Thủ đoạn điệp viên Trung Quốc thường dùng để xâm nhập vào Đài Loan
Những năm gần đây, một số hoạt động gián điệp của Trung Quốc ở Đài Loan đã bị vạch trần, nhấn mạnh sự thật rằng các tổ chức chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội và các tổ chức khác của Đài Loan đã bị các điệp viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thâm nhập nghiêm trọng.
Đổng Lập Văn, một thành viên của hội đồng cố vấn Đài Loan, nói với ấn bản tiếng Trung của Thời báo Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng đường lối chỉ đạo của ĐCSTQ tuyên bố rõ, tất cả đảng viên và tổ chức đều có trách nhiệm thu thập thông tin tình báo. Cục An ninh Quốc gia Đài Loan ước tính rằng ĐCSTQ có khoảng 5.000 điệp viên đang trà trộn vào các hoạt động tại quốc gia này.
Ông Đổng còn nói thêm, sự hiểu biết của Đài Loan về hoạt động gián điệp của Trung Quốc đã rất lỗi thời, chính phủ nên sử dụng các chiến lược vận động mới để đảm bảo rằng công chúng có một hiểu biết đúng đắn về bản chất của ĐCSTQ.
Theo Tiêu Đài Phúc, phó Giám đốc bộ phận tại Cục An ninh Quốc gia, hiện đã nghỉ hưu cho biết, những trường hợp bị vạch trần cho thấy các đơn vị của quân đội từ bộ binh, hải quân và không quân cũng như các cơ quan tình báo đều dính líu đến gián điệp Trung Quốc. Phạm vi tuyển dụng từ vị trí hạ sĩ quan cho đến các tướng lĩnh, cán bộ đã nghỉ hưu cho đến các quan chức hiện tại, điều này cho thấy ĐCSTQ ngày càng thành thạo và trở nên ác liệt hơn trong chiến thuật gián điệp, sử dụng công dân Đài Loan để kiểm soát Đài Loan.
Các phương pháp tuyển dụng điệp viên Trung Quốc hay dùng
Theo thống kê của các đơn vị an ninh quốc gia Đài Loan, từ năm 2002 đến 2017, đã có 60 trường hợp hoạt động gián điệp bị bẻ gãy tại Đài Loan. Các quan chức của Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, báo chí chỉ đưa tin 60 trường hợp, còn số vụ thực tế dự kiến còn lớn hơn nhiều, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Ngoài ra, dữ liệu của Wikipedia cho thấy từ năm 1999 đến nay, từ thông tin được tiết lộ của Quân đội Quốc gia Đài Loan, trong số các sĩ quan quân đội quốc gia bị ĐCSTQ mua chuộc, có tới 10 người là gián điệp “cấp tập sự” và bốn người trong số đó có cấp bậc cao.
Thông qua việc phân tích các sự cố gián điệp trong những năm gần đây và phân loại các cách thức xâm nhập của các bộ phận tình báo ĐCSTQ, có thể thấy họ dùng rất nhiều thủ đoạn khác nhau để chiêu mời gián điệp.
Mua chuộc bằng tiền tài và tình dục
Đây là phương thức tuyển dụng chính được các điệp viên trong Bộ An ninh quốc gia ĐCSTQ hay dùng. Việc tuyển mộ thiếu tướng La Hiền Triết của Đài Loan làm gián điệp cho Trung Quốc và việc ông ta chuyển giao thông tin quân sự quan trọng cho ĐCSTQ là trường hợp tiêu biểu nhất.
La Hiền Triết từng là tùy viên quân sự của Đài Loan ở Thái Lan vào năm 2004. Bản tính lăng nhăng khiến ông ta trở thành mục tiêu của ĐCSTQ. Vào thời điểm đó, Lí Bội Kì, một nữ điệp viên Trung Quốc mang hộ chiếu Úc, được ĐCSTQ phái đi để liên lạc với ông La. Dưới sự cám dỗ từ nữ điệp viên cùng số tiền lớn, ông đã được ĐCSTQ tuyển dụng làm gián điệp và bắt đầu cung cấp thông tin tuyệt mật mà ông ta có được trong quá trình công tác. Giá của mỗi mẫu thông tin vào khoảng 100 đến 200 nghìn đô la Mỹ, tùy thuộc vào lượng thông tin hoặc mức độ bảo mật.
