Tết này, ĐBSCL có nguy cơ bị hạn mặn nặng do Thủy điện TQ giảm xả nước
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn (KTTV) quốc gia, từ nửa cuối tháng 12/2019 đến tháng 3/2020 sẽ xảy ra hạn hán và mặn xâm nhập ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sâu hơn, gay gắt hơn do dòng chảy sông Mekong hạn chế.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, sẽ có một số thay đổi dòng chảy trên sông MeKong do Trung Quốc vận hành đập thủy điện Cảnh Hồng diễn ra từ ngày 1/1 đến 4/1/2020.
Theo đó, lưu lượng nước xả ra từ đập thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu sẽ giảm 1.000- 800 m3/giây vào các ngày từ 1/1 đến 3/1/2020 và thấp nhất trong ngày 4/1/2020 là 504 đến 800 m3/giây.
Ảnh hưởng của việc giảm xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) sẽ về đến biên giới Việt Nam tại Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) bắt đầu từ ngày 22/1/2020 và ảnh hưởng ra các vùng ven biển kéo dài đến hết ngày 28/1/2020- thời điểm của kỳ triều cường và chuẩn bị đón năm mới 2020, cho nên, mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng với đỉnh mặn vào những ngày Tết cổ truyền.
Trước đó, vào tháng 3/2016, Bộ Ngoại giao đã phải kiến nghị phía Trung Quốc xả nước từ Hồ thủy điện Cảnh Hồng (hồ cuối cùng trong bậc thang thủy điện Mekong ở thượng lưu Trung Quốc) để cứu hạn cho Việt Nam trong trận hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử năm 2015-2016 làm thiệt hại 7.900 tỉ đồng.
Theo báo cáo của các tỉnh ĐBSCL, vụ đông xuân năm nay sẽ có khoảng 200.000ha bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 90.000ha bị nhiễm mặn nặng. Ngoài ra, khoảng 80.000ha cây ăn quả sẽ bị ảnh hưởng và nếu bị nhiễm mặn thì có thể lại mất 5-10 năm mới khôi phục được.
Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị hạn mặn trong năm nay
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cảnh báo, do việc giảm xả nước của thủy điện Cảnh Hồng nên khả năng xảy ra hạn mặn lịch sử như năm 2015-2016 là rất cao.
Theo dự báo, từ giữa tháng 12/2019, xâm nhập mặn sẽ vào sâu trong đất liền 40-50km, cao hơn năm 2016 khoảng 3-5km. Hiện nay, trên hệ thống sông Vàm Cỏ, độ mặn 4g/l đã vào sâu 50km trên sông Vàm Cỏ Tây và độ mặn 1g/l đã vào sâu 70km trên sông Vàm Cỏ Đông.
Năm nay, tình trạng xâm nhập mặn sẽ tác động đến 10/13 tỉnh của ĐBSCL gồm Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau và Kiên Giang.
Theo lý giải của các nhà khoa học, có 3 nguyên nhân chính gây ra xâm nhập mặn tại ĐBSCL. Theo đó, ngoài việc đập Cảnh Hồng xả ít nước; lượng mưa năm nay giảm thì việc đập Xayaburi ở Lào chạy thử nghiệm cũng sẽ khiến mực nước sông Mekong ở Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam xuống thấp kỷ lục.
Theo Bà Pianporn Deetes – giám đốc chiến dịch của Tổ chức Sông ngòi quốc tế tại Thái Lan (International Rivers), các biểu hiện như mực nước thấp bất thường, sự xuất hiện của cồn cát và ghềnh đá dưới đáy sông, cá chết hàng loạt, trạm bơm ngưng hoạt động… chỉ là “khởi đầu” của một viễn cảnh xấu phía trước.
“Hôm nay chỉ mới có 2 đập thủy điện giữ nước mà chúng ta đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy vậy, vẫn còn 28 đập khác ở Trung Quốc đã được lên kế hoạch…” – bà Pianporn cho biết.
Thủy điện thượng nguồn “chặn” mất 90% lượng phù sa
Theo Bộ Tài nguyên – môi trường (TN-MT), việc phát triển các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong đang tác động đến môi trường tự nhiên ở ĐBSCL, hệ quả tác động diễn ra nhanh chóng và phức tạp.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, nếu phát triển đủ các thủy điện bậc thang trên lưu vực sông Mekong ở thượng nguồn, thì sẽ có tới trên 90% lượng bùn cát bị giữ lại.
“Một ĐBSCL phát triển màu mỡ nhờ phù sa bồi đắp, nhưng nay lượng lớn phù sa đã mất, đó là vấn đề lớn đe dọa sự phát triển vùng ĐBSCL” – ông Hà cho hay.
ĐƯợc biết, hiện nay tại ĐBSCL, tổng lượng phù sa bùn cát và dinh dưỡng bị giảm tới 65% và nếu tính chung cả các thủy điện thượng nguồn phía Trung Quốc, lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn lại khoảng 15 triệu tấn, chưa đến 10% so với điều kiện tự nhiên; xâm nhập mặn sẽ gia tăng tại hầu hết các vùng ven biển.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết trước đây Cà Mau luôn luôn được bồi phù sa bồi đắp, nhưng nhiều năm gần đây đã hết phù sa, trong khi sạt lở diễn ra nhanh và khốc liệt.
Từ Nguyên (t/h)