Thành ngữ “cưỡi ngựa xem hoa” bắt nguồn từ một điển tích thú vị
Chúng ta thường dùng câu thành ngữ “Cưỡi ngựa xem hoa” để chỉ những người làm việc qua loa, không cẩn thận. Đối với vấn đề nào đó thì không đi vào chi tiết, không sâu sát kỹ lưỡng, cho nên không thể nắm bắt được điều gì. Ví như người cưỡi ngựa, do đi nhanh và nhìn từ xa, nên không thể thấy hết vẻ đẹp của bông hoa. Để cảm thụ trọn vẹn hương sắc của bông hoa thì cần phải tiến lại gần ngắm nhìn. Nhưng ít ai biết rằng, câu thành ngữ này vốn có xuất xứ từ một điển tích khá thú vị.
Được biết, câu nói trên có nguồn gốc từ một thành ngữ của người Trung Hoa cổ: “Kị mã quan hoa”. Sau này ông bà ta chuyển nghĩa từ Hán – Việt sang thuần Việt, gọi là “Cưỡi ngựa xem hoa”. Câu thành ngữ này có xuất phát từ câu chuyện sau đây:
Xưa kia, có chàng công tử họ Tiền, là con của một gia đình rất giàu có. Tiền công tử có khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú, nhưng mỗi tội là bị thọt một chân, cho nên đã hơn 30 tuổi mà cậu ta vẫn chưa tìm được ý chung nhân.
Điều này cũng khiến Tiền công tử rất phiền não, thường hay tự an ủi bản thân rằng “nhân vô thập toàn”, trên đời này đâu có ai là hoàn hảo.
Ở phía Bắc thành, nhà Viên ngoại họ Tôn cũng có cô con gái thứ ba, dù đã 27, 28 tuổi rồi mà vẫn chưa gả được chồng, lý do là vì cô bị tật sứt môi.
Một ngày nọ, vô tình hai nhà hữu duyên cùng tìm đến một bà mối nổi tiếng họ Lý trong vùng, khẩn khoản nhờ bà nghĩ ra một “diệu kế” để con cái có thể sớm yên bề gia thất. Bà mối thấy đây quả thật là sự trùng hợp, và ngầm ý muốn tác hợp cho hai người với nhau. Nhưng bà lại sợ rằng, hai bên nếu biết được khuyết điểm của nhau thì sẽ chê bai mối nhân duyên sắp đặt này.
Đúng lúc đang bí bách thì vô tình bà đọc được một bài thơ có tiêu đề “Đăng khoa hậu” (sau khi thi đậu), trong đó có hai câu thơ là: “Xuân phong đắc ý mã đề thanh, nhất mục khán biến Trường An hoa” (sau khi thi đậu, đắc ý cưỡi ngựa dạo khắp thành Trường An để ngắm hoa trong gió xuân). Đọc xong hai câu thơ, bà chợt nảy ra một ý hay, “cưỡi ngựa xem hoa”, quả đúng là rất phù hợp trong tình huống này.
Trước tiên, bà đi tới nhà họ Tiền, kể hết mọi đức hạnh của Tam tiểu thư nhà họ Tôn cho mọi người nghe. Nghe những lời tâng bốc của bà Lý, Tiền công tử rất nóng lòng ao ước được thành hôn với cô tiểu thư yêu kiều này. Nhưng rồi nghĩ đến hoàn cảnh của mình, chợt thấy tủi thân.
Dường như đọc được nỗi lòng của Tiền công tử, bà Lý quay sang thì thầm vào tai cậu ta diệu kế mà bà vừa nghĩ ra. Bà nói: “Tới hôm đó, cậu hãy cưỡi trên lưng ngựa, khéo léo dấu đi cái chân dị tật của mình, như vậy thì đâu một ai biết.” Tiền công tử nghe xong rất hài lòng, giống như phút chốc trút được gánh nặng, liền sai gia nhân lấy ra một đĩnh bạc trả công hậu hĩnh cho bà Lý.
Sau đó, bà Lý lại hoan hỉ đi tới nhà họ Tôn, tâng bốc đủ điều về Tiền công tử. Tôn tiểu thư nghe thấy vậy, cũng rạo rực trong lòng, nhưng chợt nghĩ về cái môi sức của mình dường như có chút hổ thẹn. Bà Lý thấy vậy bèn bày mưu kế cho Tôn tiểu thư: “Đến lúc gặp mặt, tiểu thư hãy giả vờ ngắm hoa để khéo léo giấu đi cái môi sứt của mình thì công tử ấy làm sao mà nhận ra được.” Tôn tiểu thư nghe vậy, thấy đây quả thật là diệu kế, bèn gỡ cây trâm vàng trên tóc gửi tặng bà Lý để tỏ lòng cảm tạ.
Đến ngày, bà Lý sắp xếp để hai người gặp mặt. Tiền công tử đi ngang qua nhà Tôn tiểu thư, cưỡi trên lưng ngựa hiên ngang, phong độ rất anh tuấn. Cậu ta cưỡi ngựa đi từ đằng xa dần dần tiến lại gần, thì nhìn thấy một cô gái rất xinh đẹp, da trắng, tóc đen, duyên dáng tuyệt trần. Đặc biệt, tay nàng lúc nào cũng cầm một bông hoa e ấp đặt lên môi ngửi, thỉnh thoảng còn liếc mắt nhìn Tiền công tử.
Tiền công tử lúc này đã động lòng trước nét kiều diễm e thẹn của Tôn tiểu thư. Do hai bên đều rất khéo léo, nên cũng không ai phát hiện ra dị tật của đối phương.
Sau đó, Tiền công tử liền vội vã về nhà thưa chuyện với phụ mẫu xin được thành thân với Tôn tiểu thư. Được sự nhất trí từ hai bên nhà họ Tôn và họ Tiền, hôn lễ đã nhanh chóng được cử hành.
Đêm hôm đó, sau khi uống rượu chúc mừng từ anh em bằng hữu, họ hàng gần xa, Tiền công tử liền đến bên Tôn tiểu thư, chàng dịu dàng lật tung chiếc khăn đội đầu của nàng. Thật không ngờ, chàng vỡ mộng nhận ra tôn tiểu thư xinh đẹp kiều diễm kia lại là một cô gái bị tật ở môi. Do uống rượu quá chén, nên cậu ta cũng không để ý tới dáng đi của mình. Vậy là tôn tiểu thư cũng biết được khuyết điểm của chồng. Cả hai thất vọng nhưng cũng đành phải ngậm ngùi chấp nhận số phận đã an bài.
Xuất phát từ câu chuyện này, câu thành ngữ “cưỡi ngựa xem hoa” đã được lưu truyền về sau. Mọi người thường dùng câu này để chỉ những người xem xét sự vật nào đó một cách hết sức phiến diện, qua loa, không suy tính cẩn thận đã vội đưa ra kết luận.
An Nhiên (s/t)