Tôn Ngộ Không sợ điều gì? Bài học về vận hạn 500 năm cảnh báo nhân gian
Tôn Ngộ Không sợ thứ gì? Ấn tượng sâu sắc nhất của nhiều người đối với Ngộ Không chính là không sợ trời không sợ đất. Nhưng chỉ sau khi trải qua thống khổ dưới Ngũ Hành Sơn 500 năm, mới trừ được cái tâm ngông cuồng ngạo mạn đó.
Ngộ Không ăn cắp quả bàn đào, uống rượu ngọc, ăn tiên đan và giả thánh chỉ lừa gạt Xích Cước đại tiên, làm náo loạn cả Thiên Quốc. Sau khi trốn thoát khỏi lò Bát Quái, Ngộ Không cầm gậy Như Ý “Đánh cho Cửu Diệu Tinh phải đóng cửa, Tứ Đại Thiên Vương vô hình mất bóng”, còn ngang nhiên lên tiếng: “Hoàng đế thay phiên nhau làm, sang năm đến lượt ta.”
Thậm chí còn vô lễ với Quan Âm Bồ Tát, từng mắng người rằng “Cả đời không có chồng”, nhưng sau đó mỗi lần gặp Quan Âm Bồ Tát, Tôn Ngộ Không đều cúi đầu lễ bái.
Tại sao lại có sự tương phản lớn đến như vậy?
Thời trẻ, Ngộ Không đã không giữ được bổn phận của mình, chê bai chức Bật Mã Ôn quá bé nhỏ, sau đó chống lại Thiên Cung. Để khống chế dã tâm của Ngộ Không, khiến con khỉ này không còn sinh thêm cuồng vọng, Ngọc Đế tiếp nhận ý kiến của Thái Bạch Kim Tinh, phong Ngộ Không thành “Tề Thiên Đại Thánh”.
Vương Mẫu Nương Nương tổ chức hội bàn đào, mời tất cả thần tiên ở 3 đảo 10 châu đến tham dự yến tiệc. Ngộ Không không được Vương Mẫu Nương Nương mời, trong cơn nóng giận đã đại náo Thiên Cung.
Ngộ Không điên cuồng ngang ngược ở Thiên Cung, khiến cho Ngọc Hoàng Đại Đế phải rời Linh Tiêu Bảo Điện, để Ngộ Không làm chủ quản Thiên Cung.
Ngộ Không điên cuồng chống đối, nói năng lỗ mãng, cuối cùng bị Phật Tổ đè xuống Ngũ Hành Sơn 500 năm. Cứ như vậy, Ngộ Không phải sống ở đó suốt 500 năm, thu qua đông tới, cho đến khi tính ngông cuồng trong lòng được thanh trừ không ít, mới có cơ hội thoát thân.
Đằng sau sự ngông cuồng đó là một kẻ trọng danh, bất kính với Thần
Sự ngông cuồng của Ngộ Không là do cái tâm nào gây nên? Trong “Tây Du Ký” có nói, sau khi Ngộ Không được phong thành “Tề Thiên Đại Thánh”, vì ông là một con khỉ kiêu ngạo, không biết phẩm giai quan hàm, cũng không biết tính toán bổng lộc cao thấp, chỉ chú tâm vào danh hiệu “Tề Thiên Đại Thánh”.
Lúc Ngộ Không biết được Vương Mẫu Nương Nương mời tất cả thần tiên nhưng lại không mời mình, với tâm coi trọng danh bị đả kích nghiêm trọng, dẫn đến nhất thời bước tới một giai đoạn cực đoan.
Ngọc Đế rất kinh hãi sự điên loạn của Ngộ Không, muốn phái Thiên Binh hàng yêu trừ ma. Thái Bạch Kim Tinh dâng lời ngăn cản: “Ngộ Không ăn nói hàm hồ, không biết chừng mực. Nếu tranh đấu với hắn, không chỉ không hàng phục được hắn mà còn phải điều thêm nhiều binh lực”.
