh viện 463 ra, còn có những bệnh viện khác cũng đã bị phong tỏa, ông nhấn mạnh.
“Tất cả các bệnh viện ở Thẩm Dương đều đã bị phong tỏa. Đầu tiên là bệnh viện 463, nó đã được niêm phong trước nhất. Lúc đầu, chỉ có bệnh viện này được phong tỏa, nhưng bây giờ tất cả đều bị phong tỏa. Nó (virus) tiếp xúc vào người này, lây cho người kia, nó lây lan quá nhiều. Cứ như vậy đã có hơn 7.000 người bị cách ly, tới hơn 7.000 người!”.
Ông Thẩm – một cư dân khác ở Thẩm Dương nói rằng, trường học lại phải đóng cửa ngay sau khi vừa mở lại không được bao lâu, học sinh chỉ vừa mới quay lại trường!
Ông Thẩm: “Trường học phải đóng cửa một lần nữa. Chúng tôi đang chuẩn bị quay lại làm việc vào ngày 15/5, hoặc là 18/5. Vào ngày đó, trong nửa đầu ngày các phụ huynh rất vui, chưa được bao lâu thì dịch bệnh lại đến, trường lại đóng cửa và học sinh lại phải nghỉ học”.
Không chỉ Liêu Ninh, tình hình dịch bệnh ở Hắc Long Giang và tỉnh Cát Lâm cũng bắt đầu bùng phát. Thành phố Tuy Phân Hà, thuộc Mẫu Đơn Giang – một thành phố biên giới giữa Trung Quốc và Nga là nơi bùng phát đầu tiên và sau đó tiếp tục lan rộng.
Ngày 7/5, một nữ nhân viên giặt ủi 45 tuổi ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm được chẩn đoán nhiễm virus, hiện có tổng cộng 29 người bị nhiễm. Thành phố Cát Lâm đã bị phong tỏa từ ngày 13/5, nhưng số ca nhiễm vẫn đang gia tăng và nguồn lây nhiễm hiện chưa được xác định.
Việt Anh (Theo NTDTV)