Thủ tướng Medvedev và chính phủ Nga từ chức, ông Putin muốn thâu tóm quyền lực?
Theo Reuters, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và các thành viên chính phủ Nga hôm 15/1 đã thông báo từ chức, vài giờ sau khi Tổng thống Vladimir Putin công bố kế hoạch sửa đổi hiến pháp. Nhiều ý kiến cho rằng ông Putin đang chuẩn bị nắm quyền “trọn đời”.
Hôm 15/1, Ông Medvedev đã đưa ra thông báo từ chức qua Đài truyền hình quốc gia: “Vì vậy, rõ ràng là tôi và cả nội các phải hỗ trợ tổng thống có cơ hội ra những quyết định quan trọng. Theo những điều kiện này, tôi tin rằng có thể tuân theo điều 117 của Hiến pháp [để từ chức].”
Cùng lúc đó, ông Putin ngồi cạnh và cảm ơn ông Medvedev vì những cống hiến của ông trong thời gian qua với cương vị thủ tướng, đồng thời cũng là đồng minh lâu năm. Ông Putin nói ông hài lòng với thể hiện của chính phủ và cho biết thủ tướng sẽ giữ vị trí mới trong hội đồng an ninh. Tổng thống Nga cũng yêu cầu nội các hiện tại tiếp tục công việc của họ cho đến khi những người mới được bổ nhiệm.
Quyết định từ chức của ông Medvedev được công bố chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Putin thông báo ý định cải cách Hiến pháp, trao thêm quyền lực cho quốc hội, bao gồm quyền được chọn thủ tướng và các vị trí then chốt khác trong chính quyền. “Tất nhiên đây là những thay đổi rất quan trọng đối với hệ thống chính trị… nó có thể tăng vai trò và ý nghĩa của quốc hội… của các đảng, sự độc lập và trách nhiệm của thủ tướng”, Tổng thống Putin phát biểu.
Dù ông Putin không đưa ra giải thích cụ thể cho những kế hoạch thay đổi trong Hiến pháp, giới phân tích cho rằng đây là một bước dọn đường để Tổng thống Nga tiếp tục nắm giữ quyền lực sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024.
Theo nhà phân tích chiến lược Sergey Utkin, thuộc Viện Quan hệ quốc tế và kinh tế thế giới Primakov tại Moscow, thay vì chọn cách đổi ghế lần nữa, nhiều khả năng ông Putin sẽ trở thành lãnh đạo Hội đồng Nhà nước, cơ quan sẽ được trao thêm nhiều quyền lực quan trọng trong hiến pháp sửa đổi.
Ông Utkin nhận định ông Putin “đang tìm cách thiết lập một hệ thống ít tập trung quyền lực vào tổng thống, cho phép ông rời cương vị tổng thống nhưng vẫn kiểm soát trọn vẹn”.
“Ông Putin đang thực hiện cơ chế nhằm hạn chế quyền lực của người kế nhiệm. Ông ấy sẽ sử dụng cơ quan này để kiểm soát tất cả các nhánh của chính phủ mà không phải giải quyết các vấn đề hằng ngày”, Bloomberg dẫn lời nhà tư vấn chính trị Tatiana Stanovaya cho biết.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng việc để ông Medvedev từ chức là vì ông đã không vực dậy được kinh tế Nga trong 5 năm qua. “Ông Putin cần một chính phủ là động lực cho phát triển kinh tế và ông Medvedev không làm việc hiệu quả,” chuyên gia khoa học chính trị Sergei Markov nói với Bloomberg.
Người dẫn chương trình kênh truyền hình Nga Tsargrad TV cũng cho rằng quyết định từ chức “là hồi kết hiển nhiên vì chính phủ này không thể thực hiện được kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Putin”.
Ông E. Minchenko, Chủ tịch hãng truyền thông Kommersant thì nhận định: “Mọi chuyện diễn ra theo đúng phong cách Putin, giống như một chiến dịch chớp nhoáng. Đây chắc chắn không phải là ý tưởng của ông Medvedev“.
Theo tờ Guardian, thủ tướng sắp được bổ nhiệm có thể hé lộ ai là người kế nhiệm ông Putin trong vị trí Tổng thống Nga. Dù vậy, rất ít người tin ông Putin sẽ rút lui hoàn toàn khỏi chính trường, hay Tổng thống tiếp theo sẽ có quyền lực lớn như ông.
Thiện Thành (t/h)