Nghe nhạc cũng phải có đủ đức, cổ nhân dùng nhã nhạc để làm gì?
Các bậc Thánh vương thời xưa chế định lễ nhạc không phải để con người hưởng lạc, mà để dẫn dắt con người tiết chế sự ham thích cái xấu cùng xu hướng buông thả bản thân, từ đó trở về với chính Đạo làm người. Âm nhạc đoan chính, hành vi mọi người cũng sẽ đoan chính.
Tại sao Khổng Tử giận dữ đến thế khi Quý Thị múa Bát dật?
Quý Thị nước Lỗ múa Bát dật ở sân, Khổng Tử giận dữ nói: “Việc này mà nhẫn nhịn được thì còn việc gì mà không thể nhẫn nhịn được nữa đây!”.
“Dật” là số hàng trong nhạc vũ cổ đại, cũng là biểu thị về đẳng cấp, quy cách nhạc vũ của địa vị xã hội. Nhất dật là một hàng 8 người, Bát dật là 8 hàng 64 người. Theo quy định của “Chu lễ”, chỉ có Thiên tử mới được dùng Bát dật, chư hầu dùng Lục dật, khanh đại phu dùng Tứ dật, sỹ dùng Nhị dật. Quý Thị là Chính khanh, chỉ có thể dùng Tứ dật, nhưng ông ta lại dùng Bát dật. Khổng Tử cực kỳ không hài lòng với hành vi lạm dụng phá hoại chế độ lễ này. Vì vậy, khi nghị luận về Quý Thị, Khổng Tử nói: “Ở sân của miếu tổ tông dùng nhạc vũ Bát dật, sự việc này mà có thể nhẫn chịu được thì còn sự tình gì không thể nhẫn được đây!”.
Bát dật múa ở sân, trông tựa như việc nhỏ, nhưng kỳ thực lại là đang phá hoại chế độ lễ duy trì yên định xã hội, quan hệ đến an nguy của nước Lỗ cho đến cả thiên hạ, do đó Khổng Tử tức giận khôn nguôi.
Âm nhạc có nhạc đức, người đức đến đâu chỉ được nghe nhạc đến đó
Khúc nhạc cao nhã có thể cảm ứng đến Trời Đất, Thần linh giáng hiển cát tường. Trái lại, âm nhạc tà tịch chọc nộ Thần linh mà chiêu mời tai họa. Ban đầu, Trụ Vương làm Thiên tử lại không tôn kính Đạo Trời, không nhã nhạc chính thanh hợp đức với Trời Đất, lại lệnh cho nhạc sư Sư Diên tấu nhạc lả lướt ủy mị thâu đêm, dẫn đến mất nước. Khi Vũ Vương phạt Trụ, người chế, tấu nhạc cho Trụ Vương là Sư Diên cũng ôm đàn trầm mình xuống dòng sông Bộc mà chết.
Thời Xuân Thu, Vệ Linh Công muốn đến nước Tấn, giữa đường trú ở bên sông Bộc. Vào lúc nửa đêm, Vệ Linh Công nghe được tiếng đàn, hỏi tả hữu, họ đều nói không nghe thấy gì. Vệ Linh Công cho gọi nhạc sư Sư Quyên đến và nói: “Rõ ràng ta nghe được tiếng đàn, hỏi tả hữu lại nói không nghe thấy gì. Tình hình này giống như quỷ Thần đang tấu đàn. Khanh hãy nghe giúp ta rồi ghi lại”.
Sư Quyên ngồi ngay ngắn gảy đàn, vừa nghe vừa ghi lại, bận rộn cả đêm. Tối hôm sau lại luyện tập một đêm. Sau đó cùng Vệ Linh Công đến nước Tấn. Tấn Bình Công mở tiệc chiêu đãi Vệ Linh Công. Khi rượu đang hứng, Vệ Linh Công nói: “Trên đường đến Quý Châu, tôi nghe được một loại nhạc mới, xin diễn tấu để các ngài nghe”.
Tấn Bình Công bèn để Sư Quyên ngồi bên nhạc sư nước Tấn là Sư Khoáng. Sư Quyên vẫn chưa đàn xong, Sư Khoáng liền lấy tay ấn dây đàn ngăn lại nói: “Đây là âm vong quốc, không được đàn nữa!”.
