Phụng dực cửu sồ – Truyền thuyết về những đứa con của Phượng Hoàng

10/08/20, 20:08 Cổ Học Tinh Hoa

Những ngày gần đây, hình ảnh Phượng Hoàng xuất hiện trên bầu trời Sài Gòn đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng cộng đồng mạng. Truyền thuyết lưu lại rằng, Phượng Hoàng là một Thần vật của tạo hóa vũ trụ, biểu tượng cho vẻ đẹp vĩnh hằng và một kỷ nguyên mới huy hoàng. Tuy nhiên khi nhắc tới những đứa con của Phượng Hoàng (Phụng dực cửu sồ), thì có lẽ không nhiều người biết tới.

Phượng Hoàng là loài chim Thần đang bay lượn trong điệu múa của vũ trụ để vạn vật sinh sôi, hòa hợp. (Ảnh: NTD Việt Nam)

Sơ lược về Phượng Hoàng

Truyền thuyết phương Đông và phương Tây đều mô tả Phượng Hoàng là một loài chim thần chí cao vô thượng, vạn điểu chi vương (vua của các loài chim), tượng trưng cho sự tái sinh và ánh sáng của trí tuệ. Loài chim thần này sở hữu một tiếng ca du dương, có tác dụng thần diệu đối với tinh thần, giúp người nghe bình tâm và lấy lại can đảm. Không chỉ thế, nước mắt của Phượng Hoàng có khả năng chữa lành mọi vết thương. Máu và thịt của nó có thể giúp con người trường sinh bất tử. Ngoài ra, lông Phượng Hoàng được sử dụng như 1 loại bùa hộ mệnh hoặc vũ khí lợi hại để chống lại cái ác.

Vạn điểu chi vương trong thần thoại Đông phương

Vạn điểu chi vương Phượng Hoàng. (Ảnh qua sohu)

Phượng Hoàng là một trong số những nhân tố chính của vũ trụ học Trung Hoa. Thần thoại Trung Hoa lưu truyền rằng, sau khi thần Bàn Cổ thoát ra từ “quả trứng” khổng lồ của sự hỗn loạn, bốn sinh vật khác cũng theo Ông mà tồn tại. Đó là Long [Rồng], Lân [Kỳ Lân], Quy [Rùa], và Phụng [Phượng Hoàng]. Những sinh vật tuyệt vời này, được gọi là Tứ Linh, đã hợp sức với thần Bàn Cổ để tạo nên thế giới.

Một số truyền thuyết mô tả thân thể của Phượng Hoàng tương ứng với các thiên thể, với đầu là bầu trời, mắt là Mặt trời, lưng là Mặt trăng, chân là Trái đất, và đuôi là các hành tinh. Do đó, Phượng Hoàng được xem là sự liên kết giữa thế giới của người và Thần.

Phượng Hoàng là sự kết hợp các đặc điểm xinh đẹp nhất của nhiều giống chim: đầu gà, mỏ nhạn, cổ hạc, và bộ đuôi thướt tha rực rỡ của loài công. (Ảnh qua sohu)

Trong suốt các triều đại, Phượng Hoàng vẫn luôn là một biểu tượng của đạo đức tốt lành và sự thông thái. Không chỉ vậy, bộ lông sặc sỡ của Phượng Hoàng còn bao gồm 5 màu cơ bản của triết học Trung Quốc là xanh lá cây, đỏ, trắng, đen, vàng, lần lượt đối ứng với 5 giá trị của Nho giáo là: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.

Từ các tác động mạnh mẽ của tự nhiên xung quanh chúng ta đối với các nguyên tắc đạo đức truyền thống, cho tới các tầng trời xa xôi, Phượng Hoàng kết nối tất cả chúng ta như một biểu tượng vĩnh cửu của cái đẹp, sự duyên dáng, và thần thánh.

Vào thuở đầu, Phượng Hoàng không chỉ nói đến như là một con đơn lẻ mà là một cặp. (Ảnh qua flickr)

Vào thuở đầu, Phượng Hoàng không chỉ nói đến như là một con đơn lẻ mà là một cặp. Con trống được gọi là Phượng (鳳), còn con mái được gọi là Hoàng (凰). Cùng với nhau, chúng là một phép ẩn dụ cho biểu tượng âm và dương, cũng như một biểu tượng của mối quan hệ chính thức giữa nam và nữ. Tuy nhiên ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã bị hợp nhất, trộn lẫn vào nhau thành một con chim cái riêng rẽ, gọi là Phượng Hoàng, để cho nó có thể ghép cặp với Long, là con vật mang ý nghĩa của giống đực.

