Chuyện chàng A Địa chịu hà hiếp đi tìm sư phụ học được tuyệt đỉnh công phu
Võ thuật Trung Quốc có nguồn gốc từ rất xa xưa, nhưng dù bất kể là môn phái nào, cũng đều cần trải qua một quá trình khổ luyện nhiều năm mới có được thành tựu. Thế nên võ công chân chính nếu không trải qua tu luyện gian khổ thì tuyệt đối không thể có kinh nghiệm thực chiến được.
Vào thời triều Thanh, ở một thôn nọ thuộc huyện Tiên Du, phủ Hưng Hóa tỉnh Phúc Kiến có một quả phụ giàu có, bà có một đứa con trai, thường gọi cậu ta là A Địa. Thế nhưng A Địa từ nhỏ thân thể đã yếu ớt, hay mắc bệnh, hơn nữa phần cổ tay trái từng bị gãy, cánh tay phải còn lại thì bình thường nhưng nhiều lắm cũng chỉ cầm được con dao găm hoặc đôi đũa v.v.., thẳng ra là cậu không có sức để tranh đấu với người khác.
Chính vì vậy mà những người trong làng thường hay bắt nạt A Địa, không đánh cũng mắng, từ nhỏ A Địa đã chịu rất nhiều tủi nhục.
Mẹ A Địa thấy thế đâm thương con, không chịu nổi điều đó nên bà thề rằng: “Ta nguyện dùng toàn bộ gia sản của mình để tìm cho con trai một thầy dạy võ, để nó chống lại những kẻ đã cường bạo nó. Những người đàn ông gánh vác gia đình kia làm sao hiểu được nỗi đau khổ này của ta!”.
Đến khi A Địa lớn lên, cậu quả nhiên nghe theo lời mẹ, rời khỏi nhà bắt đầu ngao du, đi tìm cho mình một sư phụ công phu tuyệt kỹ.
Một hôm, A Địa du ngoạn đến Giang Hữu, nghe những người bản xứ truyền miệng nhau rằng, trên chùa có một vị trụ trì tuổi tác đã cao nhưng rất tinh thông kiếm thuật võ lâm, công phu cao cường.
Thấy thế A Địa bèn quyết tâm tìm đường lên chùa, hy vọng có thể được học võ công tại đây.
Khi vị trụ trì xuất hiện, A Địa mừng rỡ đến mức bật khóc, cậu quỳ xuống bái lễ vị sư già đang đứng trước mặt mình, thỉnh cầu ông hãy thu nhận cậu làm đệ tử và thuật lại những lời của mẹ cậu cho vị trụ trì nghe.
Ban đầu, vị trụ trì cự tuyệt lời thỉnh cầu của A Địa, nhưng sau đó thấy A Địa thật sự quá đáng thương nên tạm thời đành chấp nhận.
Suốt mấy năm đầu, vị trụ trì vẫn không hề dạy cho A Địa một bộ võ công nào cả. Ông chỉ sai người đem chôn một mảng măng đá lớn (đá vôi đọng ở nền các hang đá, có hình giống như búp măng mới nhú) ở hậu hoa viên. Măng đá đó phía trên rất sắc bén, còn phía dưới lại rất tròn. Ông bảo người chôn măng đá đó sâu xuống một thước và còn phải chôn thật kỹ lưỡng.
Sau đó, ông ra lệnh cho A Địa mỗi ngày đều phải dùng tay để bốc miếng măng đá lên. Lúc đầu A Địa sờ vào măng đá cảm thấy rất trơn, khó mà dùng tay bốc được, măng đá cũng không hề bị dịch chuyển chút nào. Nhưng A Địa lại không cảm thấy nản chí, cậu kiên trì mỗi ngày dành một lượng lớn thời gian khổ luyện, không ngừng dùng tay để nhấc phiến măng đá lên.
Quả thật bằng sự nỗ lực và kiên trì bền bỉ, sau ba năm, A Địa đột nhiên có thể nhấc phiến măng đá đó lên và ném nó lên cao hơn đầu, văng ra xa vài thước.
Vị trụ trì nhìn thấy nhiệt huyết luyện tập của A Địa quả thật đáng khâm phục, ông tỏ ra rất hài lòng, không thể nén nổi nụ cười trên khuôn mặt. Thế là từ đó vị trụ trì bắt đầu chính thức dạy võ công cho A Địa. Cứ như vậy dưới sự chỉ bảo mỗi ngày của vị trụ trì sau, chỉ sau một năm luyện tập A Địa đã có thể học được hết những công phu và được trụ trì cho phép xuống núi.
Khoảng thời gian A Địa mới trở về nhà, cậu vẫn tỏ ra rất bình thường như trước kia còn ở nhà. Mẹ của cậu cũng không hề cảm thấy con mình học được tuyệt kỹ gì xuất chúng cả.
Khi đó có một người trong làng vừa hung hăng lại thạo võ, hắn nghe nói A Địa bên ngoài đã học không ít võ công quyền kỹ của Thiếu Lâm, định bụng một hôm nào đó sẽ cùng A Địa tỷ thí một trận. Hắn muốn xem xem A Địa rốt cuộc có võ nghệ cao cường gì.
Một hôm, đúng lúc gặp phải A Địa trong một con hẻm nhỏ, vừa nhìn thấy A Địa hắn bèn dở thói hung hăng, lập tức ra đòn tấn công. Ngay lúc đó, A Địa đã nhìn ra đòn của gã, cậu bất ngờ bay lên không trung và trong chớp mắt đã đứng phía sau lưng rồi đưa tay nhấc bổng đầu gã lên, trong khoảnh khắc đó, đầu của tên kia đã vô tình bị nát dưới bàn tay khỏe như sắt của A Địa.
Sau khi gã hung hăng chết, người trong làng bèn báo lên quan phủ. Vừa khéo vị quan huyện thẩm vấn kia lại là một vị quan thanh liêm và có tinh thần trọng nghĩa, ông thẩm vấn chi tiết tình huống trước sau một cách cẩn thận nên rất cảm thông với cảnh ngộ của A Địa. Kết quả chỉ xử phạt A Địa bằng trượng hình và đày đi nơi khác. Vài năm sau đó A Địa mới được phóng thích trở về, người trong làng bấy giờ đều gọi cậu là “người sắt”.
Câu chuyện về A Địa khiến chúng ta không khỏi liên tưởng đến một câu nói nổi tiếng của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long: “Tôi không sợ những kẻ tập một lần 10.000 cú đá, tôi chỉ sợ những kẻ tập một cú đá 10.000 lần”. Võ học cũng vậy, hay bất kể sự tình nào trên đời cũng vậy, không có thành tựu nào đạt được mà không phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài.
Thành công không có con đường tắt, mà cần phải có sự kiên trì bền bỉ, ý chí vững chắc như kim cương, thất bại cũng không hề nản. Giống như A Địa từ một chàng trai yếu đuối tưởng chừng vô dụng, nhưng nhờ có ý chí kiên định, không ngại khó ngại khổ mà rèn giũa mình trở thành cao thủ võ học khó ai bì kịp, thậm chí ngay cả chính bản thân cậu cũng chẳng thể nào ngờ.
Thanh Thiên (Theo Secret China)