Bến Tre ngập mặn nặng, người dân trồng hoa màu có nguy cơ mất Tết
Trước việc các tuyến sông, kênh trên toàn tỉnh Bến Tre bị nước mặn xâm nhập sâu, uy hiếp hàng nghìn ha hoa màu, cây ăn quả của bà con nông dân, UBND tỉnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương khẩn trương vào cuộc thực hiện ngay các giải pháp phòng chống, ứng phó…
Nước mặn xâm nhập nhanh, đột ngột và rất sâu
Theo số liệu mới nhất của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, tình hình nước mặn xâm nhập trên các sông chính tại tỉnh Bến Tre đang diễn biến hết sức phức tạp, mặn xâm nhập nhanh, đột ngột và rất sâu.
Hiện tại nước mặn xâm nhập trên các sông chính đang ở mức tương đương đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015-2016. Dự báo trong tháng này (1/2020) độ mặn sẽ tiếp tục tăng cao và xâm nhập sâu hơn; độ mặn 4‰ có khả năng xâm nhập cách các cửa sông khoảng 53-68km, độ mặn 1‰ hầu như bao trùm toàn tỉnh Bến Tre.
Những ngày qua, gia đình ông Nguyễn Văn Liệt (xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách) như ngồi trên đống lửa khi khi mà nước mặn xâm nhập bất ngờ. Ông Liệt cho biết, gia đình ông đang trồng 40.000 cây giống sầu riêng còn nhỏ đang cần nước tưới.
Tuy nhiên, loại cây con này chỉ chịu độ mặn dưới 0,4‰, trong khi ngoài sông nước mặn cao hơn, nên mỗi ngày ông phải phải canh nước ròng sát đáy, khi độ mặn giảm ở mức cho phép mới bơm lên tưới cho cây giống.
Nguy cơ mất trắng hơn 1.500 ha đất nông nghiệp trồng cây giống, hoa trái
Đồng cảnh ngộ, hộ ông Nguyễn Văn Giỏi (xã Tân Thiềng) trồng 2.400 giỏ cúc mâm xôi cũng lo lắng không kém. Ông Giỏi cho biết, nước mặn lên bất ngờ khiến nhiều người dân không kịp trữ nước trong mương vườn để tưới.
Theo thống kê, tại xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách) có 8 tuyến sông dùng để trữ nước ngọt đã bị nhiễm mặn do không kịp đóng cống. Hiện tại, toàn xã có 1.538 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 80% là cây giống, cây ăn quả và hoa kiểng đang bị ảnh hưởng và có nguy cơ mất trắng do nước mặn.
Hạn mặn nặng do Thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc giảm xả nước?
Theo lý giải của các nhà khoa học, có 3 nguyên nhân chính gây ra tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Thứ 1 là do lượng mưa năm 2019 giảm, thứ 2 là do đập Xayaburi của Lào chạy thử nghiệm và thứ 3 là do đập Cảnh Hồng của Trung Quốc giảm xả nước.
Trong đó, việc đập Cảnh Hồng giảm xả nước là nguyên nhân lớn nhất khiến thượng nguồn sông Mekong thiếu hụt nguồn nước về hạ lưu, kết hợp với yếu tố nước biển dâng đẩy mặn sâu vào nội đồng gây ra hạn mặn nặng tại ĐBSCL.
Cũng theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thì trong dịp tết nguyên đán 2020 sắp tới này khả năng Việt Nam lặp lại hạn mặn lịch sử như năm 2015-2016 là rất cao bởi lưu lượng nước xả ra từ đập thủy điện Cảnh Hồng sẽ tiếp tục giảm.
Cụ thể, Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết vào ngày 27/12, lưu lượng xả nước từ nhà máy thủy điện Cảnh Hồng sẽ được điều chỉnh giảm từ mức 1.200 – 1.400 m3/s, xuống còn 800-1.000 m3/s trong thời gian từ ngày 1/1/-4/1/2020.
Sau đó, lượng xả từ đập Cảnh Hồng tiếp tục giảm xuống 504 – 800 m3/s trong ngày 4/1, trước khi duy trì trở lại mức bình thường (1.200-1.400 m3/s).
Việc giảm nước xả trên của đập Cảnh Hồng sẽ ảnh hưởng đến ĐBSCL từ ngày 22/1-28/1/2020, trùng với triều cường cuối tháng 12 âm lịch (cùng thời điểm đón tết nguyên đán 2020), khả năng làm xâm nhập mặn tăng cao trong thời gian này….
Theo đó, để bảo đảm cho việc sản xuất nông nghiệp và dân sinh trước tình trạng khẩn cấp trên vào ngày 14/1, một lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre cho biết, Tỉnh đã ban hành Quyết định số 72/QĐ-UBND về tình huống khẩn cấp do mặn xâm nhập trên địa bàn.
Tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương tích cực khẩn trương vào cuộc thực hiện ngay các giải pháp phòng chống, ứng phó tình huống khẩn cấp nước mặn xâm nhập.
Vũ Tuấn (t/h)