Tấn Bình Công không hiểu, Sư Khoáng nói: “Khúc nhạc này là Sư Diên sáng tác. Sư Diên đã từng chơi âm nhạc ủy mị này cho Trụ Vương, sau này Vũ Vương đánh Trụ, Sư Diên chạy về hướng đông, ôm đàn nhảy xuống sông Bộc mà chết. Do đó, nơi nghe được khúc nhạc này nhất định là bên sông Bộc. Mà người đầu tiên nghe được khúc nhạc này, quốc gia người đó nhất định sẽ suy vong!”.
Tấn Bình Công nói: “Ta lại thích âm nhạc, hãy để ta nghe hết!”. Sư Quyên bèn đàn tiếp cho đến hết khúc nhạc. Tấn Bình Công hỏi Sư Khoáng: “Trong các khúc nhạc, có khúc nào cảm động lòng người hơn khúc này chăng?”. Sư Khoáng đáp: “Có”.
Tấn Bình Công muốn nghe, Sư Khoáng nói: “Đức của ngài tu được chưa đủ, không thể nghe được”.
Bình Công khăng khăng muốn nghe, Sư Khoáng đành tấu đàn. Khi đàn đoạn thứ nhất, liền có 16 con Tiên hạc màu đen tụ tập trước cửa. Khi đàn đoạn thứ 2, Tiên hạc vươn cổ kêu, giang cánh bay múa. Tấn Bình Công mừng lắm, đứng lên chúc rượu Sư Khoáng. Sau khi về chỗ ngồi lại hỏi: “Còn có khúc nào cảm động lòng người hơn khúc này chăng?”.
Sư Khoáng nói: “Có. Xưa kia Hoàng Đế đã từng dùng khúc nhạc này để đại hội quỷ Thần, hiện nay đức của ngài tu luyện không đủ thâm hậu, không được nghe nó. Nếu nghe thì sẽ chiêu mời tai họa”. Bình Công nói: “Ta đã già rồi, niềm yêu thích chỉ còn âm nhạc, cứ để ta nghe đi”.
Sư Khoáng không còn cách nào đành cầm đàn tấu khúc nhạc đó lên. Khi đàn đoạn thứ nhất, có mây trắng từ chân trời phía tây bắc đùn lên. Khi gảy đàn đoạn thứ 2, gió lớn nổi lên, mưa to ào đến theo, mái ngói bị thổi bay. Các đại thần xung quanh ai nấy đều chạy toán loạn, chạy trốn khắp nơi. Tấn Bình Công sợ đến nỗi bò lổm ngổm trốn vào một căn phòng bên hành lang. Sau đó nước Tấn đại hạn 3 năm, cánh đồng đỏ cháy ngàn dặm, Tấn Bình Công từ đó đổ bệnh không đứng dậy được nữa.
Cổ nhân dùng nhã nhạc làm gì?
Cùng một khúc nhạc, Hoàng Đế nghe thì cát tường, Bình Công nghe thì gây họa. Tại sao vậy? Là vì đạo đức cao thấp và mục đích dùng nhạc khác nhau mà ra. Hoàng Đế với ngôi cao Thiên tử, hợp với Đức của Trời, diễn tấu đại nhạc hòa đồng với Trời Đất để cảm tạ Trời Đất Thần linh, đây là hành động đắc Đạo Thiên nhân hợp nhất, tự nhiên sẽ cát tường.
Còn Tấn Bình Công chỉ là địa vị chư hầu, đạo đức còn chưa đạt chư hầu, lại khăng khăng muốn nghe đại nhạc hòa đồng với Trời Đất, để thỏa mãn ham dục vui tai của bản thân. Loại hành vi dùng nhạc hòa đồng với Trời Đất để thỏa mãn ham dục vui tai của mình này không những không có lợi cho nuôi dưỡng nhân nghĩa, trái lại còn làm tăng thêm vọng niệm tư dục của con người. Đây chính là khinh nhờn Trời Đất Thần linh, là phá hoại đại lễ đại nhạc, làm sao có thể không bị Trời trừng trị!
Tuân Tử nói: “Vinh nhục đến ắt giống với đức của người ta”. Cát tường, Trời phù hộ và tai nạn, Trời trừng phạt đều là tâm bản thân chiêu mời ra. Trong “Hoàng Đế nội kinh” viết: “Chính khí ở trong người thì tà khí không thể làm gì được”; “Điềm đạm hư vô, chân khí theo, tinh thần giữ bên trong, bệnh sao có thể đến được?”.
