Thiết bị thần kỳ có thể giúp lưỡi ‘nhìn’ được mọi vật
Đối với những bệnh nhân bị thương tổn các cơ quan cảm giác ở não, điều phiền toái nhất là họ thường xuyên bị ngã do mất thăng bằng, mờ mắt, thậm chí đi lại khó khăn. Tuy nhiên, Bach-y-Rita, một nhà khoa học thần kinh tại Đại học Wisconsin, Hoa Kỳ, đã phát minh ra một thiết bị phục hồi cảm giác có tên là Brain Port. Nó có thể giúp bệnh nhân nhìn thông qua da, đầu lưỡi hoặc tai.
Vào một buổi sáng, Scheritz, một phụ nữ mắc bệnh truyền nhiễm đã được tiêm một loại thuốc kháng sinh thông thường trong một ca phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật, tình trạng của cô dường như được cải thiện dần dần. Cô cảm thấy tinh thần phấn chấn và đứng dậy ra khỏi giường, nhưng cô đột ngột ngã xuống đất, và sau đó thế giới trước mặt cô bắt đầu quay cuồng. Khi cô quay đầu lại thì căn phòng dường như nghiêng đi, tầm nhìn trở nên mờ mịt, thậm chí ngay cả không khí cũng khiến cô cảm thấy bị bức bách.
Sau đó, Scheritz được cho biết rằng, loại thuốc kháng sinh mà cô được tiêm trong ca phẫu thuật đã phá hủy hệ thống tiền đình trong não của cô, mà chức năng của hệ thống này là mang lại sự ổn định cho thị giác và trọng tâm của cơ thể. Vì vậy cô buộc phải nghỉ việc và ở nhà, khi muốn di chuyển cô chỉ có thể dựa vào tường để tránh bị ngã.
Một ngày nọ, Scheritz tự nguyện chấp nhận một liệu pháp thử nghiệm mới. Nhà khoa học đã đặt một miếng băng từ dày lên lưỡi của cô. Băng từ chứa 144 vi điện cực, có kích thước bằng một con tem bưu chính.
Miếng băng từ này có dây nối với một thứ tương tự như thước kẻ của thợ mộc, và chiếc thước này lại được nối với một chiếc mũ, và cô đã đội chiếc mũ này ở trên đầu. Cây thước này sẽ xác định tọa độ không gian của cô, và sau đó truyền thông tin đến lưỡi của cô bằng một rung động yếu.
Dụng cụ phục hồi cảm giác được gọi là Brain Port này có một chức năng rất kỳ diệu. Nó có thể làm rung lưỡi của bệnh nhân trong hai mươi phút mỗi ngày thông qua các điện cực, khiến cho rung động tập trung ở một chỗ. Bằng cách này, bệnh nhân có thể phục hồi chức năng tiền đình bình thường và đạt được hiệu quả cân bằng.
Nói cách khác, với những thiết bị hỗ trợ điện tử mới lạ này, bệnh nhân cũng có thể thực hiện các chức năng thị giác thông qua qua da, lưỡi và thậm chí cả tai. Nếu một phần cơ thể mất cảm giác, thiết bị này cũng có thể quản lý để truyền các chức năng thị giác đến phần không bị tổn thương của xúc giác. Nguyên tắc này giống như một phi công bị mất cảm giác về đường chân trời khi gặp sương mù dày đặc, anh ta vẫn có thể lái bình thường bằng cách chú ý đến cảm giác của lưỡi hoặc cơ thể.
Việc thay thế các cơ quan giác quan không phải là mới. Ví dụ: khi người mù sử dụng sách chữ nổi, họ thay thế thị giác bằng cảm ứng. Tuy nhiên công nghệ thay thế giác quan tiên tiến nhất là đến từ sự sáng chế của Bach-y-Rita. Ông cho rằng, lưỡi rất nhạy cảm và dễ tiếp nhận những thông điệp bên ngoài nên sẽ là nơi truyền tải cảm xúc tuyệt vời. Ban đầu công nghệ này chỉ giới hạn trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển trong phòng thí nghiệm, nhưng nhờ các thiết bị điện tử ngày càng được thu nhỏ lại và sự phát triển của công nghệ tính toán máy tính, nên dụng cụ phục hồi cảm giác này trông không quá lớn.
Bach-y-Rita từng có một lập luận sắc sảo về Brain Port như sau: “Chúng ta sử dụng bộ não của mình để nhìn mọi thứ chứ không phải đôi mắt của chúng ta. Bạn có thể mất võng mạc, nhưng miễn là não của bạn còn nguyên vẹn thì bạn sẽ không mất khả năng nhìn mọi vật”.
Minh Huy (Theo Secretchina)