Ngày nay, Phượng Hoàng được ghép cặp với Rồng, biểu thị những mối quan hệ hạnh phúc, may mắn, và sức mạnh lâu dài. (Ảnh qua Pinterest)

Chim lửa thần thánh trong thần thoại Tây phương 

Trong nhiều thần thoại Tây phương, Phượng hoàng được tôn thờ là một loài chim lửa thần thánh và linh thiêng.

Người Ai Cập xem Phượng Hoàng là một loại chim giống như cò hay diệc, gọi là Bennu, được biết đến từ “Sách về người chết” và các văn bản Ai Cập cổ đại khác như là một trong các biểu tượng thần thánh để thờ phụng tại Heliopolis, gắn liền với thần Mặt Trời trong thần thoại Ai Cập là thần Ra.

Và có thể người Hy Lạp đã phỏng theo Phượng Hoàng của người Ai Cập (cũng lấy cả nghĩa khác trong tiếng Ai Cập của nó – cây chà là) và đồng nhất hóa nó với Phượng Hoàng của chính họ (phoenix), có nghĩa là màu đỏ tía hay đỏ sẫm. Theo thần thoại Hy Lạp thì Phượng Hoàng sống tại Ả Rập bên cạnh một cái giếng. Khi bình minh, nó tắm bằng nước giếng này và thần Mặt Trời Apollo đã dừng cỗ xe ngựa (tức là Mặt Trời) của mình để nghe tiếng hát của nó. Người Hy Lạp coi Phượng Hoàng là biểu tượng của niềm tin bất tử, sự tái sinh và ánh sáng của trí tuệ.

Phượng hoàng đã trở thành một biểu tượng phổ biến trên các bia đá Công giáo thời đầu, biểu thị cho cái chết của Chúa Giê-Su và sự phục sinh ba ngày sau đó. (Ảnh: Wikimedia)

Trong văn hóa dân gian Do Thái, người ta tin rằng Phượng Hoàng (được gọi là Milcham) là con vật duy nhất từ chối lời dụ dỗ ăn trái cấm của Eva trong vườn Địa Đàng. Trước sự trong sáng của Phượng Hoàng, Thượng Đế đã ban phép cho loài chim này sự bất tử, với mỗi chu kỳ 1.000 năm, Phượng Hoàng sẽ được tái sinh từ một ngọn lửa.

Phụng dực cửu sồ

Tương tự truyền thuyết về Long sinh cửu phẩm (9 đứa con của Rồng), Phượng Hoàng cũng có 9 đứa con được biết đến với cái tên “Phụng dực cửu sồ” (hay “Phượng dực cửu sồ”).

1. Kim Phượng

Kim Phượng là hình ảnh xuất hiện phổ biến nhất trên các tòa nhà, vải thổ cẩm và đồ trang trí. (Ảnh minh họa qua sina)

Kim Phượng có đầu gà và cổ rắn, lưng rùa và đuôi cá. Nó có bản tính bình hòa, phong thái cao quý trang nghiêm, có khả năng thông thiên ứng địa, điều hòa ngũ âm (năm âm thanh trong âm nhạc Trung Hoa cổ: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ), coi trọng cửu đức (chín đức tính của thánh nhân: khoan dung độ lượng, ôn nhu, cẩn thận tỉ mỉ, chính trực, có tài trị quốc, biết lắng nghe, cương trực, dũng cảm, khoáng đạt giản dị). 

Vì vàng tượng trưng cho sự giàu có nên Kim Phượng là hình ảnh xuất hiện phổ biến nhất trên các tòa nhà, vải thổ cẩm và đồ trang trí. Vào thời nhà Đường và nhà Tống của Trung Quốc, áo bào của Hoàng hậu chính là hình tượng khắc họa của Kim Phượng.

