Long Sinh Cửu Phẩm – Truyền thuyết về những đứa con của Rồng
Trong văn hóa Thần truyền phương Đông, Rồng (Long) là một chủng tộc đầy tôn quý và thiêng liêng. Chính vì vậy, những đứa con của Rồng cũng trở thành những linh vật đặc biệt, gắn liền với đời sống văn hóa của nhân dân.
Sơ lược về Long tộc
Rồng là một sinh vật xuất hiện trong cả thần thoại phương Đông và phương Tây, nhưng hoàn toàn khác nhau về ngoại hình. Rồng Đông phương có mào, cựa gà, thân rắn, đùi thằn lằn, móng vuốt của chim ưng, đuôi rắn, sừng hươu, vẩy cá, dù không có cánh nhưng có thể tự do bay lượn. Trong khi loài Rồng Tây phương có hình tượng phổ biến là một loài bò sát có vảy, cánh, đuôi dài, có khả năng phun lửa. Theo truyền thuyết, Rồng Tây phương đến từ địa ngục. Các nước Châu Á coi Rồng là sinh vật thần thánh và mang lại cát tường (may mắn) trong khi các nước Châu Âu lại coi rồng là biểu tượng của cái ác và sự hung tàn.
Rồng Đông phương là sinh vật bí ẩn nhất trong 12 con giáp và đứng đầu trong tứ linh (Long – Lân – Quy – Phụng). Trong kinh Phật, Rồng là một Thần hộ Pháp trong tám bộ Thiên Long. Con người luôn tôn thờ Long tộc và chỉ có Hoàng đế (vua) mới được sử dụng hình ảnh Rồng làm biểu trưng cho quyền lực cũng như thân phận cao quý của họ.
Rồng cơ bản có 4 loại (còn có nhiều loại khác), mang 4 sức mạnh của thiên nhiên là 4 nguyên tố (Tứ Đại) tạo nên vũ trụ: Đất, Nước, Lửa và Gió. Từ bốn loại chính này mà người ta truyền tụng ra nhiều loại rồng khác nhau:
- Rồng Đất sống trong những hang động sâu thẳm trong núi hoặc thung lũng.
- Rồng Nước sống ở bờ biển, dưới biển, đầm lầy.
- Rồng Lửa sống ở các hang động của núi lửa.
- Rồng Gió sống ở các vách đá, đỉnh núi cao.
Tương truyền, Rồng có ba nhiệm vụ chủ yếu: một là cai quản, duy trì trật tự dưới biển, sông hồ trong vùng đất của người da vàng, thanh trừ các sinh mệnh gồm cả các loài thủy quái gây họa loạn ảnh hưởng tới trật tự của biển, sông, hồ cùng các âm linh và các sinh mệnh phụ diện trên mặt đất và dưới mặt đất. Hai là phụ trách việc tạo mây làm mưa. Ba là hộ pháp, trấn thủ các hoàng lăng và hộ pháp, bảo vệ cho những người tu đạo trong tam giới.
Long Sinh Cửu Phẩm
Vì Rồng là linh thú nên những đứa con của Rồng cũng mang theo linh khí ấy. Tùy vào tính cách của mỗi con mà người ta dùng hình ảnh của chúng trang trí ở những lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống thường ngày như cánh cửa, đồ dùng, vũ khí, nhạc cụ…
Video: Chú rồng nhỏ đến từ phương Đông
Truyền thuyết về việc Rồng sinh con đã có từ lâu, được nhắc tới trong văn hiến từ Tiên Tần Lưỡng Hán trong Chiến quốc sách hay Sử ký… Nhưng phải tới đời Minh mới có những ghi chép đáng chú ý, như cuốn Hoài Lộc Đường Tập của Lý Đông Dương, Thục Viên Tạp Ký của Lục Dung, Thăng Am Ngoại Tập của Dương Thận, Giới Am Lão Nhân Mạn Bút của Lý Hủ… Do văn hóa dân gian mỗi nơi một khác mà sinh ra nhiều dị bản về “Long Sinh Cửu Phẩm” (Long Sinh Cửu Tử). Có hai thuyết chính về những đứa con của Rồng, với thứ tự các con khác nhau:
Theo Hoài Lộc Đường Tập của Lý Đông Dương (1447-1516), tên 9 đứa con của Rồng lần lượt là: Tù Ngưu, Nhai Tệ, Trào Phong, Bồ Lao, Toan Nghê, Bá Hạ, Bệ Ngạn, Phụ Hí, Si Vẫn.
