Vụ án giết người cướp của 800 năm trước, 2 cõi Âm Dương giăng lưới bắt trọn kẻ ác
Giết người cướp của là tội ác phi thường lớn, không chỉ pháp luật tại nhân gian không dung thứ, mà âm phủ cũng không thể bỏ qua. Dù có chạy đến chân trời góc bể, nghĩ trăm phương nghìn kế để thoát tội thì đều vô vọng.
Chuyện kể rằng, Vương Nguyên Mậu là người Tuyền Châu, khi còn trẻ phụng mệnh triều đình phục vụ trong chùa. Hòa thượng ở đó đã dạy cho ông ngôn ngữ, chữ viết của nước chư hầu Nam Phạn, rất nhanh ông đã học thành thạo.
Vương Nguyên Mậu từng xuôi thuyền ra biển đến Champa, vua Champa khen ông thông thạo hai thứ tiếng Phạn – Hán, nên mời ông làm giáo viên dạy học và gả con gái cho. Ông ở lại Champa mười năm, rồi mới trở lại Nam Tống.
Khi đó, dù số hồi môn tích lũy được đã lên đến hàng triệu xâu tiền, nhưng vẫn chưa thỏa mãn, lòng tham kiếm lợi của ông ta ngày càng trở nên mãnh liệt. Vương Nguyên Mậu bắt đầu tham gia vào việc buôn bán tàu biển, sau đó trở thành một thương gia hàng hải, tài sản tích lũy được quả thật không đếm xuể.
Khi đó, Thừa tướng Lưu Chính (người Vĩnh Xuân, Tuyền Châu) và Binh bộ thị lang Chư Cát Duyên Thuỵ (người An Nam, Tuyền Châu) đều kết thông gia với ông ta. Bấy giờ Tuyền Châu là trung tâm thương mại, và trung tâm thu thuế của triều đại Nam Tống. Đây là hải cảng lớn nhất thế giới vào thời điểm đó.
Vào năm Tống Hiếu Tông Thuần Hy thứ năm (1178), Vương Nguyên Mậu phái Ngô Đại làm thủ lĩnh, dẫn 38 thuyền viên đi làm ăn buôn bán, đi liền một lúc mười năm. Mãi đến tháng bảy năm Thuần Hy thứ mười lăm (1188), con tàu mới tạm dừng lại ở Sơn Nam, La Phù, Huệ Châu. Lần này thu được lợi nhuận gấp mấy chục lần, thuyền viên Lâm Ngũ và Vương Nhị nổi dã tâm, thông đồng với những người khác trên tàu giết Ngô Đại cùng 21 người thuộc hạ.
Trong số những thuyền viên bị hại, có một người tên là Tống Lục, thường hay đọc ‘Kinh Kim Cương’, vai và lưng anh ta bị dao đâm trúng. Sau khi rơi xuống nước, anh ta bám vào đuôi xà ngang cố gắng vùng vẫy, cầu xin lũ cướp bóc tha mạng, không ngờ Vương Nhị lấy dao cắt đứt ngón tay anh ta, thế là Tống Lục bị rơi xuống nước.
Sau khi rơi xuống nước, dường như có người nhấc hai chân anh ta lên, cứ mơ mơ hồ hồ như vậy, lênh đênh bảy ngày, anh ta cũng không biết là ngày hay đêm, cứ thế bị biển cuốn trôi đến Triều Dương.
Sau khi Tống Lục lên bờ, trên đường phải đi xin ăn để sống sót qua ngày. Còn hai tên vô lại Lâm Ngũ, Vương Nhị cùng các thuyền viên khác đổi sang một chiếc thuyền nhỏ và trở về Tuyền Châu.
Đêm hôm đó, Vương Nguyên Mậu nằm mơ thấy Ngô Đại và những người khác đến kêu oan. Ngày hôm sau, có người báo tin tàu do Ngô Đại làm thuyền trưởng về cảng, vì tàu bị thủng, nên một nửa số thuyền viên và tài sản đã bị thiệt hại. Vương Nguyên Mậu trong lòng nghi ngờ, vẫn đi ra đón tàu như bình thường, đồng thời bày tiệc rượu ở chùa Pháp Thạch.
Đang uống, Vương Nguyên Mậu nói với hai tên sát nhân Lâm Ngũ và Vương Nhị: “Nếu thuyền lớn bị thủng nước tràn vào, chắc chắn nước biển sẽ cuốn trôi tất cả, tại sao có thể cứu được một nửa?”
Hai tên thủ phạm biết không thể giấu được, liền kể lại sự thật và nói với Vương Nguyên Mậu: “Bây giờ hàng hóa trên tàu có chứa trầm hương, ngọc trai và xạ hương, trị giá hàng trăm nghìn đồng bạc. Nếu sự thật bị tiết lộ, những tài sản này sẽ bị quan phủ chiếm giữ, tịch thu, vậy thì thật đáng tiếc.”
Vương Nguyên Mậu suy nghĩ hồi lâu, do lòng tham làm mù quáng, ông liền nói: “Trương Tôn – một trưởng quan của Thị bạch ty chuyên phụ trách ngoại thương hàng hải mới nhậm chức, vẫn chưa nắm rõ công việc, chỉ cần lên kế hoạch và nhờ đám quan Đô lại phụ trách công việc tuần tra như Ngô Mẫn một chút, và những người khác là được.”
Sau đó Vương Nguyên Mậu đã lấy của cải của mình ra, ngấm ngầm hối lộ các quan Đô lại và nói với Trương Tôn rằng, ngoài tỷ lệ phần trăm “chiết khấu” nhất định ra (thuế hiện vật đánh vào thương mại xuất nhập khẩu của các cảng ven biển), thì lợi nhuận còn lại chia đều mỗi người một nửa.
