ĐBSCL: Các con sông cạn trơ đáy, những cánh đồng tan hoang
Đến thời điểm này, hạn mặn tại ĐBSCL đã phá vỡ mọi kỷ lục của đợt hạn mặn lịch sử năm 2016. Tính đến đầu tháng 3/2020, hạn, mặn đã làm 332.000ha lúa đông xuân bị ảnh hưởng trực tiếp, hơn 158.900 hộ dân thiếu nước sinh hoạt,… các con cạn sông trơ đáy, những cánh đồng tan hoang.
Hiện đã có 12/13 tỉnh, thành thuộc miền Tây chịu ảnh hưởng, thiệt hại vì hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, 5 tỉnh: Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Long An đã công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp.
Tại Bến Tre, Tiền Giang nhiều người dân bắt buộc phải đi mua nước ngọt từ nơi khác chở về với giá cắt cổ, có nơi lên đến 300.000 đồng/m3, dù giá nước máy chỉ khoảng 8.000 đồng/m3, để phục vụ sinh hoạt và tưới vườn cây ăn trái.
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, toàn khu vực Nam bộ sẽ có khoảng 158.900 hộ dân thiếu nước sinh hoạt và khoảng 332.000 ha lúa đông xuân, trên 136.000ha cây ăn quả bị ảnh hưởng trực tiếp của hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020.
Tại Cà Mau, hạn mặn ảnh hưởng trên toàn tỉnh, hơn 18.000ha lúa bị thiệt hại, hơn 20.800 hộ gia đình bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, phần lớn tập trung ở các huyện như U Minh, Trần Văn Thời, huyện Đầm Dơi,…nhiều hộ dân địa bàn ven biển phải chắt chiu từng giọt nước ngọt.
Hạn hán còn làm hơn 900 địa điểm bị sụp, lún ven kênh rạch và gần 22km đường bị sụt lún nghiêm trọng, khiến giao thông đi lại hết sức khó khăn.
Tại Bến Tre, dự kiến hơn 5.000ha lúa sẽ bị mất trắng, khoảng 20.000ha cây ăn trái được đặt trong tình huống “báo động đỏ” khi nguồn nước tưới bị thiếu hụt. Đến đầu tháng 3/2020, tại tỉnh này đã có nhiều vườn sầu riêng bị chết nhánh, khô lá, rụng trái do lâu ngày không được tưới.
Tương tự, tại vùng chuyên canh cây sầu riêng thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nhiều diện tích cây sầu riêng, chôm chôm đã bị khô héo, rụng trái,…
Tại Kiên Giang, đến thời điểm này toàn tỉnh Kiên Giang đã có hơn 4.220 ha lúa bị ảnh hưởng do hạn mặn, trong đó Hòn Đất và Kiên Lương là 2 huyện chịu thiệt hại nặng nề nhất với tổng diện tích 1.598 ha bị ảnh hưởng nghiêm trọng trên 70%.
Các con sông trơ đáy, những cánh đồng tan hoang
Năm 2016 được xem là trận hạn, mặn lịch sử 100 năm mới có 1 lần diễn ra tại ĐBSCL, nhưng năm 2020, các số liệu đến thời điểm này cho thấy, hạn, mặn đã vượt mốc 2016.
Vùng bán đảo Cà Mau, Minh Hà là một trong những tuyến kênh trục chính, cung cấp nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp vùng ngọt hóa Bắc Cà Mau (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Vào mùa mưa, độ sâu con kênh này khoảng 4m nên lượng nước trữ khá lớn. Tuy nhiên, hiện nay tuyến kênh này đã khô cạn.
Ghi nhận thực tế tại vùng ngọt hóa Bắc Cà Mau, nhiều kênh mương nội đồng không còn một giọt nước. Hệ thống giao thông thủy trong vùng tê liệt. Việc này khiến cho lúa, nông sản của người dân trong vùng khó bán vì phí vận chuyển đội lên.
Năm nay, tình hình hạn hán dẫn đến thiếu nước nên phải vận chuyển bằng phương tiện nhỏ, bằng xe máy, vì vậy chi phí đội lên: 1kg lúa giá 450 đồng, có chỗ lên đến 500 đồng/kg. Một số nơi bị sạt lở không vận chuyển được, lúa không bán được.
Ngoài ra, do thiếu nước dẫn năng suất thấp, hạt lúa không no tròn, chà gạo bị bể. Vì vậy, các công ty lương thực mua giá thấp, nhiều bà con nông dân mất từ 300 – 350 đồng/kg lúa.
Ở giữa vùng sông nước còn bi kịch hơn. Thời điểm hiện tại, độ mặn 1‰ đã bao phủ toàn tỉnh Bến Tre, nước máy sinh hoạt lúc nào cũng ở mức 2‰-3‰.
Người dân ở đây cũng đang vất vả đi đổi nước ngọt để sử dụng. Mỗi khối nước có giá dao động từ 150.000 – 200.000 đồng, có nơi lên đến 300.000 đồng. Cảnh thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt cũng diễn ra khắp nơi ở Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long,…
Tại TP Cần Thơ gần như không bị nhiễm mặn trong quá khứ gần 300 năm nay. Tuy nhiên, năm 2016, nước mặn có nồng độ 2 phần ngàn (2‰) chạm đến quận Cái Răng, thì ngày 10/2/2020 vừa qua, nước mặn đo được tại Cảng Cái Cui (quận Cái Răng) là 3,5 ‰. Nguy cơ xâm nhập mặn sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng tới.
Tại các nhánh sông khác tại ĐBSCL, chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ 21/3 – 31/3/2020 có khả năng như sau:
– Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: Phạm vi xâm nhập mặn 85-110km
– Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: Phạm vi xâm nhập mặn 52-60km
– Sông Hàm Luông: Phạm vi xâm nhập mặn 73-78km
– Sông Cổ Chiên, sông Hậu: Phạm vi xâm nhập mặn 45-55km
– Sông Cái Lớn: Phạm vi xâm nhập mặn 43-52km.
Từ Nguyên (t/h)