Còn theo Thăng Am Ngoại Tập của Dương Thận (1488-1559) thì đó là: Bá Hạ, Si Vẫn, Bồ Lao, Bệ Ngạn, Thao Thiết, Công Phúc, Nhai Tệ, Toan Nghê, Tiêu Đồ.
Do đó, tuy là “Long Sinh Cửu Phẩm” nhưng trong bài viết này sẽ thấy xuất hiện nhiều hơn 9 sinh vật.
1. Tù Ngưu
Loài Tù Ngưu có hình dạng như một con rồng nhỏ, màu vàng, có sừng như sừng lân. Nó vốn ham mê âm nhạc, nên hay ngự trên đầu cây đàn để thưởng thức âm nhạc. Vì thế người xưa hay dùng hình tượng Tù Ngưu để trang trí cho cây đàn. Sách Kí Long Sinh Cửu Tử của Lý Trần Dương đời Minh có ghi: “Tù ngưu, long chủng, bình sinh hiếu âm nhạc, kim hồ cầm đầu thượng khắc thú thị kì di tượng”. (Tù ngưu là giống rồng, bình sinh thích âm nhạc, nay hình khắc loài thú trên đầu hồ cầm là hình ảnh của nó).
2. Nhai Tệ
Sách Thăng Am Ngoại Tập mô tả Nhai Tệ trông như con chó sói có sừng rồng, hai sừng mọc dài dọc về phía lưng, ánh mắt dữ dằn, có tính khí hung hăng, thường nổi cơn thịnh nộ và ham sát sinh. Vì thế, người ta hay tạc khắc hình nó ở các binh khí như cán đao, cườm kiếm, đầu búa, đầu côn… vừa để trang trí, làm đẹp mắt và có ý nghĩa trang trọng; vừa biểu thị sự hiếu chiến, hiếu sát của loài này, hàm ý tăng tính uy hiếp sát thương của binh khí.
3. Trào Phong
Sách Thăng Am Ngoại Tập ghi: “Trào Phong, binh sinh hiếu hiểm, kim điện giác tẩu thú thị kì di tượng” (Trào Phong là loài bình sinh thích sự nguy hiểm, loài thú chạy ở góc mái cung điện là hình ảnh của nó). Nó không chỉ thích sự nguy hiểm mà còn thích nhìn ra xa, nên thường chọn chỗ cao, cheo leo như đầu cột, góc mái của ngôi nhà, điểm cao một số công trình kiến trúc… làm chỗ leo trèo hoặc đứng nhìn. Vì thế, nó thường được chạm khắc ở những vị trí ấy với ngụ ý chống hoả hoạn và răn đuổi yêu ma.
Ngoài ra, hình tượng Trào Phong trên góc mái còn tượng trưng cho điều tốt lành, may mắn, tạo giá trị trang trí đẹp mắt và uy nghi, vì thế chỉ các cung điện của hoàng gia mới được phép tạc hình Trào Phong trên nóc. Trào Phong đứng đầu trong mười loài được chạm khắc tại Tử Cấm Thành, theo thứ tự là Rồng (tức Trào Phong), Phượng, Sư tử, Thiên mã, Hải mã, Toan nghê, Háp ngư, Giải trãi, Đấu ngưu và Hành thập.
Tuy nhiên, ngoại trừ điện Thái Hòa (điện quan trọng nhất của Tử Cấm Thành, là biểu trưng cho quyền lực của hoàng đế Trung Hoa, và cũng là công trình bằng gỗ lớn nhất còn được bảo tồn ở Trung Quốc) có đủ mười loài trên góc mái, các công trình kiến trúc khác tùy theo địa vị cao thấp mà có số con vật trên góc mái nhiều ít khác nhau.
4. Bồ Lao
Bồ Lao xuất hiện trong văn chương Trung Quốc từ thời nhà Đường. Học giả thời Đường là Lý Thiện (630-689), trong lời bình tác phẩm Đông Đô Phú của Ban Cố (32-92), đã viết: “Giữa biển có cá lớn gọi là cá kình, trên bờ biển lại có loài thú gọi là Bồ Lao. Bồ Lao vốn rất sợ cá kình. Khi cá kình tấn công Bồ Lao thì [Bồ Lao] kêu rất to. Vì thế muốn làm chuông kêu to thì người ta đặt Bồ Lao ở trên đỉnh chuông và chày đánh chuông được chạm hình cá kình”.
