Thần tiên điểm hóa ngộ chẳng ra, cuồng tâm ngạo mạn phí hoài “cơ duyên”
Vào thời nhà Đường, ở thành phố Trường An, có một cậu thanh niên tên là Trịnh Hữu Hiên. Từ khi mới sinh ra, cậu đã sống trong nhung lụa, vì là con nhà quyền thế nên tính tình rất hống hách, kiêu ngạo. Cũng vì đó mà trở nên ân hận về sau.
Trịnh luôn ỷ thế ức hiếp gia đình người hàng xóm – Lỗ Thu Thực, có gia cảnh bần hèn, cuộc sống túng thiếu khó khăn.
Trịnh học chung với con trai nhà họ Lỗ. Tuy hai người là bạn bè nhưng cậu ta luôn tỏ thái độ khinh bỉ người bạn học của mình.
Một ngày nọ, cậu ta nói với người bạn học họ Lỗ: “Cha của cậu không cùng tầng lớp với gia đình ta. Vậy mà hai chúng ta lại học chung lớp, cậu không cảm thấy xấu hổ hay sao?”
Nghe những lời lăng mạ của Trịnh Hữu Hiên, cậu con trai nhà họ Lỗ vô cùng tủi hổ. Vì quá đau buồn, vài năm sau đổ bệnh mà chết. Người chung quanh không khỏi thắc mắc, một đứa bé lại biết nghĩ đến “đau buồn” như vậy, hơn nữa còn vì đó mà chết, thật sự rất lạ. Nhưng “Thiên cơ” vẫn chưa hé lộ,….
Vì người mà đến, vì người mà đi
Những năm sau đó, Trịnh Hữu Hiên thi đỗ khoa cử, được bổ nhiệm chức quan quản lý quận Đường An. Ở đây, anh gặp gỡ và kết bạn với chàng thanh niên khoảng 20 tuổi tên là Khâu Sinh. Hai người khá hợp ý và thường xuyên du ngoạn cùng nhau.
Cha của Khâu Sinh là một thương gia buôn bán rất giàu có. Vì thế, mà anh không ngần ngại chi tiền cho người bạn của mình. Anh thường hào phóng cho Hữu Hiên rất nhiều tiền và bất cứ thứ gì khác mà Trịnh cần.
Tuy nhiên, vì Khâu Sinh không xuất thân trong gia đình quyền thế. Nên Trịnh đã luôn đối xử thiếu tôn trọng với anh. Cho dù anh luôn tốt bụng hào phóng với Trịnh thế nào cũng không thay đổi được suy nghĩ cách biệt tầng lớp ấy.
Một buổi tối nọ, Trịnh Hữu Hiên tổ chức bữa tiệc tại nhà, anh ta mời tất cả bạn bè của mình ngoại trừ Khâu Sinh. Một người bạn tham dự cảm thấy bất bình, đã trách mắng Hữu Hiên tại sao không mời Khâu Sinh, trong khi hai người là bạn thân và dùng bữa cùng nhau mỗi ngày.
Trịnh Hữu Hiên lúc này cảm thấy vô cùng có lỗi, ngay lập tức anh đã phái gia nhân đi mời Khâu Sinh đến.
Trong bữa tiệc, Trịnh tỏ vẻ không vui. Anh cố tình mời Khâu Sinh một chén rượu lớn, yêu cầu người bạn của mình phải uống hết. Vì tửu lượng có hạn, Khâu Sinh lịch sự từ chối chén rượu. Vịn được cớ để bắt lỗi, Trịnh ngay lập tức đùng đùng nổi giận, sỉ nhục người bạn của mình một cách không kiêng nể.
“Ngươi chỉ là một tên thấp hèn, không có địa vị gì trong xã hội. Tại sao ngươi không chấp nhận thân phận thấp kém của mình và sống đúng nghĩa như một người giàu có bình thường. Ngươi nên biết rằng, ngươi may mắn đến dường nào khi được làm bạn với ta, vậy mà còn dám chê rượu ta mời!” Trịnh Hữu Hiên lớn tiếng mắng nhiếc. Sau đó đứng dậy và rời khỏi bữa tiệc.
Khâu Sinh lúc này cũng cảm thấy bị xúc phạm, cúi đầu và bỏ đi. Từ đó, anh không nghĩ gì đến chuyện làm ăn nữa, đóng cửa từ chối giao du tiếp xúc với mọi người. Vài tháng sau thì qua đời. Nhiều người cảm thấy rất kỳ lạ, nhưng câu chuyện vẫn chưa kết thúc.
