Bác sĩ có “da mặt hóa đen” do nhiễm virus đã qua đời ở bệnh viện Vũ Hán
Sáng ngày 1/6, bác sĩ Hồ Vệ Phong – Phó chủ nhiệm Khoa tiết niệu Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, đồng nghiệp của bác sĩ Lý Văn Lượng, đã qua đời sau khi được điều trị hơn 4 tháng vì lây nhiễm virus ĐCSTQ.
Trước đó, một video được đăng tải trên mạng cho thấy hình ảnh của Hồ Vệ Phong, và một đồng nghiệp là Dịch Phàm đã thay đổi rất nhiều trong quá trình điều trị, “toàn thân biến thành màu đen”, điều này khiến ngoại giới sợ hãi. Chuyên gia giải thích đó là do tổn thương gan, virus ĐCSTQ không chỉ gây tổn hại cho nhiều cơ quan nội tạng mà còn phá hủy hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Theo nguồn tin trong bệnh viện, Hồ Vệ Phong được chẩn đoán bị nhiễm virus Vũ Hán vào giữa cuối tháng 1, anh được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Vào tháng 3, tình trạng của anh ấy chuyển biến tốt, không cần phải dùng đến máy tim phổi nhân tạo nữa. Ngày 11/4, Hồ Vệ Phong đã không cần ống mở khí quản, sau đó được chuyển vào phòng bệnh bình thường vào ngày 14/4.
Nhưng thời gian tốt đẹp không kéo dài bao lâu, ngày 22/4, Hồ Vệ Phong bị xuất huyết não. Đến ngày 21/5 tình trạng xuất huyết não lại tái diễn và bệnh tình của anh chuyển biến xấu đi.
Bài báo cho biết, Dịch Phàm – một bác sĩ khác của Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán cũng bị nhiễm virus, anh đã hồi phục và được xuất viện.
Cuối tháng 4, các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ đưa tin: Hồ Vệ Phong và Dịch Phàm đang được điều trị. Vào thời điểm đó, cả hai vừa mới trở về từ cõi chết, họ khôi phục ý thức nhưng ngoại hình đã thay đổi rất nhiều, toàn thân trở thành màu đen, điều này gây xôn xao dư luận.
Từ hình ảnh đoạn phim được lan truyền trên mạng có thể thấy được, Dịch Phàm đang nằm trên giường bệnh với cơ thể suy yếu, sắc mặt đen như mực. Bức ảnh gia đình ở bên cạnh giường cho thấy, anh có màu da trắng trẻo trước khi bị nhiễm bệnh.
Sắc mặt của bác sĩ Hồ Vệ Phong cũng trở thành màu đen, khuôn mặt anh thay đổi rất nhiều.
Bài báo dẫn lời giải thích của Bác sĩ Tống Kiến Tân – Chủ nhiệm khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đồng Tế, kiêm thành viên Nhóm chuyên gia chống dịch tỉnh Hồ Bắc, ông nói rằng đây là dấu hiệu của tổn thương gan. Nếu gan bị tổn thương, không thể chuyển hóa bình thường thì chất sắt trong cơ thể sẽ chảy vào mạch máu, khiến hàm lượng sắt trong máu tăng lên,và dẫn đến sắc mặt biến thành màu đen.
Tống Kiến Tân nhận định: Rối loạn chức năng gan lâu dài cũng sẽ gây ra các bất thường về chuyển hóa, dẫn đến sắc tố da xỉn màu (màu tối). Một số bệnh nhân nặng còn xuất hiện hiện tượng nứt nẻ và bong tróc da.
Cung Tác Quýnh – Chủ nhiệm Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán lại cho rằng: Tổn thương gan do nhiễm trùng có thể là tổn thương gan thứ phát, nó cũng có thể là tổn thương do trong quá trình điều trị sử dụng khá nhiều thuốc, ở những bệnh nhân nặng thì xuất hiện hội chứng suy hô hấp gây tổn thương gan, phổi, tim, thận và các cơ quan khác.
Tống Kiến Tân nói, đối với những bệnh nhân nặng, cuộc chiến chống lại virus ĐCSTQ là một quá trình giết được 10.000 kẻ địch nhưng lại hao tổn 8.000 quân, nhiều cơ quan trong toàn bộ cơ thể đều bị tổn hại.
Trước đây, Tiến sĩ Chiêm Khánh Nguyên – Chủ nhiệm Khoa Hô hấp và hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản từng chỉ ra rằng: Virus ĐCSTQ không chỉ làm tổn thương phổi, tim, đường tiêu hóa, thận và chức năng đông máu mà còn làm tê liệt hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Theo các báo cáo chính thức, có khoảng 230 bác sĩ và y tá tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán bị nhiễm bệnh. Tính đến nay đã có 5 bác sĩ bị nhiễm virus và qua đời bao gồm:
Bác sĩ Khoa mắt Lý Văn Lượng – người “lên tiếng cảnh báo” về dịch bệnh.
Bác sĩ Chu Hòa Bình – Phó chủ nhiệm Khoa mắt đã nghỉ hưu nhưng được mời làm trở lại.
Bác sĩ Giang Học Khánh – Chủ nhiệm khoa phẫu thuật tuyến giáp và tuyến vú.
Bác sĩ Mai Trọng Minh – Chủ nhiệm Khoa mắt.
Bác sĩ Hồ Vệ Phong – Phó chủ nhiệm Khoa tiết niệu.
Bác sĩ Ngải Phân thuộc Khoa cấp cứu của Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán – người được gọi là “người thổi còi” về dịch bệnh, đã bị lãnh đạo bệnh viện cảnh cáo nghiêm khắc, vì tiết lộ thông tin dịch bệnh cho Lý Văn Lượng và những người khác, cô đã bị cấm không được lên tiếng một lần nữa.
Trước đây, Ngải Phân đã được tạp chí People phỏng vấn, cô đã nhiều lần bày tỏ sự hối hận khi đề cập đến nhiều đồng nghiệp và người dân bị nhiễm virus.
Cô nói: “Sớm biết trước như thế này, tôi đã nói ở khắp nơi”.
Việt Anh (theo NTDTV)