Trong thời nhà Minh, Bồ Lao (với tên gọi khi đó là Đồ Lao) đã xuất hiện trong danh sách các linh vật có ảnh hưởng xuất hiện trong kiến trúc và mỹ thuật ứng dụng, được Lục Dung (1436-1494) biên soạn trong tác phẩm Thục Viên Tạp Ký: “Đồ lao hình dáng giống như rồng, nhưng nhỏ, bản tính thích kêu rống, có thần lực, vì thế treo ở trên chuông”.
5. Toan Nghê
Toan Nghê còn có tên gọi khác là Kim Nghê, Linh Nghê, có mình sư tử, đầu rồng. Nó thích sự tĩnh lặng và thường ngồi yên ngắm cảnh khói hương tỏa lên nghi ngút nên được đúc làm vật trang trí trên các lò đốt trầm hương, ngụ ý mong muốn hương thơm của trầm hương luôn tỏa ngát.
Sách Mục Thiên Tử Truyện ghi: “Toan Nghê dã mã, tẩu ngũ bách lí” (Toan Nghê là loài ngựa hoang, chạy được năm trăm dặm). Sách Thục Viên Tạp Ký của Lục Dung ghi rằng: “Kim nghê, kì hình tự sư, tính hiếu hỏa yên, cố lập vu hương lô cái thượng”. (Kim nghê có hình thù tựa như sư tử, tính thích lửa khói, nên thường đứng ở trên nắp lư hương). Tại Việt Nam, Toan Nghê được chia làm 2 loại gồm Kỳ Lân Nghê và Khuyển Nghê.
6. Bá Hạ
Bá Hạ còn được gọi là Bí Hí, Thạch Long Quy, Quy Phu. Hình dáng mang con rùa, đầu Rồng, có sức mạnh kinh hồn, thích cõng vật nặng trên lưng, có thể cõng cả quả núi một cách nhẹ nhàng. Truyền thuyết kể rằng, thuở xa xưa, Bá Hạ thường cõng Tam Sơn Ngũ Nhạc (có thể hiểu khái quát rằng đây là các núi linh thiêng của Trung Quốc) trên lưng, rồi nổi gió tạo sóng lớn.
Hạ Vũ (vị vua đầu của nhà Hạ, Trung Quốc) liền hàng phục nó, dùng nó phụ giúp cho việc trị thủy của mình. Việc trị thủy xong, sợ nó lại đi lung tung gây họa, Hạ Vũ bèn làm một cái bia cực lớn ghi công trạng của nó, cho nó cõng. Tấm bia quá nặng khiến nó không đi đâu được nữa.
Về sau, người ta thường dùng nó làm vật trang trí chân cột, chân bia đá biểu thị ý nghĩa muốn cột và bia ấy luôn vững chắc, đồng thời cũng tượng trưng cho sự trường thọ, cát tường. Có một số người, thậm chí cả các nhà sử học có sự nhầm lẫn khi cho rằng các con vật đội bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội, Việt Nam) là loài rùa, thật ra đó là Bá Hạ vì ngoài đặc tính thích mang vật nặng nó cũng rất thích văn chương nên người xưa dùng nó để đặt bia Tiến sĩ. Điều này mang ý nghĩa sâu sắc hơn là một con rùa bình thường.
7. Bệ Ngạn
Bệ Ngạn còn có tên gọi khác là Hiến Chương. Nó có hình dáng giống hổ, răng nanh dài và sắc, có sức thị uy lớn, trượng nghĩa, thích lý lẽ, có tài cãi lý đòi sự công bằng. Do đó nó thường được trang trí trên cửa nhà ngục, nha môn, pháp đường, ngụ ý răn đe người phạm tội và nhắc nhở mọi người nên sống lương thiện. Đôi mắt hổ của nó oai nghiêm quan sát để duy trì trật tự kỉ cương của chốn công đường.
8. Phụ Hí
Phụ Hí có hình dáng như Rồng, dáng vẻ thanh nhã, thường nằm cuộn mình trên bia đá. Tương truyền, nó rất thích vẻ đẹp của chữ khắc trên các văn bia, nên thường cuộn mình trên đó mà ngắm nghía. Vì vậy, khi trang trí bia đá, người ta thường khắc một đôi Phụ Hí cân đối phía trên trán bia.
