Hơn 10 năm đốt sách dâm loạn, chàng thư sinh nhận được phúc báo
Gần cuối triều đại nhà Minh, vì kinh tế phát triển nên đời sống của người dân trở nên sung túc và nhàn rỗi hơn, nhưng cũng chính vì điều này mà nhiều người lại sa vào ăn chơi hưởng lạc.
Lúc ấy tiểu thuyết hí khúc trở lên phổ biến và được lưu truyền rộng rãi, để thu hút độc giả, tăng lợi nhuận, các tác giả đã thêm vào tiểu thuyết các yếu tố sắc tình hoặc miêu tả chủ yếu về tình dục, tiêu biểu như cuốn ‘Tây sương ký’, ‘Kim Bình Mai’.
Theo lệnh cấm đọc và yêu cầu hủy sách của các triều đại, thì loại tiểu thuyết này có từ 150 đến 200 đầu sách khác nhau, mà phần lớn các tác giả đều ẩn danh khiến người ta không thể tìm được là ai đã viết. Việc những cuốn sách dâm dục này được lưu truyền rộng rãi, quả thực đã khiến đạo đức nhiều người thời ấy trở nên bại hoại.
Đến thời nhà Thanh, từ hoàng đế Khang Hy đến hoàng đế Đồng Trị, đều đã nhiều lần hạ chiếu chỉ nghiêm khắc yêu cầu các quan lại không được đọc loại tiểu thuyết này, quy định rằng: “Người vi phạm sẽ bị trị tội, đóng dấu lên mặt, người bán sẽ bị bỏ ngục.” “Quan viên mà viết ra loại tiểu thuyết dâm dục này, sẽ bị cách chức, quân dân sẽ bị phạt 100 gậy, lưu đày xa 3 nghìn dặm, ai mà bán loại tiểu thuyết này sẽ bị đánh 100 trượng, bỏ ngục 3 năm, quan viên không tra xét được kẻ vi phạm, lần đầu sẽ bị phạt cắt bổng lộc 6 tháng, lần thứ 2 phạt cắt bổng lộc một năm, lần thứ 3 sẽ bị giáng chức xuống cấp thấp hơn.”
Ngoài lệnh cấm nghiêm khắc của triều đình, trong dân gian cũng có một số ít nhân sĩ hiểu được sự nguy hại của những cuốn tiểu thuyết dâm loạn này, nên khi bắt gặp họ đều mang những cuốn sách này tiêu hủy đi. Vào giữa thời nhà Thanh, Thạch Uẩn Ngọc chính là một người như vậy.
Thạch Uẩn Ngọc (1756 – 1837), tự là Chấp Như, hiệu là Trác Đường, còn được gọi là Độc Học Lão Nhân, người huyện Ngô ở phủ Tô Châu.
Vào năm 14 tuổi, Thạch Uẩn Ngọc từng ở cùng anh họ tại tàng thư của gia đình Hoàng Phi Liệt ở Tô Châu. Trong vòng 4 năm, Uẩn Ngọc đã lần lượt đọc hết tất cả sử sách trong tàng thư, và tạo dựng được tình bạn sâu sắc với anh họ của mình. Khoảng thời gian ở tàng thư này cũng khiến Uẩn Ngọc hình thành sở thích sưu tầm sách, thư tịch cổ.
Năm Càn Long thứ 39 (1774) Thạch Uẩn Ngọc tròn 19 tuổi, đi đến Kim Lăng (nay là Nam Kinh), tham gia khảo thí, tại một quầy sách ở chợ Kim Lăng Uẩn Ngọc đã vô cùng vui mừng khi mua được một bộ Sử Ký, sau khi trở về nhà, mỗi ngày Uẩn Ngọc đều nằm trên giường đọc sách, vui cười mà quên cả mệt mỏi, thường đọc suốt cả đêm, cuối cùng hơn 3 tháng thì đọc hết bộ Sử Ký. Kho sách của Uẩn Ngọc cứ như thế mà ngày càng nhiều sách hơn.
Tuy vậy, đối với các loại tiểu thuyết dâm đãng, phóng túng dục vọng thì Thạch Uẩn Ngọc lại căm ghét đến tận xương tủy. Chính vì vậy mà Uẩn Ngọc đã tự thiết kế và xây một cái lò thiêu, đặt tên là “Biển tội lỗi”, chỉ cần nhìn thấy thơ từ sách vở dâm dục thì Uẩn Ngọc sẽ mua ngay về nhà, rồi ném cả vào lò lửa thiêu hủy hết. Cứ như thế Uẩn Ngọc đã đốt những cuốn sách, tiểu thuyết dâm dục này liên tục trong hơn 10 năm.
