An Giang: Thương lái ồ ạt mua Trâm, dân bứng gốc cây chục năm tuổi đi bán
Những hàng trâm cổ thụ – ‘đặc sản’ đặc trưng vùng Bảy Núi (huyện Tri Tôn, An Giang) đang dần biến mất, bởi người dân ồ ạt bứng bán cho thương lái vận chuyển ra phía Bắc làm cây cảnh. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hàng trăm cây Trâm bị bứng tận gốc đem bán.
Thương lái ồ ạt mua Trâm, người dân bứng gốc cây chục năm tuổi để bán.
Trưa 27-3, tại bãi tập kết (đối diện hồ Soài Check, thuộc ấp Tô Thuận, xã Núi Tô) có khoảng 10 người đàn ông nói giọng miền Trung, Bắc đang hì hục đưa 20 cây trâm có hình dáng “khủng” lên các xe container mang đầu số: 29, 36, 73, còn xe tải đầu số 67.
Theo nguồn tin của phóng viên, những cây trâm đang tập kết lên container được thương lái thu mua với giá 6 – 50 triệu đồng mỗi cây tùy loại. Sau khi thu mua xong họ sẽ thuê người đào, bới và cắt tỉa với giá dao động 3 – 5 triệu đồng/cây rồi vận chuyển ra phía Bắc bán cho các đại gia.
“Người dân bứng bán cho thương lái để vận chuyển cho các đại gia trồng ở biệt thự. Mỗi cây có giá từ vài triệu cho đến hàng chục triệu”, một người dân cho biết.
Được biết, việc thu mua trâm đã diễn ra khoảng 1 năm nay nhưng mới bắt đầu sôi nổi trong tầm một tháng gần đây, đặc biệt là ở 2 xã Núi Tô và Cô Tô, huyện Tri Tôn nhất là khu vực quanh hồ Soài Check, nơi người dân trồng nhiều Trâm nhất.
Địa phương vẫn chưa tìm được cách giải quyết, một vùng đất rộng lớn dần trở thành đồi trọc, mất đi cảnh quan và bị khô hạn.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Cường, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn cho biết, thời gian qua thương lái ồ ạt đến mua hàng trăm cây trâm cổ thụ đẹp vận chuyển đi nơi khác; nhưng địa phương cũng không thể ngăn chặn được tình trạng trên vì cây là do người dân trồng quanh thửa ruộng chứ không nằm trong khu vực rừng phòng hộ của tỉnh.
“Chúng tôi đã kiến nghị Sở NN&PTNT tỉnh xuống khảo sát và đề xuất UBND tỉnh có cơ chế bảo tồn cây trâm như thốt nốt. Nếu không ngăn chặn được sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan, môi trường và đặc sản đặc thù của vùng”, ông Cường cho hay.
Được biết, năm 2015, người dân các xã Văn Giáo, An Cư, Tân Lợi, Thới Sơn, huyện Tịnh Biên cũng ồ ạt bán cây thốt nốt cho thương lái. Ngay sau đó, UBND tỉnh An Giang đã ban hành quy định bảo vệ cây đặc thù. Đến nay tình trạng mua bán cây thốt nốt đã không còn. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng trên lại diễn ra tương tự đối với cây Trâm.
“Cứ bứng cây kiểu này, sắp tới vùng Bảy Núi chắc không còn trâm để ăn nữa rồi. Họ bán mỗi cây vài triệu đồng thì rẻ quá nếu so với thời gian trồng mấy chục năm trời”, anh Châu Đa (ở xã Núi Tô) chia sẻ.
Vũ Tuấn (t/h)
Xem thêm: