Vi khuẩn ăn thịt người ở Syria lan tới châu Âu
Bệnh nhiệt đới vi khuẩn ăn thịt người được phát hiện tại các thành trì của ISIS thuộc khu vực Syria, có thể đã lan sang châu Âu sau khi hoành hành ở Trung Đông.
Các nhà chuyên môn đã so sánh bệnh này với Ebola và cảnh báo nó có thể lan khắp châu Âu, do tình trạng tồi tệ ở các trại tị nạn quá đông người, khiến những nơi này trở thành mảnh đất phì nhiêu cho các vật ký sinh lây nhiễm.
Căn bệnh khủng khiếp trên, thường tấn công đầu tiên vào mặt, đã hoành hành tại các căn cứ của ISIS vì lực lượng khủng bố này bỏ mặc các thi thể thối rữa trên đường phố và phá hủy những cơ sở y tế có khả năng trị bệnh.
Cho tới trước khi ISIS bắt đầu nắm quyền kiểm soát các khu vực rộng lớn ở Syria, bệnh nhiệt đen trên da, do ruồi cát gieo rắc, vẫn là một bệnh hiếm. Tuy nhiên, tới giờ, hàng nghìn nhân viên y tế đã bỏ mạng vì căn bệnh này.
Tình trạng tồi tệ ở các thành phố do ISIS kiểm soát như Raqqa, Deir al-Zour và Hasakah khiến cho bệnh lây lan. Một khi nhiễm vi khuẩn, da người bệnh bắt đầu chuyển màu và để lại những vết thương rất kinh khủng.
Tuy nhiên, do hơn 4 triệu dân thường đã rời Syria, bệnh vi khuẩn ăn thịt người đã lan khắp vùng và hiện Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Jordan đã ghi nhận được hàng trăm trường hợp.
Trong khoảng thời gian 2000 – 2012, chỉ có 6 trường hợp nhiễm bệnh xảy ra ở Lebanon, song chỉ tính riêng năm 2013 tại nước này có 1.033 trường hợp, trong đó 96% xảy ra ở những khu vực có người tị nạn Syria, Bộ Y tế Lebanon cho hay.
Hiện, hàng nghìn dân thường Syria đang đổ về châu Âu. Các chuyên gia cảnh báo, vi khuẩn trên đã hiện diện tại lục địa này.
Bác sĩ Waleed Al-Salem nói: “Tình hình rất tồi tệ. Bệnh đã lan cực nhanh ở Syria cũng như ở những nước như Iraq, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí là cả ở nam châu Âu khi người tị nạn ùn ùn đổ về”.
“Khi một người bị ruồi cát đốt, họ sẽ bị nhiễm vi khuẩn trong 2 – 6 tháng. Vì thế, một người có thể nhiễm bệnh ở Syria và mang theo vi khuẩn tới Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí là châu Âu, nơi họ xin tị nạn”.
Để giải quyết tình trạng trên, các nhà khoa học kêu gọi phát hiện và chữa trị sớm, đào tạo bác sĩ, cải thiện điều kiện sống tại các trại tị nạn và tiếp tục giám sát sau khi đã kiềm chế dịch bệnh bùng phát.
Theo VnExpress