9. Si Vẫn
Si Vẫn còn được gọi là Li Vẫn, Si Vĩ, mình cá đầu rồng, miệng rộng, thân ngắn. Nó vốn là con vật huyền thoại Makara trong văn hóa Ấn Độ chuyên sống ở dưới nước, có hình đầu thú (đầu voi hoặc đầu cá sấu…), phần sau là đuôi cá. Makara là vật cưỡi của Ganga – Chúa tể sông Hằng và Varuna – Chúa tể biển cả. Sau này, Hán Vũ Đế (31/7/156 TCN – 29/3/87 TCN), vị hoàng đế thứ 7 của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, là người đưa linh vật của Ấn Độ này vào văn hóa cung đình bằng việc đắp hình trên các nóc điện, coi đó như vị Thần trừ hỏa hoạn, và gọi nó là Si Vẫn.
Loài này có miệng to, thích nuốt, nên người ta hay đắp hình hai con Si Vẫn há to miệng nuốt hai đầu sống nóc mái nhà, vừa có giá trị trang trí, vừa hàm ý nó có thể tạo mưa, tránh hỏa hoạn cho công trình kiến trúc…
10. Thao Thiết
Thao Thiết còn được gọi là Bào Hào. Sách Thần Dị Kinh kể về loài này rất đáng sợ: “Tây nam phương hữu nhân yên, thân đa mao, đầu thượng đái thỉ, tham như ngận ác, tích tài nhi bất dụng, thiện đoạt nhân cốc vật” (Ở phía Tây Nam có giống người thân mình nhiều lông, trên đầu đội con lợn, tham lam độc ác, tích lũy của cải mà không dùng, giỏi cướp thóc lúa của người).
Sách Sơn Hải Kinh cũng có miêu tả về loài thú này như sau: “Câu Ngô chi sơn kì thượng đa ngọc, kì hạ đa đồng, hữu thú yên, kì trạng như dương thân nhân diện, kì mục tại dịch hạ, hổ xỉ nhân trảo, kì âm như anh nhi, danh viết Bào hào, thị thực nhân” (Ở núi Câu Ngô, trên núi có nhiều ngọc, dưới núi có nhiều đồng, có loài thú ở đó, hình dạng của nó là mình dê mặt người, mắt ở dưới nách, răng như hổ, móng tay chân như người, tiếng của nó như tiếng trẻ con, tên là Bào Hào, là giống ăn thịt người). Cũng có thuyết nói, vào thời cổ đại Hoàng Đế đại chiến Xi Vưu, Xi Vưu bị chém, đầu rơi xuống đất hóa thành Thao Thiết.
Nó có tính tham ăn vô độ, sau chết vì tính tham ăn ấy. Bản tính độc ác và tham ăn khiến người ta hay dùng hình ảnh của nó trang trí để răn về những điều tham lam độc ác, trong đó có việc trang trí trên các bát ăn, cốc uống nhằm nhắc nhở việc ăn uống nên có tiết độ, đừng háo ăn mà trở nên bất lịch sự.
11. Tiêu Đồ
Tiêu Đồ thích sự kín đáo, hình dạng như con ốc cuộn tròn lại, không thích có người khác xâm nhập lãnh địa của mình. Có lẽ Tiêu Đồ là hình tượng xuất phát từ ý tưởng loài ốc mỗi khi thu mình vào vỏ thì lại đậy miếng nắp kín mít lại, không giao tiếp với bên ngoài nữa. Vì thế, người ta thường khắc hình nó trên cánh cửa ra vào, hoặc trang trí tay nắm mở cửa, ngụ ý cửa phải kín đáo, răn đe kẻ lạ muốn xâm nhập, giữ an toàn cho chủ nhà.
12. Công Phúc
Công Phúc có đầu Rồng, trên thân mình cùng bốn chân và đuôi đều có vảy Rồng, miệng rộng. Truyền thuyết kể rằng, nó phạm phải quy định trên trời nên bị đày nhốt vào cái mai rùa cực nặng để trông giữ việc vận chuyển đi lại đường sông trong một ngàn năm mới được thả ra.
Mọi người ghi nhớ công ơn của nó về việc coi sóc sông ngòi bèn tạc hình của nó ở các công trình, hay phương tiện giao thông đường thủy như trên thành cầu, đầu cầu, bến tàu, thuyền bè, ngòi rãnh dẫn nước, đập nước … với mong muốn Công Phúc tiếp tục cai quản, điều hòa nước, ngăn ngừa lũ lụt. Vì thế, ngoài ý nghĩa trang trí, nó còn hàm ý về sự bình yên.
Viên Luân (t/h)