Bác sĩ Trung Quốc bị cách chức vì tố bệnh viện dùng thuốc chưa thử nghiệm để điều trị virus
Phó Giám đốc của bệnh viện thuộc vùng tâm chấn đại dịch Vũ Hán tại Trung Quốc đã bị cách chức, sau khi ông chỉ trích phương pháp điều trị COVID-19 cho các bệnh nhân lây nhiễm của quốc gia.
Ngày 1/4, Dư Hướng Đông đã bị tước bỏ toàn bộ quyền lãnh đạo tại bệnh viện Trung ương Hoàng Thạch thuộc thị trấn Hoàng Thạch, tỉnh Hồ Bắc, sau khi ông viết một loạt bài đăng lên mạng xã hội vào tháng Hai. Những bài đăng này hiện đã bị kiểm duyệt và xóa bỏ khỏi mạng xã hội.
Ông chia sẻ với tờ Epoch Times: “Tôi đã đăng tải nhiều bài viết lên mạng xã hội để thảo luận về phương pháp chữa trị theo các góc nhìn chuyên môn khác nhau. Có thể những bài viết đó đã không thuận mắt [với chính quyền]”.
Ông Dư là Phó Giám đốc của bệnh viện Trung ương Hoàng Thạch kiêm giám đốc bộ phận kiểm soát chất lượng tại Tập đoàn Y tế Edong – một cơ quan của chính quyền thành phố quản lý ba bệnh viện nhà nước: Bệnh viện Trung ương Hoàng Thạch, Bệnh viện y học Trung Quốc Hoàng Thạch và Bệnh viện sản phụ nhi Hoàng Thạch.
Phương pháp điều trị của các bệnh viện Trung Quốc
Là một bác sĩ tỉnh Hồ Bắc, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Vũ Hán, bác sĩ Dư cho biết ông đã chữa trị cho nhiều bệnh nhân lây nhiễm từ trước khi dịch bệnh chính thức bùng phát. Ông xuất bản một bài viết với tiêu đề “Sự sụp đổ của y học dựa trên các bằng chứng cụ thể” vào đầu tháng 2. Bài viết này đã thu hút hơn 1 triệu lượt đọc từ các độc giả. Nhiều người đã đăng tải lại bài viết lên các trang web khác và đã kịp lưu trữ lại trước khi nó bị cơ quan kiểm duyệt xóa bỏ.
Trong bài viết, ông Dư cho biết các bệnh viện tại Trung Quốc đang sử dụng rộng rãi những loại thuốc như Umifenovir (một thuốc kháng virus chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm phê duyệt), Darunavir (thuốc đôi khi được dùng để điều trị HIV-AIDS), Oseltamivir (thuốc điều trị virus cúm A và cúm B) và một lượng lớn liều vitamin C để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, những loại thuốc kể trên chưa hề được thử nghiệm trước tính hiệu quả cho việc điều trị COVID-19.
Vị bác sĩ nhấn mạnh một loại thuốc chỉ được ứng dụng vào điều trị sau khi đã trải qua nhiều quá trình thử nghiệm, chẳng hạn như thử nghiệm trong ống nghiệm, thử nghiệm trên động vật hay thử nghiệm lâm sàng,…
“Nhưng đến hiện nay, tôi nhận thấy chỉ có thuốc Remdesivir là đáp ứng đủ các tiêu chí y học dựa trên những bằng chứng thực tế”, ông Dư nói.
Remdesivir là loại thuốc được phát triển bởi công ty dược phẩm sinh học Hoa Kỳ Gilead Science. Đây là một loại thuốc được dùng để điều trị bệnh nhân nhiễm virus Ebola và Marburg. Hiện loại thuốc này đã mang lại một số hiệu quả tích cực khi điều trị cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19 và đang được tiến hành thử nghiệm lâm sàng.
Sau khi bài viết trên bị xóa bỏ, ngày 17/2, ông Dư tiếp tục đăng thêm một bài viết nữa với tiêu đề “Không có thuốc điều trị được phê chuẩn đồng nghĩa với việc bệnh nhân chỉ có thể chờ chết”. Vị bác sĩ tiết lộ các bệnh viện Trung Quốc đang “lạm dụng thuốc chống vi trùng”. Ông viết: “Chúng không phải là kẹo, chúng là thuốc và mỗi loại thuốc lại có những độc tính riêng của nó”.
