Ấn Độ: Thương nhân kêu gọi tẩy chay, đánh thuế 500% hàng hóa Trung Quốc
Thương nhân Ấn Độ đề nghị tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và đánh thuế các mặt hàng của nước này từ 300 đến 500% sau khi Bắc Kinh ủng hộ Pakistan, phản đối Ấn Độ bãi bỏ một quy định đặc biệt đối với liên bang Jammu và Kashmir.
Ngày 18/8, liên đoàn các nhà kinh doanh toàn Ấn (CAIT) đã kêu gọi chính phủ nước này tẩy chay và áp thuế hải quan từ 300 đến 500% đối với các mặt hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc.
Tuyên bố này được CAIT đưa ra không lâu sau phiên họp không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cuối tuần trước (16/8).
Tại phiên họp trên, Trung Quốc đã bày tỏ ủng hộ Pakistan phản đối quyết định của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp quy định quy chế đặc biệt đối với bang Jammu và Kashmir, thuộc miền Bắc Ấn Độ.
Theo các CAIT thì việc làm của Trung Quốc đã khiến nước này tự đưa mình vào “danh sách những kẻ thù đối với an ninh quốc gia của Ấn Độ” và khiến người dân cũng như cộng đồng thương mại Ấn Độ “đặc biệt đau khổ”.
Lời kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc trên là để “Trung Quốc hiểu được hậu quả của việc hỗ trợ Pakistan”.
“Trung Quốc đã quen với việc hỗ trợ Pakistan trong mọi vấn đề chống lại Ấn Độ và giờ đã đến lúc chúng ta nên cắt giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc”, thông báo của CAIT nêu rõ.
Theo thông báo của các CAIT, vấn đề tăng thuế trên sẽ được thảo luận trong hội nghị quốc gia có sự tham gia của các nhà kinh doanh trên khắp cả nước vào ngày 29/8 tới.
Bên cạnh đó, CAIT cũng kêu gọi Chính phủ Ấn Độ công bố chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ địa phương phát triển công nghiệp, sản xuất hàng hóa chất lượng cao với giá cả cạnh tranh.
Bởi theo Ủy ban Thường trực về Thương mại, hiện Ấn Độ đang nhập khẩu một lượng lớn các mặt hàng dệt may, pháo và các sản phẩm đồ chơi trẻ em từ Trung Quốc với giá trị khoảng 150 tỷ rupee/năm (2,1 tỷ USD).
Trong khi đó, ngành công nghiệp đồ chơi nội địa hoàn toàn có khả năng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Đáng chú ý, hiện hàng hóa Trung Quốc được nhập hàng loạt vào Ấn Độ và không có cơ chế kiểm tra về khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của Ấn Độ.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Modi hôm 19/8 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, thảo luận về tình hình Kashmir cũng như các vấn đề song phương và khu vực.
Trong 30 phút điện đàm, ông Modi bày tỏ hy vọng Bộ trưởng Thương mại nước này và Đại diện Thương mại Mỹ sớm gặp mặt để thảo luận về các triển vọng thương mại song phương giữa 2 nước.
Về phần Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông lại nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của việc giảm căng thẳng Ấn Độ-Pakistan để duy trì hòa bình trong khu vực, đồng thời thảo luận cùng nhà lãnh đạo trên về các biện pháp củng cố mối quan hệ kinh tế giữa 2 quốc gia này.
“Tôi đã nói chuyện với hai người bạn tốt của tôi, Thủ tướng Modi của Ấn Độ và Thủ tướng Khan của Pakistan, về Thương mại, Quan hệ đối tác chiến lược và quan trọng nhất là Ấn Độ và Pakistan nên thảo luận nhằm giảm căng thẳng ở Kashmir”, ông Trump nói trong một thông báo.
Ấn Độ và Pakistan đang leo thang căng thẳng trong vài tuần trở lại đây sau khi New Delhi chấm dứt đặc quyền tự trị của liên bang Jammu và Kashmir, là một bang miền Bắc Ấn Độ, nhằm thu hồi một phần khu vực Kashmir mà cả hai nước đều tuyên bố thuộc lãnh thổ của mình. Theo đó, bang này sẽ trở thành 2 vùng lãnh thổ liên bang.
Quyết định này bị Pakistan phản đối mạnh mẽ, nước này đã cắt đứt liên kết giao thông, thương mại và trục xuất đại sứ Ấn Độ để trả đũa. Hôm 16/8, Pakistan và Trung Quốc thành công khi thuyết phục Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tổ chức thảo luận về Kashmir. Đây cũng là hội nghị đầu tiên về vấn đề này kể từ cuộc chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1971.
Vũ Tuấn (t/h)