Người xưa làm thế nào để chế ngự ham muốn sắc dục?
Các nhà hiền triết thời xưa định ra lễ nghi là để bồi dưỡng bản tính lương thiện của con người, giúp con người có thể tiết chế dục vọng từ đó mà tránh xa tai họa.
Con người nếu như cứ tùy ý phóng túng dục vọng, thì sẽ dần dần đánh mất đi bản tính, thậm chí còn có thể mất đi cả sinh mạng. Vậy nên kiềm chế dục vọng của bản thân là rất quan trọng. Dưới đây là một vài phương pháp mà người xưa dùng để tiết chế dục vọng của bản thân.
Giữ lễ để tránh sai lầm
Vào thời Tây Chu, Khương Hậu, vợ Vua Chu Tuyên Vương, là con gái của Tề hầu, nổi tiếng là người hiền lành đức độ, miệng không nói những lời khiếm nhã, thân không làm những việc thất lễ.
Chuyện kể rằng có một hôm, Chu Tuyên Vương ngủ nướng không lâm triều, Khương Hậu đã cởi bỏ quan phục, tháo những đồ vật trang sức lộng lẫy đội trên đầu, mặc vào quần áo của tội nhân, quỳ gối bên ngoài. Rồi nhờ Phó Mẫu chuyển lời tới Tuyên Vương rằng: “Thiếp khiến cho quân Vương thất lễ, quân vương vì sắc mà vong đức là khởi đầu của loạn lạc, loạn này lại bởi thiếp mà ra, thiếp thỉnh mong quân vương giáng tội.”
Chu Tuyên Vương là một người rất lý trí, khi nghe thấy những lời này đã hiểu ra ngay, liền đáp: “Là quả nhân không có đức, đây là lỗi của ta, không phải lỗi của nàng.”
Cũng kể từ đó, Chu Tuyên Vương luôn lên triều sớm, bàn bạc chính sự, tạo phúc cho trăm họ, khiến cho quốc gia hưng thịnh, lịch sử khen là vị quân vương phục hưng Tây Chu.
Khương Hậu uy nghi có đức hạnh, nhún nhường giữ lễ tránh sai lầm, khiến cho Tuyên Vương tỉnh ngộ. Từ đó có câu tục ngữ: Tuyên Vương có hiền phi, quốc gia thịnh vượng, hậu cung yên ổn; nhà có hiền thê, chồng nhân ái con cái hiếu thuận, gia đình hạnh phúc; bề tôi có tùy tùng hiền đức, không quên cội nguồn, không mất đạo đức; người có bạn bè lương thiện, tăng thêm tri thức, bớt đi khó khăn.
Dùng lễ nghi khống chế dục vọng
Ban Tiệp Dư (sinh năm 48 trước công nguyên – mất vào năm thứ 2 công nguyên), là một nữ Từ phú (một thể loại văn học Trung Quốc) thời Tây Hán, người Lâu Phiền (nay thuộc khu Sóc Thành, tỉnh Sơn Tây). Ban Tiệp Dư là cháu gái của Doãn Tử Văn nước Sở, con gái của Kỵ giáo úy Ban Huống. Nhà sử học Đông Hán Ban Cố (tác giá cuốn Hán Thư), tác giả Ban Chiêu của ‘Nữ Giới’, nhà quân sự Ban Siêu, đều là thế hệ sau của Ban Tiệp Dư.
Tương truyền, Ban Tiệp Dư là người xinh đẹp, lại hiền đức biết lễ nghĩa, rất được Thành Đế sủng ái. Có một lần, Thành Đế đã đặc biệt chế tạo một cỗ xe kéo hình rồng xa hoa, mời Ban Tiệp Dư cùng cưỡi Long Liễn du ngoạn. Ban Tiệp Dư nghe xong đã nói Thành Đế rằng: “Quân vương thánh hiền trong lịch sử đều là danh thần ở bên, nếu như thiếp cùng quân vương ngồi trên cùng một xe đi du ngoạn, thì so với hành vi của vua Kiệt thời nhà Hạ, vua Trụ thời nhà Thương và Chu U Vương thời nhà Chu chẳng khác gì, thần thiếp không thể làm ra loại hành vi ngông cuồng này, đối với việc làm vì sắc mà vong đức, thiếp coi đây là giới luật.”
