Tình báo Mỹ: Trung Quốc cấm cử hành tang lễ cho binh sĩ thiệt mạng trong xung đột Trung – Ấn
Tình báo Mỹ mới đây cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dường như không muốn thừa nhận rằng, những người lính Trung Quốc bị thiệt mạng trong cuộc xung đột Trung – Ấn là “hy sinh”, thậm chí còn cấm gia đình tổ chức tang lễ và không cho phép người thân của họ đến hiện trường mai táng.
Vào ngày 15/6, cuộc đụng độ đẫm máu giữa binh sĩ của ĐCSTQ và Ấn Độ đã xảy ra, khiến cả hai bên đều có thương vong nghiêm trọng. Ngay sau đó, Ấn Độ báo cáo rằng có 20 binh sĩ của Ấn Độ đã thiệt mạng trong cuộc xung đột. Những người lính này đã được chính phủ và người dân Ấn Độ ca ngợi là “anh hùng”.
Vào ngày 28/6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong chương trình Mann ki Baat – Chương trình phát thanh hàng tháng của Ấn Độ, đã gửi lời chia buồn tới các gia đình binh sĩ bị thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Thung lũng Galwan. Ông cũng bày tỏ rằng sự mất mát của gia đình các binh sĩ đã mất rất đáng “tôn kính”.
Tuy nhiên tại Trung Quốc, đã một tháng sau khi cuộc xung đột Trung – Ấn diễn ra, ĐCSTQ vẫn không chịu tiết lộ số lượng binh sĩ Trung Quốc đã thương vong trong cuộc chiến. Đến tận bây giờ, ĐCSTQ chỉ nói rằng có một số sĩ quan đã chết. Trong khi đó, truyền thông Ấn Độ cho biết phía Trung Quốc có 43 người thương vong, và các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng có 35 binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng.
Che giấu sai lầm của các quan chức cao cấp tại Bắc Kinh
Truyền thông Mỹ đưa tin vào ngày 13/7 cho biết, theo đánh giá của các cơ quan tình báo Mỹ, ĐCSTQ vì muốn che giấu sai lầm của các quan chức cấp cao tại Bắc Kinh, cho nên đã không chấp nhận sự thật rằng các binh lính Trung Quốc đã bị các binh lính Ấn Độ giết chết.
Báo cáo cũng nói rằng các gia đình của những người lính Trung Quốc đã mất trong cuộc xung đột đang bị ĐCSTQ “đối xử tệ bạc”. Đầu tiên, chính phủ ĐCSTQ từ chối công nhận những người lính đã “hy sinh” trong cuộc chiến, và bây giờ lại cấm cử hành tang lễ cho họ.
Bộ Nội vụ của ĐCSTQ đã thông báo cho các gia đình binh sĩ thiệt mạng trong cuộc xung đột Trung – Ấn rằng, họ không thể thực hiện các nghi thức tang lễ truyền thống, mà là hỏa táng hài cốt của các binh sĩ, và các gia đình không được phép trực tiếp đến hiện trường mai táng để tổ chức tang lễ.
Chính quyền ĐCSTQ lo sợ kích động “lòng dân”
ĐCSTQ đã sử dụng tình hình dịch bệnh như một cái cớ để không tổ chức các nghi thức tang lễ cho người quá cố, nhưng truyền thông Mỹ phân tích rằng điều này là nhằm để xóa nhòa ký ức về cuộc xung đột Trung – Ấn trong trong trí nhớ của người dân.
Xưa nay, ai cũng biết ĐCSTQ rất giỏi trong việc dùng cái chết để kích động “tinh thần chủ nghĩa dân tộc” của người dân, ví như sự cố va chạm máy bay giữa Trung Quốc và Mỹ năm 2001, hay vụ đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade của Mỹ năm 1999. Thế nhưng, khi binh lính Trung Quốc và Ấn Độ tham gia vào một cuộc hỗn chiến tàn khốc ở biên giới vào giữa tháng 6, thì các phương tiện truyền thông và quan chức Đại lục lại ‘im hơi lặng tiếng’ trước sự cái chết của những người lính đã chết trong vụ việc này.
Tờ Breitbart (Mỹ) cho biết các gia đình Trung Quốc mất người thân trong cuộc xung đột Trung – Ấn rất đau đớn. Họ chỉ có thể trút nỗi tức giận và thất vọng lên Weibo và các mạng xã hội khác, nhưng lại bị chính quyền Trung Quốc trấn áp.
Báo cáo nói rằng ĐCSTQ lo ngại rằng nếu những bức ảnh về đám tang của những người lính Trung Quốc được lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội trong hoặc ngoài nước, nó có thể khơi dậy cảm xúc mãnh liệt trong lòng người Trung Quốc.
Lương Phong (Theo Epoch Times)