2. Thải Phượng

Thải Phượng có ngoại hình giống cha mẹ nhất với bộ lông vũ ngũ sắc vô cùng rực rỡ. (Ảnh minh họa qua sina)

Thải Phượng có ngoại hình giống cha mẹ nhất với bộ lông vũ ngũ sắc vô cùng rực rỡ. Tiếng kêu của Thải Phượng cũng rất đặc biệt, nhỏ nghe như tiếng chuông vang vọng mà hiền dịu, lớn nghe như tiếng trống trận hào hùng, uy vũ, dẫn động bát phong.

3. Hoả Phượng

Hỏa Phượng quanh thân phủ đầy hỏa diễm, tính khí đầy kiêu hãnh nhưng nóng nảy thất thường. (Ảnh minh họa qua Pinterest)

Bản chất của Hỏa Phượng là lửa, quanh thân phủ đầy hỏa diễm, tính khí đầy kiêu hãnh nhưng nóng nảy thất thường, khi vui mừng thì tỏa ánh quang huy xa vạn trượng, khi tức giận cả ngàn dặm đều trở nên cằn cỗi. 

Truyền thuyết dân gian kể lại rằng, Hỏa Phượng có thể dục hỏa trùng sinh (sống lại từ ngọn lửa), tương tự chim Phượng Hỏa trong truyền thuyết Tây phương. Bởi vì Hỏa Phượng có năng lực tái sinh, cho nên một số cổ nhân thường điêu khắc Hỏa Phượng ngay trên mộ thất của mình, dùng cái này để đạt đến nguyện vọng trùng sinh sau khi chết. 

4. Tuyết Phượng

Tuyết Phượng có cánh rộng và dài, toàn thân phủ trắng nên thường tượng trưng cho sự thánh khiết. (Ảnh qua goart)

Tuyết Phượng có tính cách lạnh lùng, hoàn toàn đối lập với Hỏa Phượng, thường sống trong những vùng đất có tuyết phủ, ưa thích lạnh giá, thở ra tuyết, khi hít vào thì vạn vật đóng băng. 

Tuyết Phượng có cánh rộng và dài, toàn thân phủ trắng nên thường tượng trưng cho sự thánh khiết. Nó cùng với Hỏa Phượng được xem như hai cực âm dương (Tuyết Phượng tính âm, Hỏa Phượng tính dương) thừa hưởng từ cha mẹ của mình.

5. Lam Phượng

Lam Phượng toàn thân phủ một màu xanh, đi đến đâu thì nơi đó như trời hạn gặp mưa. (Ảnh minh họa qua minevisam)

Lam Phượng toàn thân phủ một màu xanh, tính cách ôn nhu hiền lành, mềm mại thủy chung, sống nơi ven biển, giỏi tạo mưa, đi đến đâu thì nơi đó như trời hạn gặp mưa.

6. Khổng Tước

Khổng Tước (chim công) xinh đẹp và kiêu hãnh, được dân gian xưng tụng là đẹp nhất, lộng lẫy nhất và chói lóa nhất trong các loài chim. (Ảnh qua soha)

Trong số chín người con của Phượng Hoàng, Khổng Tước (chim công) cùng Đại Bằng Kim Sí Điểu là hai con tồn tại ngoài đời thực. Trong các điển tịch thần thoại Trung Hoa, dáng vẻ của Khổng Tước cũng không hề khác biệt lắm so với Khổng Tước mà mọi người trông thấy hiện nay. Khổng Tước xinh đẹp và kiêu hãnh, được dân gian xưng tụng là đẹp nhất, lộng lẫy nhất và chói lóa nhất trong các loài chim.

Dân gian có lưu truyền một sự tích, nếu đi ra khỏi nhà mà gặp Khổng Tước thì đó là điềm báo hiệu gặp được điều tốt lành. Tuy nhiên tương truyền rằng Khổng Tước từ khi mới sinh ra tính tình vô cùng hung ác, tác oai tác quái, thích ăn người và thảm sát sinh linh, có sức mạnh khai thiên lập quốc tương tự Đại Bằng Kim Sí Điểu. Nghe nói rằng toàn thân Khổng Tước hỏa diễm rực cháy, chỉ cần đến gần nó thì sẽ đốt tan tành.