Năm 2005, La được chuyển về Đài Loan làm trưởng phòng thông tin điện tử của Bộ Tư lệnh lục quân.Trong thời gian này, ông vẫn giữ liên lạc với Lý Bội Kỳ và sử dụng các cơ hội công việc để gặp cô ở Hoa Kỳ, đó là nơi ông sẽ chuyển giao thông tin tình báo và nhận tiền. La được thăng cấp Thiếu tướng năm 2008. Vụ án được phanh phui vào năm 2011, và La bị kết án tù chung thân.
Lợi dụng mối quan hệ người thân và bạn bè
Cách này cũng là một thủ đoạn phổ biến mà các điệp viên ĐCSTQ hay sử dụng, họ lợi dụng những người có mối quan hệ thân thiết và quen biết với quan chức trong quân đội để thuyết phục và tuyển mộ điệp viên. Vụ gián điệp của cựu trung úy không quân Viên Hiểu Phong là một ví dụ điển hình.
Năm 1992, sau khi rút lui khỏi quân đội, Trung úy Trần Văn Nhân đã đến Trung Quốc đại lục làm kinh doanh và kết hôn với một người vợ Trung Quốc. Ông được Cục Tình báo của Bộ Tổng Tham mưu Trung Quốc liên lạc và tuyển dụng làm gián điệp. Sau khi trở về Đài Loan, ông liên lạc với Viên Hiểu Phong, một người bạn học cũ vẫn phục vụ trong Không quân.
Viên Hiểu Phong đã đồng ý thu thập thông tin tình báo, từ tháng 6/2003 đến tháng 5/2007, bằng cách sử dụng ổ flash USB và các phương pháp khác, ông liên tục trao cho ban ĐCSTQ tài liệu quản lý ngành công nghiệp và các bí mật không quân. Ông đã kiếm được tổng cộng 7,8 triệu đô la Đài Loan tiền công. Cuối cùng Viên Hiểu Phong bị kết án tù chung thân, Trần Văn Nhân 20 năm tù.
Lôi kéo gián điệp nước ngoài thông qua phương tiện truyền thông xã hội
Kể từ khi mạng truyền thông xã hội nổi lên, các cơ quan tình báo Trung Quốc cũng dùng phương tiện này để thu hút các điệp viên nước ngoài.
Năm 2018, Kevin Mallory, cựu nhân viên CIA, bị kết tội âm mưu làm gián điệp cho Trung Quốc. Ông bị bắt vào tháng 4/2017 khi bị phát hiện sở hữu hơn 16.000 đô la tiền mặt chưa qua khai báo hải quan và một thiết bị liên lạc đặc biệt để truyền tài liệu. Các công tố viên cho biết ông đã gửi tài liệu mật cho một sĩ quan tình báo Trung Quốc.
Đánh cắp không gian mạng
Đây cũng là một phương tiện được Bộ An ninh quốc gia sử dụng để thu thập thông tin tình báo. Theo một nghiên cứu được một công ty bảo mật Internet Hoa Kỳ có tên là “Fire Eye” thực hiện năm 2017 và được xác nhận bởi công ty công nghệ Internet “Recorded Future”, thì nhóm tin tặc Trung Quốc “APT3” có quan hệ với công ty “công nghệ thông tin Bo Yu” ở Quảng Châu.
Ngoài ra, Bo Yu hoạt động như một nhà thầu cho Bộ An ninh quốc gia của ĐCSTQ. Một báo cáo vào năm 2016 của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng các công ty của “Bo Yu” và “Huawei” đã hợp tác với Bộ An ninh quốc gia tấn công các mạng lưới chính phủ nước ngoài để có được thông tin tình báo.
Dùng nhà thầu để làm gián điệp quân sự
Lợi dụng các công ty hợp đồng thuê ngoài đang thực hiện các dự án xây dựng quân sự để theo dõi quân đội là một phương pháp khác được ĐCSTQ sử dụng. Năm 2019, Đài Loan đã truy tố và vạch trần một vụ án gián điệp liên quan đến hai người làm việc cho một công ty kỹ thuật ở thành phố Tân Bắc.
Từ năm 2016 đến 2018, ông Zhang, giám sát viên của công ty và đối tác của ông, ông Lin, bị nghi ngờ đã lợi dụng một số hợp đồng từ Bộ Quốc Phòng Đài Loan để trợ giúp ĐCSTQ và thu thập thông tin về điện tử quốc gia, chiến tranh mạng và các bí mật quốc phòng khác, thậm chí tuyển mộ nhân viên Quân đội Quốc gia để mở rộng các tổ chức gián điệp của ĐCSTQ.
Hiện xã hội Đài Loan đã có thái độ chú ý tới các hoạt động gián điệp của ĐCSTQ, và ngày càng có nhiều hoạt động cứng rắn hơn.
Tiểu Phúc (theo Epoch Times)