Phúc đức tiêu sạch, sa cơ thất thế tạm bình tâm
Về phần Trịnh Hữu Hiên, vài năm sau anh ta cũng bị bãi nhiệm chức vụ, phải lang thang đến nương tựa tại một ngôi chùa ở huyện Mông Dương.
Ở đó, anh nghe danh một vị đạo sĩ họ Võ, là người tu đạo đã nhiều năm hiện đang cư ngụ tại núi Thục Môn. Vì chán nản với cuộc sống hiện thực, anh một mình cưỡi ngựa lên núi tìm gặp vị đạo sĩ với hy vọng được nhận làm môn đệ của ông.
Vị đạo sĩ nhìn thấy Hữu Hiên liền cất tiếng nói: “Có phải vì đã chán ghét cõi hồng trần, cậu lên đây tìm ta xin được bái Sư học đạo phải không.”
Trịnh Hữu Hiên mừng rỡ cúi đầu hành lễ: “Trưởng lão, ngài quả thật đã đắc Đạo. Tôi chẳng quản ngại khó khăn tới nơi này, chỉ mong ngài hãy thu nạp tôi làm đồ đệ.”
Khi nghe những lời thành khẩn thật tâm của Hữu Hiên. Vị đạo sĩ vui vẻ đồng ý, thu nạp anh làm đồ đệ. Từ đó, Hữu Hiên ngày ngày tinh tấn tu hành.
Nhưng trải qua 15 năm gian khổ, do ý chí không kiên định, anh ngày một trở nên lười biếng. Vị đạo sĩ thấy vậy bèn nói với Trịnh Hữu Hiên: “Nếu cậu không có lòng quyết tâm tu luyện, thì chỉ lãng phí thời gian của mình tại nơi này mà thôi.”
Nghe vậy, Hữu Hiên buồn bã rời đi, lại về sống những ngày tháng lang thang không nơi nương tựa ở huyện Mộng Dương. Sau một thời gian dài, lại quay trở về quê nhà Trường An.
Thiên cơ tiết lộ, hối đã muộn màng
Trên đường đến Trường An. Buổi tối, Trịnh Hữu Hiên tá túc tại một quán trọ ven đường. Tại đây, anh gặp một bé trai rất kháu khỉnh chạc tầm 12 tuổi. Thấy cậu bé dễ thương, anh bắt chuyện và nhận thấy rằng thằng bé này quả thật rất thông minh, lanh lợi.
Trong lúc trò chuyện, cậu bé bất ngờ hỏi Hữu Hiên, “Chúng ta từ lâu đã là bạn bè, ông vẫn nhớ tôi chứ?”
“Không, tại sao ta lại từng kết bạn với cậu nhóc nhà ngươi chứ.” Trịnh bất ngờ đáp.
“Tôi là con trai của Lỗ Thu Thực, sống ở Trường An,” cậu bé nói. “Chúng ta từng là bạn học của nhau. Vì chê nhà tôi nghèo, thấp hèn không xứng với gia đình ông mà ông đã xem thường tôi”.
Cậu bé tiếp tục: “Sau này, tôi một lần nữa chuyển sinh vào gia đình nhà họ Khâu và lại trở thành bạn của ông. Tôi đã cho ông rất nhiều tiền và những thứ ông cần. Vậy mà ông không những không biết ơn, mà còn mắng nhiếc tôi địa vị thấp hèn. Tại sao ông lại tỏ ra hống hách kiêu ngạo như vậy?”
Khi nghe những lời cậu bé nói, Trịnh Hữu Hiên bàng hoàng sửng sốt, lập tức cúi đầu hối cải. “Đó là lỗi của ta. Ta thành thật xin lỗi cậu. Nhưng tại sao cậu lại nhờ được tiền kiếp của mình. Cậu phải chăng không phải là người bình thường?” Trịnh ngạc nhiên hỏi.
“Ta thật ra là một người tu đạo đến từ Thiên thượng.” cậu bé trả lời.
“Vì ngươi có căn cơ tốt, lại có tiền duyên với đạo gia, nên Thiên thượng đã phái ta xuống đây cứu độ, giúp ngươi sớm ngày đắc Đạo thành tiên. Nhưng vì bản tính nhà ngươi quá kiêu ngạo, luôn ỷ thế ức hiếp người thấp kém hơn mình. Chính ngươi đã đánh mất cơ hội tu luyện đắc đạo của bản thân. Thật đáng tiếc thay!”. Nói xong, cậu bé liền biến mất.
Hữu Hiên chợt hiểu ra tất cả mọi chuyện chuyện trong cuộc đời mình, nhưng đã quá muộn. Những ngày cuối đời, anh sống rất nhạt nhẽo. Cuối cùng ôm thất vọng và nỗi ân hận mà chết.
An Nhiên
Theo theepochtimes.com