Thái Nguyên: Nông dân lại “vượt mặt” nhà khoa học, sáng chế cả máy khoan xuất khẩu
Dù mới chỉ học đến lớp 7, nhưng ông Trần Đình Chinh – người ở tỉnh Thái Nguyên, đã sáng chế ra chiếc máy khoan giếng thủy lực có nhiều ưu điểm vượt trội. Sản phẩm này đã được ông bán tới khắp các tỉnh, thành trên cả nước, thậm chí còn xuất khẩu ra nước ngoài, theo Dân Việt.
Đây không phải là sáng chế đầu tiên của ông Chinh. Trước khi thành công tạo ra chiếc máy khoan giếng thủy lực đầu tiên, ông cũng đã tạo ra những máy tuốt lúa, máy cày… cho bà con. Theo ông Chinh, những kiến thức của ông là do ông nội truyền nghề chứ không thông qua trường lớp đào tạo nghề kỹ thuật cơ khí bài bản nào.
Về động lực tạo ra chiếc máy khoan của mình, ông Chinh chia sẻ vì thấy mọi người khoan giếng bằng tay vất vả, tốn công sức. Chiếc máy cũng trải qua quá trình cải tiến dần, từ một chiếc máy khoan điện, rồi máy khoan tự hành, sau cùng mới là máy khoan thủy lực đập hơi như ngày hôm nay.
“Trước đây, để khoan được một cái giếng có độ sâu khoảng 100m, máy khoan tự hành phải mất đến 10 ngày. Nhưng với máy khoan giếng thủy lực này, chỉ cần 4 – 5 tiếng đồng hồ là đã có thể thực hiện xong. Nhờ đó việc khoan giếng trở nên dễ dàng, không vất vả. Đặc biệt, chiếc máy này có thể khoan được tất cả các loại địa tầng khác nhau. Do vậy, trước khi khoan không cần phải lấy mẫu đất đá, mà còn có thể khoan tới độ sâu 300m”, ông Chinh cho biết.
Có ích như vậy là nhờ máy khoan của ông Chinh đã có nhiều ưu điểm vượt trội so với các loại máy khác. Thứ nhất là khi vận hành, máy tự đập vụn và thổi mạt lên mặt đất, không phải mất công kéo đất đá trong đường ống khoan lên khỏi mặt đất. Thứ hai là máy có thể được di chuyển dễ dàng, vận chuyển toàn bộ được thiết bị, lại không tốn nhân công. Thứ ba, máy khoan được lắp thêm hệ thống tời chuông có tác dụng giúp cho việc mỗi lần rút mũi khoan lên không phải tháo ren liên tục, ren vào khoan không bị hại. Đây được cho là sáng kiến có một không hai trên thị trường hiện tại. Ngoài ra, một ưu điểm khác nữa là máy có đầu bò gắn khoan, có thể đẩy ngang, đẩy dọc thuận tiện cho việc tháo lắp mũi khoan dễ dàng và có thể khoan nghiêng.
Anh Nguyễn Văn Tân, một công nhân làm việc gần 10 năm tại xưởng của ông Chinh cho biết: “Công việc ở xưởng tương đối đều. Do sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy nên chúng tôi thường xuyên phải làm việc tăng ca cho kịp hàng để giao cho khách. Trung bình mỗi tháng, thu nhập của tôi đạt từ 14 – 15 triệu đồng”.
Hiện tại, gia đình ông Chinh đang làm chủ một nhà xưởng với diện tích khoảng 300m2, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng gần 20 lao động, trong đó, 11 lao động chính có mức thu nhập khoảng 10 – 12 triệu đồng/người/tháng. Giá bán của một chiếc máy hoàn chỉnh của ông Chinh có thể lên tới 550 – 950 triệu đồng/ tháng, và mỗi tháng xưởng của ông có thể sản xuất 10-12 chiếc. Ngoại trừ phục vụ nhu cầu nội địa, máy của ông cũng xuất khẩu đến các nước láng giềng như Lào, Campuchia… Chỉ tính từ đầu năm đến nay, lợi nhuận thu về từ việc bán máy của ông Chinh đã lên tới 3 tỷ đồng.
Từ Thức (t/h)