Dịch virus corona: WHO nhắc đến Việt Nam trong tuyên bố khẩn cấp toàn cầu
Trong một cuộc họp báo tại Thụy Sĩ hôm 30/1, ông Tedros Adhanom, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát của chủng virus corona gần đây là tình trạng “khẩn cấp y tế toàn cầu”. Trong đó, ông nhắc đến Việt Nam là 1 trong 4 nước có tình trạng lây nhiễm từ người sang người.
“Trong các tuần vừa qua, chúng tôi đã chứng kiến tình trạng khẩn cấp của một mầm bệnh chưa từng thấy trước đó và sự bùng phát chưa từng có trong tiền lệ. Mầm bệnh này cũng đã khiến nhiều nước phản ứng theo cách chưa từng có trước đây”, ông Tedros nói tại buổi họp báo.
Tổng giám đốc WHO cho biết: “Lý do chính của quyết định này không phải là những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, mà vì những gì đang diễn ra ở các nước khác. Mối lo lắng lớn nhất của chúng tôi là khả năng virus này sẽ lây lan sang những quốc gia có hệ thống y tế kém hơn, họ không có đủ điều kiện để đối phó với dịch bệnh”.
Trong tuyên bố của mình, ông Tedros cũng nhắc đến Việt Nam là một trong 4 nước có tình trạng lây nhiễm từ người sang người.
“Hiện có 98 trường hợp mắc bệnh ở 18 quốc gia ngoài Trung Quốc, trong đó có 8 trường hợp lây truyền từ người sang người ở 4 quốc gia Đức, Nhật Bản, Việt Nam và Mỹ”, ngài tổng giám đốc nói.
Theo định nghĩa của WHO, tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu hay Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC) là một sự kiện bất thường, được xác định gây rủi ro sức khỏe cho các quốc gia khác thông qua con đường lây lan dịch bệnh quốc tế và có khả năng cần sự phối hợp hành động của toàn cầu. Đây là lần thứ 6 trong thập kỷ qua WHO đưa ra tuyên bố này.
Mặc dù tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhưng cho đến hiện tại, WHO không đưa ra bất kỳ khuyến nghị hạn chế đi lại hoặc hạn chế thương mại nào với Trung Quốc. WHO cho rằng những hành động này không ngăn được dịch lây lan.
Theo New York Times, tuyên bố của WHO không mang giá trị về pháp lý nhưng đây là lời cảnh báo từ cơ quan tư vấn sức khỏe hàng đầu thế giới đến tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc về tình hình nghiêm trọng hiện nay. Theo đó, các nước sẽ tự đưa ra quyết định có nên đóng cửa biên giới, hủy chuyến bay, sàng lọc hành khách tại sân bay hay thực hiện những biện pháp bảo vệ khác.
Theo thông tin mới nhất, sáng 31/1, chính quyền tỉnh Hồ Bắc thông báo có thêm 42 ca tử vong vì virus corona, nâng số người chết do dịch viêm phổi lên 213. Ngoài ra, số người nhiễm virus tại nước này cũng tăng lên 9.692 sau khi phát hiện thêm 1.220 ca bệnh mới.
Tại Việt Nam, số lượng bệnh nhân nghi ngờ mắc viêm phổi Vũ Hán đang không ngừng gia tăng. Từ ngày mùng Một đến ngày mùng 5 Tết Nguyên Đán, nhiều tỉnh thành tại Việt Nam đã thông tin về số lượng ca cách ly nghi ngờ mắc viêm phổi Vũ Hán. Những bệnh nhân hầu hết từ Trung Quốc trở về, có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau tức ngực… được nhập viện để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Đến ngày 31/1, Việt Nam đã ghi nhận 3 trường hợp người Việt và 2 người Trung Quốc dương tính với virus corona. 97 người nghi nhiễm virus corona được cách ly, trong đó 65 người đã có kết quả âm tính với virus và có thể xuất viện, 32 người tiếp tục theo dõi cách ly.
Bộ Y tế đã yêu cầu 11 tỉnh phối hợp ngành y tế điều tra, xử lý ổ dịch trong trường hợp phát hiện ca mắc hoặc nghi ngờ viêm phổi do virus corona. Các tỉnh gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Kiên Giang.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng công bố số điện thoại đường dây nóng 19003228, cung cấp thông tin về bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona. 45 đội phản ứng nhanh được thành lập tại hàng chục bệnh viện lớn và viện quân y, mỗi đội gồm ít nhất hai bác sĩ và xe cứu thương, sẽ cơ động tới mọi địa bàn để ứng phó dịch bệnh.
Mới đây, hàng loạt trường Đại học tại Việt Nam cũng cho sinh viên nghỉ học vì virus corona. Trong đó bao gồm: Đại học Bách Khoa, Đại học Mỏ – Địa chất, Đại học Thuỷ Lợi, Đại học Xây Dựng và Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Thùy Linh (t/h)