Ông Dư cũng đề cập đến việc các bệnh viện Trung Quốc sử dụng rộng rãi Lopinavir/Ritonavir, một loại thuốc được dùng trong điều trị HIV/AIDS để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19.
“Từ những quan sát lâm sàng, chúng tôi nhận thấy rằng Lopinavir/Ritonavir có thể gây tiêu chảy và tổn thương gan nghiêm trọng. Hiện vẫn chưa rõ loại thuốc này có thể điều trị được COVID-19 hay không”, ông viết.
Ông chia sẻ thêm: “Liệu pháp oxy, nghỉ ngơi đầy đủ, nạp đủ dinh dưỡng, cảm thấy thoải mái và được chăm sóc, được cung cấp thông tin, không lạm dụng thuốc, theo dõi chặt chẽ và thực hiện cách ly. Đây mới là những phương pháp điều trị hiện đại có thể áp dụng cho các bệnh nhân”.
Trong một bài viết khác xuất bản ngày 18/2, ông Dư có nghiên cứu lại các trận đại dịch trong lịch sử loài người,sau đó lọc ra những bệnh được ứng dụng thuốc điều trị và vắc-xin phòng ngừa. Ông giải thích, các loại thuốc mà những bệnh viện tại Trung Quốc đang sử dụng để điều trị, có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng khi nạp vào cơ thể với liều lớn: “Thuốc nội tiết tố có thể gây hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, kháng sinh có thể gây ra nhiễm trùng kép, thuốc kháng virus có thể phá hủy hệ thống tiêu hóa. Huyết tương [từ bệnh nhân lây nhiễm đã hồi phục, đôi khi được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng] có khả năng làm phát tán các loại vi khuẩn khác. Nhiều loại thuốc khác được sử dụng điều trị cũng gây hại cho gan và thận”.
Tác dụng phụ của thuốc
Cánh truyền thông Trung Quốc đã ghi nhận được một số trường hợp nhiễm COVID-19 gặp phải những tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi điều trị bằng các loại thuốc chưa được thử nghiệm và phê duyệt.
Ngày 19/4, tờ báo Health Times của nhà nước đưa tin rằng Hồ Vệ Phong và Dị Phàm, hai bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, đã hồi phục hoàn toàn sau khi bị lây nhiễm COVID-19.
Hai vị bác sĩ đều được chẩn đoán dương tính với COVID-19 vào 2 tháng trước, sau đó được chuyển đến đơn vị điều trị tích cực và đặt máy thở. Trong quá trình phỏng vấn, làn da của cả hai người đều trở nên sạm đen rõ rệt.
Song Jianxin, Giám đốc khoa nhiễm trùng Bệnh viện Vũ Hán Đồng Tế, giải thích rằng hầu hết các bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch đều gặp phải tác dụng phụ tương tự, khiến cho da bị sạm đen đi, bong tróc và nứt nẻ.
Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Hồ Bắc lý giải điều này đến từ nhiều nguyên nhân như do bị tổn thương gan, bị virus tấn công cơ thể, do các loại thuốc mà bệnh nhân dùng điều trị và do sự tương tác giữa nhiều cơ quan nội tạng bị tổn thương vì hậu quả của suy hô hấp.
Một vị bác sĩ cho biết: “Sắt được chuyển hóa và lưu trữ tại gan. Khi gan không thể hoạt động tốt, sắt sẽ xâm nhập vào máu, khiến da trở nên sẫm màu hơn”.
Tuy nhiên, bài báo không tiết lộ cụ thể các loại thuốc mà hai vị bác sĩ Hồ và Dị được sử dụng để điều trị bệnh.
Vào ngày 4/3, nhà nghiên cứu Wang Fusheng cùng nhóm của ông tại Trung tâm y tế thứ năm của Bệnh viện Đa khoa Quân đội Giải phóng Nhân dân, đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Lancet, chỉ ra rằng: “có từ 2-11% các bệnh nhân mắc COVID-19 gặp các bệnh về gan. Các bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng sẽ có tỷ lệ rối loạn chức năng gan cao hơn”.
Việt Anh (Theo Epoch Times)