Ấm áp tình người giữa vùng ngập mặn: Bà cụ cho nước ngọt suốt 20 năm
Hàng ngày, khi thỏa sức vẫy vùng trong làn nước ngọt, giữa những trưa mùa hè đổ lửa, bạn có biết ở một nơi cách chúng ta không xa, nước ngọt là một nguồn tài nguyên xa xỉ? Nhưng có một bà cụ, sẵn sàng biếu nước ngọt cho người dân quanh vùng, mà không thu lại một đồng phí nào…
Bến Tre những ngày ngập mặn khốc liệt nhất lịch sử…
Chỉ cách Sài Gòn tròm trèm 90 cây số, không ai ngờ rằng Bến Tre lại là vùng đất bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt ngập mặn lịch sử này. Chỉ trừ các xã phía bắc của tỉnh, gần như toàn bộ “đảo dừa” Bến Tre hiện đang chìm trong nước mặn. Ở cửa sông Hàm Luông nước mặn vào sâu đến 50km. Nước mặn vào cả các vườn trái cây đặc sản, hoa kiểng, cây giống… khiến hoa màu héo rũ, cá dưới mương không sống nổi, có khoảng 10.500/14.000 ha lúa bị thiệt hại, mất mùa, thất thu. Sản xuất nông nghiệp chưa năm nào khó khăn đến vậy…
Kể dông dài về một cái nhìn toàn cảnh cho bạn nhận ra một điều đơn giản: Nước ngọt ở đây đã mặc nhiên trở thành một nguồn tài nguyên “thần thánh” đến mức nào. Người dân Bến Tre phải mua nước ngọt với giá 30.000 – 60.000 đồng/m3. Những ngày cao điểm, con số này có khi lên đến 100.000 đồng/m3. Xe đổi nước túc trực suốt ngày đêm để chở phục vụ bà con nhưng không xuể…
Giữa vùng ngập mặn, có một bà cụ tóc trắng như mây cho bà con nước ngọt…
Ngôi nhà của bà Bảy Hưởn (tên thật của bà là Nguyễn Thị Hưởn, 75 tuổi) may mắn nằm trên khu đất có mạch nước ngọt chảy qua. Từ hơn 20 năm trước, theo kinh nghiệm đặc biệt của ông Bảy (chồng bà), cứ thấy nơi đất nào có kiến lửa đến làm tổ, thì nơi đó chắc chắn có mạch nước ngọt. Thế là ông đào một cái giếng sâu 8-9 mét ngay tại khu đất nhà mình. Từ thời điểm sở hữu nguồn nước “thần thánh” này, bà Bảy đã quyết định chia sẻ nó cho những hộ khan nước quanh vùng mỗi khi mùa ngập mặn kéo tới. Điều này có nghĩa, lòng tốt của bà đã âm ỉ chảy từ hơn 20 năm nay, nhưng ít ai biết, vì nó thầm lặng quá…
Ấy vậy mà cả tỉnh này, hầu như không ai là không biết địa chỉ nhà bà, để ngày ngày xách can đến xin bà cho nước. Họ không chỉ là người vùng này, mà cả những vùng lân cận như Phông Nẫm, Hữu Định… cũng đội nắng đến tìm bà. Một ngày cao điểm ngập mặn, bà tiếp khoảng 20 người đến xin nước, mỗi người sẽ khệ nệ xách gần 100 lít nước mang về nhà dùng.
Một số người đôi khi quay lại biếu bà những món cây nhà lá vườn mà họ có được như bưởi, chuối,… Có người biếu bà tiền nhưng bà kiên quyết không nhận, và họ lại mua những lốc sữa để tặng bà. Bà cho đi những giọt nước quý báu và bà nhận lại những tình cảm vô giá. Tất cả đều không thể mua được bằng tiền.
Bên trong ngôi nhà trống trước hụt sau của bà Bảy Hưởn
Trong ngôi nhà trống hoác, bà Bảy tươi cười trò chuyện. Ông Bảy, chồng bà chuyên bắt mạch phát thuốc cho mọi người ở chợ nhà Lồng Bến Tre, đối diện chùa Viên Minh. Hai người con trai của bà đều làm cơ khí cho một cửa hàng cửa sắt. Người con trai lớn khi đang học THPT thì gia đình bà không còn đủ chi phí để cho con tiếp tục theo đuổi việc học. Anh chuyển sang học nghề cơ khí trong 3 năm và làm công việc này tại nhà. Cuộc sống gia đình bà không mấy dư giả, cứ làm ngày nào thì sẽ ăn hết ngày đó.
Cách nhà bà chưa đến 20m, một hộ dân có giếng nước ngọt đã treo bảng bán nước với giá 5000 đồng/20 lít. Khi được hỏi tại sao bà không bán nước ngọt như những hộ xung quanh đã làm, ít nhất cũng đỡ đần phần nào tiền chợ cho cả nhà, bà chỉ cười cười “Cái gì mình có thì mình chia sẻ để mọi người cùng có. Bà không muốn lợi dụng cái hạn ngập mặn để kiếm chút lợi nhuận. Bà con mình đã khổ vì thiên tai nhiều rồi, bà không muốn họ thêm khổ, còn mình thì ngồi không hưởng lợi đâu…”.
Khi bạn đọc được bài viết này, đã có những mạnh thường quân hỗ trợ cho bà 2 bồn tec, mỗi bồn chứa được khoảng 1000 lít nước, và một nhóm tình nguyện viên đến tận nhà bà để lắp đặt. Trước đây, khi chưa có 2 bồn tec này, mỗi khi có người đến lấy nước thì bà hoặc người nhà sẽ phải chạy ra để bơm nước, lọc nước và pha chế rất cực và mất nhiều thời gian. Nhưng từ hôm nay, bà sẽ không còn vất vả như vậy nữa, vì nước sẽ tự động được lọc từ clo, và những người đến xin nước đều có thể tự múc bằng tay với số lượng bao nhiêu tùy ý.
Bà hớn hở khoe với chúng tôi: “Bà hứa sẽ cho mọi người nước ngọt đến khi nào giếng nhà bà cạn thì mới thôi”.
Nhưng mạch nước ngọt nằm sâu trong lòng đất, biết bao giờ mới cạn? Cũng như cái tình trong con người bà, nó sâu thẳm từ trong tim, biết đến bao giờ mới cạn bà ơi….
Theo yan.vn