Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ thông qua đề cử Amy Barret vào vị trí thẩm phán tối cao
Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ mới đây đã thông qua đề cử bà Amy Coney Barret vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao, với tỷ lệ ủng hộ 12/0.
The Hill đưa tin, vào ngày 22/10, với tỉ lệ bỏ phiếu chưa từng có tiền lệ – 12 phiếu ủng hộ và 0 phiếu chống, Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã thông qua đề cử bà Amy Coney Barret vào vị trí thẩm phán tại Tòa án Tối cao. Theo đó, kết quả này sẽ tạo cơ sở để Thượng viện Mỹ phê chuẩn bà Barret cho vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao vào ngày 26/10.
Nguyên nhân có tỉ lệ bỏ phiếu khác thường này là vì toàn bộ 10 thượng nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp đã từ chối tham gia bỏ phiếu để ngăn cuộc bầu chọn.
Khi tuyên bố tẩy chay bỏ phiếu, lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cùng các nghị sĩ Dân chủ trong ủy ban nói rằng, việc đề cử Amy Coney Barret “kể từ đầu đã là một quá trình giả tạo”.
Tuy nhiên, phiên điều trần vẫn được tổ chức và kéo dài khoảng một tiếng, sau đó Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã tiến hành bỏ phiếu.
Về động thái từ Đảng Dân chủ, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham nói rằng, “Đó là lựa chọn của họ”; “Chúng tôi sẽ không cho phép họ kiểm soát ủy ban”.
Theo dự kiến, Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ sẽ thông báo kết quả bỏ phiếu này đến toàn thể Thượng viện vào ngày 23/10, theo Fox News.
Lãnh đạo đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết, phiên bỏ phiếu của toàn thể Thượng viện nhằm xác nhận đề cử bà Barret sẽ diễn ra vào ngày 26/10.
Bởi vì Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện Mỹ (53-47) nên bà Barrett chỉ cần nhận được hơn 50 số phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu để chính thức trở thành Thẩm phán tại Tòa án Tối cao.
Thẩm phán Barrett là ứng viên được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao sau khi bà Ruth Bader Ginsburg – nữ Thẩm phán ủng hộ phá thai và hôn nhân đồng tính đã qua đời gần đây.
Tòa án Tối cao Mỹ (hay Tối cao Pháp viện Mỹ) là cơ quan quyền lực nhất trong nhánh Tư pháp tại Mỹ, quyết định chiều hướng về chính sách và xã hội cho đất nước, bao gồm vấn đề phá thai, chăm sóc sức khỏe, quyền sở hữu súng v.v.
Lương Phong (t/h)