Người nhiễm virus Vũ Hán sau khi được chữa khỏi vẫn “tái dương tính” và có thể lây truyền
Gần đây ở Hồng Kông đã xuất hiện những trường hợp bị nhiễm viêm phổi Vũ Hán, sau khi được chữa khỏi thì lại “tái dương tính”, tổng số ca tái dương tính ở Hồng Kông đã là 9 ca. Trong số đó, có 2 người kiểm tra và phát hiện ra một lượng virus tương đối cao trong cơ thể, và được đánh giá là có khả năng lây truyền virus.
Vào ngày 26/4, Hồng Kông không có thêm trường hợp nào được chẩn đoán nhiễm virus Vũ Hán, nhưng lại có thêm một trường hợp tái dương tính. Được biết, bệnh nhân nữ “tái dương tính” này vào ngày 17/4 mới được xuất viện, nhưng gần đây bất ngờ tái phát và được đưa vào bệnh viện một lần nữa vào ngày 25/4 để điều trị và chẩn đoán lại.
Hứa Thụ Xương, chuyên gia tư vấn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Hồng Kông, giáo sư tại Khoa Hệ thống hô hấp của Đại học Hồng Kông nói rằng, Đại học Hồng Kông đã kiểm tra và phát hiện, giá trị CT phản ánh mức độ hoạt động sinh sôi của virus cao hơn 30 là thuộc mức an toàn, còn thấp hơn 30 thì thuộc về có nguy cơ truyền nhiễm. Để xác nhận, cần phải lấy máu xét nghiệm xem mức độ kháng thể trung hòa có cao hay không.
Hiện tại, trong số 9 trường hợp “tái dương tính” đã được phát hiện ở Hồng Kông, thì có 2 trường hợp có giá trị CT thấp hơn 30, điều này cho thấy lượng virus trong cơ thể của họ tương đối cao. Vì hai người này sau khi xuất viện đã đi qua rất nhiều nơi, do đó có thể tồn tại nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu người tái dương tính tham gia vào ngành nghề có rủi ro cao như chăm sóc y tế, thì nguy cơ lây lan virus sẽ càng cao hơn, điều này có thể khiến dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát.
Về việc có cần thiết phải điều chỉnh tiêu chuẩn xuất viện do tồn tại hiện tượng tái dương tính hay không, Hứa Thụ Xương cho biết, thời gian tồn tại của virus Vũ Hán trong cơ thể có thể kéo dài một tháng, và còn có thể ức chế tế bào miễn dịch của cơ thể người. Vì vậy giới y tế cần phải tiến hành phân tích các mẫu trường hợp tái dương tính nhiều hơn, để xác định xem giá trị CT trên 30 có thực sự an toàn hay không, và để nghiên cứu xem có cần thiết phải điều chỉnh tiêu chuẩn xuất viện của bệnh nhân hay không.
Cho đến nay, trong các trường hợp được chẩn đoán nhiễm virus Vũ Hán ở Hồng Kông, tổng cộng đã có hơn 700 người được chữa khỏi và xuất viện. Trong đó có khoảng 400 đến 500 người đã hoàn thành giám sát y tế. Nhưng trong số đó xuất hiện 9 trường hợp tái dương tính, tỷ lệ ước tính khoảng 2%.
Các nghiên cứu y tế đã phát hiện ra rằng, những bệnh nhân tái dương tính với viêm phổi Vũ Hán thường khá trẻ, thanh thiếu niên dưới 14 tuổi chiếm tỷ lệ cao hơn, và tình trạng bệnh thông thường là nhẹ và trung bình.
Trong đó, đa số bệnh nhân được kiểm tra phát hiện “tái dương tính” không xuất hiện tiến triển bệnh và gần như không có tính lây nhiễm. Người ta nghi ngờ rằng axit nucleic bị nhiễm trước đó vẫn còn tồn tại trong cơ thể của những bệnh nhân đã hồi phục và chưa được loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, cũng có 2 bệnh nhân tái dương tính đã được kiểm tra với lượng virus tương đối cao và vẫn có nguy cơ lây truyền.
Ngoài ra, điều đáng chú ý là vào ngày 21/4, khi Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát viêm phổi virus corona mới của Quốc vụ viện Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức một cuộc họp báo về việc quản lý những bệnh nhân bị nhiễm viêm phổi Vũ Hán xuất viện, Vương Quy Cường, giám đốc khoa truyền nhiễm, bệnh viện đầu tiên của đại học Bắc Kinh đã chỉ ra rằng, bệnh nhân tái dương tính với viêm phổi Vũ Hán, đa số đều không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng, nhưng xét nghiệm axit nucleic là dương tính, và cũng xuất hiện một số triệu chứng cá biệt. Bởi vì tái dương tính vẫn có tính truyền nhiễm và có nguy cơ lây truyền, do đó cần phải đến các bệnh viện được chỉ định để tiến hành quan sát và cách ly.
Minh Huy (Theo NTDTV)