Cuối cùng, Thiên Thượng vì muốn dẹp bỏ ác tính trên người Ngộ Không, đã trấn áp Ngộ Không dưới Ngũ Hành Sơn 500 năm. Để triệt hạ hoàn toàn bản tính ngông cuồng của Ngộ Không, thần Thổ Địa phụng thiên mệnh chỉ cho Ngộ Không ăn đá, uống nước đồng.
Thật tâm hối cải, tình nguyện tu hành
Sau khi trải qua một trận dày vò đau khổ, Ngộ Không mới hiểu ra thái độ ngông cuồng bất kính với Phật Tổ, cho nên phải nhận lấy quả báo nghiêm trọng như vậy.
Lúc Ngộ Không ở Ngũ Hành Sơn gặp được Bồ Tát đã nói: “Con biết lỗi rồi, mong người đại từ đại bi chỉ lối đưa đường, con tình nguyện tu hành”. Ngộ Không lúc bấy giờ thật sự biết hối cải, cũng biết rằng chỉ có tu hành mới có thể giải thoát hoàn toàn.
Khi Ngộ Không nói “tình nguyện tu hành”, Ngô Thừa Ân đã lấy bài thơ này để bày tỏ sự khâm phục và tán thưởng:
“Nhân tâm sinh nhất niệm, Thiên Địa tận giai tri;
Thiện ác nhược vô báo, càn khôn tất hữu tư.”
Tạm dịch:
Lòng người sinh một niệm, Trời Đất đều sáng tỏ;
Thiện ác nếu không có báo ứng, há chẳng phải càn khôn có tư tâm sao?
Ngộ Không cho dù trong hoàn cảnh cực khổ như vậy, một thân cô độc lẻ loi, cũng không vô pháp vô thiên như thời trước đó, nổi điên phát cuồng, mà thật lòng biết hối cải. Mặc dù 500 năm không một người quen nào đi thăm Ngộ Không, ông cũng cam tâm cô đơn, vô số lần đông hạ thu sang cũng không oán trời trách người.
Bồ Tát nghe Ngộ Không bảo “tình nguyện tu hành”, trong lòng mãn nguyện vui vẻ trả lời: “Xuất kỳ ngôn thiện, tắc thiên lý chi ngoại ứng chi”, câu này nghĩa là, lời phát ra là lời tốt đẹp thì dù có ở ngàn dặm phương xa, trời đất cũng đều cảm nhận được.
Chê cười người khác thì sẽ nhận ác báo khổ đau 500 năm
Còn có một câu chuyện như thế này, thời Ấn Độ cổ đại có một tăng nhân trẻ tuổi, vì hay chê cười người khác, mà ăn quả đắng 500 năm.
Vị sư tăng trẻ tuổi này biết hát, giọng hát trong trẻo êm ái, người này ỷ vào chút năng lực mà thường coi khinh người khác; người này cũng dựa vào chút năng lực đó mà thể hiện bản thân khác với mọi người.
Năm đó vị tăng nhân trẻ tuổi gặp một lão tăng không khéo về ca hát liền thường xuyên chê cười ngài ấy, nói rằng giọng hát ngài ấy quá khàn, khiến người khác không chịu nổi, cảm thấy khó chịu.
Nhưng vị lão tăng này từ lâu đã đạt được quả vị La Hán, đã vượt khỏi hết thảy những vinh hoa và phiền não trần thế, cũng thoát được trói buộc sinh tử. Vị tăng nhân trẻ tuổi không hiểu tình huống thực tế, lại còn cười chê lão tăng và chê bai giọng nói của ngài ấy, kết quả là vị tăng nhân ấy không tu khẩu nghiệp, dẫn đến bị quả báo ác khẩu 500 năm.
Hai câu chuyện về Tôn Ngộ Không và sư tăng người Ấn Độ, người khác nhau sẽ có cách hiểu khác nhau. Đây là những tình tiết bước ra từ những câu chuyện thần thoại, dù cho có sự khác biệt giữa không gian và thời gian của những người này, nhưng đều mang một nghĩa là cảnh báo nhân gian, gửi gắm cho con người vô vàn điều chỉ bảo.
Tuệ Tâm, theo SOH