Phật Mẫu Khổng Tước Đại Minh Vương Bồ Tát. (Ảnh qua truyenxuatichcu)

Theo truyền thuyết Phật giáo, năm xưa khi Phật Tổ Như Lai đang tu luyện trên Đại Tuyết Sơn đã bị Khổng Tước nuốt vào trong bụng. Phật Tổ tính lấy mạng của Khổng Tước để tránh việc nó gây họa loạn cho thế gian, nhưng chúng tiên đã khuyên can: “Nếu như Phật Tổ giết Khổng Tước thì chẳng khác nào giết đi cha mẹ mình vậy”. Lúc này, Phật Tổ đã cân nhắc và cuối cùng phong cho Khổng Tước làm Phật Mẫu Khổng Tước Đại Minh Vương Bồ Tát. 

Trong Phong Thần diễn nghĩa của Trung Quốc cũng có nhắc tới một con Khổng Tước được sinh ra từ thuở khai thiên lập địa, tu hành nhiều kiếp, chứng đắc thần thông. Bấy giờ, vào thời nhà Trụ, con Khổng Tước này chuyển sinh xuống nhân gian là Khổng Tuyên, làm tướng cho Trụ vương, trấn giữ ải Tam Sơn, được Trụ vương sai đem binh đi đánh Khương Tử Nha. Khổng Tuyên có năm đạo hào quang ngũ sắc rất mạnh mẽ, có thể thâu được các bảo bối tiên gia và bắt các tướng dễ dàng. Cuối cùng phải nhờ tới Đức Chuẩn Đề Bồ Tát mới có thể thu phục được Khổng Tuyên.

7. Đại Bằng Kim Sí Điểu

Đại Bằng Kim Sí Điểu bản tính hung ác, thích ăn thịt rồng, một ngày có khi ăn đến 500 con. (Ảnh qua Pinterest)

Tương truyền thời thượng cổ, Kim Sí Điểu tướng như ưng, hình thể to lớn với đôi cánh vàng, khi vỗ cánh một lần có thể vượt 9 vạn dặm. Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không có phép Cân Đẩu Vân nhún một cái bay 10 vạn 8.000 dặm. Lúc này Kim Sí Điểu vỗ cánh hai lần là có thể đuổi kịp và bắt được Tôn Ngộ Không.

Tương tự người chị Khổng Tước, Kim Sí Điểu bản tính hung ác, lúc tức giận có thể mổ luôn một miếng thịt của Phật Tổ Như Lai. Ngoài ra sách cổ cũng nói, Kim Sí Điểu thích ăn thịt rồng, một ngày có khi ăn đến 500 con. 

Đương nhiên, thịt rồng này cũng không phải là chân Long, mà là những con rồng có huyết mạch rất kém, hoặc là vừa mới phi thăng. Ở trong Tây Du Ký có nhắc tới một nơi tên là Hóa Long Trì, nếu như có một loài động vật nhỏ nào đó tiến vào cái ao này liền có thể hóa thân thành rồng. Truyền thuyết xưa cũng có nói, Đông Hải Long vương Ngao Quảng mỗi lần đi tiểu, xối vào những cây hoa quả nhỏ thì chúng cũng có thể hóa thân thành rồng. Bởi vậy có thể thấy được, Kim Sí Điểu mỗi ngày ăn 500 đầu rồng cũng là có khả năng.

Kim Sí Điểu ăn quá nhiều rồng, đó là một chuyện đại sát sinh. Bởi vậy Đức Phật từ bi mới gọi nó đến và nói rằng: “Từ đây ngươi hãy chấm dứt các cuộc đại sát sinh đó và đi theo ta!” Lúc này Kim Sí Điểu hỏi: “Nếu tôi không ăn thịt rồng thì sao mà sống được?” Đức Phật trả lời: “Sau này trong mỗi bữa ăn ta cho các đệ tử của ta cúng thí cho ngươi một chút thức ăn thì ngươi có thể sống được”. Kim Sí Điểu từ đó đã được Đức Phật hóa độ và trở thành một nhân vật luôn đi theo Ngài, thành một vị Thần chống đỡ thế giới và chống đỡ tòa sen.