Giả sử Tấn Bình Công nghe theo lời khuyên của Sư Khoáng, tiết chế ham dục, tu tâm dưỡng đức, không suy nghĩ ngoài bổn phận, điềm đạm hư vô, giữ tinh thần ở trong, việc gì cũng cẩn thận tuân theo lễ chư hầu hành xử, thế thì sẽ được Trời phù hộ ban phúc, và cũng không liên lụy gây tai ương cho bách tính nước Lỗ.
Chính Đạo làm người là các Thánh vương lấy Đạo của Trời Đất làm căn cứ, chế định một hệ thống đạo đức, chuẩn mực, quy phạm các hành vi cho nhân loại. Đây chính là “Lễ”. Lễ và nhạc có quan hệ mật thiết tương phụ tương thành, nhạc chính thì lễ chính. Tác dụng lớn của nhạc vũ cảm hóa nhân tâm, thay đổi phong tục là tự nhiên thấm dần bất tri bất giác. Nhạc vũ chính thì nhân tâm chính, nhân tâm chính thì hành vi chính. Người người ai nấy yên bổn phận của mình thì xã hội tự nhiên sẽ yên định. Trái lại, nhạc vũ loạn thì thấy trước được nhân tâm náo động bất an. Nếu cứ kéo dài như thế ắt sẽ dẫn đến lễ băng nhạc hoại, xã hội sẽ đại loạn, không được sửa trị.
Do đó, vào thời kỳ lễ băng nhạc hoại cuối thời Xuân Thu, Khổng Tử đã cấp thiết kêu gọi: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”, có nghĩa là: “Không hợp với lễ thì không nhìn, không hợp với lễ thì không nghe, không hợp với lễ thì không nói, không hợp với lễ thì không làm”.
Trong “Sử ký – Nhạc thư” có viết: “Sở dĩ các Thánh vương viễn cổ chế định và thúc đẩy nhã nhạc không phải vì để làm con người vui thích, thỏa ý túng dục, mà là để trị sửa Thiên hạ. Quy chính giáo hóa đều bắt đầu từ quy chính âm nhạc. Âm nhạc đoan chính, hành vi mọi người cũng sẽ đoan chính. Nhã nhạc là để vận động huyết mạch, lưu thông tinh thần của con người, từ đó điều hòa, quy chính thân và tâm con người. Công năng của nhã nhạc chính là ở chỗ nó hướng vào trong tâm quy chính tâm ý con người, nó hướng ra ngoài phân biệt người cao quý thấp kém”.
“Dùng nhã nhạc đối với trên để thờ cúng tông miếu tiên tổ, đối với dưới để chuyển hóa bách tính bình dân. Lễ nghi là giáo hóa từ ngoài vào trong, âm nhạc là giáo hóa từ trong ra ngoài. Do đó người quân tử từng giờ phút không thể xa rời lễ nghi, nếu không, hành vi hung dữ ngạo mạn sẽ xâm nhập ngoại hình con người. Không thể xa rời nhã nhạc từng giờ phút nào, giờ phút nào rời xa nhã nhạc, thì những ý niệm gian trá tà ác sẽ xâm nhập nội tâm con người. Nhã nhạc được người quân tử dùng để tu dưỡng đức hạnh mà phòng ngừa dâm dật. Vì những hành vi dâm dật chính là do không có sự ước thúc của lễ nghi mà sinh ra, cho nên các Thánh vương để mọi người nghe các âm “Nhã”, “Tụng”, mắt nhìn lễ uy nghi, chân bước đi cung kính, miệng nói đạo nhân nghĩa. Như vậy, người quân tử cho dù cả ngày đàm luận với người mà những cái tà ác cũng không thể nào xâm nhập vào thân và tâm họ được”.
“Lời nói, hành vi, mắt nhìn, tai nghe của vua tôi trên dưới, của bách tính toàn quốc đều phù hợp với đại nhạc đại lễ mà thiên hạ có người bất bình, thì từ cổ xưa đến nay chưa từng nghe nói đến”.
-
Nhạc vũ trong văn hóa Thần truyền: Sức mạnh vô hình đánh bại ngàn quân
-
Âm nhạc thanh tao tạo nên người cao thượng, âm nhạc thấp kém biến người thành xấu xa
- Vì sao nói nhạc cổ điển có lợi còn âm nhạc ngày nay lại độc hại?
Theo ĐKN