Việt Nam sắp biến thành vùng trũng chứa phế liệu
Trung Quốc đang lên kế hoạch ngưng nhập khẩu hoàn toàn phế liệu vào năm 2020. Dự báo, nếu không có chính sách siết chặt nhập chất thải rắn, VN sẽ là nơi nhập rác thải của các nước.
Năm 2019, VN sẽ vẫn tiếp tục “đón” khối lượng lớn rác thải nhựa nhập về
Từ 1/1/2019, Trung Quốc tiếp tục bổ sung thêm 8 chủng loại phế liệu vào danh sách cấm nhập khẩu. Nhằm khuyến khích các nhà máy tái chế xử lý lượng rác thải nội địa đang ngày càng tăng, Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2020, nhập khẩu chất thải rắn (phế liệu) sẽ về 0%.
Một khi Trung Quốc áp dụng lệnh cấm hoàn toàn này, phế liệu của các nước sẽ có nhu cầu tìm “bến đỗ” mới thay thế Trung Quốc. VN được coi là vùng trũng “tiềm năng” nhất để phế liệu chọn cập bến vì chưa có chính sách cụ thể trong việc siết nhập chất thải rắn.
GS-TS Lê Huy Bá, Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, đánh giá nguy cơ VN bị biến thành vùng trũng chứa phế liệu, phế thải của thế giới là điều đã được cảnh báo từ hơn một năm trước, không phải đến bây giờ mới được đề cập.
Tuy nhiên, tin đáng buồn là phế liệu nhựa năm 2018 của VN nhập tăng hơn 200% so với năm trước. Theo Tổng cục Hải quan, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc là 3 quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu nhiều phế liệu nhất thời gian qua. Phế liệu được nhập chủ yếu là nhựa, giấy và sắt thép. Cục Giám sát quản lý về Hải quan dự đoán, năm 2019 phế liệu sẽ tiếp tục dịch chuyển mạnh vào Việt Nam, có khả năng xuất hiện thủ đoạn buôn lậu qua đường bộ.
Trong khi đó, hai nơi tiêu thụ phế liệu nhựa lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Hồng Kông lại giảm đến 90%. Malaysia đứng đầu danh sách nhập khẩu phế liệu nhựa trên thế giới, thế nhưng từ năm 2019 nước này cũng gần như cắt giảm hầu hết danh mục phế liệu được phép nhập khẩu.
“Chúng ta nói nhiều về giải pháp, nhưng trọng tâm của vấn đề quản lý phế liệu vẫn còn quá lúng túng, trong đó trách nhiệm của Bộ TN-MT là lớn nhất”, GS-TS Lê Huy Bá nói.
Mỗi tuần có 2.000 container phế liệu vào Việt Nam
Hiện nay, lượng phế liệu tiếp tục đổ về, trong khi số tồn đọng vẫn chưa được giải phóng hết, khiến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ở các cảng biển lớn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay tại các cảng lớn của Việt Nam như Hải Phòng, Cát Lái, Thị Vải, Cái Mép vẫn còn tồn đọng khoảng 10.000 container hàng nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Trong đó, riêng tại Cục Hải quan TP.HCM còn khoảng 3.000 container, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) còn khoảng 1.400 container.
Hiện nay, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trung bình mỗi tuần có hơn 2.000 container phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam. Được biết, tổng số lượng phế liệu Việt Nam nhập khẩu năm 2018 là hơn 9,2 triệu tấn, tăng khoảng 1,3 triệu tấn so với năm 2017. Phế liệu nhựa nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2018 khi Trung Quốc có chủ trương cấm nhập khẩu nhiều chủng loại nhựa có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Được biết, từ tháng 9/2018, VN đã có phương án tạm đối phó với tình trạng nhập khẩu nhập khẩu phế liệu. “Nếu như trước đây các container cập cảng xuống hàng sau đó chủ tàu mới phải điền tờ khai. Hiện khi các tàu đang ở ngoài biển, các đơn vị đã buộc phải khai có hay không giấy phép nhập khẩu rác; nếu không có thì không cho phép đi vào lãnh hải Việt Nam”, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Môi trường giải thích.
Xuân Nhạn (t/h)
Xem thêm:
- Xót xa trước gia cảnh khó khăn của nữ sinh lớp 9 bị bạn bè đánh hội đồng, lột đồ
- An Giang: Thương lái ồ ạt mua Trâm, dân bứng gốc cây chục năm tuổi đi bán
- Đoàn Thị Hương liệu có được trả tự do trong phiên tòa tại Malaysia?