Việt Nam sẽ biến hiểm họa virus Vũ Hán thành cơ hội để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030
Cho rằng ‘bệnh lao ở Việt Nam còn nguy hiểm hơn dịch virus Vũ Hán (Covid-19), ngày 24/3 tới đây, Hội Phổi sẽ tổ chức các hoạt động nhân Ngày thế giới phòng chống lao, nhằm tiếp tục vận động sự hỗ trợ của quốc tế, của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, phụ nữ sẽ trở thành lực lượng nòng cốt trong việc ‘chấm dứt bệnh lao vào năm 2030’.
Vào chiều ngày 19/3 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp mặt báo chí giới thiệu về các hoạt động nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3 được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề: “Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2020”.
Được biết, thông điệp này được lấy từ kinh nghiệm trong phòng chống dịch virus Vũ Hán của Việt Nam.
Bệnh lao nguy hiểm hơn dịch virus Vũ Hán
Tại cuộc gặp mặt báo chí, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam cho biết, cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn dịch viêm phổi Vũ Hán.
Theo ông Nhung, vi khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micromet, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài.
“Trong khi đó, dịch viêm phổi Vũ Hán chỉ lây khi tiếp xúc với giọt bắn trực tiếp từ người bệnh hoặc bề mặt các đồ vật qua tay tiếp xúc trực tiếp rồi đưa lên miệng, mắt, mũi”, ông Nhung cho hay.
Ông Nhung cho biết, không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác.
“Bệnh lao và Covid-19 có cùng điểm chung là nếu giải quyết tốt được nguồn lây thì sẽ kiểm soát, chấm dứt được bệnh tật”, ông Nhung cho biết.
Ông Nhung cho biết thêm, hằng năm Việt Nam có khoảng 174.000 người mắc lao và 13.000 người tử vong, là quốc gia thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên toàn cầu.
Phòng chống bệnh lao là trách nhiệm của cả cộng đồng
Theo thống kê của Bệnh viện Phổi Trung ương, từ năm 2004-2017, Quỹ toàn cầu đã hỗ trợ gần 108,2 triệu USD và từ năm 2018-2020 hỗ trợ trên 49,6 triệu USD cho Việt Nam phòng, chống lao.
Ngoài ra, Quỹ toàn cầu còn hỗ trợ Việt Nam về thuốc điều trị lao hàng I (lao thường), hàng II (lao kháng đa thuốc, lao tiền siêu kháng thuốc và siêu kháng thuốc), máy Gene Xpert, sinh phẩm, vật tư tiêu hao, sửa chữa (nâng cấp) cơ sở vật chất, hỗ trợ bệnh nhân,…
Bên cạnh đó, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) cho rằng, bệnh lao vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở Việt Nam.
Hàng năm, ước tính các trường hợp tử vong do bệnh lao tại Việt Nam, cao hơn gấp hai lần so với con số tử vong do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, thật đáng buồn khi chỉ có 52% người nhiễm lao tại Việt Nam được điều trị.
“Mặc dù chẩn đoán và thuốc điều trị lao ở Việt Nam đã được hỗ trợ, cung cấp miễn phí, tuy nhiên, tại Việt Nam tổng chi phí mà bệnh nhân phải gánh chịu có thể bằng một năm thu nhập. Điều này là do các chi phí nằm viện và nhu cầu bổ sung dinh dưỡng trong quá trình điều trị”, theo USAID.
USAID cũng cho biết, dựa trên nền tảng 20 năm hỗ trợ của USAID, thông qua Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống AIDS (PEPFAR), Chương trình Lao Quốc gia đã mở thêm rộng số lượng trung tâm có khả năng phát hiện và điều trị lao kháng đa thuốc ở các tỉnh thành của Việt Nam.
Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đối ứng bằng kinh phí được cấp thông qua chương trình mục tiêu y tế – dân số (286 tỉ đồng) và các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, ngoài kinh phí Chính phủ hỗ trợ, chúng ta cần tiếp tục vận động sự hỗ trợ của quốc tế, để đẩy nhanh mục tiêu chống lao bền vững.
Trước đó, Bệnh viện Phổi Trung ương cũng đã vận động nhân dân nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB (Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB), do Bộ Y tế đã thành lập.)
Ở Việt Nam phụ nữ, thanh niên là lực lượng nòng cốt phòng chống bệnh lao
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, trong cuộc chiến phòng, chống bệnh lao, phụ nữ trong mỗi gia đình được xác định là lực lượng quan trọng, lực lượng chủ chốt.
Do vậy, Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam đặt ra mục tiêu ít nhất 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam thực hành các biện pháp bảo vệ gia đình của mình để không mắc lao.
Ngoài ra, chương trình cũng đặt mục tiêu 20 triệu thanh niên và 100% học sinh bậc tiểu học có kiến thức và thực hành phòng chống lao.
Trước đó, tại Hội nghị cấp cao đầu tiên của Liên hợp quốc về chấm dứt bệnh lao toàn cầu. Việt Nam đã cam kết chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Từ Nguyên (t/h)