Tổng bí thư ĐCS Nga ủng hộ Putin ‘đưa Thượng Đế’ vào hiến pháp
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang sửa đổi hiến pháp nước này nhằm bảo tồn những giá trị đạo đức truyền thống, trong đó có việc khẳng định vị thế của Thượng Đế. Điều này đã nhận được sự ủng hộ từ phía lãnh đạo Đảng Cộng sản (ĐCS) Nga.
Nga đang trở về với các giá trị đạo đức truyền thống
Vào ngày 15/1, Tổng thống Putin đã đệ trình những đề xuất thay đổi hiến pháp Nga năm 1993 lên Duma (Hạ viện Nga). Trong đó có điều khoản đề cập tới việc ‘đưa Thượng Đế’ vào trong hiến pháp.
Sau hơn 20 năm cầm quyền, ông Putin muốn đưa Nga trở về các giá trị truyền thống: “Là người bảo vệ truyền thống Nga, ông tìm kiếm sự ủng hộ cho việc cổ vũ các giá trị đối nghịch với Phương Tây, và đi vào hướng bảo thủ”, trang Moscow Times cho biết.
Trang BBC nhận xét rằng “có vẻ càng về già, ông Putin càng muốn nêu lại các hình ảnh của thời Nga hoàng, và nền văn minh Slavơ theo Chính Thống giáo”. Tổng thống Nga thường xuyên đi lễ nhà thờ và các sự kiện lớn của chính phủ Nga đều có giáo sĩ Chính Thống giáo tham gia, ban phước.
Theo Vatican News, Đức Thượng phụ Chính Thống giáo Nga Kirill, người luôn ủng hộ tổng thống Putin, đã đề nghị Tổng thống Putin nhắc đến Thượng Đế, hoặc Thiên Chúa trong hiến pháp nước này, nhân dịp lễ kỷ niệm 11 năm ngày ông được bầu chọn làm Thượng phụ Moscow và Thượng phụ Giáo chủ Chính Thống Nga.
Tuy thế, chính Đức Kirill lại cho rằng khái niệm Thượng Đế, hay Đấng Tối Cao, có thể được hiểu là vị chủ thể của các tôn giáo khác nữa, không nhất thiết chỉ riêng của Kitô giáo.
Trang RT cũng cho biết, ý tưởng của Đức Kirill được cả lãnh đạo Hội đồng Hồi giáo Nga Talgat Tadzhuddin và Tổng bí thư ĐCS Nga Gennady Zyuganov ủng hộ.
Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, những người cộng sản Nga đã bắt đầu tìm về tín ngưỡng truyền thống. Con số cựu đảng viên, thân nhân của họ, đi lễ nhà thờ Chính Thống giáo ngày càng nhiều, khiến ĐCS Nga gần lại với tín ngưỡng của người Nga.
Năm 2012, ông Gennady Zyuganov từng kêu gọi Đảng và Giáo hội Chính Thống “đoàn kết với nhau”. Và Giáo hội Chính Thống Nga cũng vui vẻ đón nhận sự ủng hộ của ĐCS.
Ông Zyuganov nói cả hai tổ chức này đều chia sẻ trách nhiệm chung, và có chung kẻ thù, là các thói hư tật xấu trong xã hội hiện đại, chủ nghĩa tự do kiểu Phương Tây, thói sinh hoạt tình dục buông thả, và khái niệm nhân quyền.
Đề xuất cấm hôn nhân đồng giới
Bên cạnh đề xuất khẳng định vị thế của Thượng Đế trong hiến pháp của ông Putin, còn có điều khoản khẳng định hôn nhân “chỉ có giữa nam và nữ”, trái với xu hướng ủng hộ hôn nhân đồng tính ở phương Tây.
Ông Putin cho biết Nga sẽ không hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính chừng nào ông còn làm tổng thống. Ông khẳng định rằng ông không có một chút định kiến nào với người đồng tính, nhưng tình dục đồng giới và sự nhập nhằng giới tính không phù hợp với các giá trị truyền thống của Nga.
Năm 2013, ông Putin cũng đã ký một điều luật liên bang coi “hành vi khuyến khích tình dục đồng giới công cộng” là một trọng tội. Trước năm 1999, luật Nga vẫn coi xu hướng tình dục đồng giới là bệnh tâm thần. Và hiện tại, chỉ có các cặp vợ chồng khác giới tại Nga mới có thể nhận con nuôi.
Điều khoản cấm hôn nhân đồng giới trên đã vấp phải khá nhiều chỉ trích từ truyền thông phương Tây. Tuy nhiên Nga không phải nước đầu tiên làm điều này, hiến pháp của Ukraine cũng có ghi điều tương tự.
Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga) bà Valentina Matviyenko khẳng định bà ủng hộ định nghĩa về gia đình của ông Putin trong bối cảnh thế giới đang xói mòn các giá trị truyền thống.
“Đối với người Nga, một gia đình không chỉ đơn giản là một gia đình. Họ thường nói rằng gia đình là một nền tảng của xã hội. Đất nước ta là một nước bao gồm nhiều quốc gia nhỏ và đa dạng ý kiến, nhưng trong tất cả các dân tộc khác nhau thì gia đình là sự kết hôn giữa một nam và một nữ. Chúng tôi thực sự muốn thế hệ tương lai đi theo công thức này. Đặc biệt là khi đối diện với sự xói mòn đang xảy ra trên thế giới”, bà Matviyenko nói với phóng viên.
Được biết, Kinh Thánh cũng đề cập tới vấn đề đồng tính luyến ái, cho rằng việc con người trở thành đồng tính luyến ái là một tội lỗi (Rô-ma 1:26-27, Lê-vi 18:22); đồng thời cũng định nghĩa hôn nhân là sự kết hợp giữa người nam và người nữ (Ma-thi-ơ 19:4-5). Và Giáo hội Công giáo coi hành vi tình dục đồng tính là vô trật tự về mặt luân lý và trái với luật tự nhiên.
Giang Hội (t/h)