Đại Bằng Kim Sí Điểu đại náo Linh Sơn Tự (Ảnh: Youtube)

Cũng nói thêm rằng, Đại Bằng Kim Sí Điểu là một yêu quái có lai lịch “khủng” nhất trong Tây Du Ký, địa vị cao quý trong Tam Giới, là cậu ruột của Phật Tổ Như Lai. Tôn Ngộ Không đứng trước pháp lực của Kim Sí Điểu cũng hoàn toàn bó tay. Sau khi huynh đệ kết nghĩa là Thanh Sư và Bạch Tượng (cả hai đều là thú cưỡi của hai vị Bồ Tát khác) bị thu phục, Kim Sí Điểu đã chạy đến đại náo Linh Sơn Tự, các vị La Hán đều không thể ngăn cản, phải đến khi Phật Tổ đích thân ra tay mới chế ngự được yêu quái này.

8. Lôi Điểu

Lôi Điểu khi vỗ cánh có thể tạo ra tia chớp. (Ảnh qua deviantart.com)

Lôi Điểu tính tình hấp tấp nóng nảy, thích phóng nhanh giữa bầu trời. Tiếng kêu vang như sấm rền, khi vỗ cánh có thể tạo ra tia chớp. 

9. Đại Phong

Đại Phong đúng như tên gọi, thân hình rất to lớn, hai cánh xòe ra có thể che nửa bầu trời, khi vỗ cánh có thể tạo nên cuồng phong. Đại Phong được cho là tồi tệ nhất trong các anh em, bản tính hung ác, đi đến đâu là nơi đó cây to bật gốc, nhà cửa sập hàng loạt, không chỉ tàn phá đất đai, hoa màu mà còn gây hại cho con người. Chính vì lẽ đó, Đế Nghiêu (một trong ngũ Đế huyền thoại của lịch sử Trung Hoa cổ đại) đã ra lệnh cho Hậu Nghệ tiêu diệt nó. Sau đó, Hậu Nghệ tay cầm Đại Nhật thần cung đã bắn giết Đại Phong trên Thanh Khâu Sơn. 

Hậu Nghệ tay cầm Đại Nhật thần cung đã bắn giết Đại Phong trên Thanh Khâu Sơn. (Ảnh minh họa qua kknews)

Thuyết Ngũ Phượng – Một phiên bản khác của những đứa con của Phượng Hoàng

Ngoài Phụng Dực Cửu sồ, còn có một phiên bản khác nói về Phượng Hoàng có 5 đứa con, bao gồm: Chân Phượng, Nhạc Trạc, Uyên Sồ, Thanh Loan và Hồng Hộc.

1. Chân Phượng

Chân Phượng có màu đỏ, được biết đến với cái tên khác là Chu Tước (một số truyền thuyết cũng nói Hỏa Phượng là Chu Tước), cùng với Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Hoàng Lân hợp xưng Thiên quan ngũ thú. Khi không có Hoàng Lân thì gọi là Thiên chi tứ linh, hoặc Tứ tượng. Mỗi thánh thú cai quản một phương, tượng trưng cho một nguyên tố trong Ngũ hành và một mùa:

  • Thanh Long cai quản phương Đông, ngũ hành thuộc Mộc, ứng với mùa Xuân.
  • Chu Tước cai quản phương Nam, ngũ hành thuộc Hỏa, ứng với mùa Hạ.
  • Bạch Hổ cai quản phương Tây, ngũ hành thuộc Kim, ứng với mùa Thu.
  • Huyền Vũ cai quản phương Bắc, ngũ hành thuộc Thủy, ứng với mùa Đông.
  • Hoàng Lân cai quản trung tâm, ngũ hành thuộc Thổ, ứng với giữa mùa Hạ.
Chân Phượng (Chu Tước), cùng với Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ hợp xưng Thiên chi tứ linh. (Ảnh qua istockphoto)

Ngoài ra, Chân Phượng còn là một thần thú đại diện cho Viêm Đế Thần Nông và có năng lực tiếp dẫn linh hồn của người đã khuất lên thiên đàng.

2. Nhạc Trạc

Nhạc Trạc tượng trưng cho đức tính kiên trinh bất khuất, được dân gian coi là thụy thú (loài vật tốt lành). (Ảnh minh họa qua kknews)

Nhạc Trạc toàn thân màu đen (hoặc tím), mắt đỏ giống Thiên Nga đen, xuất hiện theo từng cặp trống mái. Tương truyền, Nhạc Trạc là loài sinh vật thủy chung, nếu một trong hai con chết đi, con còn lại sẽ kêu la ba ngày ba đêm. Cuối cùng, thân tâm nguội lạnh dần, máu huyết khô cạn, cùng theo con đã chết xuống cửu tuyền. Chính vì thế, Nhạc Trạc tượng trưng cho đức tính kiên trinh bất khuất, được dân gian coi là thụy thú (loài vật tốt lành).