Tống Lục trên đường ăn xin để sống sót qua ngày, đêm đầu tháng 9 mới về đến nhà. Anh gõ cửa, cha anh là Tống Trân tưởng hồn ma nên đã nhổ nước bọt vào anh và nói: “Con không may bỏ mạng ngoài khơi, đó cũng là vạn bất đắc dĩ, đừng đến làm phiền ta nữa.”
Tống Lục trả lời: “Con vẫn chưa chết.”
Tống Trân mở cửa, Tống Lục khóc lóc kể lại mọi chuyện.
Tống Trân nói: “Tạm thời đừng để người khác biết.”
Đến trời sáng, cha Tống Lục đến nhà của Vương Nhị và hỏi hắn ta: “Vì sao con trai của ta lại bị chết đuối?”
Vương Nhị tức giận nói: “Lúc đó, mọi người đều vật lộn để sống sót, làm sao ta biết được!”
Vương Nhị bị cha của Tống Lục chất vấn cảm thấy vô cùng bất an, nên sau đó hắn cùng Lâm Ngũ lén lút trốn đi.
Cha con nhà họ Tống bèn gửi giấy kiện Trương Tôn, cáo trạng được gửi lên huyện Nam An. Quan huyện là Thi Tuyên Giáo bị các quan chức cấp dưới lừa gạt, nói rằng do thuyền bị thủng nên mới gây ra thương vong, rằng con ông không phải do các thuyền viên khác giết hại.
Vì đám Vương Nhị đã trốn thoát, nên theo luật, những kẻ trốn thoát này mới là thủ phạm, họ tạm gác vụ án ở đây, không truy cứu nữa, chỉ báo cáo tình hình với cấp trên.
Nhưng quan Phủ sử – Mã Đại Đồng ở Lộ An, Phúc Kiến nổi tiếng là người liêm minh chính trực, luôn lấy việc tẩy rửa oan sai làm nhiệm vụ của mình. Ông cảm thấy vụ án không thể khép lại dễ dàng như vậy, nên đã tuyên án: “Vương Nguyên Mậu biết chuyện nhưng không tố giác, bao che cho nghi phạm giết người, chiếm tang vật làm của riêng, mau áp giải đến huyện Tấn Giang để thẩm vấn và điều tra.”
Đến ngày chuyển ngục, viên quan lúc trước lừa gạt quan huyện thấy oan hồn của Ngô Đạt và hơn chục người khác, họ rất tức giận lao lên ôm hắn dìm xuống nước, một lúc sau hắn chết tại chỗ.
Sau khi Vương Nguyên Mậu được chuyển đến quận Tấn Giang, quan huyện Triệu Sư Thạc đã đích thân xem xét vụ án, tận tâm xét xử một cách công minh, tại công đường đã bắt và tống giam Vương Nguyên Mậu.
Mặc dù đám hung thủ Vương Nhị đã bỏ trốn nhưng khi họ đến núi Cửu Tọa ở thị trấn Tây Uyển, huyện Tiên Du, thì gặp những oan hồn đang đòi mạng, những oan hồn bị chúng giết hại trói bọn chúng lại trong rừng. Những binh lính ở huyện Tiên Du chuyên truy lùng tội phạm bị truy nã vô tình thấy chúng, thế là bắt chúng giao cho quan phủ.
Quan phủ bẩm tấu kết quả xét xử lên triều đình, triều đình cách chức Thị bạch sử của Trương Tôn, quan huyện Nam An – Thi Tuyên Giáo và Đô lại Ngô Mẫn… (họ đều bị khắc chữ lên mặt, sau đó đày đến nơi hoang vu). Còn Vương Nhị, Lâm Ngũ thì bị lăng trì bêu đầu trên phố, các hung thủ khác đều bị tử hình.
Lúc đó, Vương Nguyên Mậu giữ chức Tòng Nghĩa lang (tên của một chức quan võ), bị giáng làm người hầu ở cung Trùng Hoa, đình chỉ chức quan, bị giam giữ dưới sự kiểm soát của Hưng Hóa quân (tên của khu hành chính cấp tỉnh của Lộ An, Phúc Kiến, thuộc quyền quản lý của quận Hưng Hóa, Phủ Điền và Tiên Du) mấy tháng sau mới được thả.
Sau khi được trả tự do, ông ta nhanh chóng trở về nhà, mới đến Thượng Thiên Lĩnh, thì thấy Ngô Đại dẫn theo các oan hồn chặn đường nói: “Lúc trước ta đã báo mộng cho ngươi, ngươi không giúp chúng ta hóa giải oan khuất, giờ âm phủ đang chờ ngươi đó.”
Vương Nguyên Mậu quỳ lạy khổ sở van xin, đến cả người khiêng kiệu cũng nghe thấy cuộc trò chuyện của họ. Ngô Đại đưa tay chạm vào trái tim ông ta, một đêm sau khi Vương Nguyên Mậu về đến nhà, liền nôn ra máu mà chết.
Trong vụ án này, kẻ nào tham gia vào thì tùy vào mức độ, đều không thể chạy thoát khỏi sự truy cứu chung của hai cõi Âm Dương. Ngày nay tuy rằng thế gian thập ác câu toàn, đi đâu cũng gặp chuyện bất bình. Thấy những kẻ hành ác cứ nhởn nhơ, khiến con người tự hỏi liệu có báo ứng hay không?
Báo ứng không phải không có mà là chưa tới. Người không trị thì trời trị, con người nên giữ tâm thiện lương, nhẫn nại quan sát thì nhất định sẽ thấy thiện ác hữu báo, xưa nay nhân quả không hề bỏ sót một ai.
Tử Vi
Theo epochtimes.com