Trần Khang Kỳ trong “Lang Tiềm Kỷ Văn” có khen rằng: “Uẩn Ngọc vì văn chương mà tín phục cả đời, kiềm chế bản thân, giữ mình trong sạch, không hổ danh là người có học thức”.
Khoa thi năm Càn Long thứ 55 (1790), Thạch Uẩn Ngọc đỗ trạng nguyên, vào làm quan trong triều, lần lượt đảm nhận các chức vụ quan trọng từ giám khảo chính của kỳ thi hương ở Phúc Kiến, đến quan Tri phủ Trùng Khánh, cuối cùng làm đến chức Án sát sứ ở vùng Sơn Đông.
Lương Cung Thần, một văn học gia thời nhà Thanh, từng giữ chức Tri Phủ cho rằng, Uẩn Ngọc đạt được những chức vị cao như vậy là do đã liên tục đốt những cuốn tiểu thuyết dâm dục, tích được công đức lớn.
Năm Gia Khánh thứ 12 (1807), Thạch Uẩn Ngọc từ quan trở về quê cũ, bởi vì từng học tập nghiên cứu các loại sách như dư địa chí, sách khảo thí, văn tự Kim Thạch, cho nên ông đã biên soạn ra bộ sách Phủ Tô Châu Chí gồm 160 cuốn, Bộ Phủ Chí này đã lưu lại được rất nhiều tư liệu lịch sử quan trọng thời xưa, người đời sau gọi là “Thiện Chí”.
Tại Tô Châu, Thạch Uẩn Ngọc có một căn phòng lưu trữ sách cổ, gọi là “Độc Học Lư”, năm Gia Khánh thứ 17 (1812), lúc xây dựng Độc Học Lư, sách vở được cất giữ tại đây lên tới hơn 2 vạn cuốn, đến năm Đạo Quang thứ 2 (1822), lúc xây dựng một tòa khác gọi là “Lăng Ba Các”, thì số thư tịch cổ đã lên tới hơn 3 vạn quyển. Đến lúc Uẩn Ngọc biên soạn thư mục cho thư viện Lăng Ba Các, số sách mà Uẩn Ngọc sưu tầm được đã lên tới 4 vạn quyển, có thể nói kinh sách ở đây vô cùng phong phú, mà Uẩn Ngọc đối với thơ từ, tiểu thuyết dâm dật kia thì không bao giờ nương tay.
Cũng giống Thạch Uẩn Ngọc đốt tiểu thuyết dâm dật, còn có một người là thư sinh họ Vương ở Dương Châu. Trong cuốn “Nhĩ Bưu” quyển 4 có ghi chép lại một câu chuyện như sau:
Họ Vương ở Dương Châu là người ngay thẳng, nếu nghe phải những lời khiếm nhã, sẽ lập tức bịt tai tránh đi chỗ khác. Nếu nhìn thấy tiểu thuyết khiêu dâm tranh vẽ dâm dục, cho dù là của người khác thì họ Vương cũng muốn đoạt lấy để đốt ngay đi.
Mùa thu năm Quang Tự thứ 2 (1876), họ Vương muốn tham gia kỳ thi tỉnh, nhưng lại khổ sở vì không có một đồng nào trong túi. Để có lộ phí đi thi, họ Vương đã phải đi vay mượn bạn bè, nhưng cuối cùng vẫn chẳng mượn được đồng nào, đành thất vọng trở về.
Trên đường về nhà, họ Vương chợt thấy trên vỉa hè có bày bán một cuốn sách, bèn nhặt lên xem thử, thì nhận ra đây là cuốn Kim Bình Mai. Họ Vương giận dữ nói: “Loại sách dâm dục này mà lại được bày bán ngang nhiên, lẽ nào lại có chuyện như vậy!” May mắn lúc này trên người họ Vương vẫn còn mấy đồng xu lẻ, nên anh liền mua luôn quyển sách này về.
Về đến nhà, họ Vương đưa sách cho vợ mang tới chậu than, đang định đem sách ném vào, bỗng nhiên có một tờ giấy rơi ra từ giữa cuốn sách, nhìn kỹ thì ra là tờ ngân phiếu trị giá 1.000 lượng. Hai vợ chồng họ Vương vô cùng kinh ngạc, cẩn thận kiểm tra lại cuốn sách, thì lại tìm thấy một phong thư. Họ Vương đọc xong cười nói: “Đây là tiền của tham quan nhận hối lộ, dùng không sao.” Nhờ số tiền này mà về sau họ Vương có lộ phí đi tham gia kỳ thi.
Đây là 2 câu chuyện có thật kể về việc thiêu hủy dâm thư đắc được phúc báo, cũng chính là những bài học cảnh tỉnh thế nhân cần giữ gìn đạo đức phẩm giá, tránh xa những thứ hủ bại.
Nhiệt Bạch (Theo The Epoch Times)