3. Uyên Sồ

Uyên Sồ toàn thân màu vàng, sống ở phương Nam, cử chỉ cao thượng đoan trang, được dân gian ca ngợi là thụy thú. (Ảnh minh họa qua Pinterest)

Uyên Sồ toàn thân màu vàng, sống ở phương Nam, cử chỉ cao thượng đoan trang. Khi bay từ biển Nam qua biển Bắc, không phải cây ngô đồng thì không dừng lại, không phải khổ luyện tử (quả xoan rừng) thì không ăn, không phải nước suối mát ngọt thì không uống. Tương tự Nhạc Trạc, Uyên Sồ cũng được dân gian ca ngợi là thụy thú.

4. Thanh Loan

Thanh Loan thân phủ màu xanh, đẹp và lộng lẫy. (Ảnh minh họa qua kuaibao)

Thanh Loan (Thương Loan) có màu xanh, thân thể tựa như Khổng Tước, đẹp và lộng lẫy, lông nhọn đuôi dài, hai cánh có nhiều vết lốm đốm như mắt màu đỏ vàng hoặc trắng. Nghe nói Thanh Loan cùng Hỏa Phượng là một đôi tình lữ.

Thanh Loan còn là thần điểu thường bầu bạn bên cạnh Tây Vương mẫu, là vật cưỡi của đa số thần tiên. Trong cuốn “Sơn Hải Kinh – Tây Sơn kinh” có viết: “Về phía Tây hai mươi dặm, gọi là Tam Nguy sơn, là nơi Tam Thanh điểu cư ngụ”.

5. Hồng Hộc

Trong truyền thuyết Trung Hoa, Hồng Hộc chính là Phượng Hoàng trắng, tướng mạo xinh đẹp tuyệt trần. (Ảnh minh họa qua Pinterest)

‘Hồng’ ở đây là chỉ chim Nhạn, ‘Hộc’ chính là Thiên Nga. Trong truyền thuyết Trung Hoa, Hồng Hộc chính là Phượng Hoàng trắng, tướng mạo xinh đẹp tuyệt trần, bay rất cao và xa, vì vậy thường được dùng để ví von người có chí hướng rộng lớn.

Viên Luân (t/h)

Ad will display in 09 seconds

Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

Ad will display in 09 seconds

Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

Ad will display in 09 seconds

Vì sao kẻ đồ tể lại được về đất Phật ?

Ad will display in 09 seconds

Ý nghĩa của "Ba nén hương" và "Vái ba vái" khi lễ Phật

Ad will display in 09 seconds

Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

Ad will display in 09 seconds

Khoa học đã lừa gạt chúng ta như thế nào?

Ad will display in 09 seconds

Bí ẩn dự án du hành thời không Montauk

Ad will display in 09 seconds

Linh dược Hỷ Lai Chi - Tặng phẩm của Phật Dược Sư thời Mạt Pháp

Ad will display in 09 seconds

Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói đời là bể khổ, Phật đà khai thị 4 điều này

  • Vì sao không làm việc gian dâm nhưng  vẫn bị Thần trách phạt?

    Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

  • Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

    Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

  • Vì sao kẻ đồ tể lại được về đất Phật ?

    Vì sao kẻ đồ tể lại được về đất Phật ?

  • Ý nghĩa của "Ba nén hương" và "Vái ba vái" khi lễ Phật

    Ý nghĩa của "Ba nén hương" và "Vái ba vái" khi lễ Phật

  • Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

    Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

  • Khoa học đã lừa gạt chúng ta như thế nào?

    Khoa học đã lừa gạt chúng ta như thế nào?

  • Bí ẩn dự án du hành thời không Montauk

    Bí ẩn dự án du hành thời không Montauk

  • Linh dược Hỷ Lai Chi - Tặng phẩm của Phật Dược Sư thời Mạt Pháp

    Linh dược Hỷ Lai Chi - Tặng phẩm của Phật Dược Sư thời Mạt Pháp

  • Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

    Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

  • Vì sao nói đời là bể khổ, Phật đà khai thị 4 điều này

    Vì sao nói đời là bể khổ, Phật đà khai thị 4 điều này

x