Hán Thành Đế nghe Ban Tiệp Dư nói rất có đạo lý, đành rời đi. Còn Hoàng Thái Hậu thì đem việc Ban Tiệp Dư từ chối lời mời của Thành Đế để ví với việc Phàn Cơ khuyên can Sở Trang Vương, khen rằng: “Cổ có Phàn Cơ, hiện có Ban Tiệp Dư.” Phàn Cơ là phi tử thời xuân thu của Sở Trang Vương, trong một buổi đi săn chứng kiến cảnh Sở Trang Vương, trầm mê ở tửu sắc, Phàn Cơ đã kiên quyết không ăn món làm từ thịt chim muông thú rừng, khuyên can Sở Trang Vương, trợ giúp Sở Trang Vương trở thành một trong những Xuân Thu Ngũ Bá. Thế nhưng ngược lại với Sở Trang Vương, Hán Thành Đế vẫn mê luyến tỷ muội Triệu Phi Yến, cuối cùng bỏ mạng, không có người kế thừa hoàng vị.
Ban Tiệp Dư tu thân thuần khiết, dùng lễ nghi khống chế dục vọng, Hán Thành Đế lại phóng túng dục vọng, rồi cuối cùng là tự hủy hoại chính mình.
Trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử có viết: “Tội lớn nhất là do nhiều dục vọng, họa lớn nhất bởi không biết đủ, sai lầm lớn nhất là vì ham muốn. Cho nên biết thế nào là đủ thì sẽ luôn có đủ”.
Ngàn vàng, tước vị không bằng một cái liếc mắt của mỹ nhân
Trong lịch sử Trung Quốc có điển cố “Phong hỏa hí Chư Hầu”, Chu U Vương vì để có được nụ cười của mỹ nhân Bao Tự, từng mấy lần dấy lên chiến tranh, giễu cợt các nước chư hầu trong thiên hạ mà vong quốc.
Còn tại nước Sở cũng có một mỹ nhân, bất luận nhà vua thưởng cho nàng bao nhiêu vàng bạc châu báu, phong quan tước cho phụ thân, huynh đệ của nàng thì nàng cũng trước sau như một không chịu liếc nhìn quân vương dù chỉ một lần.
Vào thời Xuân Thu, Trịnh Mậu là nàng hầu đi theo con gái họ Trịnh khi xuất giá, là phu nhân của Sở Thành Vương. Có một ngày, Sở Thành Vương bước lên đài cao nhìn xuống hậu cung, các phi tần, cung nữ khi ấy đều tranh nhau ngước lên ngắm nhìn Sở Thành Vương, hy vọng có thể thu hút sự chú ý của ông. Duy chỉ có Trịnh Mậu là không nhìn Sở Thành Vương, cứ thế chậm rãi mà bước đi.
Sở Thành Vương thấy Trịnh Mậu và mọi người không giống nhau, cảm thấy rất kinh ngạc, đã lớn tiếng ra lệnh cho nàng: “Mỹ nhân đang bước đi kia, xin dừng bước nhìn ta một chút.” Thế nhưng Trịnh Mậu không hề ngẩng đầu.
Sở Thành Vương thấy vậy liền nói: “Mỹ nhân, chỉ cần nàng chịu liếc nhìn ta một cái, ta sẽ phong nàng làm phu nhân”. Vậy nhưng Trịnh Mậu vẫn không ngẩng đầu nhìn Sở Thành Vương.
Thành Vương tiếp tục nói: “Mỹ nhân, nếu nàng chịu ngẩng đầu nhìn ta lấy một lần, ta sẽ ban cho nàng nghìn vàng, phong quan tước cho phụ thân và huynh đệ của nàng.” Lần này Trịnh Mậu vẫn không ngẩng đầu nhìn Thành Vương, chỉ thong dong bước đi trên con đường của mình.
Thành Vương cảm thấy Trịnh Mậu không giống người thường, vì vậy đã đích thân từ trên đài cao đi xuống mà hỏi nàng: “Phu nhân trong hậu cung là một vị trí cao; còn phong quan tước thì sau này có thể được nhận bổng lộc. Chỉ cần nàng chịu liếc nhìn quả nhân một cái thôi là có tất cả, vì sao nàng lại không làm?”
Trịnh Mậu đáp lại rằng: “Thần thiếp nghe nói, nữ nhân cần phải đoan chính, dịu dàng. Hôm nay, đại vương đứng trên đài cao, thần thiếp nếu ngước nhìn, thì sẽ trái với lễ nghi. Thần thiếp không ngẩng đầu nhìn, quân vương lại lấy tôn vị phu nhân, quan tước bổng lộc hấp dẫn thần thiếp. Nếu chỉ vì tôn vị cùng quan tước, mà thần thiếp ngẩng đầu nhìn quân vương, đó lại là tham luyến giàu sang và quyền lợi, quên đi đạo lý làm người. Nếu thần thiếp không nhớ lễ nghĩa, quên cả cách đối nhân xử thế, về sau sẽ dùng cái gì để hầu hạ đại vương đây?”
Vì tuân thủ lễ nghi, không màng danh lợi, Trịnh Mậu đã được Sở Thành Vương khen ngợi, phong làm phu nhân.
Nhiệt Bạch (Theo Secret China)