“Tam Tự Kinh” (bài 11): Âm nhạc và các cung bậc cảm xúc của con người
“Tam Tự Kinh” là di sản quý giá được truyền lại của nền văn hóa Thần truyền từ xa xưa. Những bài học làm người đầu tiên giản dị mà sâu sắc này sẽ giúp trẻ ghi nhớ suốt cuộc đời mình.
Vui mừng, tức giận, đau buồn, sợ hãi, yêu thích, ghét và ham muốn là bảy loại tình cảm của con người khi sinh ra đã có.
Người Trung Quốc cổ đại dùng tám loại nguyên liệu gồm quả bầu hồ lô, đất sét, da động vật, gỗ, đá ngọc, kim loại, tơ, ống trúc để làm nhạc cụ và gọi đó là bát âm. Do các nhạc cụ được làm từ các chất liệu khác nhau nên âm thanh phát ra từ các nhạc cụ đó cũng khác nhau và mang nét đặc sắc riêng.
Bài 11
Nguyên văn
曰(yuē) 喜(xǐ) 怒(nù),曰(yuē) 哀(āi) 懼(jù),
愛(ài) 惡(wù) 欲(yù),七(qī) 情(qíng) 具(jù)。
匏(páo) 土(tǔ) 革(gé),木(mù) 石(shí) 金(jīn),
絲(sī) 與(yǔ) 竹(zhú),乃(nǎi) 八(bā) 音(yīn)。
Phiên âm Hán Việt
Viết hỉ nộ, viết ai cụ
Ái ố dục, thất tình cụ
Bào thổ cách, mộc thạch kim
Tư dữ trúc, nãi bát âm
Tạm dịch
Nói về vui, về giận, về đau thương, về sợ hãi
Về yêu, ghét và ham muốn, bảy thứ tình đều có trong mỗi người
Bào, thổ, cách, mộc, thạch, kim
Tư và trúc, đó là tám loại dụng cụ âm nhạc
Câu chuyện “Hoàng Đế và âm nhạc”
Đối với người Trung Quốc cổ đại mà nói, âm nhạc là công cụ để liên hệ với Thần. Âm nhạc không chỉ để hưởng thụ và giải trí, mà còn là lễ tiết để điều hòa mối quan hệ giữa Trời và Đất.
Các nhạc cụ của Trung Quốc được phát minh từ rất sớm, trong cuốn Thi Kinh cũng thường xuyên nhắc tới các loại nhạc cụ. Theo các sách sử ghi chép, Phục Hy là người chế tạo ra đàn sắt, Nữ Oa chế tạo ra tiêu, Linh Luân chế tạo ra chuông, Thần Nông chế tạo ra ngũ huyền cầm.
Hoàng Đế lệnh cho Linh Luân chế định ra nhạc luật, đặt ra 12 luật (12 thang âm). Linh Luân ở trên núi Tây Sơn tìm được loại trúc thô thích hợp để làm nhạc cụ, ông dùng những cây rắn chắc nhất gọt thành sáo trúc. Khi ông thổi cây sáo mình vừa làm, có mấy con chim phượng hoàng đậu xuống quanh những cây ở gần ông, chim trống bắt đầu hót trước, âm đầu tiên của nó giống với âm phát ra từ cây sáo trúc của Linh Luân, sau đó lại hót tiếp 5 âm nữa, Linh Luân nhanh chóng gọt thành cây sáo có thể phát ra 5 âm đó. Phượng hoàng mái hót tiếp 6 âm, Linh Luân lại nhanh chóng gọt ra cây sáo trúc phát ra được 6 âm đó. Linh Luân sắp xếp trình tự của 12 âm đó xong, liền hoàn thành 12 âm luật.
Vì để bảo tồn lâu dài 12 âm này, Hoàng Đế đã hạ lệnh đúc ra 12 chuông đồng có thể tái hiện chính xác 12 âm của sáo trúc, sau đó, tất cả các thang âm của các nhạc cụ bắt buộc phải đúng với âm của chuông đồng.
Ngoài việc hạ lệnh cho Linh Luân chế tạo chuông ra, trong cuộc chiến với Xi Vưu, vì để nâng cao sĩ khí chiến đấu của binh sĩ, Hoàng Đế đã làm ra một loại trống trận đặc biệt, và còn đích thân đánh để cổ vũ uy thế của đội quân. Loại trống này được làm từ da được phơi khô của một loại quái thú ở Đông Hải có tên là “Quỳ”, còn dùi trống được làm từ khúc xương to nhất trên người Thần Sấm. Khi Hoàng Đế đánh vào chiếc trống trận đặc biệt này, tiếng trống vọng xa hơn 500 dặm, làm trời đất rung chuyển.
Ngoài ra, khi Hoàng Đế gặp mặt các Quỷ Thần trên núi Thái Sơn, còn sáng tác ra khúc nhạc tên “Thanh Giác”, khúc nhạc này có khí thế hùng hồn, có thể “kinh động trời đất, quỷ thần phải khóc”, đây thực sự là bản nhạc trên Thiên giới, người phàm không thể nghe được. Hơn nữa, sau khi Hoàng Đế đánh bại Xi Vưu, để chúc mừng thắng lợi, ông đã sáng tác ra bản nhạc có khí thế phi phàm có tên “Cương cổ khúc”.
Theo chanhkien